Wednesday, 10 July 2019

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Trần Đức Anh Sơn)





Chiều ngày 7/3/2019, Thành ủy Đà Nẵng ra quyết định khai trừ tôi ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam. Sáng ngày 8/3/2019, báo chí trong nước đồng loạt đăng tin. Sau đó thì các hãng tin / báo chí ngoại quốc như: Reuters, RFI, AFP, AP, Daily Mail, VOA, BBC, The New York Times, Global Times, Weibo… đều đồng loạt đăng tin về chuyện này. Nhưng không tờ báo nào tiếp cận được với tôi để phỏng vấn hay lấy tin, mà chủ yếu là lấy thông tin từ những gì tôi đăng tải trên FB từ trước và trong thời điểm đó để có bài đăng.

Lý do là vì họ không liên lạc được với tôi, do lúc đó tôi đang ở Thái Lan, tham dự hội thảo quốc tế “Ancient Maritime Cross – Culture Exchanges of Asia”, do Cục Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thái Lan, tổ chức tại ba tỉnh: Surat Thani, Phangnga và Krabi từ ngày 7/3 đến ngày 10/3/2019.

Hội thảo này có 48 học giả Thái Lan và quốc tế trình bày tham luận trong hai ngày 7 và 8/3/2019 tại khách sạn Diamond Plaza ở thành phố tỉnh lỵ tỉnh Surat Thani, và khoảng 400 đại biểu dự thính. Sau đó thì có thêm 2 ngày điền dã, tham quan thực tế tại các di sản khảo cổ học ven biển và trên các đảo thuộc 3 tỉnh: Surat Thani, Phangnga và Krabi. Việt Nam có 2 người được mời là TS. Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học Việt Nam) và tôi.

Trong những ngày trước khi lên đường đi dự hội thảo, tôi bị đủ các cấp của đảng ở Đà Nẵng: Chi bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, Ủy ban kiểm tra thành ủy, Đảng bộ khối các cơ quan, BCH Thành ủy… gọi lên gọi xuống để kiểm điểm vì tội viết FB trái ý của đảng. Việc kiểm điểm bắt đầu từ ngày 20/11/2018 cho đến ngày 5/3/2019. Đó cũng là quãng thời gian tôi nhận được lời mời tham dự hội thảo ở Thái Lan.

Tôi quyết định sẽ không xin phép lãnh đạo Đà Nẵng để đi Thái Lan tham gia hội thảo, vì biết chắc là tôi có xin thì họ cũng không cho đi.

Trước đó, tôi được Đại học Sogang và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul mời tham gia hội thảo “Maritime Silk Road in Southest Asia: Crossroad of Culture” tổ chức ở Seoul vào đầu tháng 12/2017. Tôi gửi đơn xin phép lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng tham dự hội thảo này, kèm theo bản tham luận sẽ trình bày tại Hội thảo. Nội dung tóm tắt của tham luận này đã được Sở Ngoại vụ Đà Nẵng gửi ra Bộ Ngoại giao để xin ý kiến. Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao đã có công văn gửi cho lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị họ cho phép tôi tham gia hội thảo nói trên. Nhưng sau cùng thì lãnh đạo Đà Nẵng cũng không đồng ý cho tôi tham dự hội thảo “Maritime Silk Road in Southest Asia: Crossroad of Culture” tổ chức ở Seoul.

Rút kinh nghiệm từ vụ này, nên tôi không xin phép lãnh đạo Đà Nẵng nữa, cứ thế lên đường qua Bangkok vào ngày 6/3/2019. Tại đây tôi được người của Cục Mỹ thuật của Thái Lan đón, rồi gia nhập vào đoàn học giả quốc tế, cùng lên máy bay bay về tỉnh Surat Thani.
Ngày mồng 7/3/2019, tôi dự hội thảo tại hội trường, tham gia trao đổi, thảo luận với các học giả quốc tế về các vấn đề mà tôi quan tâm.

