Friday, 19 July 2019

ĐỈNH ĐIỂM SỰ TÀN ÁC (Nguyễn Vũ Bình)




Thứ Sáu, 07/19/2019 - 10:52 — nguyenvubinh

Trong các hành động đàn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam thì đánh người được ưu tiên. Có thể nói rằng, số người hoạt động ở Việt Nam bị đánh đập ít nhất một lần chiếm tỷ lệ hơn 80% tổng số. Nguyên tắc chung của việc đánh người của cộng sản Việt Nam đó là sử dụng số người áp đảo phía đối phương, tức là dùng công an và côn đồ nhiều hơn số người đấu tranh có mặt tại hiện trường để quây, tách người ra đánh. Việc đánh một nhóm người, với số lượng vài ba chục người hoạt động, cần số lượng người nhiều hơn, và cần phải có sự chuẩn bị từ trước. Đã có rất nhiều vụ hành hung, đánh đập nhóm người đấu tranh từ trước tới nay, nhưng vụ việc mới xảy ra gần đây (ngày 12/7) là vụ việc điển hình, với số người bị đánh, tính chất dã man, tàn bạo của vụ đàn áp, có thể nói đạt tới đỉnh điểm.

     1/ Đầu đuôi và diễn biến vụ việc

     Quỹ 50K của chị Nguyễn Thúy Hạnh sáng lập, với mục đích giúp đỡ các Tù nhân Lương tâm, và gia đình các Tù nhân Lương tâm thật cao đẹp và hiệu quả. Ngoài việc giúp đỡ, hỗ trợ tài chính cho gia đình các Tù nhân Lương tâm, chị Nguyễn Thúy Hạnh và các bạn bè hoạt động còn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình các Tù nhân Lương tâm để kết nối và chia sẻ những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống. Một trong những việc làm của Chị Hạnh, và Quỹ 50K là việc đồng hành cùng gia đình các Tù nhân Lương tâm tới các trại giam để động viên thân nhân các Tù nhân Lương tâm. Hoạt động này được thực hiện thường xuyên từ khi xuất hiện Quỹ 50K.

     Trong vòng hơn một tháng trở lại đây, bắt đầu từ việc các Tù nhân Lương tâm ở trại 6, Thanh Chương, Nghệ An bị thu quạt điện trong hoàn cảnh nắng nóng trên 40 độ C nơi miền trung khắc nghiệt, các Tù nhân Lương tâm đã tuyệt thực để phản đổi sự tàn bạo của nhà tù. Sự việc được dư luận biết tới khi vợ ký giả Trương Minh Đức tới thăm chồng, và anh Đức cho biết Anh và các anh em đang tuyệt thực phản đối trại giam thu quạt điện trong thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của anh em tù nhân. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ anh Trương Minh Đức đã thắc mắc ngay với trại 6, đồng thời yêu cầu mắc trả lại quạt cho các Tù nhân Lương tâm. Tuy nhiên, phía trại 6 hoàn toàn phớt lờ và không đáp ứng yêu cầu của Chị. Về tới nhà, Chị thông báo toàn bộ tình hình của anh em Tù nhân lương tâm trại 6 lên facebook, sau đó chị làm đơn yêu cầu các cấp can thiệp để trại 6 trả quạt cho các anh em tù, để họ dừng tuyệt thực. Cả một làn sóng phẫn nộ trên không gian mạng và dư luận đối với việc làm hèn hạ của an ninh và trại 6 đối với Tù nhân Lương tâm.

     Nhưng chưa hiểu có một âm mưu nào, các trại giam đồng loạt vi phạm, hoặc cố tình gây sự với các Tù nhân Lương tâm ở nhiều trại giam, mà một loạt các Tù nhân Lương tâm gần như đồng loạt tuyên bố tuyệt thực trong khoảng thời gian vừa qua. Ngoài 4 Tù nhân Lương tâm ở trại 6 tuyệt thực như vừa nói, còn có các Tù nhân lương tâm ở các trại khác cũng tuyên bố tuyệt thực. Đó là các anh Nguyễn Văn Điển và Nguyễn Trung Trực tại trại giam số 5 Yên Định,Thanh Hóa; Vũ Quang Thuận tại trại giam Ba Sao, Hà Nam …

