Sunday 27 September 2015

‘Nước mắt cứ thế chảy ra’: Đảng viên về hưu làm sao lưu luyến đảng? (Phạm Chí Dũng)





Phạm Chí Dũng
Sunday, September 27, 2015 2:42:50 PM

Ngày 8 Tháng Chín, 2015 là một trong những mốc hiếm hoi mà kết quả khảo sát thực trạng người về hưu ở Việt Nam được tiết lộ: Có tới 95% số người được hỏi bày tỏ nỗi lo lắng sẽ chịu cảnh nghèo, không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Kết quả này được công bố tại hội thảo “Tương lai hưu trí: Từ thách thức tới cơ hội” do Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Viện Lão Hóa Toàn Cầu (GAL) và công ty Prudential tổ chức tại Hà Nội.

Tỉ lệ trên rất cao, nếu đối chiếu với sáo ngữ “đời sống người về hưu vẫn được bảo đảm” hoặc “tầng lớp hưu trí vẫn an tâm với chính sách xã hội của đảng và nhà nước” mà những cơ quan được xem là “có trách nhiệm” như Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, và tất nhiên không chừa báo chí, cùng nghị quyết của đảng thường tuôn trào.

“Kết quả khảo sát cho thấy người Việt Nam đang rất lo lắng về tuổi già khi về hưu, họ nghĩ đến tương lai và nhận ra rủi ro họ phải đối mặt,” bà Ritsu Nacken, quyền trưởng đại diện UNFPA, nói thẳng.

Chỉ có điều, có lẽ bởi những lý do “tế nhị,” hội thảo quốc tế trên đã chỉ đề cập đến những nguyên nhân xã hội chung nhất đối với thực trạng người về hưu nhưng tránh trực diện với nguồn cơn rất trực tiếp: Vỡ quỹ lương hưu.

“Nước mắt cứ thế chảy ra”

Ngược dòng quá khứ, Tháng Tư, 2014 có thể được xem là thời điểm “giải mật” những đồn đoán bấy lâu về tính bền vững khốn khó của quỹ lương hưu. Khi đó, những con số “bất ngờ” được tiết lộ đã cho biết ước tính số nợ đọng bảo hiểm xã hội có quy mô tồn tích lên đến 12,000 tỷ, tương đương 20% tổng số tiền lương hưu và trợ cấp trung bình hàng năm của người dân. Điều đó cũng có nghĩa là con số nợ trên nếu kéo dài, không thu được sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của khoảng 260,000 người già về hưu.

Cũng chỉ đến lúc đó và khi đã không còn “bảo mật” được nữa, Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới buộc lòng phải công bố bí mật có đến 24,000 tỷ đồng nằm trong diện “thất thoát” do việc đóng quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên, đủ để chi trả cho hơn 620,000 người già về hưu trong 1 năm.

Ngay lúc đó, báo chí nhà nước thêm một lần nữa phải kêu gào: Một tỉ lệ không nhỏ số tiền của người lao động đang sắp mất trắng! Nếu tình trạng này kéo dài, Quỹ Bảo Hiểm không vỡ mới là lạ!

Tuy nhiên, đó là chuyện của năm 2014. Còn năm 2015 thì sao?

Mở đầu năm nay, xã hội bất thần bùng nổ cuộc đình công của gần 100,000 công nhân ở doanh nghiệp khổng lồ có tên là Pou Yuen tại TP.HCM để phản đối sự bất hợp lý của Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 và đòi được nhận trợ cấp bảo hiểm một lần khi thôi việc. Làn sóng đình công này lập tức lan tỏa nhanh chóng đến miền Tây Nam Bộ như Long An, Tiền Giang và sang cả miền Đông Nam Bộ như Bình Dương, Tây Ninh, có nguy cơ diễn biến thành một phong trào đình công và biểu tình cấp quốc gia. Chỉ khi chính phủ và Quốc Hội phải xuống giọng “sẽ sửa Luật Bảo Hiểm Xã Hội” vài tuần sau đó, phong trào đình công mới tạm lắng.

Ngụy biện không phải là cách thức hiệu quả nhất để trấn áp tư tưởng. Rõ ràng tư tưởng công nhân đã bị “suy thoái” ghê gớm trước hai nguy nan hiển hiện: Đồng tiền Việt Nam trượt giá nặng nề và quỹ lương hưu hoặc rơi vào tình trạng mất giá tương tự, hoặc tồi tệ hơn là chẳng còn tiền để trả lương cho người lao động khi về hưu.

“26 năm trời làm công nhân, ngày về hưu nhận được bảng lương hưu mà tôi chết lặng, hai hàng nước mắt cứ thế chảy ra” - một trong nhiều dẫn chứng được nêu ra bởi báo Tuổi Trẻ mới đây. Nhân chứng đối diện với thảm trạng xã hội ấy là bà Vũ Thị The, công nhân may về hưu. Gần 65 tuổi bà The mới về hưu. “Lúc đó tôi nghĩ rằng tệ lắm thì lương hưu cũng khoảng 2 triệu đồng.” Thế nhưng bà đã chỉ nhận được vỏn vẹn 1,050,000 đồng tiền hưu.

Còn nhớ vào dịp Tết năm 2014, đã nổi lên hiện tượng một số cán bộ về hưu kéo đến Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM để khiếu nại về việc chậm trả lương hưu. