Thu Hằng
- RFI
Thứ Hai, ngày 15 tháng 7 năm 2019
Một
chiếc ghế Ikea được hai cánh tay robot phối hợp nhịp nhàng lắp ráp từng chi tiết.
Một cánh tay chuyên đưa các thanh ngang để cánh tay thứ hai đóng mộng vào các lỗ
đã được khoan sẵn ở hai đầu, sau đó đặt những thanh nối này vào một bên thành
ghế được đặt trên mặt đất. Sau khi đã lắp hết những thanh nối ngang vào thành
ghế thứ nhất, cả hai cánh tay cùng nâng thành ghế thứ hai và đóng lên trên.
Toàn bộ quá trình lắp ráp mất hơn 8 phút !
Hai kỹ sư Hiển và Hùng của Eureka Robotics. RFI /
Eureka Robotics
Đây là kết quả của công ty khởi nghiệp Eureka
Robotics, có trụ sở tại Singapore, nhưng do phó giáo sư Phạm
Quang Cường, trường Kỹ sư Cơ khí và Hàng không vũ trụ, đại học Công nghệ
Nanyang (Nanyang Technological University, NTU), thành lập cùng nhóm kỹ sư người
Việt.
Điểm nổi bật trong hệ thống robot sử dụng trí thông
minh nhân tạo của Eureka Robotics, đó là thay vì lặp đi lặp lại một hành động
được lập trình trước, robot của nhóm tự xoay sở như con người, cân nhắc các bước
làm trước làm sau, tính toán khoảng cách giữa các linh kiện cần được lắp ráp.
Trước khi tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học
Công nghệ Nanyang Singapore, phó giáo sư Phạm Quang Cường, từng là cựu du học
sinh tại Pháp, theo học tại hai ngôi trường nổi tiếng ở Paris (trường Sư phạm
phố Ulm (Ecole normale supérieure, rue d'Ulm) và Đại học Pierre et Marie Curie
- Paris 6) và từng nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với phó giáo sư Phạm Quang Cường về
quá trình hình thành và triển vọng của start-up Eureka Robotics.
NGHE : P.V. Phạm
Quang Cường_EurekaRobotics, 15/07/2019
RFI
: Eureka Robotics là một start-up có trụ sở ở
Singapore, nhưng nhà đồng sáng lập và một số thành viên là kỹ sư người Việt,
xin anh giới thiệu về quá trình hình thành công ty và tại sao lại chọn
Singapore ?
PGS
Phạm Quang Cường : Quá trình hình thành là như sau. Trước hết,
Eureka Robotics là một công ty spin-off của trường đại học NTU (Nanyang
Technological University) Singapore, nghĩa là công ty được sáng lập dựa trên
thành tựu nghiên cứu được phát triển của trường đại học và có sự ủng hộ của trường.
Năm 2013, sau khi kết thúc chương trình sau tiến sĩ tại trường đại học Tokyo,
tôi nhận chức tại trường NTU và thành lập nhóm nghiên cứu về robot công nghiệp.
Từ năm 2013 đến 2018, nhóm nghiên cứu của tôi đã
phát triển được nhiều công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo robotic, điều
khiển... Năm 2018, sau thành công của nhóm tại Airbus Shopfloor Challenge và dựa
trên nhiều yêu cầu từ các công ty sản xuất, chúng tôi quyết định thành lập
Eureka Robotics để đưa những công trình nghiên cứu của chúng tôi vào ứng dụng
trong công nghiệp.
Eureka Robotics được thành lập vào tháng 05/2018.
Công ty hoạt động một cách độc lập. Tất nhiên NTU có sở hữu một số cổ phần ở
trong công ty, nhưng về điều hành, công ty hoàn toàn độc lập.
RFI
: Công nghệ mà Eureka Robotics cung cấp cho khách hàng
có những ưu việt gì so với một số nhà cạnh tranh của công ty ?
PGS
Phạm Quang Cường : Phần lớn các robot đang được sử dụng hiện tại trong
công nghiệp, chúng hoạt động một cách lặp đi lặp lại. Tức là các cử động của
con robot được lập trình trước, khi bước vào sản xuất, con robot lặp lại y
chang các cử động đó.
Công nghệ của chúng tôi khác hẳn. Chúng tôi làm các
con robot thông minh hơn dựa trên thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo. Những
con robot của chúng tôi có thể cảm nhận được sự thay đổi trong môi trường, ví dụ
vị trí của các bộ phận cần lắp ráp hay là các chướng ngại vật... Sau đó, robot
có thể tự tính toán lại các cử động của mình để đáp ứng những sự thay đổi trong
môi trường.
Ví dụ như năm ngoái (2018), nhóm nghiên cứu của
chúng tôi đã công bố công trình nghiên cứu mà trong đó hai cánh tay robot tự động lắp ghép được một cái ghế.
Công trình này đã được các tờ báo lớn trên thế giới đăng lại, như trên New
York Times, The Guardian, The Economist... Trong
công trình này, ta có thể đặt các bộ phận của chiếc ghế ở một ví trí bất kỳ,
nhưng con robot có thể tự đáp ứng được với các sự thay đổi đó và lắp ráp thành
công.
Những nhu cầu thiết yếu của các công ty sản xuất hiện
nay là có một quá trình sản xuất linh động mà các công ty robot công nghiệp
truyền thống không thể đáp ứng được điều đó, trong khi công ty của chúng tôi có
thể sản xuất được các con robot có thể đáp ứng được.
Chúng tôi sử dụng trí tuệ nhân tạo chủ yếu ở trong mảng
định dạng và định hướng các vật thể trong môi trường của con robot hiện nay sử
dụng trí tuệ nhân tạo dựa trên các neural networks (mạng neuron), deep neural
networks (mạng neuron nhân tạo) để có thể làm được những việc như vậy. Nghĩa là
khi có một bộ phận đặt trong môi trường, con robot có thể nhận ra được đó là bộ
phận gì và vị trí chính xác của nó như thế nào và sau đó con robot có thể tính
được các chuyển động để có thể thao tác bộ phận ấy.
Robot đang được Eureka Robotics phát triển cho khách
hàng. RFI / Eureka Robotics
RFI
: Hiện nay Eureka Robotics hoạt động nhờ vào các nguồn
kinh phí nào ?Công nghệ của Eureka Robotics đã được áp dụng trên diện rộng chưa
?
PGS
Phạm Quang Cường : Nguồn kinh phí chính của công ty là tiền do khách hàng trả, tức là chúng
tôi, khi phát triển một hệ thống robot, sẽ yêu cầu khách hàng trả tiền trước,
thì chúng tôi mới phát triển.
Hiện tại công nghệ robot thông minh như này vẫn chưa
được ứng dụng nhiều trong công nghiệp. Có thể nói Eureka Robotics là một trong
những công ty robot đầu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến này.
Các khách hàng hiện tại của chúng tôi đều là những
công ty rất lớn trên thế giới. Khách hàng đầu tiên là một công ty sản xuất lens
(ống kính) cho laser của Hoa Kỳ. Khách hàng thứ hai là một công ty bảo dưỡng
máy bay lớn nhất của Singapore và của Đông Nam Á. Khách hàng thứ ba mà chúng
tôi đang thương lượng là một trong ba công ty sản xuất mô tơ máy bay lớn trên
thế giới.
Nói chung là để ứng dụng những công nghệ rất tiên tiến
này, khách hàng cũng phải là những công ty rất thiên về công nghệ và sử dụng
công nghệ chính xác vì đến hiện tại, chỉ có những công ty đó mới có thể đầu tư
được vào những công nghệ tiên tiến như công nghệ của Eureka Robotics.
Eureka Robotics muốn trở thành một trong những công
ty đầu tiên được sáng lập và điều hành bởi người Việt Nam và đứng đầu trên thế
giới trong một lĩnh vực deep tech.
RFI
: Vừa rồi anh có nói là nhóm nghiên cứu của anh có nhiều
người Việt. Anh có thể nói qua một chút về các thành viên là người Việt ở trong
nhóm ?
PGS
Phạm Quang Cường : Hiện tại có hai thành phần là nhóm nghiên cứu và
công ty. Khi chúng tôi thành lập công ty, tôi chuyển một số các sinh viên, cựu
sinh viên mà đã tốt nghiệp ở trong nhóm nghiên cứu sang làm những kỹ sư đầu
tiên của công ty.
Kỹ sư đầu tiên của công ty tên là Bùi Xuân Hiển. Hiển
là một sinh viên rất xuất sắc, ngày trước đã đoạt huy chương đồng tại Giải Quốc
tế về Vật lý (International Physics Olympiad). Sau đó, Hiển là sinh viên đại học
và đã tham gia nghiên cứu trong nhóm của tôi. Khi công ty thành lập, Hiển là kỹ
sư đầu tiên của công ty.
Kỹ sư thứ hai của công ty là Phạm Tiến Hùng. Hùng
cũng rất xuất sắc. Ngày trước, Hùng đã đạt giải tại các cuộc thi về Vật lý quốc
tế. Hùng đang kết thúc chương trình đào tạo tiến sĩ về robotic cũng tại trường
NTU và cũng trong nhóm nghiên cứu của tôi. Khi Hùng tốt nghiệp tiến sĩ, Hùng
cũng chuyển sang công ty làm kỹ sư thứ hai. Đấy là về mảng kỹ sư.
Còn về mảng phát triển về business, chúng tôi mới có
một thành viên mới là Nguyễn Bích Vân. Vân vừa tốt nghiệp MBA từ trường đại học
MIT của Hoa Kỳ. Vân vừa tốt nghiệp xong và khi quay trở lại sẽ giúp chúng tôi về
bên mảng phát triển business.
RFI
: Theo anh, liệu Việt Nam có là môi trường thuận lợi để
phát triển công nghệ sử dụng trí thông minh nhân tạo như đang được áp dụng ở
Eureka Robotics ?
PGS
Phạm Quang Cường : Thực ra, tôi cũng không am hiểu rõ lắm về môi trường
ở Việt Nam, nên cũng khó có thể có ý kiến, nhưng tôi có hai ý kiến sau.
Thứ nhất, một trong những điều rất cần thiết khi
phát triển các công ty về deep tech, tức là về công nghệ sâu, là phải có nhiều
kỹ sư giỏi về trí tuệ nhân tạo, về robotic, lập trình... Theo tôi hiểu thì các
trường đại học Việt Nam hiện tại vẫn chưa đào tạo được một đội ngũ thực sự lớn
về những kỹ sư giỏi như vậy.
Điều thứ hai là để thành công trong các lĩnh vực
deep tech (công nghệ sâu), chúng ta cần những nhóm nghiên cứu đẳng cấp thế giới.
Hiện tại, các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa có thật nhiều nhóm nghiên cứu
đẳng cấp như vậy.
RFI
: Hiện tại, Eureka Robotics chủ yếu hoạt động ở
Singapore. Vậy Eureka Robotics có dự án mở rộng sang Việt Nam hoặc hợp tác với
các trường đại học ở Việt Nam hay không ?
PGS
Phạm Quang Cường : Cá nhân tôi, với tư cách là một phó giáo sư tại trường
NTU, tôi luôn hướng về công tác hàn lâm với Việt Nam, ví dụ nhận sinh viên đã tốt
nghiệp ở Việt Nam sang làm tiến sĩ. Thực ra, trong nhóm nghiên cứu của tôi có đến
ba sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam và sang làm nghiên cứu tiến sĩ.
Tôi cũng tham gia về Việt Nam giảng seminar, như tại
trường đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học Bách khoa Hà Nội
hoặc trường đại học Khoa học Tự nhiên ở Hà Nội.
Về hợp tác sâu thì vấn đề chính là ngân sách. Trong
quá khứ, tôi đã hợp tác với các anh giảng viên trường đại học Bách khoa thành
phố Hồ Chí Minh để nộp đề tài khoa học, nhưng bị từ chối một cách không thuyết
phục. Nếu chúng tôi có các ngân sách để hợp tác thì tôi sẵn sàng về Việt Nam để
hợp tác.
Về công ty, tất nhiên chúng tôi muốn mở rộng tại Việt
Nam. Nhưng hiện tại, thị trường Việt Nam khá ít tự động hóa so với các nước
láng giềng như Singapore hoặc Thái Lan. Nhưng về công nghệ robot, những tiên tiến
của chúng tôi có ít cơ hội được sử dụng ở Việt Nam so với các nước, các thị trường
như Singapore và Thái Lan. Nhưng tôi tin trong tương lai gần, Eureka Robotics sẽ
có cơ hội mở rộng tại Việt Nam.
RFI
tiếng Việt xin chân thành cảm ơn phó giáo sư Phạm Quang Cường, trường NTU, giám
đốc, kiêm đồng sáng lập Eureka Robotics.
***
Trước khi tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học
Công nghệ Nanyang Singapore, phó giáo sư Phạm Quang Cường là cựu du học sinh tại
Pháp, theo học tại hai ngôi trường nổi tiếng ở Paris (trường Sư phạm phố Ulm
(Ecole normale supérieure) và đại học Pierre et Marie Curie - Paris 6) và từng
nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).
----------------------------
Cùng chủ đề
Minh
Anh
- RFI
Đăng ngày 06-04-2019
No comments:
Post a Comment