Friday, 23 December 2016

TRUMP CÓ PHẢI LÀ MỘT NIXON MỚI CỦA KISINGER ? (Việt Nguyên)




Việt Nguyên
December 21, 2016

“Đại thắng mùa Thu” của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa đến chiến thắng cho Tổng Thống (TT) Nga Vladimir Putin và khiến đảng Cộng Hòa lo âu. Cơ quan tình báo CIA cho thấy Putin đích thân ra lệnh tin tặc tấn công vào hệ thống máy điện tính của đảng Dân Chủ để trả thù bà Hillary Clinton, kết quả là Putin đã tìm được một đồng minh đáng tin cậy ở Tòa Bạch Ốc sau ngày khối Sô Viết sụp đổ.

Từ sau khi Nga tấn công vào Ukraine và chiếm Crimea ở Hắc Hải năm 2014, đảng Cộng Hòa cũng như TT Obama đã nghi ngờ thiện chí hòa bình của TT Putin. Sự quan tâm về hòa bình ở vùng biển Hắc Hải cũng tương tự như sự quan tâm về hòa bình ở Nam Thái Bình Dương. Các giới chức quân sự Hoa Kỳ năm 2015 đã cảnh cáo về hiểm họa quân sự của Trung Cộng qua cuốn tiểu thuyết “Hạm đội ma” của Angust Cole và P.W. Singer nhờ vậy Hải Quân Hoa Kỳ tập trung vào Biển Đông.

Tháng 5 năm 2016, các giới chức quân sự Hoa Kỳ lại được cảnh cáo về hiểm họa quân sự của Nga với âm mưu Putin trên vùng Hắc Hải qua cuốn tiểu thuyết quân sự “2017 chiến tranh với Nga” của Tướng Sir Richard Shirreff, nhưng khác với vùng biển Đông, Hoa Kỳ không quan tâm đặc biệt về âm mưu của Putin ngoại trừ vài người như Thượng Nghị Sĩ John McCain và các đảng viên Cộng Hòa đã có kinh nghiệm đấu tranh với Cộng Sản.

Tướng Shirreff là cựu đệ nhị tư lệnh quân sự NATO viết cuốn sách khi thấy Putin có tư tưởng vào tháng 3 năm 2014: “Đoàn kết các sắc dân nói tiếng Nga dưới lá cờ mẹ Nga” không khác như khi Hitler sát nhập Sudetenland vào Đức năm 1938. Cựu tư lệnh quân đội đồng minh Âu Châu, Đô Đốc James Stavridis viết lời tựa cho cuốn “2017 chiến tranh Nga” đã cảnh cáo: “Tất cả những thách đố Hoa Kỳ đang phải đối đầu, nguy hiểm nhất là nước Nga đang lớn mạnh dưới sự lãnh đạo của Putin.”

Chiến tranh bắt đầu với Nga xâm lăng Ukraine tấn công qua Hắc Hải. Ukraine không thuộc khối NATO nên NATO không phản ứng. Nga biết các nước vùng Baltic dễ xâm lăng, quả thật khi tiếng súng bùng nổ, thủ tướng Anh đang ngồi uống rượu đủng đỉnh ở quán Luân Đôn, dân Đức tê liệt vì lo lắng, Hy Lạp và Hungaria nằm trong túi của Nga. Quân Nga tiến qua các nước Baltic trong khi các nhà lãnh đạo NATO còn bàn cãi. Lính lực lượng đặc biệt Nga trà trộn vào đám người biểu tình chống chính phủ Ukraine, bắt cóc cố vấn quân sự Mỹ ở Kharkov trong khi họ đang huấn luyện quân Ukraine. Lính Mỹ bị bắt đưa về Nga, chính quyền Nga đưa họ lên đài truyền hình, tố cáo Hoa Kỳ xâm lăng lãnh thổ Nga qua biên giới Nga – Ukraine. Nga có cớ xâm lăng Ukraine. Quân nhảy dù từ Pskov xuống chiếm Riza sau đó xe tăng Nga xâm lăng như thời Sô Viết xâm lăng Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungaria. Tiếp đến Nga chiếm Latvia, sau đó là Esponia và Lithuania. Các nước Baltic lọt vào tay Nga, nếu Âu Châu can thiệp Nga sẽ dùng vũ khí nguyên tử. Trong sách, nhân vật hung ác nham hiểm sẵn sàng đàn áp và dùng vũ khí nguyên tử là Vladimir Vladimirovich nhưng ai cũng hiểu là Vladimir Putin.

Đối với Tướng Shirreff, V. Putin cần gây chiến vì uy tín trong lãnh đạo cần có giống như Tập Cận Bình gây hấn ở Biển Đông để chứng tỏ vị trí đàn anh và để các thành phần chống đối trong nước bị quên lãng. Chiến tranh ở Hắc Hải thật sự có thể xảy ra trong tình trạng chính trị Âu Châu hiện nay với khối NATO thiếu đoàn kết. Anh đang rời khỏi liên hiệp Âu Châu. Thổ Nhị Kỳ thù Hoa Kỳ sau cuộc đảo chánh và trừng phạt đối lập. Thổ và Anh là hai quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất trong khối NATO. Trong cuộc tranh cử tổng thống Hoa kỳ hồi Tháng Mười, ứng cử viên Donald Trump lại giúp Putin có thêm niềm tin khi nói “Âu Châu phải tự bảo vệ không cần đến Hoa kỳ.” TT Putin đã thấy Âu Châu chưa bao giờ bị rối loạn như vậy từ sau cơn khủng hoảng kinh đào Suez năm 1956.

Hình nộm ông Trump và Putin trong một cuộc biểu tình ở Pennsylvania. (Hình: Getty Images)

Năm 2014, Nga xâm chiếm Crimea và can thiệp vào Ukraine ngoài lý do kinh tế suy thoái vì giá dầu xuống (Putin có kế hoạch kinh tế ngũ niên dựa trên giá dầu) còn vì chính sách của chính quyền tham nhũng Putin làm cho dân Nga mất thiện cảm, thay vì phải đối đầu với những vấn đề đối nội, Putin đoàn kết quốc gia bằng chủ nghĩa quốc gia cực đoan.

Dân Nga yêu nước, ủng hộ Putin đưa Nga trở về lại thời kỳ hãnh diện trước năm 1991 khi Sô Viết sụp đổ. Trong khi đồng tiền Nga xuống giá, Putin xuất cảng vũ khí nhiều hơn. Các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Lithuania trước thuộc về Nga từ thời Nga Hoàng qua đến Sô Viết nay Putin muốn gom lại trong đại quốc Nga.

Cơ quan nghiên cứu RAND của Hoa Kỳ đã nhận định: khối NATO không thể tự phòng thủ và bảo vệ các quốc gia vùng Baltic vì từ nhiều năm qua NATO đã cắt ngân sách quốc phòng xuống đến mức quá thấp. Nga hiện nay khác với Nga năm 1993 không đe dọa bất cứ các nước láng giềng nào ở Âu Châu, tất cả thay đổi vì nhân vật Vladimir Putin.

Trong thập niên 1990 hậu cộng sản, dân Nga đã cảm thấy nhục nhã vì thua kém các nước Tây Phương, chính quyền thay đổi không bền vững từ thủ tướng này qua thủ tướng khác. Ông Yeltsin được Hoa Kỳ và các nước Tây Phương thích nhưng đối với dân Nga ông nhu nhược. Từ một nhân viên tình báo KGB, Putin đi lên làm thủ tướng và tổng thống với con đường khác với các cựu nhân viên tình báo KGB.

Vladimir Putin chạy theo quyền lực thay vì chạy theo đồng tiền như các nhân viên KGB khi chính thể thay đổi từ cộng sản qua tư bản. Con đường quyền lực trong cơ quan công lực đưa đẩy nhân viên Putin lên đến phó thị trưởng St Petersburg, vào đến điện Cẩm Linh với bàn tay máu nắm giữ quyền lực, rồi quyền lực sinh ra tiền, con đường quen thuộc của các nhân vật lãnh đạo ở các nước cộng sản và chậm tiến. Putin giúp Nga ra khỏi cái nhục hậu cộng sản, giá dầu xuất cảng tăng, gia sản của Putin cũng tăng theo, mặc dù kinh tế thế giới khủng hoảng đi xuống từ năm 2009. Con đường của Vladimir đi ngược với con đường của ông Donald Trump, ở xứ tư bản Mỹ, tiền bạc mua danh vọng và quyền lực.

Tổng thống đắc cử Trump đã nhạo báng giới tình báo Hoa Kỳ khi cơ quan CIA công bố điều tra về tin tặc. Hai đồng minh mới có những dấu hiệu chung đáng kể trong ngành gián điệp với V. Putin là nhân viên tình báo. Người ta đã nhận thấy ông Trump có vẻ như là gián điệp của cơ quan tình báo Nga. Ông dùng những người thân tín có liên hệ buôn bán với Nga và Putin, các bộ trưởng cao cấp như bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson giám đốc hãng dầu Exxon Mobil làm ăn buôn bán với Nga, được giải thưởng Hữu nghị tối cao từ tay Putin, cố vấn an ninh quốc gia Trung tướng Michael Flynn gặp riêng V. Putin, được đài truyền hình Nga trả tiền. Một số nhân viên CIA còn đi xa hơn kết luận là điện Cẩm Linh đã đưa ông Trump vào tòa Bạch Ốc vì vậy ông đã về phía Cẩm Linh chống lại và nhạo báng CIA.

Năm 2008 khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhà tỷ phú nổi tiếng về đầu tư địa ốc lỗ lã ở Florida đã nhận $95 triệu từ tỷ phú Nga liên hệ mật thiết với Putin. Có qua có lại, lên cầm quyền, ông Trump chủ trương dùng các biện pháp kinh tế và ngoại giao nhằm đẩy giá dầu thô lên đến 71 Mỹ Kim một thùng, giúp kinh tế và sức mạnh quân sự Nga. Thị trường Nga từ ngày ông Trump đắc cử tăng 20% giúp các nhà tỷ phú Nga trong đó có Putin giàu thêm, hơn hẳn số $95 triệu họ đã giúp ông Trump hồi ông xuống dốc. Chính sách của ông Trump chủ trương bỏ cấm vận kinh tế Nga từ năm 2014 khi Putin gây chiến Ukraine và nhập Crimea vào Nga. Chung quanh ông Trump là những nhân vật nổi tiếng thân Putin như Carter Page và Paul Manafort nên người ta không lạ khi tân tổng thống không chịu chỉ trích tổng thống Nga Putin cũng như chủ trương không ủng hộ khối NATO đồng thời gây hấn với Tập Cận Bình về vấn đề Đài Loan và tự do giao thương.

Trong thời gian tranh cử, ứng cử viên Donald Trump đã ngưỡng mộ đường lối cai trị cầm quyền của TT Nga V. Putin “nhà lãnh đạo mạnh kiểm soát chặt chẽ nước Nga.” Hai nhà lãnh đạo, một từ giới nghèo đi lên cầm quyền một giàu sẵn từ bé có đủ tiền tài nay có địa vị đã ái mộ lẫn nhau và có nhiều thủ đoạn chính trị giống nhau đưa đến cách cầm quyền giống nhau. Ông Trump đã chỉ trích bà Clinton là người nói láo nhưng ông Trump và Putin là hai người nói láo thẳng thừng, nói láo không ngượng. Năm 2014, bị NATO cấm vận khi xâm lăng Crimea, Putin chối bay chối biến, không hề có quân đội Nga ở Crimea. Từ năm 2014 đến 2015, Putin tiếp tục nói với ký giả Tây phương rằng không có đánh nhau ở Ukraine, qua đến năm 2016 Putin xác nhận có chiến tranh với quân Nga ở Ukraine. Putin nói láo như “Vẹm” thời chiến tranh Việt Nam, như CSVN ở hội nghị Paris. Putin nói láo bất cứ khi nào muốn nói láo, nói láo bất cứ điều gì có lợi, Tây phương gọi là nói láo như vua, dân Việt Nam gọi là vua nói láo.

Ông Trump nói láo giữa 3 giờ đêm qua Twitter, lúc đầu loan tin thắng cử cả số phiếu cử tri đoàn lẫn phiếu phổ thông, sau đó nói đáng lẽ thắng phiếu phổ thông nhưng thua vì có đến 3 triệu phiếu dân Mễ bất hợp pháp. Trong những ngày bầu cử, ứng cử viên Trump hứa sẽ cho mọi người xem giấy tờ khai thuế trong 20 năm qua nhưng đắc cử rồi hơn một tháng tài chính của ông Trump vẫn lờ mờ. Ông Trump hứa sẽ họp báo để tuyên bố tách rời dịch vụ thương mại Trump ra khỏi công việc tổng thống nhưng vẫn hứa lần hứa lừa. Ngay sau khi CIA cho thấy tin tặc Nga tấn công vào máy điện tính đảng Dân Chủ, tân tổng thống lại nói láo: “tin tặc do đảng Dân chủ loan ra sau khi ông đắc cử, trước đó không hề có tin tặc trong những ngày bầu cử.” Thời buổi truyền hình, tin mạng, nhưng ông Trump và Putin vẫn dùng thủ đoạn tuyên truyền của Cộng Sản Sô Viết, Tàu Cộng, Việt Cộng với những tin giả loan qua Facebook và Twitter. Không dùng những dữ kiện đúng nhưng với quyền lực (độc tài như Putin và tài chính của Trump) tân tổng thống luôn luôn hăm dọa và xem báo chí là kẻ thù. Ông Trump, khác với báo chí, phải luôn luôn xem lại dữ kiện có đúng sự thật trước khi đăng, đã trắng trợn hỏi “dữ kiện là gì mà phải coi trọng?” Cũng như TT Putin, ông Trump không chấp nhận chỉ trích của báo chí xem báo chí viết về ông không trung thực còn tin giả tung ra qua Twitter từ tay ông lúc nào cũng đúng. TT Putin đóng cửa báo chí, kiểm duyệt giới truyền thông đã dạy ông Trump bước đầu độc tài. Trong tay có Twitter, ông Trump có cảm tưởng như cầm cây gậy chỉ huy. Facebook và Twitter làm ông thông minh, tiếp xúc với các yếu nhân trên thế giới nên không cần phải tham dự tường trình ngoại giao và tình báo mỗi ngày. Facebook ngày 15 Tháng Mười Hai, 2016, đã phải bắt đầu kiểm soát dữ kiện tin tức chận tin tức giả.