Sáng ngày 8/3, tôi vào FB post một status chúc mừng bề trên nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Ít phút sau, Lê Trọng Vũ từ Đà Nẵng nhắn tin qua messenger hỏi: “Anh biết tin gì chưa?”. Tôi nói: “Chưa”. Vũ nhắn tiếp: “Đà Nẵng khai trừ anh ra khỏi đảng. Báo chí đăng tùm lum”. Rồi Vũ gửi cho tôi link của một số tờ báo trong nước. Tôi trả lời Vũ: “À, chuyện này thì anh biết rồi, vì nó lùm xùm cũng đã lâu. Nhưng chưa biết khi nào thì họ ra quyết định”.

Sau khi ngừng chat với Vũ, vào google, gõ tên mình để xem sao, thấy chỉ trong 0.61 giây, google thông báo có hơn 3 triệu kết quả liên quan đến cái tên “Trần Đức Anh Sơn”. Sau đó tôi xem link các tờ báo lớn của nước ngoài đều thấy họ đưa tin về vụ này. Tôi nghĩ: “Có gì đâu mà báo chí làm to chuyện rứa hè”, rồi nhanh chóng thoát khỏi mạng, để chuẩn bị presentation cho tham luận của tôi, sẽ diễn ra sau giờ ăn trưa.

Đúng 13h15′ ngày 8/3/2019, Ban tổ chức hội thảo mời tôi cùng 3 học giả khác lên bàn điều hành, bắt đầu phiên họp với chủ đề: “Significant Import and Export of Merchandise on the Maritime Route”. Tham luận của tôi là “Ceramics in shipwrecks were excavated in Vietnam’s sea from the 1990s to the present: origin and trade routes” (Gốm sứ khai quật từ các con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam từ 1990 đến nay: Xuất xứ và các luồng giao dịch), được trình bày thứ 3 trong phiên họp này.

Sau khi tôi trình bày có khoảng 7 hay 8 ý kiến gì đó, trao đổi với tôi về nội dung tham luận, và tôi bình tĩnh trả lời những chất vấn, thắc mắc của họ. Sau này, khi tôi về đến Đà Nẵng, thì TS. Amara Srisuchat (Senior Advisor to the Fine Arts Department), Trưởng ban tổ chức hội thảo, có gửi e-mail cám ơn các học giả đã tham gia hội thảo. Email có đoạn sau:

“Dear Dr. Tran Duc Anh Son!
The above text will be sent to all participants of the symposium. The following words will be what I really want to tell you about your kind presence as a speaker of the symposium and excursion. I feel very much delighted to attend your lecture and the audiences of the symposium would feel the same when they attended your talk. You are a very good representative of your country and have very well done during the symposium and excursion. The audiences and my colleagues will never forget you.
Best Regards,
Amara”

Đến lúc này thì tôi mới tin chắc là mình đã có phần trình bày thuyết phục tại hội thảo, chứ còn vào thời điểm đó thì trong đầu tôi vẫn đang lợn cợn chuyện bị kỷ luật nên nói năng không được suôn sẻ lắm.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc phiên họp thì tôi quên ngay mọi chuyện rắc rối của mình để tham gia những hoạt động khác của hội thảo.

Chúng tôi có một bữa ăn tối ngon miệng do tỉnh trưởng tỉnh Surat Thani chiêu đãi, vừa ăn vừa xem các tiết mục múa, hát và kịch dân gian của các nghệ sĩ Thái Lan.

Sáng 9/3, chúng tôi rời khách sạn Diamond Plaza, đi tham quan và khảo sát thực tế tại khoảng 10 địa điểm là các hang động, di chỉ khảo cổ học, bảo tàng, chùa chiền, phế tích đền tháp, bến cảng cổ… trong đất liền và trên các đảo thuộc 3 tỉnh: Surat Thani, Phangnga và Krabi.

Phải công nhận rằng người Thái tổ chức hội thảo rất hoàn hảo, cung cấp cho các học giả một cái nhìn tổng quát và toàn cảnh về mối quan hệ và vai trò của Thái Lan trong mạng lưới hải thương ở Đông Nam Á thời cổ – trung đại.