     Để động viên các gia đình Tù nhân Lương tâm, ngoài việc vận động và ký các văn bản yêu cầu trại 6 và an ninh các cấp dừng việc đày đọa các Tù nhân Lương tâm, các nhà hoạt động đã tổ chức các cuộc đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm tới các trại giam đang có tù nhân tuyệt thực. Ngày 10/7/2019 vừa qua, một đoàn các nhà hoạt động đã tới trại 5 Yên Định, Thanh Hóa để cùng với gia đình Tù nhân Lương tâm Nguyễn Văn Điển và cũng cùng gia đình Tù nhân Lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn thăm nuôi. Theo những người trong đoàn kể lại, chuyến đi rất vất vả, và khi đến trại 5 Thanh Hóa, đã có một lực lượng công an, côn đồ đông đảo ở sẵn tại trại giam ngăn cản, uy hiếp và hăm dọa các thành viên trong đoàn. Nhưng cuối cùng, việc thăm nuôi của các gia đình và chuyến đồng hành của các nhà hoạt động vẫn thực hiện được mà không xảy ra sự cố đáng tiếc nào cả…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 19/7/2019
N.V.B

-------------------------------

Thứ Bảy, 07/20/2019 - 10:17 — nguyenvubinh

     …

     Tiếp nối chuyến thăm, đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm ở trại 5 Thanh Hóa, các nhà hoạt động đã tổ chức một chuyến đồng hành tới trại 6, nơi có 4 Tù nhân Lương tâm đang tuyệt thực, chưa biết sức khỏe và diễn biến ra sao. Chuyến đồng hành tới trại 6 lần này được thực hiện với quy mô lớn hơn, bởi vì dư luận đang quan tâm tới sức khỏe và vụ việc tuyệt thực đòi quyền lợi chính đáng của các Tù nhân Lương tâm. Duy nhất có chị Nguyễn Kim Thanh, vợ anh Trương Minh Đức là có người thân đang trong quá trình tuyệt thực ở trại 6, còn lại tất cả những người đi cùng, khoảng trên 20 người, là những người có cùng hoàn cảnh người thân đang bị giam cầm, hoặc những cựu Tù nhân Lương tâm, nhà hoạt động tham gia đồng hành để động viên tinh thần và thể hiện sự liên đới xã hội. Điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ giữa thân nhân những gia đình Tù nhân Lương tâm, và những nhà hoạt động, bất đồng chính kiến.

     Qua quá trình liên lạc, hẹn hò thời gian địa điểm gặp gỡ, tập kết, chuyến thăm và đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm Trương Minh Đức đã bắt đầu diễn ra vào sáng ngày 12/7/2019. Đoàn gồm ba nhóm đi từ các địa phương khác nhau hẹn tập trung tại K2, trại 6 Thanh Chương, Nghệ An. Nhóm của chị Nguyễn Thúy Hạnh đi cùng chị Nguyễn Kim Thanh từ Hà Nội gồm 9 người. Nhóm thứ hai từ Sài Gòn ra, gồm chị Dương Thị Tân (là người hoạt động, vợ cũ anh Nguyễn Văn Hải Điếu Cày), chị Nguyễn Thị Châu (vợ Tù nhân Lương tâm Nguyễn Ngọc Ánh) cùng con trai 4 tuổi và chị Lê Thị Thập (vợ Tù nhân Lương tâm Lưu Văn Vịnh). Nhóm thứ ba là gia đình Tù nhân Lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn, mới thăm nuôi con gái ở trại 5 Thanh Hóa, xuất phát từ Nghệ An đi hai ô tô cũng tới tập trung cùng hai nhóm tại K2, trại 6.

     Nhóm từ Sài Gòn ra tới trước, họ đến K2, trại 6 vào lúc khoảng 10h sáng ngày 12/7. Họ vào khu vực cổng trại, thấy xuất hiện nhiều thanh niên, xe ôm có thái độ hỗn hào, hung dữ. Nhóm từ Hà Nội đi xe 17 chỗ khi đến cách cổng K2 chừng 2km thì có mấy chiếc ô tô tải chặn đường, họ đành bỏ xe để đi bộ vào cổng trại. Chị Nguyễn Kim Thanh đã đi xe ôm vào trại trước, cựu Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng đi cùng để yểm trợ. Nhóm thứ ba cũng tới gộp với nhóm thứ nhất của chị Thúy Hạnh thành một đoàn người. Như vậy, sau khi tới trại 6, ba nhóm đã nhập và tách thành hai nhóm. Nhóm chị Thúy Hạnh có khoảng 20 người, nhóm từ sài gòn ra thêm chị Kim Thanh và anh Vũ Hùng, tổng cộng 5 người lớn và 1 trẻ em.

