Thursday, 18 July 2019

BI KỊCH CỦA ĐỒNG BÀO TÂY NGUYÊN : CÒN ĐÂU LỜI RU TRÊN NƯƠNG? (Lê Đan Hạ)




Lê Đan Hạ
Gửi cho Tiếng Dân từ Pleiku
18/07/2019

Những gì đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên trong những ngày qua, làm tôi nhớ lại sự kiện hơn 15 năm trước, đồng bào Tây Nguyên xuống đường chống áp bức, bất công, hồi tháng 4/2004.

Trang BBC gọi cộng đồng dân tộc ít người ở Tây Nguyên là người Thượng, nhưng trên thực tế, những người này muốn được gọi là “đồng bào” hơn. Họ cũng không thích khi gọi họ là người Ê Đê và điều cấm kị nhất khi dùng ngôi thứ ba số nhiều là “tộc”. Đồng bào Tây Nguyên thích gọi bằng cụm từ “đồng bào”, khi gọi như vậy, họ cảm thấy không có sự phân biệt đối xử.

Sự kiện diễn ra ngày 10/04/2004 bị nhà nước CHXHCNVN gọi là bạo loạn, BBC gọi là biểu tình, cả hai cách gọi đều chưa đúng lắm. Người dân Tây Nguyên không trương băng rôn, biểu ngữ, không hô hào, mà họ buộc khăn tang trắng trên đầu như một chiến binh cảm tử, nhưng không cần vũ khí.

Trang Wikipedia tiếng Việt dùng nội dung chính bài báo mạng của VnExpress: “Gây rối quy mô lớn tại Tây Nguyên” trong bài viết có chủ đề: “Biểu tình ở Tây Nguyên 2004“. BBC Việt ngữ có một link diễn đàn dành riêng cho sự kiện này “Tại sao người Thượng biểu tình?“.

Không có bằng chứng nào để quy tội bạo loạn cho người Thượng ở Tây Nguyên. Không có tên Fulro cầm đầu nào bị tòa án VN đem ra xét xử. Không có cảnh quay nào làm bằng chứng để buộc tội họ đập phá nhà cửa, tài sản của người Kinh.

Tất cả những cây cầu trên quốc lộ trước thời điểm đó đều có barrie di động hình tam giác hộp, khung thép hàn căng thép gai để bất cứ lúc nào cũng có thể chặn hướng tiến của đồng bào Tây Nguyên đi “nổi loạn”.

Ranh giới giữa Buôn Ma Thuột và Krong Ana, bây giờ là Cưkuin, từ vị trí này đi Gia Lai hoặc Đà Lạt khoảng 200 km, là một cây cầu trên quốc lộ 27, thị dân hai bên đầu và cuối cầu thường gọi nó là cầu bà Dần.

Ngày 10/4/2004, đoàn biểu tình từ các buôn làng dài cỡ nửa cây số, đi bộ theo hàng trăm chiếc máy cày nông nghiệp với rơ-mooc chở theo gạch đá lượm ở dọc đường. Có nhiều người buộc khăn tang trắng trên đầu. Khi qua hết cầu bà Dần, lên dốc để tiến về phố thì đoàn người bị nhóm người rất đông, mà dân chúng tin rằng, đó là lực lượng công quyền, giả dạng thường dân, chặn đánh dân bằng gậy gộc hết sức dã man.

Phía trước là dân phố, ở giữa là lực lượng an ninh chìm, đàng sau là dân công ty cà phê đã được tuyên truyền những thông tin xấu về “người Thượng phản loạn”. Tất cả xúm vào đánh hội đồng đoàn biểu tình ở giữa cầu, tuyệt lộ, không còn con đường chống đỡ và chạy thoát.

Rất nhiều máy cày của đoàn người dân đã bị đẩy xuống hồ Echucap sâu thẳm, thân xác thương vong và thương tích cũng đã được dọn dẹp nhanh gọn như thân phận của những chiếc máy cày vô tri. Những đồng bào chạy thoát, một số về nhà đã chết, có người chết vì tự tử, tự tìm cái chết bởi vì nỗi hãi hùng tột bực khi chứng kiến đồng loại bị đánh đập dã man.

