04/07/2019
Khi nói đến con đường, tất nhiên tôi muốn luận bàn về
con đường đưa đến dân chủ và nhân bản cho Việt Nam. Còn con đường dẫn đến tụt hậu
và độc tài thì Việt Nam đã trãi qua hàng ngàn năm qua rồi. Không cần phải lập lại.
Và cũng chẳng có gì để tự hào.
Mục đích, như thế, đã rõ. Con đường đưa đến mục đích
đó chắc chắn không chỉ có một con đường. Không có mô hình dân chủ nào thật sự
giống nhau. Mỗi dân tộc, với văn hóa, lịch sử và tư tưởng chính trị riêng, chọn
con đường riêng cho mình.
Nhiều người, và nhiều tổ chức, cả trăm năm qua, đã
bàn về đề tài này. Trong bài viết vỏn vẹn vài trang này, tôi không thể trình
bày hết các suy nghĩ và ý tưởng của mình. Nhưng cho dầu viết cả trăm trang cũng
không thể nói về đề tài quá lớn lao này. Tuy nhiên, tôi thiết nghĩ có những điều
và những vấn đề căn bản cần phải đi qua, thử nghiệm, trãi nghiệm, rút tỉa kinh
nghiệm, và không thể đốt giai đoạn.
Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là tại sao các quốc
gia Tây phương, và các nền dân chủ phát triển, đi trước các nước khác vài thập
niên, có khi vài thế kỷ về mặt văn minh?
Câu trả lời thì cực kỳ phức tạp, nhưng chúng ta có thể
tóm gọn vào vài vấn đề chính.
Một, mọi triết lý phát triển quốc gia của họ đều nhắm vào phát triển con người
một cách toàn diện, cho từng cá nhân trong xã hội. Triết lý này là nền tảng của
các chính sách giáo dục tại các nền văn minh tiến bộ. Nó đã được lồng vào sách
vở và vào thực hành, thông qua nền
giáo dục mầm non: thuộc về, đang là, và trở thành (3Bs: belonging, being,
becoming). Các chương trình giáo dục từ mầm non trở lên giúp cho các em hiểu biết
và cảm nhận rõ rằng mình đang là một thành viên, mình đang hiện hữu và đang
trên con đường trở thành người mình mong muốn. Đi kèm với các triết lý này là
những nguyên tắc hướng dẫn cách hành xử, từ quan hệ tương kính, tôn trọng đa
nguyên, hay thực hành phản chiếu v.v… Đó là nền tảng giáo dục đề cao mọi cá
nhân và mỗi cá nhân để tất cả phát huy niềm tự tin và khai dụng mọi cơ hội vươn
lên như nhau. Cá nhân, và phần nào đó gia đình, là nền tảng của xã hội.
Hai, để mỗi cá nhân cũng như tập thể phát triển toàn diện, an toàn tâm lý là
yếu tố then chốt. Để có an toàn tâm lý, nó đòi hỏi xã hội đó phải đặt con người
làm trọng tâm, và quyền làm người của mọi công dân được tôn trọng. Nó phải đề
cao quyền được nói những gì mình suy nghĩ, quyền được phê bình và vạch trần các
việc làm sai trái, và quyền được tôn trọng và phát huy tư duy sáng tạo mà không
sợ bị trù dập. Đó cũng là triết lý nền tảng của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:
mọi người, không phân biệt bất cứ lý do gì, từ tuổi tác, phái tính, tôn giáo,
hay sắc tộc v.v…, đều có các quyền căn bản như nhau. Các chính sách vận dụng
nhân tài và quản lý nhân lực của mọi tổ chức, từ chính phủ cho đến phi chính phủ
và lĩnh vực tư/thương mại, đều thiết kế cho mục tiêu phát triển đối với cá nhân
và tổ chức.
Ba, môi trường và chính sách về văn hóa, chính trị, kinh tế, giáo dục, pháp
luật v.v… đều dựa vào các yếu tố nền tảng nêu trên. Tức dựa trên các nhu cầu cơ
bản, các quyền lợi và các động lực của con người, để tạo tối đa điều kiện và cơ
hội cho mọi cá nhân, mọi thành viên trong xã hội đó, phát triển. Nó cũng đồng
nghĩa với việc phải thay đổi pháp luật không ngừng để thích nghi với sự phát
triển của xã hội, và qua đó phải thay đổi cách suy nghĩ và làm việc để phù hợp
hơn với sự tiến bộ đang có. Một trong các điều hay nhất của xã hội Tây phương
là họ làm việc có phương pháp, dựa trên nghiên cứu và tinh thần khoa học, dữ kiện
phong phú, và quan trọng nhất là luôn luôn tìm cách cải thiện, phát triển. Trụ
mà không trụ. Trụ vào điểm mạnh và thành công của mình, nhưng họ không tự mãn,
mà phải từ nền tảng đang có để tìm cách vươn lên nữa, khám phá cái mới, để cải
tiến và phát triển không ngừng.
Trên hết, tất cả phải bắt đầu từ bé. Giáo dục từ 0 đến
10 tuổi, nhất là từ 0 đến 5 tuổi, mang tính quyết định. Từ bé, các em được khuyến
khích tự do ngôn luận, tư tưởng, suy nghĩ, tìm tòi, thắc mắc, đặt câu hỏi
v.v... Khi các em được tôn trọng và khuyến khích, và có niềm đam mê, động lực,
sở thích, óc tò mò, v.v… thì sẽ phát huy tối đa khả năng và tiềm năng. Đây là
điều hoàn toàn khác với chủ trương bị nhồi nhét, áp đặt, bạo lực, đe dọa, hay
trừng phạt v.v… Các phương pháp giáo dục khai phóng, khoa học và nhân bản của
Tây phương từ mầm non trở lên đã dựa vào các hiểu biết về con người, nhất là dựa
trên các nghiên cứu tâm lý. Các khám phá của khoa học thần kinh (neuroscience)
cho thấy mối quan hệ quan trọng giữa phần não suy nghĩ (PRC) và phần não cảm
xúc (Amygdala). Muốn phát triển con người và xã hội thì phải hiểu về bộ óc con
người hoạt động ra sao, và làm sao phát triển trí thông minh (IQ), đầu óc suy
luận nhưng đồng thời biết quản lý cảm xúc của mình (EQ).
Ngay trong xã hội văn minh này, sự khác biệt giữa
thành công hay thất bại nằm ở niềm tin lạc quan hay bi quan, và giữa não trạng
phát triển (growth mindset) thay vì não trạng cứng ngắt (fixed mindset). Não trạng
và nỗ lực của mỗi cá nhân mang tính quyết định. Tuy nhiên các yếu tố này phụ
thuộc vào sự đam mê và động cơ của từng người. Ý nghĩa cuộc sống, cách nhìn nhận
về các giá trị công bằng, bình đẳng, và tự do, v.v… đều là các yếu tố quan quan
yếu để động viên. Khi còn nhỏ, một em bé, hay cả một thế hệ trẻ, cứ bị nhồi sọ,
cứ bị áp đặt, không có được tiếng nói, không có quyền phát biểu, cha mẹ đặt đâu
con ngồi đó, thì óc tò mò, và động lực vươn lên, sẽ bì kiềm nén và kiềm chế tối
đa. Tất cả đều bị điều kiện hóa để trở thành những con người nghe theo, làm
theo, chẳng khác gì nô lệ, nhất là nô lệ tư duy. Lớn lên, họ cũng không có được
tư duy phản biện, suy nghĩ phê phán, và đầu óc chiến lược. Họ chẳng dựa vào bằng
chứng hay thông tin khả tín nào trước khi lập luận hay quyết định. Văn hóa số
đông và xu hướng dân túy này chỉ có lợi để xây dựng và củng cố độc tài. Qua thời
gian, nhất là từ bé, nó đi vào tìm thức các em, chi phối mọi suy nghĩ và hoạt động
của họ. Ngay cả khi được ra nước ngoài vài thập niên, sống trong môi trường dân
chủ tự do hoàn toàn, người ta vẫn không thoát được những thói quen, cách suy
nghĩ, hành xử, và cách xử lý cảm xúc, như đã từng bị uốn nắn, từng bị điều kiện
hóa, từ nhỏ. Trừ khi nào người ta ý thức rõ nguyên nhân về cách suy nghĩ và
hành động của chính mình, những điều mà đã ảnh hưởng lên tâm lý họ qua bao
nhiêu thế hệ, và từ hàng ngàn năm trước, thì mới hy vọng thay đổi sẽ đến. Nhưng
sẽ đến từ từ, bởi thói quen từ nhỏ khó thay đổi. Còn nếu không ý thức, thì thay
đổi tất nhiên sẽ không xảy ra.
Để thay đổi cho một cá nhân thì người đó phải tự tìm
cách vượt qua được chính mình. Một số cá nhân trong xã hội Việt Nam đã làm được
điều này, cho dù đang sống trong xã hội bị kiềm hãm nhiều mặt. Nhưng nếu cố gắng
và muốn tìm con đường thì sẽ có được tư tưởng tự do và tư duy phản biện. Nhưng
một con én, hay vài con én, không thể làm nên mùa xuân. Thay đổi cả một tập thể
thì khác, và khó khăn hơn nhiều. Phải có các điều kiện căn bản để cho mọi người
dân trong toàn xã hội tham gia và phát triển, không phải cho vài cá nhân với một
số đặc quyền.
Điều đó có nghĩa quyền con người phổ quát phải được
tôn trọng. Muốn thế, thì phải có dân chủ. Dân chủ là cách tốt nhất để bảo vệ tự
do, và để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình của những người lãnh đạo
quốc gia. Muốn có dân chủ thì không ai được đứng trên pháp luật, ai cũng ngang
nhau trước pháp luật. Nói cách khác, nó phải là một nền pháp quyền (rule of
law), và chính quyền cũng phải dựa vào luật để điều hành quốc gia, không thể
tùy tiện (the government of law, not of men). Đây là cách tốt nhất cho đến nay
để sự lạm quyền, lộng quyền và tham nhũng được kiểm soát, được giảm thiểu.
Chỉ khi nào đa số người Việt Nam, hay ít ra phần lớn
giới trí thức, có được tư duy này, và nỗ lực xây dựng một văn hóa như thế, nhất
là văn hóa chính trị, thì đất nước chúng ta mới có cơ may huy động được mọi tiềm
năng, vận dụng được nhân tài, phát triển các thế hệ lãnh đạo tài năng và xứng
đáng để lèo lái con thuyền quốc gia trong những năm tới, và các thập niên tới.
Thử thách đối với Việt Nam luôn luôn lớn. Một trong các nguyên do chính là vì
Việt Nam nằm sát bên cạnh Trung Quốc, mà tư duy của họ, cung cách hành xử của họ
hàng ngàn năm qua, vẫn coi mình là trung tâm của vũ trụ, với tham vọng bá quyền.
Khi Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, nguy cơ đối diện Việt Nam ngày càng lớn lao.
Trong khi đó, xã hội Việt Nam thì đầy những sự phân
biệt và bất công. Việt Nam sẽ không thể nào tiến bộ được đúng mức và đúng tầm xứng
đáng khi những sự phân biệt, bất công và tham nhũng còn tràn đầy. Những người
trong vai trò “lãnh đạo” thì không đủ tư cách, tầm nhìn và khả năng gì cả. Những
người trẻ như bạn Vi Yên, và
bao nhiêu nhà hoạt động đầy tiềm năng khác, cũng như giới văn nghệ sĩ như Đức Tiến, chẳng hạn, và hầu
như mọi nhân tài tại Việt Nam, nếu có được cơ hội học hỏi và phát triển trong
môi trường văn minh tiến bộ, thì bầu trời là sự giới hạn của họ. Chỉ cần có tự
do để theo đuổi niềm đam mê của mình mà không bị quấy phá, và được sự khuyến
khích và hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, cộng đồng, và xã hội, thì họ sẽ cất cánh
bay xa. Họ sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mới, sẽ làm gương cho các thế hệ mai sau,
và sẽ làm cho đất nước Việt Nam tự hào, vì nhân tài thì nơi nào cũng có. Điều
quan trọng là có đất, có môi trường tích cực và thích hợp, để thi thố tài năng,
để dụng võ, hay không! Lãnh đạo, do đó, là yếu tố quan trọng để kết kợp và tập
hợp sức mạnh chung hầu tạo thay đổi.
(Úc Châu, 21/06/2019)
No comments:
Post a Comment