Lê
Thị Hồng Loan dịch
05/07/2019
Hàng trăm ngàn người biểu tình đã liên tục xuống đường
ở Hồng Kông vào tháng 6 vừa qua để phản đối một dự luật được đề xuất cho phép dẫn
độ các nghi phạm hình sự sang Trung Quốc đại lục. Các cuộc biểu tình này nằm
trong số những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Hồng Kông, và đã đóng vai
trò quan trọng trong việc thuyết phục Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam,
đình chỉ dự luật này. Để thực hiện hành động phản đối này, người Hồng Kông đã sử
dụng các quyền tự do vốn bị từ chối ở Trung Quốc đại lục. Nguồn gốc của các quyền
tự do này là gì?
Vào cuối thế kỷ 20, có ba vùng lãnh thổ lịch sử của
Trung Quốc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là Đài
Loan, Ma Cao và Hồng Kông. Không lâu sau khi nổi lên trở thành lãnh đạo tối cao
của Trung Quốc năm 1978, Đặng Tiểu Bình tuyên bố tham vọng nhằm đạt được sự “thống
nhất” với Đài Loan. Hòn đảo này về mặt kỹ thuật vẫn là thành trì cuối cùng của
một chính phủ từng cai trị toàn bộ Trung Quốc cho đến khi cuộc nội chiến kết
thúc với chiến thắng của phe Cộng sản vào năm 1949, đẩy quân đội của Quốc Dân đảng
bại trận phải lưu vong tới Đài Loan. Kể từ đó, Đài Loan đã trở thành một nền
dân chủ, và người dân ngày càng xác định rõ ràng rằng họ là “người Đài Loan”.
Các lãnh đạo ở Bắc Kinh đã thề rằng họ sẽ thống nhất hòn đảo với đại lục, bằng
vũ lực nếu cần thiết.
Đặng Tiểu Bình hứa hẹn với Đài Loan một “mức tự trị
cao”, gọi đề xuất của ông bằng cái tên “một quốc gia, hai chế độ”. Đài Loan sẽ
được phép duy trì chính quyền độc lập, lối sống tư bản và thậm chí cả lực lượng
vũ trang của riêng mình miễn là họ công nhận chính quyền Cộng sản ở Bắc Kinh là
hợp pháp trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan.
Người Đài Loan đã không mắc bẫy, nhưng Trung Quốc đã
sử dụng ý tưởng “một quốc gia, hai chế độ” khi họ tiếp nhận lại Hồng Kông từ
Anh và Ma Cao từ Bồ Đào Nha. Nước Anh đã giành được khu vực trung tâm Hồng Kông
vĩnh viễn như là một chiến lợi phẩm trong Chiến tranh thuốc phiện hồi thế kỷ
19, nhưng phần cuối cùng, Vùng Lãnh thổ Mới, mà Anh có được là theo một hợp đồng
thuê đất 99 năm được ký vào năm 1898. Người Bồ Đào Nha đã cai trị Macau từ những
năm 1500, nhưng cuối cùng bắt đầu rút quân vào năm 1975. Khi hợp đồng thuê đất
của Anh sắp hết hạn và Bồ Đào Nha từ bỏ Macau, Trung Quốc bắt đầu đàm phán với
cả hai quốc gia này vào giữa những năm 1980 về việc trả lại hai lãnh thổ này và
quyết định các thỏa thuận chính trị trong tương lai. Hồng Kông và Ma Cao lần lượt
trở thành một phần của Trung Quốc vào năm 1997 và 1999.
Tất cả các bên, bao gồm Trung Quốc, đã công nhận rằng
việc áp đặt hệ thống chính trị của Trung Quốc lên hai khu vực thuộc địa này sẽ
tạo ra sự hoảng loạn và tình trạng nhiễu loạn kinh tế. Chính sách “một quốc
gia, hai chế độ” sẽ cho phép các vùng lãnh thổ giữ nguyên tình trạng ban đầu, với
các hệ thống pháp luật và lực lượng cảnh sát độc lập. Cấu trúc chính trị của họ
sẽ thay đổi rất ít, ngoại trừ việc các “đặc khu trưởng” người địa phương sẽ
thay thế các thống đốc được bổ nhiệm bởi các cường quốc thực dân.
