Thụy My
– RFI
Đăng ngày 16-07-2019
Như
chúng tôi đã đưa tin, 22 quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương, được cho là đang
giam giữ một triệu người Duy Ngô Nhĩ, trong lá thư đề ngày 08/07/2019 gởi cho chủ tịch Hội
đồng. Động thái chưa có tiền lệ này rất được các tổ chức bảo vệ nhân quyền hoan
nghênh, đặc biệt là Human Rights Watch.
Đáng ngạc nhiên là chỉ vài ngày sau, xuất hiện một
lá thư khác, được 37 nước ký tên, bênh vực chính sách của Trung Quốc.
Hai lá thư trái ngược về Tân Cương
Nguyên văn lá thư đầu tiên được công khai, còn lá
thư thứ hai vẫn chưa công bố cho công chúng. Tuy nhiên cả hai lá thư đều bao gồm
yêu cầu được coi là tài liệu của kỳ họp thứ 41 Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong lá thư thứ nhất, đại sứ 22 nước bày tỏ quan ngại
liên quan đến « các báo cáo khả tín về việc giam giữ tùy tiện », việc «
giám sát rộng rãi và hạn chế các quyền tự do » đối với người Duy Ngô
Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác tại Bắc Kinh.
Các nước này kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp
của chính mình và các cam kết quốc tế, trong đó có cam kết với tư cách thành
viên Hội đồng Nhân quyền. Đồng thời « tránh bắt giam tùy tiện và hạn chế
quyền tự do đi lại của người Duy Ngô Nhĩ cũng như các cộng đồng thiểu số và người
Hồi giáo khác ở Tân Cương ».
Theo hãng tin Mỹ AP, trong lá thư thứ hai, những nước
ký tên phản đối việc mà họ gọi là « chính trị hóa nhân quyền ». Họ
bênh vực cho « các trung tâm huấn luyện và giáo dục » - theo
như cách gọi của Bắc Kinh, và chỉ trích việc gọi đó là các trại giam hay trại cải
tạo.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn nhiều hơn, trong đó
có một đoạn biện minh cho các « nỗ lực » của Trung Quốc : « Đối mặt với
thách thức nghiêm trọng của khủng bố và cực đoan, Trung Quốc đã thực hiện một
loạt các biện pháp chống khủng bố, chống cực đoan hóa tại Tân Cương, trong đó
có việc thành lập các trung tâm huấn nghệ, giáo hóa ».
Tác giả Catherine Putz trên The Diplomat đã
điểm qua danh sách các nước ký tên trong hai lá thư đối nghịch, và có những nhận
xét đáng chú ý.
Bắc Kinh đắc thắng
Hai mươi hai quốc gia ký tên trong lá thư thứ nhất
chỉ trích Trung Quốc, gồm hầu hết là các nước Tây Âu, và quốc gia châu Á duy nhất
là Nhật Bản. Cụ thể có thể kể (theo thứ tự Alphabet tiếng Anh) : Úc, Áo, Bỉ,
Canada, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Nhật Bản,
Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Điển,
Thụy Sĩ, Anh.
Ký tên trong lá thư thứ hai biện hộ cho Trung Quốc,
gồm hầu hết là các nước châu Phi và Trung Đông. Cụ thể : Algeria, Angola,
Bahrain, Belarus, Bolivia, Burkina Faso, Burundi, Cam Bốt, Cameroon, Comoros,
Congo, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Eritrea, Gabon, Kuwait, Lào, Miến
Điện, Nigeria, Bắc Triều Tiên, Oman, Pakistan, Philippines, Qatar, Nga, Ả Rập
Xê Út, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria, Tajikistan, Togo, Turkmenistan, Các tiểu
vương quốc Ả Rập thống nhất, Venezuela, Zimbabwe.
Tờ Global Times của đảng Cộng Sản
Trung Quốc có tiếng là hung hăng, đắc thắng viết : « Ba mươi bảy nước
đã viết thư cho Hội đồng Nhân quyền để ủng hộ chính sách Trung Quốc tại Tân
Cương. Các nước này là đại diện tiêu biểu nhất cho thế giới. Các chính quyền
phương Tây đã gây áp lực lên Trung Quốc về Tân Cương sẽ phải xấu hổ ». China
Daily cho rằng : « Chỉ có cư dân Tân Cương mới có quyền nói về
nhân quyền tại đây, chứ không phải những người ngoại quốc ».
The Diplomat nhấn mạnh một
nghịch lý : không có quốc gia Hồi giáo nào ký tên vào lá thư thứ nhất, trong
khi lá thư thứ hai bênh vực Trung Quốc lại có mặt nhiều nước đạo Hồi.
Chỉ có Tây Âu lên tuyến đầu
Sự vắng mặt của
Hoa Kỳ, vốn đã rời khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái, là đặc
biệt quan trọng. Trong khi Washington chỉ trích một cách có chọn lọc
chính sách Trung Quốc về Tân Cương, chính quyền Trump có vẻ không muốn đi xa
hơn, ưu tiên cho đàm phán thương mại hơn là chỉ trích về nhân quyền.
Bài viết của Washington Post cuối
tuần qua nhận định : « Hoa Kỳ lẽ ra nên đi tiên phong trong việc vạch
trần và tố cáo sự tàn bạo (ở Tân Cương). Thay vào đó, bộ Ngoại Giao và Nhà Trắng
chỉ lên tiếng khi nào phù hợp với các ưu tiên của ông Trump ».
Sự thiếu vắng hầu hết các quốc gia Trung Âu và Đông
Âu cũng đáng chú ý. Chẳng hạn trong số các nước được gọi là 16+1, một công thức
tập hợp các nước Trung & Đông Âu và Trung Quốc, chỉ có ba nước Estonia,
Latvia và Litva dám đứng lên chỉ trích Bắc Kinh.
Các chuyên gia ghi nhận những nước châu Âu không ký
tên vào lá thư đòi đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương, đa số có tham gia dự
án « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc. Hy Lạp, mà
cảng Pirée đã giao cho Trung Quốc điều hành đến năm 2052, cũng đứng ngoài các
chỉ trích.
Các nước đạo Hồi châu Á im lặng
Tại Trung Á, Tajikistan và Turkmenistan đứng về phía
Bắc Kinh, nhưng các nước còn lại cố gắng giữ thái độ trung lập. Điều đáng nói
là đối với Kazakhstan và Kyrgyzstan, Tân Cương đã trở thành vấn đề nội bộ, với
nhiều cuộc biểu tình và các tổ chức xã hội dân sự kêu gọi chú ý đến thảm trạng
của người Hồi giáo tại Trung Quốc.
Cộng đồng thiểu số người Kazakhstan và Kyrgyzstan nằm
trong số các nạn nhân bị đưa vào trại cải tạo, và các tổ chức xã hội dân sự được
hình thành trong số các thân nhân của những người bị mất tích tại Tân Cương. Thế
nhưng chính quyền hai nước này vẫn không dám lên tiếng.
Nhìn chung tại châu Á, sự vắng mặt của Malaysia, Ấn
Độ, Indonesia cũng rất đáng đề cập đến ; và có thể kể thêm Bangladesh, Sri
Lanka, Maldives.
Malaysia, đất nước có đa số dân theo đạo Hồi, đã nhiều
lần bày tỏ sự quan ngại về chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương, thậm chí
năm ngoái đã từ chối gởi trả một nhóm người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc, gây giận
dữ cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, lần này Malaysia lại không dám ký vào lá thư chỉ
trích sự đối xử tàn tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số
khác.
Indonesia là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới,
còn Ấn Độ đứng thứ ba, Bangladesh đứng thứ tư, đều im tiếng. Sri Lanka và
Maldives, hai nước thường chiếm trang đầu các báo về vấn đề nợ nần với Trung Quốc,
cũng im lặng.
Sri Lanka vốn đã phải giao cảng chiến lược
Hambantota cho Trung Quốc đến 99 năm để trừ nợ, mới đây lại tiếp tục vay của Bắc
Kinh gần 1 tỉ đô la để xây đường cao tốc. Còn Maldives, quốc đảo Hồi giáo nhỏ
nhất thế giới, nợ Trung Quốc đến 3,2 tỉ đô la, gần bằng GDP của cả nước này
trong năm 2017.
Sức mạnh kim tiền
Các đảo quốc Thái Bình Dương, vốn đã nhận viện trợ ồ
ạt của Trung Quốc, trong nỗ lực cô lập Đài Loan, cũng giữ thái độ « im lặng là
vàng ». Philippines, với tổng thống Rodrigo Duterte thường bị chỉ trích là hèn
nhát trước Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, lại đặt bút ký vào lá thư biện hộ
cho Trung Quốc.
Cho đến nay, nguyên thủ một nước Hồi giáo dám công
khai đả kích Trung Quốc là ông Recep Tayyip Erdogan. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm
11/2 tố cáo việc giam giữ hàng loạt ở Tân Cương là « nỗi nhục của nhân
loại », nhưng gần đây ông lại đảo ngược thái độ, nói người Duy Ngô
Nhĩ « sống hạnh phúc » !
Thật là cay đắng cho những nạn nhân ở Tân Cương, bị
các đồng đạo quay mặt dưới sức mạnh của đồng tiền !
Đối với hầu hết các nước, trọng lượng kinh tế của
Trung Quốc là việc đầu tiên họ phải nghĩ đến trước khi công khai chỉ trích Bắc
Kinh. Còn đối với những nước như Nga, Ả Rập Xê Út, Bắc Triều Tiên vốn thường
xuyên bị lên án về vấn đề nhân quyền, thì bênh vực Trung Quốc cũng là một cách
để tự bảo vệ mình. Cũng không có gì khó hiểu với chữ ký của Cuba, Venezuela,
Zimbabwe, Lào, Cam Bốt.
Riêng Việt Nam, quốc gia láng giềng bị sức ép nặng nề
của Trung Quốc trên Biển Đông, và lệ thuộc rất nặng về kinh tế với Bắc Kinh, lần
đầu tiên không thấy đứng cùng với Nga và Bắc Triều Tiên trong số những nước ủng
hộ Trung Quốc. Phải chăng đây cũng là một sự kiện đáng chú ý, trong bối cảnh Việt
Nam vừa được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp
Quốc ?
No comments:
Post a Comment