Saturday 31 December 2016

NƯỚC ĐỨC RỐI BỜI . . . (Nguyễn Tường Bách)




Nguyễn Tường Bách 
Cập nhật lần cuối 31/12/2016

Từ ngữ vốn luôn luôn được đổi mới. Tiếng Đức cũng vậy. Gần đây nhiều người ngơ ngác, trong đó có kẻ viết bài này, khi nghe từ „Gefährder“.

Nghe „Gefährder“ và liên hệ với ngữ cảnh, người nghe mới chợt hiểu, từ này chỉ những ai „có khả năng gây nguy hiểm“ cho cộng đồng. „Gefährder“ có từ gốc „Gefahr“ mà „Gefahr“ chính là „nguy cơ, nguy hiểm“. Cái gì gây hiểm nguy tại một nước Đức vốn an toàn ở châu Âu và vì ai nên nỗi?

Mối hiểm nguy do khủng bố tại Đức vốn tiềm ẩn từ lâu nhưng người ta giật mình hoảng sợ trong tuần qua, khi Amri, một thanh niên khủng bố người Tunesia cướp một chiếc xe tải, đâm vào chợ Giáng Sinh ngay trung tâm thủ đô Berlin, gây thiệt mạng cho 12 người. Lực lượng an ninh Đức, vốn rất hùng hậu, truy lùng khắp nơi và bắt nhầm một người. Dường như hành vi bắt nhầm đó làm cho kẻ khủng bố có thời gian chạy thoát, qua Hà Lan, Pháp rồi đến Milano tại Ý. Tại Ý, cảnh sát Ý tưởng chừng như lỏng lẻo thua xa Đức, lại tóm cổ và loại ngay Amri ra khỏi vòng chiến.

Những ngày Giáng Sinh xem ra yên ả tại Đức đang chờ đợi một năm mới nhiều rủi ro và biến động. Amri đã chết nhưng Amri đại diện cho một lớp người được mệnh danh là Gefährder, tức là những kẻ có khả năng phạm tội nhưng chưa ra tay. Trước khi Amri cướp xe tải, anh ta chưa làm gì có thể bị lên án. Nhưng ai cũng thừa biết rằng những người như anh ta là mối nguy cho xã hội. Cảnh sát Đức đã theo dõi anh ta từ lâu nhưng nửa chừng mất dấu.

Phải giải quyết với loại người này như thế nào đây. Nếu bắt họ vào ngục thì trái với quy định của một nhà nước pháp trị. Luật qui định ai cũng vô tội cả cho đến khi bị chứng minh là có tội. „Nghi can“ còn bị nặng tội hơn. Ngược lại, nếu để cho họ nhởn nhơ thì khi họ phạm tội với hàng chục hàng trăm người chết thì quá trễ, ai sẽ chịu trách nhiệm? Nếu phải cử nhân viên an ninh theo dõi họ 24/24 thì không Nhà Nước nào chịu xuể. Hiện nay Đức định nghĩa rõ ràng có 540 Gefährder tại xứ này, nếu theo dõi họ suốt ngày đêm Nhà Nước cần thêm khoảng 5000 nhân viên công lực .

Nhiều nhà chính trị nghĩ ra nhiều cách „rẻ“ hơn như gom họ vào một trại chuyển tiếp trước khi đẩy về xứ hay còng chân họ bằng khóa điện tử - đi tới đâu an ninh biết tới đó – nhưng vấn đề then chốt là nếu như vậy, nền pháp trị vốn thiêng liêng của Hiến pháp Đức sẽ bị tổn thương. Và điều đó không ai muốn.

Hơn 500 nhân vật này tuy làm Đức bối rối nhưng cái đáng rối hơn nữa là nội bộ của nền chính trị Đức. Cũng như tại Hà Lan, Áo, Pháp và Ý, nước Đức cũng có một đảng chính trị theo chủ nghĩa quốc gia và dân túy. Hiện nay danh tính của họ là AFD, tạm dịch là „Chủ trương mới cho nước Đức“. Thân thế của các nhà chính trị và cử tri của họ được xem là thuộc cánh cực hữu, một khuynh hướng chưa bao giờ biến mất tại Đức. Thế nhưng với sự hiện diện của hơn một triệu người di cư đến Đức và với mối hiểm nguy từ 540 nhân vật Gefährder, phe cánh AFD kiếm được phiếu hơn bao giờ cả. Thăm dò cho thấy hiện nay họ chiếm khoảng 15% phiếu cử tri Đức. Cuối 2017 nước Đức sẽ bầu lại Quốc hội, có khả năng họ leo lên trên 20%. Có nhiều lý do cho thấy điều đó.

Sau hơn một năm đón nhận làn sóng di cư, người Đức bắt đầu thấy không dễ gì những con người đó hòa nhập vào xã hội, như một thăm dò mới nhất cho thấy. Đó là những người ra đi trong bờ vực của sự sống chết, tâm lý của họ đầy ắp những ám ảnh u ám. Phần lớn người nhập cư là thanh niên độc thân, không có nghề nghiệp chuyên môn, có kẻ quen thói sử dụng bạo lực. Nhưng khác biệt lớn nhất với xã hội sở tại nằm trong lĩnh vực văn hóa và tôn giáo. Không giống người châu Á, người theo đạo Hồi rất khó hội nhập tại phương Tây. Trong số đó dĩ nhiên có một ít được các nhóm khủng bố bí mật gửi đi hay tự mình trở thành cực đoan sau một thời gian đầy thất vọng tại Đức. Một triệu người di cư chỉ là số nhỏ so với 82 triệu người Đức, nhưng vấn nạn sinh ra không hề nhỏ. Đó là mồi ngon cho AFD.

Thế nên nền chính trị vốn được coi là ổn định tại Đức bắt đầu rối. Hai đảng phái chính thống CDU/CSU và SPD đang mất phiếu và người ta tính đến một nền chính trị với 6 đảng tại Đức. Và 6 đảng đó chỗ thì liên minh, chỗ thì đấu tranh lẫn nhau, tùy theo các cuộc bầu cử liên bang hay tiểu bang. Đề tài dân nhập cư dĩ nhiên đang trở thành nóng hổi hơn bao giờ cả và chủ đề này luôn luôn có lợi cho cánh cực hữu.

Thuyền to sóng cả. Nước Đức được xem là hùng mạnh và ổn định nhất châu Âu cho nên châu Âu chao đảo thì Đức không yên. Một mặt châu Âu từ chối yêu cầu của Đức giải quyết một cách đa phương vấn đề nhập cư, mặt khác phong trào nhập cư làm chủ trương quốc gia và dân túy khắp nơi từ Pháp, Hà lan, Áo đến các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungari ngày càng mạnh mẽ. Nước Anh với Brexit, nước Ý với cuộc trưng cầu vừa qua chỉ làm châu Âu ngày càng thất thế. Cuối cùng thì Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nước gần Đức nhất trong các năm qua, cũng quay lưng, biến thành một chính thể độc đoán và có khả năng hợp tác với Nga. Đức phải làm gì để cứu vãn châu Âu trước nguy cơ yếu thế và tan rã.

Nhưng tình hình như thế dường như vẫn chưa đủ rối bời cho Đức nên tháng 11 vừa qua lại có thêm một biến cố ngoạn mục. Tại Mỹ Trump được bầu làm Tổng Thống trong sự bất ngờ hụt hẫng của Berlin. Chủ trương nhập cư của bà Merkel, nếu được đương kim Tổng thống Obama hoan nghênh và ủng hộ thì bị Trump chê bai, cá nhân bà Merkel bị Trump chế diễu. Ngoại trưởng Đức Steinmeier, về sau sẽ trở thành Tổng Thống Đức, cũng đứng hoàn toàn về phe Clinton lúc còn tranh cử tại Mỹ. Chính phủ Đức sẽ rất khó ứng xử với một Trump trực tính và không biết kiêng nể ai trong tháng 1.2017 khi ông nhậm chức Tổng thống.

Nhưng quan hệ cá nhân tuy quan trọng nhưng không phải then chốt. Vấn đề cơ bản hơn nhiều là thái độ của Trump đối với NATO và với Nga. Hiện nay chưa ai suy đoán được gì về các chính sách này. Nhưng nếu Trump đi hẳn với Nga, và coi nhẹ NATO, bắt châu Âu phải gánh vác thêm, nếu không phải Berlin thì ai sẽ chịu đựng vai trò đầu tàu? Mà Đức thì xem ra chưa sẵn sàng và có lẽ cũng không hề muốn.

Theo báo chí, bà Merkel tính đến tất cả trường hợp xấu nhất từ Mỹ. Liệu Đức sẽ có những giải pháp khác nhau cho những tình huống khác nhau hay không, chưa ai biết rõ. Cũng không ai rõ liệu bà Merkel còn trụ lại được trong cuộc bầu cử 2017. Điều chắc chắn là năm 2016 xuất hiện quá nhiều nhân vật và biến cố, từ Anh đến Thổ Nhĩ Kỳ đến Hoa Kỳ, làm nước Đức chao đảo mãnh liệt hơn bao giờ cả.

Phải chăng đối với Berlin không phải chỉ có vài trăm Gefährder mà nhiều hơn hẳn?

Nguyễn Tường Bách
28.12.2016





No comments:

Post a Comment

View My Stats