Saturday, 6 July 2019

THỬ TÌM HIỂU VỀ SỰ DỐI TRÁ CỦA DONALD TRUMP (Hoàng Thủy Ngữ)




Hoàng Thủy Ngữ
05/07/2019

Gần đến dịp kỷ nhiệm một năm ngày nhậm chức tổng thống, ông Trump thông báo sẽ tổ chức một cuộc bình chọn “tin tức giả tệ hại nhất trong năm” về những tin đã đụng chạm đến cá nhân ông. “Giải thưởng tin tức giả” này được quảng bá rầm rộ trên tất cả các phương tiện truyền thông. Người ta chỉ cần bấm chuột bình chọn ai là kẻ thù chính của Trump. Nội dung trong e-post Trump gửi cho người Mỹ như sau: “I want YOU – the AMERICAN PEOPLE – to crown the KING OF FAKE NEWS of 2017”. Nghĩa là: Tôi muốn các bạn – người dân Mỹ – trao vương miện cho Vua Tin Giả năm 2017.

Trump đưa ra một danh sách liệt kê 11 “tin tức giả”, đặc biệt độc hại. Đầu tiên là một bài bình luận của Paul Krugman, là người được giải Nobel kinh tế năm 2008, đăng trên báo New York Times. Ông này dự đoán kinh tế sẽ xuống dốc trong thời gian Trump cầm quyền. Tiếp theo là các bài đăng trên báo ABC News, CNN, Washington Post v.v… Hầu hết đều đề cập đến sự liên hệ giữa các cộng tác viên của Trump với Nga trong chiến dịch bầu cử.

Có thể nói, danh sách này dù với mục đích để bảo vệ Trump, nhưng danh sách này chứng tỏ sự yếu kém trong việc chọn lọc thông tin báo chí, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai. Nó không thể dùng để cáo buộc đó là những tin tức giả. Định nghĩa thường được dùng nhất cho “fake news” là các sự kiện không có thật nhưng lại cố tình bịa ra để lừa dối vì tư lợi hay để thay đổi niềm tin của người khác.

Báo chí luôn là một vấn đề đối với các nhà cầm quyền nhưng nếu nhà báo có những quan điểm làm tổng thống hay độc giả không thích thì cũng không phải là “fake news”. Bằng cách liên tục lạm dụng thuật ngữ, gọi tất cả các chỉ trích là tin tức giả, Trump đã thay đổi toàn bộ ý nghĩa của nó. Mục đích chính của ông là chôn vùi sự nghiêm túc và vai trò quan trọng của báo chí. Trump sử dụng thuật ngữ “fake news” để tấn công các phương tiện truyền thông, những sự kiện hay quan điểm gây bất lợi cho ông, bất kể đúng hay sai. Việc làm này đã tạo ra sự hiểu lầm và hoài nghi đối với báo chí và đã phá vỡ sự khác biệt quan trọng giữa đúng sai hay thật giả.

Điểm khác biệt chính giữa truyền thông và Trump là trách nhiệm và hậu quả do sai lầm trong công việc. Ba nhân viên của CNN đã phải từ chức vì đã đưa tin sai về chuyện cựu giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci của Trump gặp một nhà đầu tư Nga ngay trước khi Trump nhậm chức và chính quyền Mỹ đang điều tra là một ví dụ điển hình. CNN đã phạm một sai lầm nghiêm trọng trong năm 2017 và đã nhận trách nhiệm.

Đây là điểm tương phản rõ nhất khi so sánh chuyện này với những tuyên bố sai lệch và những dối trá của Trump. CNN cũng như hầu hết chúng ta đều phải nhận lãnh hậu quả nào đó khi đã phạm sai lầm. Nhưng đó không phải là trường hợp của Trump. Chiến lược của ông ta là cứ nói dối thật nhiều, mỗi lúc mỗi khác, chồng lấp lên nhau để đánh lạc hướng sự chú ý, rồi những lời nói dối trước bị lãng quên. Hậu quả là chúng ta bị rơi vào tình trạng rất nghiêm trọng: lời nói dối mất đi ý nghĩa là lời nói dối và sự thật mất đi sức mạnh là sự thật.

Sau cuộc bình chọn, cảm nhận về sự thật giữa những người thích các tờ báo như New York Times, The Washington Post hay CNN và những khán giả bảo thủ của Fox News rất khác nhau. Tuy nhiên cả hai đều nhận ra một điểm chính: Các phương tiện truyền thông chính thống không còn đáng tin cậy. Tin tức giờ đây, dù tích cực hay tiêu cực, đều tập trung nói về Trump. Việc Trump làm với cuộc bình chọn không chỉ để lạm dụng khái niệm “fake news” mà còn cố gắng làm đảo lộn sự thật, lộng giả thành chân và với tư cách tổng thống, tiếp tục làm suy yếu giá trị của việc truy tìm sự thật.

