05/07/2019
Ai cũng tham nhũng, trốn thuế như nhau. Nhưng nếu bạn
chống lại Putin, thì bạn rồi đời.
Đó là cách
nói của giáo sư Mark Galeotti, Đại học New York, Hoa Kỳ, khi mô
tả hiện tượng tham nhũng, trốn thuế và các gian lận tài chính như là công cụ để
Tổng thống Nga Vladimir Putin trừng phạt kẻ thù (và hỗ trợ “bè lũ”).
Chuyện này thực ra không chỉ xảy ra ở Nga.
Chân dung ông trùm dầu hỏa Khodorkovsky, người bị chính
quyền Nga bỏ tù vì tội trốn thuế. Ảnh: Oxana Onipko/AFP/Getty Images
Từ Nga…
“Đạo luật này là nhằm kiểm soát chính trị, không phải
kiểm soát pháp lý. Chúng tôi sẽ áp dụng nó một cách có chọn lọc, và chủ
quan”
Dmitry
Gorovtsov, Phó Chủ tịch Quốc hội Duma Nga đã quả quyết nói
như thế sau khi Duma chính thức thông qua một đạo luật cấm các quan chức Nga đầu
tư, sở hữu vào các nguồn tài sản ngoại quốc; cùng với đó thắt chặt kiểm soát
thuế khóa và rửa tiền. Một vấn đề đáng lẽ phải rất được hoan nghênh, lại trở
thành một chiêu bài quyền lực của Putin. Và có lẽ đang được bắt chước áp dụng tại
rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Tham nhũng, gian lận tài chính đã trở thành một phần
không thể thiếu của “Đế
chế Putin” tại Nga, khi mà tổng giao dịch của “thị trường” này đã
lên đến hơn 300 tỷ USD trong một nền kinh tế có tổng sản lượng chỉ tròm trèm
1.500 tỷ USD. Nga có thể đứng rất thấp trên
thế giới trong các nghiên cứu, thống kê về chỉ số tham nhũng và hối lộ (thấp
hơn cả Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Thế giới), nhưng các vụ đại
án phá đường dây trốn thuế, đường dây tham nhũng thì nhiều như nấm mọc sau mưa.
Vì đâu lại thế?
Việc gán tội danh trốn thuế để hạ bệ đối thủ chính
trị thật ra đã trở thành một đặc sản của thời đại cường quyền Putin ngay từ lúc
ông này vừa mới nhậm chức. Bắt đầu từ năm 2000, dàn lãnh đạo cấp cao của các
công ty lớn tại Nga cũng như các nhà tài phiệt Nga lọt ngay vào tầm ngắm của
Putin.
Những cái tên có thể kể đến bao gồm dàn lãnh đạo của Avtovaz,
nhà sản xuất xe ô-tô nổi tiếng tại quốc gia này (với chiếc Lada huyền thoại).
Trong những người bị truy tố có bao gồm ông Boris Berezovsky – nhà tài
phiệt có tầm ảnh hưởng nhất nước Nga thời điểm bấy giờ. Không chỉ dừng
lại ở đó, Lukoil – công ty dầu khí lớn nhất nước Nga sau khi Xô Viết
giải thể cũng không tránh được cuộc thanh trừng. Hay Norilsk Nickel, một công
ty chuyên sản xuất niken và các chế phẩm gang thép lừng danh cũng trở thành đối
tượng bị tấn công.
Năm 2003, Putin chính thức “thống nhất giang hồ” của
giới đầu sỏ cầm quyền (oligarchs) tại Nga bằng việc tống Mikhail
Khodorkovsky – giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu khí – công
nghệ hóa dầu danh tiếng Yukos – vào tù với tội danh trốn thuế, sau khi ông này
nhăm nhe đòi tham gia hoạt động chính trị và thách thức Putin trong cuộc bầu cử
tổng thống sắp diễn ra. Năm 2010, khi ông sắp sửa ra tù, chính quyền Putin tống
thêm cho ông các tội danh như lừa đảo và rửa tiền. Khodorkovsky hiện đang phải
tị nạn tại Vương quốc Anh.
