Ngô Nhân Dụng
July 9, 2019
Đầu Tháng Năm, 2019, Tổng Thống Donald Trump “tuýt”
một thông điệp dọa tăng thêm thuế quan trên $200 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc,
sau cú đánh $50 tỷ từ trước. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ Thượng Hải
đến Thẩm Quyến tụt xuống, tổng cộng mất $487 tỷ; nhưng báo đài loan tin không
nói nguyên nhân mất giá phát xuất từ Tòa Bạch Ốc. Những trao đổi trên mạng xã hội
nhắc đến lời đe dọa của ông Trump đều bị cắt bỏ.
Theo mạng
WeChatScope do Đại Học Hồng Kông lập ra, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất
trên diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ.” Trong hình, người
dân Hồng Kông cầm biểu ngữ phản đối Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm Chủ
Nhật, 7 Tháng Bảy, 2019. Cả tháng qua, người dân Hồng Kông liên tục xuống đường
phản kháng Trung Quốc đại lục mà không thấy có dấu hiệu giảm. (Hình: AP
Photo/Kin Cheung)
Chỉ có một mạng thông tin ở Bắc Kinh có phản ứng. Đó
là mạng Taoran Notes, trên diễn đàn WeChat, cũng giống như Twitter ở Mã. WeChat
tên tiếng Trung Hoa là “Vi Tín” (tin tức nhỏ), do công ty Tencent (Đằng Tấn) lập
ra năm 2011. Trên nguyên tắc, Taoran là mạng WeChat thuộc nhật báo kinh tế ở Bắc
Kinh.
Mạng Taoran kịch liệt đả kích ông Trump trong một
bài dài 1,500 chữ, với tựa đề “Nếu không thành khẩn thì không cần đến thương
thuyết, không có điều gì cần thương thuyết cả!” Taoran cảnh cáo ông tổng thống
Mỹ đừng mong Trung Quốc sẽ nhượng bộ mà sẽ gánh lấy hậu quả đau đớn. Bài báo
lên giọng: “Trong chiến tranh mậu dịch không có kẻ thắng! Người nào không nhìn
thấy sự thật này sau một năm đấu đá, hắn được dạy một bài học, dạy đi dạy lại,
cho đến khi hắn nhận ra!”
Ngày hôm sau, lời đe dọa của ông Trump được loan tải
vắn tắt trên một số ít báo, đài, nhưng đều dùng lời lẽ ôn hòa. Chỉ có nhật báo
Nhân Dân (Bắc Kinh) đăng lại bài bình luận của Taoran trên mục WeChat của họ. Tờ
báo tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản hiếm làm như vậy.
Mạng Taoran Notes là cái gì hay là ai, ở đâu ra?
Taoran ra đời năm 2015, lúc đầu bàn về đủ mọi chuyện,
nhưng từ Tháng Mười, 2018, trang mạng này chuyên nói đến cuộc “chiến tranh mậu
dịch” Trung-Mỹ, sau khi ông Trump tuyên chiến.
Nhiều người đoán rằng Taoran do giới lãnh đạo cao cấp
trong đảng Cộng Sản tạo ra để nói những điều mà họ chưa muốn nói trên các diễn
chính thức. Vì không ai được phép nói những quan điểm chính sách một cách mạnh
mẽ như thế. Mạng này chắc chắn có “tay trong” nên viết những điều “báo trước”
các quyết định từ chóp bu trong đảng. Có lúc dư luận đều nghĩ tình hình thương
thuyết Mỹ-Trung rất dễ thỏa thuận, Taoran lại đoán sắp bế tắc; quả nhiên hai
ngày sau cuộc nói chuyện bị đứt đoạn.
Taoran kể ra các chi tiết mà người ngoài không ai biết.
Tháng Ba năm nay, Taoran tiết lộ rằng trong cuộc họp bàn giữa phái đoàn thương
thuyết Mỹ-Trung, hai bên đã cãi nhau hơn hai tiếng đồng hồ chỉ vì một chữ trong
một bản thảo; ngày hôm sau các báo đài của đảng đăng lại câu chuyện này.
Taoran là một khí cụ thông tin tuyên truyền của Cộng
Sản Trung Quốc; nhưng chỉ được dùng để chuẩn bị dư luận trong nước Tàu. Những ý
kiến do Taoran nêu ra sau đó được các báo đài toàn quốc lập lại, thay đổi cách
nói nhưng không thêm không bớt. Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng cung cấp tin
tức và nhào nặn tình tự cho hơn một tỷ người Trung Hoa. Nhưng không gây được
chút ảnh hưởng nào trong dư luận thế giới.