Cố thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain từng yêu cầu tổng thống ngừng tấn công báo chí. Ông McCain viết trên báo Washington Post: “Thuật ngữ ‘fake news’ do một tổng thống Mỹ hợp pháp hóa được các nhà độc tài sử dụng để buộc báo chí phải im lặng, làm suy yếu các đối thủ chính trị, tránh né sự giám sát của truyền thông và gây hiểu lầm trong dân chúng”.

Thật ra, Trump không gây chiến với truyền thông, mà ông ta lợi dụng nó để quảng cáo cho mình. Chính Trump đã từng tuyên bố trên Fox News hồi tháng 3/2017:  “Không có Twitter, tôi không có mặt ở đây… Tôi tạo ra truyền thông cho riêng tôi”. Ông đang tiến hành cuộc chiến chống sự thật, một cuộc chiến với mục đích làm mất uy tín những người đang làm việc tường trình những gì xảy ra trong thực tế. Ông chỉ cần ném ra tiền đề, không cần biết đúng sai, rồi cả thế giới chạy theo bàn tán. Một cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Rốt cuộc, người ta mất cái nhìn về tổng thể bức tranh.

Chúng ta không lạ gì với những vụ bê bối trong tòa Bạch Ốc trước kia, nhưng việc một tổng thống kịch liệt chống lại thể chế dân chủ là vô cùng nguy hại. Vì vậy, truyền thông Mỹ phản ứng mạnh là điều tất nhiên. Nhưng thật trớ trêu, đây lại là điều Trump muốn vì nằm trong khả năng ứng xử của mình. Trump úp sấp, lật ngửa những khái niệm quen thuộc, khích động cử tri và cuối cùng ông ta là tâm điểm và luôn có vai trò lãnh đạo. Trump chọc giận các đối thủ và huy động sự hỗ trợ của những người ủng hộ mình. Bản thân ông ta đứng vững trong cơn bão và tận hưởng khoái lạc chiến thắng.

Trump biết rằng những cuộc cãi vã bất tận trên các phương tiện truyền thông về đúng sai, hay thật giả, về việc vi phạm các tiêu chuẩn và những câu tweet gây sốc, chủ yếu mang lại lợi ích cho một người: Chính ông ta! Một lần nữa, Trump là trung tâm. Ông ta đào sâu thêm sự phân cực đã có từ lâu trong lịch sử nước Mỹ, khai thác nỗi lo sợ của người Mỹ về vấn đề chủng tộc, kinh tế và đảng Dân Chủ. Khoảng 30% người Mỹ, đa số là người da trắng Tin Lành, ủng hộ Trump tuyệt đối. Đối với họ, Trump đại diện cho giá trị Mỹ. Trump là “người duy nhất có thể cứu nước Mỹ”. Trump là người “dám nói dám làm”. Tin vào Trump, người ta khỏi phải suy nghĩ, cân nhắc việc ủng hộ hay chống đối, tìm hiểu sự kiện và đánh giá thực tế, phân biệt tin tức thật giả hay quan điểm đúng sai nữa.

Khi các khái niệm bị đảo lộn như cách Trump thường làm với “fake news” và khi thông tin tràn ngập, gây hoang mang, lầm lẫn nhiều hơn rõ ràng, thì không có gì lạ nếu có nhiều người tin tưởng một nhà lãnh đạo. Sự tin tưởng càng củng cố mạnh mẽ khi người này nói ra những điều phù hợp với định kiến của họ.

Trump đã hiện đại hóa phương thức mị dân của các nhà độc tài cổ điển và đã thành công, ít ra cho đến bây giờ, khi truyền thông, báo chí, phe đối lập hay quốc hội Mỹ (kể cả một số nghị sĩ của đảng Cộng Hòa không hài lòng Trump) vẫn chưa tìm ra được cách đối phó tốt nhất. Hội thoại chính trị chấm dứt dưới thời Trump.

TS tâm lý xã hội học Bella DePaulo, ĐH Harvard, đã từng viết trên báo Washington Post với tựa đề: “Tôi nghiên cứu về những người nói dối. Tôi chưa từng thấy một người như Donald Trump“.






No comments:

Post a Comment

View My Stats