Nếu BBC có may mắn quay được cảnh này thì cũng chỉ là cảnh anh em “nồi da xáo thịt”, nhà cầm quyền vô can, công an và quân đội giấu mặt. Ông Phạm Thế Duyệt công bố với thế giới, rằng người Thượng chết 2 người, do xe công nông cán, gây thương vong!

Tôi tin chắc rằng hình ảnh đau thương này đã có người ghi lại, một ngày nào đó làm chứng cứ, để chứng minh cho bản chất bịp bợm của cộng sản VN là không bao giờ thay đổi. Nhân chứng còn đó, có biết bao nhiêu người đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng đã diễn ra, thời gian hơn 15 năm sau ngày 10/4/2004 đủ để làm cho dân chúng thấy bản chất thế lực cộng sản gian trá lên từng ngày.

Năm 2004, thời kỳ của triều đại Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Trần Đức Lương, Lê Hồng Anh, thêm bí thư tỉnh ủy Daklak Y Ngông nie Kdam.

Cứ cho rằng người Thượng bị lôi kéo, mua chuộc bởi “thế lực lưu vong rã rời”, nhưng đã có ai đặt câu hỏi “người Thượng cần gì?”.

Nếu cho rằng biểu tình ngày 10/4/2004 là có tổ chức, có cầm đầu, thì tại sao không có chứng cứ, dù chỉ một bức ảnh ghi lại cảnh trấn áp tại cây cầu tang thương này, cho cả thế giới thấy?

Một nhà cầm quyền tự cho là minh bạch, tử tế, sao lại có kiểu dọn dẹp biểu tình một cách dã man như vậy? Một khi cho là họ bị lôi kéo, xúi giục, thì những người dân này có đáng bị đánh đập một cách dã man như vậy không?

***
Từ năm 1975, người Kinh tràn ngập Tây Nguyên bởi một chính sách di cư không có ý nghĩa về dân sinh và mưu cầu no đủ, chỉ là một chủ trương tống khứ “tàn dư” từ thành phố về vùng cao, vùng trũng, mà một thể chế chuyển từ chiếm cứ sang cai trị, không đủ tự tin để tiếp nhận và phát triển. Mọi cái giá đắt rẻ không cần do dự, tất cả là để bảo vệ chế độ.

Cải tạo, tống khứ và bi kịch trốn chạy, phó mặc số phận lênh đênh biển cả, đã nói lên những điều không tốt đẹp về ngày “giải phóng”. Vấn đề di dân này đẻ ra quá nhiều vấn đề khác, có biết bao nhiêu tài nguyên rừng đã bị tàn phá tự do, khủng khiếp bởi bàn tay con người bị cưỡng bức mưu sinh. Bao nhiêu mảng đời bị ném vào thảm trạng vùng “kinh tế mới” để thực hiện chính sách di dân độc ác của đảng CSVN.

Nhưng đồng bào Tây Nguyên đột ngột bị rơi vào một thảm cảnh tồi tệ, bị chế ngự thô bạo, làm đảo lộn cuộc sống núi rừng bình yên bao đời, đơn giản vì họ coi người Kinh là những vị khách không mời mà đến. Lần đầu tiên họ biết đến nỗi đau bị cướp đất mà không hề có sự thương lượng.

Nhưng các cuộc biểu tình đã nổ ra ở các buôn gần phố Buôn Ma Thuột, cả những nơi sát nhà ông bí thư tỉnh ủy ngự trị.

Hãy coi những lần đồng bào Tây Nguyên ra phố, lên đường là một sự yêu cầu tôn trọng nhân quyền, như một sự cầu xin điều chỉnh.

Còn đâu “Dưới bóng cây Kơ nia”, “Cô gái vót chông”, “Lời ru trên nương” …vô cùng lãng mạn ru ngủ người Thượng?

Không ai hiểu được ngôn ngữ cồng chiêng, đó chính là ngôn ngữ truyền tin. Không có một ông bà đại biểu Quốc hội đạo mạo nào “vi hành” xuống từng buôn làng, để xem người dân sống không bằng chết.

Vào lúc này, tháng 7/2019, họ cũng đang chuẩn bị trở lại đợt xuống đường, như muốn bày tỏ rằng họ cũng là con người, được quyền sống và tự do là trên hết.
______

Đọc thêm: 






No comments:

Post a Comment

View My Stats