Saturday 25 June 2016

HẬU BREXIT : LÀM SAO ĐỂ CON TÀU CHÂU ÂU KHÔNG ĐẮM ? (Trọng Thành - RFI)





Đăng ngày 25-06-2016

Trưng cầu dân ý tại Anh về « rời bỏ hay ở lại châu Âu » và đe dọa khủng bố, bạo lực, là chủ đề lớn của các tuần báo Pháp. « Làm gì để cứu châu Âu » sau Brexit là tựa trang bìa Le Nouvel Observateur. Le Courrier International tìm cách lý giải : « Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo khiến các xã hội chúng ta bị cực đoan hóa ra sao », trong khi l'Express đặt câu hỏi : « Làm thế nào đánh bại được quân thánh chiến ».

Tranh "Chiếc bè Méduse" (1819) của họa sĩ Pháp Théodore Géricault.Ảnh : Wikipédia

Le Nouvel Observateur dành hồ sơ chính cho chủ đề Brexit, với bức họa nổi tiếng « Chiếc bè Méduse ». Trên nền bức họa, với hai hình ảnh biểu tượng : Lá cờ châu Âu 12 ngôi sao (được dùng làm cánh buồm) và quốc kỳ nước Anh (được dùng làm chiếc khăn kêu cứu), là dòng chữ : « Từ thảm nạn đến giải cứu ». L’Obs bình luận : 23/06/2016 là « một bước ngoặt trong lịch sử châu Âu », dù cử tri Anh có ủng hộ giải pháp Brexit hay không.

Sóng lớn dư luận đã nổi lên, hiện thực đã hoàn toàn khác. Kể từ giờ, hàng triệu người Anh ủng hộ Brexit và rất đông đảo người châu Âu quyết định không chấp nhận quyền điều hành của « một nhúm các nguyên thủ ». Cho dù tính chất mỵ dân « của chiến dịch trưng cầu dân ý bi thảm này » là đáng lên án, nhưng « điều tồi tệ đã xảy ra », và những người ủng hộ châu Âu buộc đối mặt với thách thức : « Làm thế nào để tránh chìm tàu ? ». Riêng tại Pháp, chỉ còn gần 40% cử tri ủng hộ lý tưởng châu Âu, theo một thăm dò dư luận, so với 69% vào năm 2004.

Lý do khiến « dự án châu Âu » chệch hướng
Để tìm được lối thoát, cần hiểu các nguồn cơn. Cùng với các nhân chứng – đã tham gia vào cuộc « phiêu lưu » xây dựng châu Âu -, Le Nouvel Observateur đi ngược về quá khứ để « phân tích (…) những khuyết tật nghiêm trọng », khiến dự án xây dựng một châu Âu hòa bình và thịnh vượng bị mất hướng. Theo cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhostadt, giấc mơ về một châu Âu liên bang đã trệch đường ngay từ năm 1955, do lỗi của nước Pháp.

Vào thời điểm đó, Quốc Hội Pháp đã bỏ phiếu chống lại một « liên minh chính trị, một cộng đồng quốc phòng châu Âu và một chính phủ châu Âu ». Thay vào đó là « một liên minh thuế quan ». Sự thiếu nhất quán của Liên Hiệp Châu Âu bắt nguồn từ đây : một khu vực đồng tiền chung không được điều hành thống nhất về kinh tế, một vùng tự do đi lại không có biên giới chung… Châu Âu đã phản ứng hết sức chậm trước các khủng hoảng. Nếu như Mỹ giải quyết khủng hoảng tài chính 2007 trong vòng 9 tháng, thì châu Âu đã phải mất 8 năm.

Một thời điểm khác được cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine kể lại, là vào năm 1992, khi nước Pháp dưới thời Mitterand nỗ lực để thông qua Hiệp Ước Maastricht, một trong những trụ cột của Liên Hiệp, thì lý tưởng về một châu Âu liên bang, đã bắt đầu bị một số lớn cử tri ghét bỏ. Theo cựu ngoại trưởng, một lý do chủ yếu là do những quy định bị coi là can thiệp thái quá vào đời sống thường ngày của người dân, được khởi sự từ Đạo Luật (về thị trường) Châu Âu Thống Nhất (Single European Act), được thông qua năm 1986.

Năm 2005 một lần nữa châu Âu lỡ tàu. Cơ hội thông qua một Hiến Pháp chung, để lục địa già cỗi này hợp nhất thành một liên bang như Hoa Kỳ đã không thành, đặc biệt do cản trở từ Anh Quốc. Thay vì một thỏa ước cô đọng, mang tính nguyên tắc, ủy ban dự thảo đã đưa ra cho cử tri xem xét và bỏ phiếu một thỏa thuận dày đến « 191 trang, với 448 điều khoản (…) và 50 tuyên bố ». Kết quả là dự thảo bị bác.

Các lãnh đạo châu Âu cũng đã không đánh giá đúng những hệ quả nghiêm trọng của việc khối cộng sản Đông Âu tan rã năm 1989, cũng như không dự đoán trước khủng hoảng Hy Lạp 2009… Và rồi, châu Âu 2014 phải bất ngờ đối mặt với làn sóng nghị sĩ cực hữu lọt vào Nghị Viện châu Âu, với mục tiêu duy nhất là giải thể Liên Hiệp.