     Nhóm chị Thúy Hạnh đi vào hướng cổng trại được một đoạn, còn cách cổng trại mấy trăm mét thì gặp một đoàn người rất đông, cả nam lẫn nữ. Tất cả hầu như đều đeo khẩu trang, nam thanh niên có nhiều kẻ cầm gậy gộc. Họ đã hỏi han rất xấc xược và nói không cho đoàn người đi nữa. Mọi người thấy vô lý, vì đoạn đường không có biển báo cấm, người ngăn cản đe dọa không mặc quân phục, và hoàn toàn không có lý do gì để cấm người dân đi lại, nên đoàn người vẫn tiếp tục đi. Ngay lập tức, nhóm côn đồ đã đánh những người đi trong đoàn. Ban đầu là đàn ông, trung niên. Sau đó những người phụ nữ đi trong đoàn phản đối, vào can ngăn, lên tiếng đều bị đánh hết, không trừ một ai. Có những người như anh Huỳnh Ngọc Chênh (chồng chị Thúy Hạnh), anh Trương Dũng… bị đánh 3-4 lần,mỗi lần 4-5 tên quây vào đánh. Không những đánh người, bọn côn đồ còn cướ điện thoại cướp ví tiền trong có giấy tờ tùy thân của nhiều người. Sau khi đánh và cướp xong, bọn côn đồ bắt mọi người quay ra xe để đi về.

     Nhóm chị Nguyễn Kim Thanh, vào trại yêu cầu thăm gặp nhưng không được gặp anh Trương Minh Đức, bị đuổi về cùng cựu Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng, cùng chị Nguyễn Thị Châu và cháu bé, Lê Thị Thập (chị Dương Thị Tân đi ra ngoài đón đoàn chị Thúy Hạnh không được và cũng đã bị đánh đập rất dã man) ban đầu bọn côn đồ không cho ngồi trong quán nước, sau đó còn không cho đứng dưới bóng cây và yêu cầu lên xe ôm để chở ra ngoài. Mọi người thấy vô lý không thực hiện theo yêu cầu thì bị đánh đập ngay. Anh Vũ Hùng là đàn ông nên bị đánh nhiều và đau nhất, các chị Châu, Thập và cháu bé 4 tuổi cũng đều bị đánh. Đặc biệt, chị Nguyễn Kim Thanh mới phẫu thuật ở bụng, vì lo lắng cho chồng nên gắng gượng để đi, cũng bị chúng đánh tới tấp. Sau vụ đánh đập, chúng bắt nhóm người lên xe ô tô chở ra sân bay để bắt họ quay về miền Nam ngay.

     Sự tàn bạo của công an và côn đồ trong vụ đánh người thể hiện rất rõ ràng. Thứ nhất, tất cả những người đi trong đoàn đều bị đánh cả nam lẫn nữ, người già và trẻ nhỏ; thứ hai, có một số người bị đánh dã man 3-4 trận bằng 4-5 tên quây vào đánh; thứ ba, đánh từ người phụ nữ già (chị Nguyễn Nguyên Bình 72 tuổi) cho đến đứa trẻ (cháu bé con Tù nhân Lương tâm Nguyễn Ngọc Anh mới 4 tuổi); thứ tư, đánh cả những người đang bị ốm, bị thương là chị Nguyễn Kim Thanh mới phẫu thuật. Chưa từng có một cuộc đàn áp nào của nhà cầm quyền với người đấu tranh dã man, tàn bạo như vậy!!!...
     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 20/7/2019
N.V.B

---------------------------------------

Thứ Hai, 07/22/2019 - 10:50 — nguyenvubinh

     …
     Về câu hỏi thứ ba, cuối cùng “Tại sao không có sự kết hợp rộng khắp với các giáo xứ Công giáo quanh khu vực lân cận nhà tù để có thể yểm trợ giúp đỡ đoàn và có lực lượng cân bằng hoặc nhiều hơn lũ khủng bố?”. Việc tham gia vào các đoàn đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm là việc làm có nhiều ý nghĩa. Ngoài thân nhân các Tù nhân Lương tâm phải là những người là cựu Tù nhân Lương tâm, những người hoạt động hoặc chí ít cũng là những người ủng hộ hoạt động phản biện, đấu tranh dân chủ. Việc này thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động trong phong trào dân chủ. Và đây không phải là việc đơn giản, có nghĩa là tham gia đồng hành cũng cần có quyết tâm và sự can đảm nhất định. Chính vì vậy mà việc mời gọi cũng không hề đơn giản. Nếu không phải là những người (thành phần) nêu trên, việc liên lạc để mời gọi tham gia vào những công việc này không thể thực hiện được một mặt vì sự bảo mật, mặt khác nhiều người không sẵn sàng tham gia. Các giáo xứ Công giáo xung quanh nhà tù không phải giáo xứ nào cũng như Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, hoặc giáo xứ Song Ngọc, Kẻ Đọng… Trong phạm vi nhất định, đoàn đồng hành cũng đã liên hệ với những người hoạt động ở Nghệ An, và họ cũng đã tham gia (2 xe ô tô con) vào chuyến đi.