Giới lãnh đạo Trung Cộng hầu như không quan tâm đến
dư luận thế giới. Trong khi Tổng Thống Trump “tuýt” hơn 100 lần công kích các lạm
dụng kinh tế và thương mại của Trung Cộng, được báo, đài Mỹ và các nước khác
loan tải, thì ông Tập Cận Bình không mấy khi nói một lời. Mà khi mở miệng bàn đến
chuyện này thì ông ta lại nói rất nhẹ nhàng, nhiều khi bóng bẩy.
Vì vậy, trong cuộc chiến tuyên truyền, Trump đang lấn
áp Tập. Trong hai năm qua dân chúng Mỹ càng ngày càng thêm ác cảm với Trung Cộng.
Trong Quốc Hội, phe Dân Chủ xưa nay vẫn chống tự do thương mại còn thúc đẩy Tổng
Thống Trump mạnh tay hơn, trong khi đảng Cộng Hòa vốn cổ động mậu dịch tự do
cũng phải rụt rè ủng hộ ông tổng thống cùng đảng. Ngoài nước Mỹ, người ta cũng
chỉ được nghe những bằng cớ và lý luận của nước Mỹ, không ai nghe tiếng nói nào
của nước Tàu.
Một giáo sư kinh tế học nổi tiếng, ông Dư Vĩnh Định
(余永定, Yu Yongding) mới
nói trong một bài thuyết trình ở Đại Học Nhân Dân, Bắc Kinh, đã kết luận:
“Trung Quốc đang thua trên mặt trận tuyên truyền!” Ông hỏi: “Tại sao các công
ty Trung Quốc bị tố cáo là cưỡng đoạt hoặc ăn cắp kỹ thuật của Mỹ không đứng ra
cải chính, trưng ra các bằng cớ, để tự bênh vực?” Cứ im lặng như vậy, người từng
làm cố vấn Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thấy rằng có những việc người Trung
Quốc làm có lý nhưng cả thế giới lại thấy là phi lý, mà không người Tàu nào tự
đứng ra cãi lại!
Các công ty Trung Quốc không biết tự bênh vực lấy
mình, vì đảng Cộng Sản không bảo họ làm thì họ không làm! Đó là sự thật. Vì guồng
máy tuyên truyền của đảng bao thầu hết, như thói quen của họ từ 70 năm qua. Cho
nên dư luận quốc tế chỉ được nghe nước Mỹ kể chuyện và đưa ra các lý lẽ của Mỹ.
Sở trường của các Cộng Sản là bạo lực và tuyên truyền.
Cộng Sản Trung Quốc nắm trong tay một guồng máy tuyên truyền mạnh nhất thế giới,
trong số lượng người cũng như trong khả năng kỹ thuật tính bằng số mega-bites.
Trung Cộng làm chủ dư luận trong nước Tàu, dân chúng khóc, cười theo nhịp và cường
độ của Ban Tuyên Giáo. Nhưng từ khi trận đấu mậu dịch bắt đầu, họ thua Mỹ hoàn
toàn trong dư luận thế giới.
Một lý do là những người phụ trách tuyên truyền của
họ không hiểu tâm lý các cử tọa bên ngoài nước Tàu, nhất là người Tây phương.
Vì lối huấn luyện người vẫn nặng mặt nhồi sọ, các cán bộ tuyên truyền không có
tập quán và khả năng tìm hiểu người khác với các quan điểm khác mình. Bộ não của
họ đã bị bịt kín.
Hơn nữa, họ lại không có sáng kiến để đáp ứng với
các trạng huống mới lạ, nằm ngoài cách nhìn thiển cận, một chiều mà đảng dạy
cho. Thiếu sáng kiến là hậu quả của lề lối làm việc hằng ngày của họ, vì lúc
nào cũng bị kiểm soát, lo lắng không biết mình có “sai đường lối” hay không. Mỗi
ngày phải tự kiểm điểm, cố tránh những đề tài bị cấm đoán, soi kỹ từng sự kiện
cho đến từng chữ đem dùng.
Ngay trên Internet, theo mạng WeChatScope do Đại Học
Hồng Kông lập ra để theo dõi, liêt kê và đếm các ý kiến, các bài cho đến các chữ
hay bị kiểm duyệt trong lục địa, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất trên
diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ.”
Ngoài các nguyên nhân chủ quan trên, một yếu tố mà
guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng không thể làm gì để thay đổi được là lòng
tin. Người ngoại quốc, từ giới trí thức, ngành truyền thông, cho đến các nhà
kinh doanh rồi lan ra đến người dân bình thường, thường không tin tưởng vào giới
lãnh đạo Trung Cộng.