Ngừng mở rộng châu Âu, tăng cường xây dựng khối euro
Học quá khứ để hướng đến tương lai, Le Nouvel Observateur giới thiệu quan điểm của hai chính trị gia. Cựu ngoại trưởng Vedrine đề nghị ngừng mở rộng châu Âu, để xem xét lại từ đầu dự án xây dựng, trong khi đó, cựu nghị sĩ Daniel Cohn-Bendit nhắm thẳng vào mục tiêu xây dựng một châu Âu liên bang, với một hạ viện và một thượng viện có thực quyền, một phương thức điều hành dựa trên quyết định của đa số, hay một quân đội chung.

Tuần báo Le Point cũng có quan điểm khá gần gũi với L’Obs. Bài xã luận của Le Point khẳng định : Dự án chung châu Âu là « một thế mạnh chủ đạo » đối với người châu Âu trước các thách thức của thế kỷ XXI. Le Point kêu gọi « đừng phá bỏ cái vốn liếng chính trị được tích lũy trong suốt quá trình hội nhập hơn 60 năm của lục địa ».

Tuy nhiên, theo Le Point, chạy theo « giấc mơ » về một liên bang châu Âu – được xây dựng trên sự suy tàn của các quốc gia thành viên – là hành động « tự sát ». Tuần báo đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tập trung trước hết vào việc « quản lý các mối hiểm họa chung », vào « các chính sách mang lợi trực tiếp cho các công dân », cụ thể là theo mô hình Eramus, một chương trình hỗ trợ sinh viên rất có hiệu quả.

Châu Âu cũng cần chấm dứt việc mở rộng không ngừng …., « cần giới hạn các bất bình đẳng, với việc đầu tư mạnh vào giáo dục, và hạ tầng cơ sở », « tăng cường kiểm soát biên giới chung»…, « khu vực đồng euro cần được củng cố nhờ sự phối hợp các chính sách kinh tế hay sự thống nhất trong các chính sách thuế khóa, xã hội, mà để làm được điều này, (…) cần tính đến việc lập ra một nghị viện chung của các nước đồng euro, dựa trên Nghị Viện của toàn Liên Hiệp (…) ».

Không thể khoan dung « sự thù hận »
Lo ngại bạo lực là ám ảnh chung của nhiều tuần báo. Bài « Thù hận », xã luận của Le Point, đề nghị « gọi đúng tên của cái ác, và cần coi đây là điều kiện để diệt trừ nó ». Le Point điểm mặt những thủ phạm mang lại thù hận, như « chủ nghĩa dân tộc », động cơ khiến người ta giết hại nữ dân biểu Anh Cox, chỉ vì đấu tranh để nước Anh ở lại với châu Âu, như tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo « không ngừng đẩy xa hơn những giới hạn của sự ghê tởm ».

Phê phán phản ứng « rúc đầu vào cát » của tổng thống Mỹ, sau vụ thảm sát lịch sử tại Orlando, không dám gọi thẳng tên « chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan », Le Point cũng đặc biệt lên án các hành động bạo lực xảy ra tại Paris mới đây, bên lề các cuộc tuần của công đoàn CGT phản đối dự luật lao động. Bài xã luận nhấn mạnh : « dù hận thù là sự nổi giận của những kẻ yếu, hay là sự dũng cảm của những kẻ đốn mạt, thì trước hết chúng ta đều có một nghĩa vụ là không được khoan dung nó, phải không ngừng lên án nó ».

Về chủ đề này, tuần báo l'Express mời độc giả thưởng thức hai bức biếm họa, về cuộc đối thoại tưởng tượng giữa một tay khủng bố thánh chiến và một phần tử phá phách trong các biểu tình của công đoàn. Phá « bệnh viện trẻ em » là điều kẻ khủng bố không nghĩ tới. Trong khi kẻ phá hoại tâm sự chưa hề xem dự luật lao động, thì tay khủng bố cho biết không hề đọc kinh Coran.

Cội nguồn của quái vật Daech
Báo Le Courrier International giới thiệu bài « Sự lây lan của con người bệnh hoạn » (rút từ trang mạng thông tin Ả Rập Shaffaf), truy tìm cội nguồn sự ra đời của Daech (tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo), cơn ác mộng của thế giới đương đại. Theo tác giả, Daech không phải là con đẻ của « tình cảm bị hạ nhục của người Ả Rập », mà bắt nguồn từ các đế chế dầu mỏ vùng Vịnh.

Do mong muốn duy trì « trạng thái ổn định » tại các nước Ả Rập, tránh khỏi « cách mạng », Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây đã tìm cách khuyến khích việc Hồi Giáo hóa các xã hội này. « Không ai dự đoán được một quái vật đang hình thành, cũng không ai đoán biết được cách thức nó biến hóa, cũng như cái bệnh hoạn mà nó sẽ phổ biến ra khắp thế giới ».

Podemos « mê hoặc » Tây Ban Nha
Về chính trị châu Âu, ít ngày trước cuộc bầu cử Quốc Hội Tây Ban Nha (chủ nhật, 26/06) (được tổ chức nửa năm sau khi quốc gia này không lập được chính phủ), l'Express có bài phân tích « (Đảng) Podemos mê hoặc Tây Ban Nha ». Nhân vật trung tâm của bài viết là lãnh đạo Podemos, Pablo Iglesias, 37 tuổi, một giảng viên đại học.

Theo l'Express, « con đực đầu đàn » là hình ảnh mà báo giới, giới chính trị học thường dùng để nói về lãnh đạo Podemos, cả theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Sự xuất hiện của Podemos (trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là « chúng ta có thể ») đã chấm dứt tình trạng lưỡng đảng thống trị chính trường truyền thống tại nước này.

L'Express nhận xét, thế mạnh của ban lãnh đạo trẻ Podemos là dựa trên « một nền tảng lý thuyết vững chắc và nghệ thuật hùng biện ». Chỗ dựa thực thụ của Podemos là Ernesto Laclau, một tư tưởng gia người Achentina, qua đời năm 2014, người ủng hộ sự trỗi dậy của dân chúng chống lại tầng lớp tinh hoa. Vẫn theo l'Express, Podemos dựa rất nhiều vào các kinh nghiệm tổ chức của chính quyền Cuba, hay chế độ Venezuela của Chavez.

Mỹ : Người có thể giúp Trump chiến thắng
Nhìn sang nước Mỹ, Le Point có hồ sơ về « Người đàn ông có thể giúp Trump chiến thắng ». Người được nói đến là Paul Manafort, được đánh giá là một « nhà vận động hậu trường tài năng ». Theo Le Point, hành nghề từ 30 năm nay, Paul Manafort đã phục vụ rất thành công nhiều nhà độc tài, thuộc đủ loại, trong đó phải kể đến tổng thống Ferdinan Marcos (Philippines), hay tổng thống Ukraina Viktor Yanukovitch, bị lật đổ cách nay hai năm… Nhân vật đặc biệt này cũng từng phục vụ nhà tài phiệt Gerald Ford, các tổng thống Hoa Kỳ Reagan hay Bush Cha.

Thành công được coi là lớn nhất của Paul Manafort, đó là đưa được Yanukovitch trở thành tổng thống Ukraina năm 2010. Ông Yanukovitch vốn bị coi là một lãnh đạo tham nhũng, sống trong một dinh thự vô cùng xa hoa, một con rối trong tay Putin. Tuy nhiên, Paul Manafort đã thành công biến Yanukovitch trở thành một nhà cải cách, và giúp cho ông ta có được rất nhiều uy tín tại Mỹ.

Vào tháng trước, Donald Trump đã thâu nhận Paul Manafort làm cố vấn trưởng và sa thải lãnh đạo chương trình tranh cử cũ. Le Point ghi nhận, hiện tại, để trấn an ban lãnh đạo đảng Cộng Hòa, cố vấn Manafort khẳng định Trump sẽ « nhẹ nhàng hơn » trong các lời lẽ nhắm vào người Hồi Giáo, nhưng Trump không thay đổi. Dù sao, theo Le Point, « nếu như Paul Manafort đã từng khiến cho (các nhà độc tài) Mobutu và Yanukovitch trở thành những người gần như đáng kính, thì tại sao lại không làm được với ông Trump ? ».

Niềm tin kỹ nghệ toàn năng đe dọa sinh thái
Về khí hậu, mục « Thảo luận » của Le Nouvel Observateur có bài phỏng vấn thú vị với nhà triết học Pháp Frédéric Neyrat. Ông Neyrat nêu bật tính chất nguy hiểm của quan niệm « địa-kỹ nghệ » (géo-ingénerie). Tức chủ trương có thể thuần túy dùng kỹ thuật, công nghệ để giải quyết vấn đề trái đất bị hâm nóng, mà không cần thay đổi lối sống, lối tiêu thụ, hướng đến một xã hội giảm tăng trưởng, tôn trọng sinh thái.

Theo tác giả, sử dụng công nghệ theo hướng này (mà ông gọi là công nghệ « đóng ») là tuyệt đối hóa khả năng tác động của con người đến tự nhiên (khác với các công nghệ « mở », được sử dụng ở mức độ khiêm tốn, ở quy mô địa phương). Hệ quả của cách hành xử đó là đưa môi trường biến đổi đến mức không thể sửa chữa được.

Để bảo vệ được hệ sinh thái Trái đất, triết gia Pháp đề xuất quan điểm, cần bảo vệ « cái hoang dã » trong « Tự nhiên », duy trì sự tách biệt giữa « Tự nhiên » với xã hội con người. Tác giả so sánh, cũng như « tình yêu chỉ bắt đầu », khi ta gặp gỡ tha nhân và trải nghiệm sự khác biệt. Chính « trong không gian giãn cách ấy, mà sự tưởng tượng, hứa hẹn, một tương lai là có thể được ». Quan niệm địa-kỹ nghệ không chấp nhận điều đó.






No comments:

Post a Comment

View My Stats