Nếu đặt thêm câu hỏi, có thể nhờ huy động người trong những giáo xứ có mối liên hệ với phong trào dân chủ ở Nghệ An, như giáo xứ của các linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam hay không? Câu trả lời về lý thuyết là có, nhưng trong thực tế rất phức tạp. Bởi vì, khi huy động như vậy, ngoài tinh thần tương trợ của các vị chủ chăn và giáo dân, còn cần kinh phí cho đoàn người, phương tiện và cũng phải tính tới việc, nếu như công an, côn đồ không thực hiện việc đánh người theo kế hoạch, họ sẽ tính tới việc đập phá phương tiện, trả thù giáo xứ sau đó. Tóm lại, đó là những việc vượt quá khả năng của những người tổ chức chuyến đi trong điều kiện chưa có tổ chức và kinh phí hạn hẹp như hiện nay.

     Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng, bên phía nhà cầm quyền, họ có những người ăn lương để chủ trương thực hiện việc này, đó là những an ninh cấp cao, những công an cấp tỉnh, huyện, trại giam và cơ sở. Họ có đầy đủ lực lượng, phương tiện và cả pháp lý khi cần để bảo vệ người của họ, và họ có cả sự chủ động trong việc đàn áp, khủng bố. Trong khi bên phía những người hoạt động, ngoài tấm lòng chia sẻ, thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động, họ không có tổ chức, và kinh phí cũng không phải muốn thực hiện việc gì cũng được. Hơn nữa, họ hoàn toàn bị động trong các tình huống. So sánh tương quan lực lượng để thấy được đây là vấn đề rất khó khăn.

      Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi có thể đặt ra, với tương quan chênh lệch như vậy, có thể có những cách thức nào để giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ là có, những cũng rất khó thực hiện. Đó là việc nhanh nhạy trong dự đoán và xử lý tình huống, đồng thời cần quán triệt tinh thần đối với các thành viên của các chuyến đi. Có thể có vài vấn đề cần tham khảo.

     Thứ nhất, nếu như quan sát thấy, phía công an, côn đồ có số lượng đông đảo vượt trội, gấp đôi hoặc gấp ba đoàn người, cần nghĩ ngay tới tình huống họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Bởi vì nếu không có mục đích đánh đập, họ sẽ không huy động lực lượng lớn như vậy. Có thể lúc đầu phía nhà cầm quyền chưa huy động ngay toàn bộ lực lượng, nhưng theo thời gian, họ sẽ đưa người tới với mức độ áp đảo phía bên những người hoạt động. Khi thấy số lượng công an côn đồ tăng lên, cũng cần xác định họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Khi đã xác định được mục đích của nhà cầm quyền, cần nhanh chóng rút lui. Điều này phải được bàn bạc trước, và chỉ cần một người có trách nhiệm ra hiệu kín đáo, mọi người nhanh chóng để rút lui.

     Thứ hai, trong trường hợp không xác định được mục đích của đối phương, hoặc xác định được nhưng khi rút lui không kịp, đoàn người cần nhanh chóng tập trung thành một khối để bảo vệ lẫn nhau. Tuyệt đối không để công an tách người, cô lập người và thực hiện việc đánh đập. Khi một người bị đánh đập, cần tất cả mọi người lao vào can ngăn (can ngăn chứ không đánh lại) và ngay sau đó lập thành một khối không rời nhau. Sau khi hợp thành một khối, có thể gọi người ứng cứu, và có thể tiến hành livestream để đánh động dư luận và tự bảo vệ đoàn.

     Trên đây là cách xử lý tình huống để giảm thiểu tổn thất, hi vọng có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh tương tự. Và dù không thực hiện được, dù chúng ta có bị đánh đập, chúng ta cũng đã thắng tà quyền cộng sản về chính nghĩa, về sự chia sẻ, tương thân tương ái giữa những người đấu tranh, cũng như tố cáo tội ác của nhà cầm quyền./.

Hà Nội, ngày 22/7/2019
N.V.B   










No comments:

Post a Comment

View My Stats