Tôi thích thú khám phá những dấu tích, di chỉ khảo cổ; chiêm ngưỡng những sưu tập hiện vật có giá trị liên quan đến mạng lưới hải thương cổ ở Đông Nam Á mà người Thái bảo tồn rất tốt; tích cực thảo luận với các đồng nghiệp về lĩnh vực gốm sứ, trong đó có một PGS.TS. người Trung Quốc tên là Hong Tianhua (Hồng Tiên Hoa), chuyên gia về GIS, nhưng rất lơ mơ về gốm sứ Trung Hoa, suốt hai ngày cứ bám tôi để hỏi chuyện về gốm sứ, mà theo anh ta thì: “Vì sao anh lại biết về gốm sứ Trung Quốc nhiều đến thế, trong khi tôi không biết gì!”.

Tôi dường như quên hẳn chuyện bị kỷ luật, cho đến khi ra sân bay Krabi để bay về Bangkok (từ đó mới bay về Đà Nẵng), thì tôi và cô bạn người Thái tên Issarawan Yoopom trao đổi thông tin để kết bạn FB nhau. Sau khi kết nối, Issarawan rất ngạc nhiên khi thấy tài khoản FB của tôi có gần 5.000 friends và hơn 22.000 followers. Cô ấy lướt qua FB của tôi, thấy có rất nhiều người đăng status, comment và viết congrat trên FB của tôi trong các ngày từ 8/3 đến ngày 11/3 nên hỏi: “Có sự kiện gì vừa xảy ra với anh à?”. Lúc đó, tôi mới kể cho cô ấy nghe về việc tôi bị kỷ luật, về thời điểm tôi nhận tin ấy và những gì xảy ra trong mấy ngày vừa qua. Issarawan nói: “Tôi rất ngạc nhiên là anh gặp chuyện nghiêm trọng như vậy mà cứ tỉnh bơ, coi như không có gì!”.

Tôi nói với Issarawan: “Không tỉnh bơ thì làm gì bây giờ. Chẳng lẽ khóc? Hay cười? Quên nó cho nhanh để còn làm việc khác. À, cô thấy tôi trình bày tham luận có ok không?”.

Issarawan nói: “Rất ổn”.

“Rất ổn”. Với tôi thế là đủ.

Tôi chia tay Issarawan ở sân bay Bangkok, bay về Đà Nẵng. Hôm sau tôi đến cơ quan nộp đơn thôi việc (lần 2), nhanh chóng quyết định chấm dứt “sự nghiệp” viên chức nhà nước kéo dài 29 năm của tôi.

Ít hôm sau, tôi bay qua Narita (Tokyo), rồi nối chuyến bay tới Chitose (Sapporo) ở Hokkaido, tỉnh đảo lớn nhất, ở phía bắc Nhật Bản. Tại đây, anh bạn Đàm Đăng Lại đã chờ sẵn, lái xe chở tôi đi thăm hồ Shikotus, rồi đưa lên khu nghỉ dưỡng Niseko của ĐH Hokkaido nằm trên một vùng núi cao ở phía bắc Hokkaido. Nơi đó có họa sĩ Bando Hiroya, bạn của Đàm Đăng Lại, đang chờ chúng tôi, cùng với bia, sake, thịt nướng và sushi.

Ba chúng tôi uống rượu suốt đêm. Đến sáng thì ra ngoài vọc tuyết chơi. Rồi tôi cùng Đàm Đăng Lại rong ruổi ở Hokkaido thêm 5 ngày, thăm thú nhiều nơi, tận hưởng những giây phút tự do vừa có được, bỏ lại mọi gánh nặng ở sau lưng.

Đến ngày 30/3, tôi bay từ Hokkaido về Nagoya, gặp anh bạn già Nakamura, cùng anh ấy rong ruổi ở Nagoya, ghé qua Kyoto và Nara, trước khi về Tokyo đón anh Thân Hà Nhất Thống, anh Thân Đức Nam Thiện và bạn Nguyễn Thế Tường từ Việt Nam sang, để bắt đầu set up một công việc mới, mở ra một chương mới trong đời.

NGƯỜI NƯỚC HUỆ (nhớ lại và kể)









No comments:

Post a Comment

View My Stats