Lời khẳng định chính trị rõ ràng và đanh thép: theo
Putin, hay là vào tù vì tội trốn thuế.
Song không chỉ các tay nhà giàu người Nga mới phải
lo sợ thanh gươm “trốn thuế” của Putin.
Cũng năm 2010, không để người chết yên, sau khi luật
sư thuế Sergei
Magnitsky – đồng thời cũng là một trong những nhà bất đồng
chính kiến có tiếng nói tại Nga – chết trong nhà tù Butyrka, Moscow, chính quyền
Kremlin chính thức kết tội Magnitsky hỗ trợ tư vấn cho một nhà đầu tư Mỹ né
tránh 230 triệu USD tiền thuế. Nhiều cáo buộc cho rằng Putin đã cho người đánh
đập Magnitsky, cố tình cách ly ông với gia đình bên ngoài và hạn chế chăm sóc sức
khỏe, từ đó dẫn đến cái chết của Magnitsky. Magnitsky sau này được đặt làm tên
cho Đạo luật chịu trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu – thường gọi tắt
là Magnitsky Act mà Luật khoa từng có cơ hội giới
thiệu với độc giả Việt Nam.
Putin và Tập Cận Bình trong tiệc rượu mừng ông Putin
“tái cử”. Ảnh: Newsnumber
…đến Trung Quốc
Tại Trung Quốc, ngôi sao hạng A Phạm Băng Băng trở
thành một trong những ví dụ khá điển hình cho việc Bắc Kinh gán tội danh trốn
thuế để dạy dỗ bất kỳ ai phải biết thân biết phận của mình, dù họ có tầm ảnh hưởng
đến chừng nào.
Theo phân
tích của The Verge, mặc dù rất nhiều diễn viên sử dụng loại hợp
đồng trắng – đen để né tránh thuế (yin – yang contract), hiện tượng Phạm Băng
Băng với một lượng fan khổng lồ và tư tưởng có phần không “lề thói” khiến cho
chính quyền không ưa mắt, và cô trở thành đối tượng thích hợp nhất để răn đe
làng giải trí Trung Hoa.
Phạm Băng Băng
trong một sự kiện điện ảnh. Ảnh: EPA-EFE
Sau một thời gian dài mất tích, Phạm Băng Băng xuất
hiện trở lại với những phát biểu không thể “tuyên giáo” hơn. Cô khẳng định:
“…Nếu không có công lao của đảng Cộng sản Trung Quốc, chắc chắn sẽ không
thể có Phạm Băng Băng thành đạt ngày hôm nay”.
Trật tự, có vẻ đã được lập lại.
Trong trường hợp của nghệ sĩ tài ba Ngải Vị Vị, ông
cũng từng bị cáo
buộc trốn thuế lên đến 2,4 triệu USD và công ty đại diện của
ông buộc phải chi trả mới được yên thân. Ngải Vị Vị không chỉ được biết đến vì
tài năng nghệ thuật của mình, mà còn được xem là một nhà hoạt động dân quyền với
quan điểm vị nhân sinh. Ông từng nói,
nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn phải là một nhà hoạt động; không thể tách biệt hai
khái niệm đó. Có lẽ đấy là lý do Ngải Vị Vị bị chính quyền Bắc Kinh ghét bỏ đến
vậy.
Từ đó đến nay, có vẻ không ít chính trị gia, doanh
nhân, luật sư, nhà hoạt động nhân quyền trên khắp thế giới đã và đang phải đối
mặt với tội danh trốn thuế, từ Pakistan, Iran đến Kazakhstan
hay cả Việt Nam.
Theo một số nhà quan sát, những vụ việc liên quan đến luật
sư Lê Quốc Quân hay như vụ vừa xảy ra đối với luật sư Trần Vũ Hải
cho thấy dường như nhà cầm quyền Việt Nam không ngần ngại trong việc sử dụng
các cáo buộc hình sự phi chính trị, miễn là đạt được mục tiêu kiểm soát chính
trị.
Vì sao lại được ưa chuộng?
