Thursday, 11 July 2019

HOÀI NIỆM QUÁ KHỨ, NHẠC POP THỜI 60 TRỞ LẠI THỊNH HÀNH (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
July 10, 2019

Cuốn phim “Yesterday,” vừa được chiếu tại Luân Đôn tuần này, được dựng trên ảo tuởng một thế giới mà người ta đã quên không còn nhớ gì về ban Beatles nữa.

Một cảnh trong phim “Yesterday” với hai diễn viên Lily James (trái) và Himesh Patel. (Hình: AP/Photo)

Trong cuốn phim, một biến động bất ngờ trong không gian và thời gian đã xóa đi tất cả những ký ức của nhân loại về ban nhạc nổi tiếng này ngọai trừ một người, một nhạc sĩ không thành công lắm người Anh.

Nhạc sĩ này bắt đầu lấy những bản nhạc của Beatles đưa ra như là của mình, và bộ phim mở đầu với những khuôn mặt ngạc nhiên kính phục của các bạn anh khi anh hát lên bài “Yesterday.”

Đó là chuyện điện ảnh. Trên thế giới hiện thực thì nhạc pop của thời xa xưa này không hề có nguy cơ bị lãng quên. Cuối tuần này, riêng tại Luân Đôn đã có ba buổi trình diễn nhạc khổng lồ của Stevie Wonder, Barbra Streisand và The Who. Tuần tới thì đến lượt Neil Young và Bob Dylan đồng trình diễn.  Trước đó đầu mùa Hè thì là Fleetwood Mac, The Eagles và Billy Joel.
Tất cả đều phải trình diễn tại sân vận động Wembley mới có đủ chỗ cho những người mộ điệu. Vào lúc mà những thần tượng của quá khứ trong những thập niên 60 và 70 đã từ những tòa lâu đài của họ qua trình diễn tại những đại nhạc hội khổng lồ như vậy, người ta có cảm tưởng nhạc pop, nhạc trẻ thời 60, nay trở thành một trò giải trí cho người già.

Hoài niệm quá khứ cũng là điều dẫn đến việc người ta đang cố gắng tổ chức lại Woodstock mà năm nay đúng là đã qua được 50 năm.

Tại Anh, đại nhạc hội Glastonbury sang năm cũng kỷ niệm 50 năm thành lập. Và cứ thế chu kỳ hoài niệm sẽ tiếp tục.

Mốc kỷ niệm 50 năm thì đặc biệt là ồn ào. Hầu như không một tuần nào mà không thấy phát hành lại một đĩa hát quen thuộc mà nay vừa tròn cái tuổi này và được đem ra trình diễn lại. Nó giống như một nhóm bạn mà nay đều đến tuổi 50 mà tiệc sinh nhật nào ta cũng muốn đến dự nhưng nay cảm thấy mệt mỏi vì quá nhiều.

Nhưng vì sao nhạc pop cũ lại hấp dẫn người ta như vậy? Một công trình nghiên cứu của tổ chức bán nhạc trên mạng Deezer vào năm ngoái cho thấy khi đến tuổi ba mươi người ta ngưng không nghe nhạc mới.

Theo Deezer đó là khi người ta gia nhập vào giai đoạn gọi là “tê liệt âm nhạc” (music paralysis). Thành ra hoài niệm loại nhạc pop này là sản phẩm của một sự thật lớn hơn về ý thích nghe nhạc của người ta nói chung. Càng lớn tuổi hơn, hoài niệm trở thành yếu tố chính trong việc lựa chọn những gì ta muốn nghe. Và không phải chỉ vì già thành ra ta cảm thấy thoải mái hơn với những gì quen thuộc.

Một trong những đặc trưng của ý thức con người là trừ những ai có bệnh tâm thần, tất cả chúng ta đều không cảm thấy đầu óc mình già đi tuy rằng cơ thể ta có thể bị suy thoái. Nói chung, chúng ta dù rằng cơ thể có suy yếu đến đâu nhưng trong đầu vẫn còn nghĩ rằng mình còn trẻ và còn nhớ mãi những ký ức của thời trẻ.

Nhạc xưa, nhạc của thời trẻ vì vậy cho thêm sức mạnh cho cái hình tượng son trẻ mà chúng ta còn giữ trong đầu và là một cái khung gợi lại cho ta những ký ức mà tạo ra bản chất của ta.

Nhưng tại sao lại chỉ thấy sự phục sinh của nhạc pop thời 60, 70 mà không phải trước đó hay sau đó?

Đó là vì thế hệ “baby boomers” – những người sinh ra trong thập niên 40-50 – là thế hệ đông nhất và có thể nói là sung túc nhất cho đến nay. Và họ trưởng thành trong dòng nhạc pop của những năm 60-70. Thành ra sự hoài niệm này phù hợp đúng với những gì mà tâm lý học cho chúng ta biết.

Và chúng ta có thể thấy rõ biểu hiện của tinh thần này qua Mick Jagger của ban Rolling Stones. Mick Jagger bất thần phải mổ tim vào Tháng Tư làm cho ban nhạc này phải hủy bỏ chuyến đi trình diễn vòng quanh nước Mỹ. Nhưng sau khi mổ và trước khi dự trù đi trình diễn trở lại, Mick Jagger, mà tháng này vừa tròn 76 tuổi đã cho phát hành một cuốn phim video về mình trong đó anh ta biểu diễn nhảy múa một cách mạnh mẽ và hăng say. Rõ ràng là trong mắt anh, anh chỉ có tối đa là 45 tuổi nếu không nói là 25.

Nhưng nhìn vào cuốn video ta có cảm thấy một cái buồn man mác. Và không phải chỉ đối với ban Rolling Stones mà thôi.

Có lẽ cuốn phim “Yesterday” thể hiện rõ hơn cái nỗi buồn này. Cuốn phim đưa ra viễn tượng về một thế giới không có ban Beatles dự báo trước một thế giới thực sự mà không còn thành viên nào của ban Beatles còn sống. Thế hệ “baby boomers” nay đang đi đến những mốc cuối cùng.

Tuy rằng cả khán giả cũng như những các diễn viên đều không muốn nói đến câu “giã từ.” Nhưng cái cảm giác “giã từ” đó vẫn bàng bạc trong mọi cuộc trình diễn. (Lê Mạnh Hùng)






No comments:

Post a Comment

View My Stats