Tại Hồng Kông, Đặc khu trưởng sẽ được bầu bởi một cử
tri đoàn bao gồm 1.200 thành viên từ danh sách các ứng viên được chính phủ
Trung Quốc phê chuẩn và sẽ lãnh đạo một hệ thống được mô phỏng theo hệ thống của
Anh quốc, mặc dù chỉ có một viện lập pháp. Trung Quốc thậm chí còn hứa hẹn rằng
các Đặc khu trưởng cuối cùng sẽ được bầu thông qua “phổ thông đầu phiếu”, mặc
dù ý nghĩa chính xác của khái niệm này trong bối cảnh đó vẫn chưa rõ ràng.
Chính phủ ở Bắc Kinh sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề quốc phòng và ngoại giao.
Những dàn xếp này sẽ kéo dài trong 50 năm. Điều gì sẽ
xảy ra sau năm 2047 vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, các nhà hoạt động dân chủ
ngày càng trở nên nản lòng khi các lực lượng thân chính quyền, một phần trong số
đó được tài trợ bởi Bắc Kinh, đã chiếm được đa số ghế trong các hội đồng địa
phương và cơ quan lập pháp của Hồng Kông, và các cuộc kiểm tra lòng trung thành
(với Đại lục) mới đã được áp dụng đối với các ứng viên. Sự thất vọng đã dẫn tới
Phong trào Dù vàng năm 2014, với một loạt các hoạt động phản kháng và các cuộc
biểu tình ngồi nhằm đòi Trung Quốc thực hiện lời hứa về nền dân chủ thực sự.
Đáp lại, chính quyền Bắc Kinh lại càng quyết tâm để
thực hiện vế “một quốc gia” trong thỏa thuận này. Trong năm 2016 và 2017, họ đã
khai trừ sáu nhà lập pháp vì đã không tôn trọng Trung Quốc khi đọc sai lời
tuyên thệ trung thành (khi bắt đầu nhiệm kỳ). Năm nay, họ đã thay đổi hiến pháp
Hồng Kông để yêu cầu thông qua một đạo luật nhằm trừng phạt những người nào xúc
phạm quốc ca, phỏng theo một đạo luật mà Trung Quốc đã thông qua vào năm 2017.
Và Bắc Kinh đã thúc đẩy việc thay đổi hệ thống luật pháp thời thuộc địa hiện
hành, vốn ngăn cản việc dẫn độ tội phạm tới Trung Quốc. Dự luật được đề xuất
không áp dụng cho các tội phạm chính trị, nhưng nhiều người lo ngại rằng Đảng Cộng
sản có thể sử dụng nó làm cơ sở để thực hiện việc dẫn độ những người bị cho là
đã vi phạm.
Mặc dù bà Lam đã đình chỉ dự luật dẫn độ, các nhà
quan sát chính trị lâu năm vẫn dự kiến rằng Đảng Cộng sản sẽ thắt chặt sự kìm kẹp
của mình theo vô số cách khó nhìn thấy hơn. Chính quyền trung ương vẫn ca ngợi
chính sách “một quốc gia, hai chế độ” là một sự sáng tạo tuyệt vời. Hồi tháng
Giêng, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chính
sách này đối với việc đảm bảo điều mà ông gọi là sự thống nhất “không thể tránh
khỏi” giữa đại lục và Đài Loan. Rất ít người ở Đài Loan cảm thấy bị thuyết phục.
Các sự kiện gần đây tại Hồng Kông chỉ làm tăng sự nghi ngờ của họ. Giải pháp
sáng tạo của Đặng cho vấn đề thống nhất chưa bao giờ phải đối mặt với một
sự hoài nghi lớn đến thế.
---------------------------------
Nguồn:
Jun 30th 2019
by A.K.
No comments:
Post a Comment