Đảng Cộng Hòa bắt đầu thấy ngại với con đường đầu của tân tổng thống, ông Mitt Romney đã tự động rút lui không muốn tranh chức bộ trưởng ngoại giao vì ông Trump đi con đường gần giống Putin, con đường Mafia cai trị Nga với tiền, quyền lực và phe phái.

“Quốc gia Mafia” là danh từ của nhà xã hội học Bálint Magyar trong đó bộ máy cầm quyền như một bộ lạc, mọi người phải có liên hệ với nhau qua bè phái, không ai được vào nếu không được mời và không được tự động đi ra, liên hệ được xây dựng trên sự trung thành. Giống như tổ chức Mafia, những người trong chính quyền của Putin phải hứa trung thành với lãnh tụ và tổ chức. Mọi người trong tổ chức phải có tham vọng và tham lam. Kiểu mẫu của ông Trump khi lập nội các đã làm những người như cựu thị trưởng Nữu Ước, đảng Cộng Hòa, Rudy Giuliani không tham gia nội các khi nhìn thấy cách ông Trump chia tiền bạc và quyền hành cho gia đình, đem tất cả người trong gia đình vào tòa Bạch Ốc.

Quốc gia Nga mà V. Putin xây dựng là “quốc gia Mafia hậu cộng sản” còn con đường tân tổng thống Trump đi nếu không được đảng Cộng Hòa ngăn bớt sẽ là con đường đi đến “quốc gia Mafia hậu dân chủ”, danh từ của Magyar. Ông Trump khôn khéo hơn Putin, khi lập nội các ngoài mặt đã theo vài chương trình bảo thủ để làm thỏa mãn giới Cộng Hòa cực hữu.

Nội các Trump là một nội các không được bình thường, gồm nhiều triệu phú, tỷ phú thân Nga và có tinh thần chống khoa học. Ông Rex Tillerson cựu giám đốc Exxon Mobile thân Putin. Cựu thống đốc Texas Rick Perry bộ trưởng năng lượng, không tin vào bảo vệ môi sinh, không tin năng lượng xanh, chủ trương đào thêm dầu đào thêm than. Giám đốc cơ quan môi sinh, không tin có hiện tượng thay đổi nhiệt độ toàn cầu vì con người gây ra đã được chứng minh bởi 97% các khoa học gia. Bộ trưởng y tế Tom Price nhắm bỏ Obamacare. Bà bộ trưởng giáo dục Betsy Davis chủ trương tư hữu hóa các trường công. Bộ trưởng lao động Andrew Puzder tranh đấu cho các đại công ty thay vì tranh đấu cho công nhân, chủ trương không tăng mức lương tối thiểu. Bộ trưởng tài chánh Steven Mnuchin (giám đốc công ty tài chánh Goldman Sachs) chủ trương cắt 50% thuế cho các đại công ty và giới có lợi tức trên $700,000 còn giới trung lưu được hứa giảm thuế nhưng tiền khấu trừ của tiền đóng thuế nhà và tiền lời nợ ngân hàng được trừ thuế mỗi năm bị giảm.

Ông Trump được cơ quan súng NRA ủng hộ tuyệt đối từ đầu, với cơ quan quyền lực tài chánh mạnh này nội các của ông Trump mạnh về súng đạn hơn là y tế.

Ông Trump cả đời thích nổi tiếng, thích xuất hiện trước công chúng, ăn nói sôi nổi vô tội vạ khác với một Putin con người tình báo sống trong bóng tối, thâm trầm ít nói, nay ông Trump lại gần với Putin khiến các lãnh tụ đảng Cộng Hòa như TNS John McCain lo ngại.

Đồng chí với Putin là thật hay là màn kịch của Donald Trump do Tiến sĩ Kissinger cố vấn ngoại giao đạo diễn? Năm 1972, qua bang giao Mỹ- Trung, Hoa Kỳ đã nuôi Trung Cộng lớn mạnh để chận Sô Viết, hơn 40 năm sau phải chăng Hoa Kỳ đang nuôi con gấu Nga để chận con rồng Trung Quốc đang bay bổng? Thời gian sẽ cho biết Donald Trump có phải là một Nixon mới của Henry Kissinger.





No comments:

Post a Comment

View My Stats