Câu hỏi cần được quan tâm là vì sao trốn thuế lại được
trọng dụng như là một công cụ đàn áp trong khoảng thời gian trở lại đây?
Đáng tiếc là hiện nay chưa có một nghiên cứu khoa học
nào nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách trọn vẹn, cân nhắc cả số liệu thực tế
lẫn các lý thuyết khoa học chính trị đi kèm. Song điều đó không có nghĩa là
chúng ta không thể có những quan sát của riêng mình về nguồn gốc cũng như bản
chất của hiện tượng này.
Thứ nhất, theo người viết, chúng ta cần bàn về cách
mà tội danh trốn thuế được nâng tầm trở thành một công cụ hiệu quả tại Nga.
Trong những năm đầu thiên niên kỷ, lúc mà Putin vừa
nhậm chức và nền chính trị Nga vẫn còn là một mớ bòng bong do các nhà tài phiệt
thao túng, gán tội danh trốn thuế cho đối thủ là một nước cờ hoàn hảo. Đầu tiên
là những tay “tư sản” này thật sự ăn trên ngồi trốc nhờ vào việc Liên Xô tan rã
trong một thời gian khá dài; và tất cả bọn họ đều có can dự vào các hoạt động
tài chính bất chính. Thêm vào đó, dùng danh nghĩa thanh tẩy hệ thống chính trị
và trừng phạt những kẻ hưởng lợi trong nền kinh tế nhưng không đóng góp gì cho
quốc dân sẽ ghi điểm lớn trong lòng dân chúng. Dần dà, việc sử dụng tội danh
này trở thành thói quen của Putin, và hiệu quả của nó thì vô cùng đáng “ngưỡng
mộ”.
Thứ hai, chúng ta cần nhớ sự phức tạp của luật thuế
tại hầu hết các quốc gia. Đừng bao giờ nghĩ rằng muốn đóng thuế là đơn giản.
Được cho một chiếc xe máy nhưng không khai
báo?
Trúng thưởng chưa giải trình?
Mua hàng nhưng từ chối hóa đơn vì giá đó rẻ hơn?
Khai báo thiếu nguồn thu nhập không thường xuyên từ
việc bán lại một chiếc laptop hay làm thêm tại nhà?
Không định giá đất bán đúng “giá thị trường”?
Tất cả đều tiềm
ẩn những rủi ro hình sự – hành chính về thuế cá nhân. Nhắm vào
một thứ lỗi mà bất kỳ công dân nào đều có thể mắc phải và sử dụng nó làm bàn đạp
xử lý nguội những công dân gây rối sẽ khiến công việc đàn áp chính trị đơn giản
hơn rất nhiều.
Cuối cùng, chúng ta cũng có thể nhắc đến tính đạo đức
của nghĩa vụ thuế.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà bất bình đẳng
thu nhập ngày càng tăng cao, nghĩa vụ đóng thuế trở thành một thước đo quan trọng
cho đạo đức của một người thành công. Chậm trễ trong việc đóng thuế, trốn thuế
là lời cáo buộc khá nặng nề dành cho sự nghiệp của một người, ám chỉ rằng người
đó là một kẻ ăn bám (free-rider), lợi dụng hệ thống cơ sở hạ tầng và thị trường
xã hội của một cộng đồng để làm giàu song lại không đóng góp gì trở lại cho cộng
đồng đó.
Nếu chiến thuật được áp dụng một cách thuần thục và
đúng cách, vị thế đạo đức chính trị của họ gần như sẽ mất trắng, vì anh làm sao
xứng đáng để bàn về bất kỳ vấn đề chính trị nào khi anh luôn tìm cách né tránh
đóng góp và hỗ trợ xây dựng cộng đồng mà anh đang sống?
Sẽ còn quá sớm để nói rằng ai đúng ai sai trong những
cáo buộc trốn thuế. Đôi khi, hành vi trốn thuế thật sự có tồn tại. Tuy nhiên, với
tư duy áp dụng một cách có chọn lọc và chủ quan để đàn áp chính trị như lời của
vị phó Chủ tịch Duma ở đầu bài thì rõ ràng không thể chấp nhận được.
No comments:
Post a Comment