Ngô Nhân Dụng
July 5, 2019
Hồi này ông Trump luôn “hục hặc” với đồng đô la Mỹ!
Nó lên cao, lên hoài, làm ông Trump khó chịu! Tổng thống Mỹ mới nói phải tìm
cách hạ thấp giá trị đồng đô la để chống lại hành động “thao túng ngoại hối” của
các nước khác. Nếu “chúng chơi xấu” tại sao mình phải “chơi sạch” làm gì?
Nhưng ông Trump khó làm cho đồng đô la Mỹ xuống giá.
Mặc dù các nước khác có thể “chơi xấu” nhưng nước Mỹ
khó bắt chước. Vì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (gọi tắt là Fed) độc lập với chính phủ.
Họ lo bảo vệ giá trị đồng tiền không để cho lạm phát xói mòn. Họ cũng lo sao
cho kinh tế chạy đều, không suy thoái. Họ không thể “chơi xấu.”
Người ta làm giá trị đồng tiền nước họ xuống thấp bằng
cách nào? Cách đơn giản nhất là hạ lãi suất trong nước mình. Nhiều người sẽ đem
tiền nước lãi suất thấp đổi lấy, tức là mua, đồng tiền nước nào lãi suất cao
hơn, cho vay kiếm lời nhiều hơn. Thế là đồng tiền bị đem bán sẽ mất giá. Nhưng
làm trò này gây nhiều ảnh hưởng phức tạp khó tiên đoán, cái lợi của đồng tiền
thấp chưa chắc bù lại với những cái hại khác có thể gây nên. Cho nên phải tìm
cách khác, là chơi xấu!
Thí dụ, Ngân Hàng Trung Ương Trung Cộng tìm cách
nâng giá đô la Mỹ, họ có thể in thêm đồng nguyên, tiền của họ, để ào ạt mua đô
la Mỹ trong thị trường. Trong thị trường, bất cứ món nào nhiều người mua quá
thì sẽ lên giá. Cứ như vậy, Trung Cộng có thể nâng giá đồng đô la, hạ thấp giá
trị đồng nguyên xuống.
Hạ giá đồng tiền của mình thì có ích lợi gì?
Hiệu quả trước mắt là làm cho hàng xuất cảng bán với
giá rẻ hơn. Thí dụ, hối suất đang là 6 đồng nguyên đổi được một đô la; giờ làm
sao cho đồng nguyên mất giá, phải đổi 7 nguyên được một đô la. Trước đây, một
món hàng bán ra 6 nguyên, trả một đô la mua thì đúng giá. Sau khi xuống giá,
sáu đồng nguyên chỉ còn giá trị 86 cent Mỹ.
Thí dụ có một món hàng bán với giá $1, một đô la, dù
làm ở Mỹ hay ở bên Tàu cũng bán cùng một đô la. Nhà nhập cảng ở Mỹ trả người Trung
Quốc giá 6 nguyên. Bây giờ đồng nguyên xuống giá, người Tàu xuất cảng vẫn thu 6
nguyên, nhưng chỉ cần bán với giá 86 xu (cent) Mỹ cũng đủ rồi. Món hàng nhập cảng
từ bên Tàu làm tự nhiên rẻ hơn (bớt 14%), trong khi cùng món đó mà làm ở Mỹ thì
vẫn phải bán giá một đô la mới sống được!
Ngược lại, một món hàng Mỹ giá một đô la xuất cảng
sang Trung Quốc, trước đây người Tàu chỉ cần trả 6 đồng nguyên, nay phải trả bảy
đồng, họ sẽ mua ít hơn.
Đó là trò Bắc Kinh “thao túng hối suất” để cạnh
tranh giá cả. Việc chơi xấu này có lợi cho nước Tàu trên khắp thế giới. Vì các
nước khi xuất nhập cảng đều dùng đồng đô la Mỹ để thanh toán với nhau, cho nên
món hàng từ một đô la giảm xuống 86 xu sẽ bán giá rẻ hơn, ở bất cứ nước nào.
Không cần phải thao túng hối suất một cách lộ liễu
như trên mới làm cho đồng đô la lên giá. Có khi chỉ cần một câu nói. Tháng trước,
ông chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu chỉ tuyên bố một câu thôi, cũng có
tác dụng. Ông Mario Draghi nói rằng nếu kinh tế Châu Âu chậm lụt thì ông sẽ cho
tiền lưu thông nhiều hơn, bằng cách đem đồng Euro mua trái phiếu trong thị trường
để kích thích tiêu thụ và đầu tư. Khi nhiều đồng Euro quá, tất nhiên giá trị nó
sẽ giảm.
Ngay sau khi ông Draghi tuyên bố, giá Euro đã xuống
liền, tức là giá đô la Mỹ lên cao. Từ đầu năm 2018 đến giờ đồng Euro đã tụt giá
10 phần trăm so với đô la Mỹ. Bữa đó ông Donald Trump đã lên tiếng ngay lập tức,
đả kích ông Draghi “chơi xấu.” Nhân dịp, ông Trump lại chỉ trích ông Jerome
Powell, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, đã không hạ thấp lãi suất như ông
Trump kêu gọi! Ông Powell lờ đi như mọi lần, coi như không nghe thấy. Khi ông
Trump hỏi ý kiến người chung quanh có cách nào sa thải ông Powell, do chính ông
bổ nhiệm, đồng đô la Mỹ xuống giá ngay; mặc dù sau đó nó lại lên vì thiên hạ biết
ai cũng can ông Trump không nên làm.
Ông Trump thúc giục ông Powell hạ lãi suất bao nhiêu
lần, một lý do là ông muốn hạ giá trị đồng đô la xuống cho hàng Mỹ xuất cảng dễ
bán hơn. Vì khi đồng tiền nước nào xuống giá thì hàng hóa bán ra ngoài sẽ rẻ
hơn. Nhưng xuất cảng chỉ là một cách kiếm ra tiền. Nếu xuất cảng không tăng mà
người ta vẫn đem thêm nhiều tiền vào thì có thể lại ích lợi hơn, vì đồng tiền đầu
tư mới sẽ giữ cho kinh tế tiếp tục tăng trưởng!
Nhưng dù sao ông Trump cũng khó làm cho đồng đô la Mỹ
xuống giá.
Thứ nhất, lãi suất ở các nước kinh tế lớn khác vẫn
thấp hơn ở Mỹ. Trái khoán mười năm của chính phủ Mỹ trả 2% tiền lãi, rất thấp
so với các khoản vay nợ khác. Nhưng công trái 10 năm của Đức chỉ trả 0.4% vì
chính phủ Đức không vay nợ nhiều như chính phủ Mỹ! Giới đầu tư quốc tế dư tiền
sẽ đổi Euro lấy mỹ kim để mua công trái Mỹ. Thế là thị trường đẩy giá đô la
lên. Hơn nữa, ngân hàng trung ương các nước lớn đều giữ chính sách tiền tệ theo
cùng nhịp với Fed, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, để tránh xáo trộn. Đầu năm 2019,
Fed giảm lãi suất thì họ cũng làm theo.
Thứ hai, những cuộc tấn công bằng thuế quan của ông
Trump trên các nước khác, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, các nước Âu Châu, đến
Canada và Mexico đã tạo một mối bi quan lan rộng khắp các nước này. Kinh tế các
nước đó trở thành bấp bênh. Trong khi đó kinh tế Mỹ đã tăng trưởng từ năm 2009
đến nay vẫn tiếp tục. Từ năm đó tới nay đồng đô la dần dần tăng giá trị. Trong
Tháng Sáu vừa qua, kinh tế Mỹ tạo thêm 224,000 công việc làm, thời kỳ tăng trưởng
kéo dài hơn 10 năm đã vượt qua các kỷ lục cũ. Ngay khi số thống kê nhân dụng được
công bố, đồng đô la Mỹ lên giá thêm.
Thứ ba, bình thường thì đem tiền cho chính phủ Mỹ
vay vẫn là cách đầu tư an toàn nhất. Các nước dư tiền, từ Nhật Bản, Trung Quốc
đến các nước dầu lửa vẫn đem đổi lấy tiền Mỹ khi muốn để dành, thay vì tiền nước
khác. Trong khối dự trữ ngoại tệ của các nước có 60% là đô la Mỹ. Đổi lấy đô la
rồi, họ lại đem tiền vào nước Mỹ cho vay.
Dân đầu tư khắp thế giới vẫn thích cho Mỹ vay hoặc đầu
tư vào nước Mỹ vì nền kinh tế đó lớn và vững chắc nhất. Đặc biệt, trong cả năm
vừa qua khi các nước khác sính vính trước cuộc chiến tranh thương mại do ông
Trump khởi xướng. Càng lo lắng trước tương lai bất trắc, người ta càng chuộng
đem tiền cất vào chỗ trú ẩn an toàn, là các trái khoán do Mỹ phát hành, tốt nhất
là đem tiền cho Mỹ vay. Muốn cho vay, họ phải mua đô la Mỹ. Thế là đồng đô la lại
tăng giá.
Tổng Thống Trump càng lớn tiếng đòi “trừng phạt”
kinh tế các nước khác, bạn cũng như thù, thì tình trạng bất trắc càng lên cao.
Ông Trump không thể nào vừa gây chiến vừa kêu gọi cho đồng đô la xuống giá!
Dân Mỹ phải thấy đô la lên là một dấu hiệu cho thấy
họ may mắn: Kinh tế vẫn tăng trưởng. Chỉ có một cách làm đô la mất giá là kinh
tế Mỹ phát triển chậm lại hoặc đi xuống trong lúc các nước khác đi lên. Nhưng
đó là điều ông Trump chắc chắn không muốn! Khi ông chịu thua, không làm cách
nào cho đồng mỹ kim xuống giá được, thì ông phải thấy rất đáng mừng! (Ngô
Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment