Wednesday, 17 July 2019

TẠI SAO BAN TUYÊN GIÁO CẤM ĐƯA VỀ TƯ CHÍNH? (Nguyễn Hoàng)




Thứ Tư, 07/17/2019 - 10:50 — NguyenHoang

Vừa qua, một số Tổng biên tập phải đôn đốc các phóng viên trong nhiều toà soạn “nặn ra” những bài viết, kiểu như “Thương lắm, Trường Sa ơi…” hay những tuỳ bút “sến” giống các phóng sự trên VTV1. Dường như có sự cắn rứt lương tâm. Biển đảo nổi sóng là thế mà phải “khoá miệng”. Và Tư Chính vẫn là từ “huý” không được nhắc đến, vì Ban Tuyên giáo Trung ương chưa cho phép.

Vị trí Bãi Tư Chính

Không được nhắc đến, nhưng hầu như phần lớn giới truyền thông trong nước đều biết điều gì vừa xẩy ra trên “bồn trũng” Tư Chính – Vũng Mây vào thượng tuần tháng 7. Những ai quan tâm tới thời cuộc đều lùng sục trên các trang mạng quốc tế, từ BBC đến RFA, từ VOA đến RFI để tìm hiểu sự thật, nhất là từ các bình luận của những bỉnh bút có tên tuổi.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những não trạng đáng ngờ. Đến giờ này rồi mà vẫn ngồi rung đùi, cho là mọi chuyện ngoài đảo xa kia vẫn hết sức yên ổn (?!) Một tổng thư ký toà soạn (từ một tờ báo có tên tuổi ở Sài Gòn) viết trên FB của mình: “Chuyện lực lượng hải quân bị uy hiếp chỉ là fake news. Tin nhắn hàng giờ từ DK1 vào điện thoại: ‘Anh em OK, DK1 vẫn OK! Xin gửi lời chào đất liền!’…”

Trên thực tế, cuộc ghìm nhau giữa các tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam trong những tuần qua là căng thẳng có thật, chứ không phải chỉ là chuyện “nghe hơi nồi chỏ” kiểu Hồng Kông. Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm, từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD-981 vào gần khu vực quần đảo Hoàng Sa, tàu chấp pháp của hai nước, có trang bị vũ khí hạng nặng, đã đối đầu nhau liên tục nhiều ngày, ngay trong vùng biển của Việt Nam.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, động thái này nhằm dằn mặt đối với Việt Nam đang muốn “giãn Trung” và “cận Mỹ”; đồng thời đây cũng là cách Trung Quốc “được đằng chân lân đằng đầu”, làm tới để đòi thêm chủ quyền ngay tại vùng thềm lục địa của Việt Nam. Hai năm trước (2017 và 2018) Việt Nam đã “cài số lùi”, với 2019 này Bắc Kinh nghĩ Hà Nội không thể hành xử ngoại lệ.

Thông thường, có thể có những vấn đề về chính trị thượng tầng không thể công bố rộng rãi, nhưng những gì xẩy ra trong phần lãnh hải của mình thì người dân có quyền được thông tin từ chính nhà nước. “Điều gì khiến báo chí trong nước buộc phải im lặng với những diễn biến trong lãnh hải của Việt Nam?” Có nhà báo tự do đã đặt vấn đề như vậy.

Lý do đầu tiên, và có thể đấy là lý do bao trùm. Nội tình cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hiện đều đang trong giai đoạn cần được làm ra vẻ ổn định, ít nhất là bề nổi. Ngoài cuộc thương chiến với Mỹ, Tập Cận Bình đang “đau đầu” về cuộc khủng hoảng tại Hồng Kông, còn Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh lý do sức khoẻ, còn lo giải quyết vấn đề nội bộ đang hỗn chiến trong cuộc đấu đá quyền lực.

Lý do thứ hai, đối đầu giữa tàu hải cảnh Trung Quốc với tàu cảnh sát biển Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có chuyến thăm Bắc Kinh của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Theo nguồn tin có thẩm quyền, chính Trung Quốc đã gấp rút “mời” bà Ngân sang để “dàn xếp nội bộ” vụ tranh chấp mà không tiết lộ ra với bên ngoài, khiến các “lực lượng thù địch” có thể làm ảnh hưởng đến “đại cục” giữa hai đảng và hai nước.

Lý do thứ ba, hoàn toàn có thể đoán được, nếu cho đưa tin “thả dàn” tình hình căng thẳng kéo dài suốt cả mấy tuần lễ như vậy, rất có thể sẽ gây ra những làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ ở Việt Nam, giống như hoặc thậm chí còn cao hơn hồi năm 2014, khi giàn khoan dầu HD-981 được cắm sâu trong khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Lý do thứ tư, sự câm lặng đáng ngờ của báo chí trong nước không khỏi khiến dư luận đặt nghi vấn (tuy khả năng này không cao) là, Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo CSVN phải chờ “sự phối hợp” với Trung Quốc về mức độ lên tiếng về vụ đối đầu vừa qua tại bãi Tư Chính. Và đến khi phối hợp xong, báo chí nhà nước buộc phải “phục tùng” xem như vụ việc này chưa từng diễn ra.

Cho dù tất cả có thể chỉ là giả định, nhưng tại sao vốn đang cần yên ổn trong nội bộ mỗi nước và trong bang giao song phương mà Bắc Kinh lại “sắp đặt” ra một xi-căng-đan kiểu HD-981 như thế để làm phép thử với Hà Nội? Muốn trả lời câu hỏi này, cần nhìn lại cái não trạng “chủ nghĩa thực dân mới” kiểu Tàu (từ của chính Thủ tướng Malaysia Mahathir từng dùng).

Nhớ lại hồi tháng 7 năm 2014, phiên bản tiếng Anh từ tờ báo của ĐCSTQ Trung Quốc mô tả chuyến thăm Hà Nội của uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sau vụ HD-981 như là món quà từ Trung Quốc, đem tới cho Việt Nam thêm cơ hội nữa để “tự kiềm chế mình trước khi quá muộn”. Về mục đích chuyến thăm Việt Nam lần ấy, Dương Khiết Trì còn cho biết đã thúc giục “đứa con hoang đàng trở về nhà”./.







No comments:

Post a Comment

View My Stats