Người ta đã có kinh nghiệm, cái gì từ Bắc Kinh phát
ra thường không đúng sự thật. Ông Tổng Thống Trump có thể đã bị nhiều người
nghi ngờ không quan tâm đến sự thật, nhưng đối với những điều giới lãnh đạo
Trung Cộng nói ra thì người ta không nghi ngờ gì cả: Toàn là lời nói dối! Những
thí dụ cụ thể ai cũng biết: Các sự kiện và lập luận được Bắc Kinh đưa ra liên
quan đến Tây Tạng, đến người Uyghurs ở Tân Cương và nhất là những điều gian dối
về Đường Lưỡi Bò trong Biển Đông nước ta.
Báo đài Trung Cộng lại quen thói nói nhiều giọng điệu
khác nhau, tùy theo họ nhắm vào thính chúng nào. Cho dân trong lục địa nghe,
cho người Trung Hoa ở bên ngoài, hay cho công chúng các nước khác, mỗi mục tiêu
được cung cấp các lời lẽ khác nhau. Tờ Nhân Dân Nhật Báo viết về cùng một tin
hay cùng một quan điểm nhưng bản chữ Anh khác với bản chữ Hán. Đối với dân
trong nước, họ kích thích tự ái dân tộc một cách lộ liễu, nhiều khi thô bạo.
Còn với bên ngoài thì phô bày bộ mặt hòa hoãn mặc dù rất kiên quyết. Người ta
không biết nên tin vào đâu.
Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng khác hẳn với lối
làm việc của mạng lưới truyền thông trong thế giới tự do. Ở Mỹ, người ta được dọc
đủ mọi thứ ý kiến, từ các bản tuýt của Tổng Thống Trump cho tới những lời can
ngăn ông hay thúc đẩy ông mạnh tay hơn. Đặc tính minh bạch, công khai và đa dạng
này không có trong nước Tàu. Trước khi một nhà báo Trung Quốc “mở miệng” người
ta đã biết họ không có ý kiến nào cả, họ chỉ nhắc lại theo chỉ thị từ trên ban
xuống. Vì vậy, không ai có thể tin vào những điều từ Bắc Kinh nói ra, nhất là họ
hay nói lấy được, không đưa ra các bằng cớ đáng tin cậy.
Vì vậy, từ Tháng Năm vừa rồi, sau khi báo Nhân Dân
(Bắc Kinh) đăng lại cả bài bình luận của mạng Taoran, và viết thêm bao nhiêu
bài theo cùng giọng điệu đó, cả thế giới không ai để ý tới quan điểm của Cộng Sản
Trung Quốc về cuộc chiến mậu dịch đang làm điên đảo các thị trường chứng khoán.
Người ta chỉ theo dõi Taoran để “đọc giữa các hàng
chữ” coi ông Tập Cận Bình đang tính toán gì.
Nhưng đoán được hậu ý của người phương Đông, nhất là
người Trung Hoa rất khó. Đó là cả một nghệ thuật. Phóng viên Bloomberg viết đến
tên Taoran đã đoán rằng cái tên này chắc liên hệ tới một công viên ở Bắc Kinh,
tên là Taoranting. Nhưng người Trung Hoa có họ thì biết người đặt tên mạng xã hội
này đã dùng tới thơ Bạch Cư Dị (772-846), một thi sĩ cuối đời Đường.
Hai chữ Taoran (Đào Nhiên, 陶然) rất văn chương, mô tả một
thái độ ung dung thư thái. Câu thơ Bạch Cư Dị viết: Cánh đãi cúc hoàng gia nhưỡng
thục – Dữ quân nhất túy nhất đào nhiên (更待菊黄家酿熟-与君一醉一陶然). Nghĩa là
“Hãy đợi đến mùa hoa cúc vàng và rượu ấp đủ nồng – Cùng anh sẽ uống một cơn say
sỉn và một cuộc sống thong dong.”
Người nước ngoài thấy những lời khiêu khích trong mạng
Taoran có vẻ “say xỉn, nhất túy” chứ chẳng thấy thong dong chút nào. Người ta
chỉ thấy một thái độ hằn học, cay cú, thêm chút ngạo mạn khi Taoran dọa có ngày
Donald Trump sẽ được dạy cho một bài học và lãnh hậu quả đau đớn!
Đối với thế giới bên ngoài, Trung Cộng vẫn là hình ảnh
một chế độ gian dối, lợi dụng tất cả mọi người, và hung hăng hiếu chiến.
Donald Trump thắng Tập Cận Bình trên mặt trận tuyên
truyền quốc tế. (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment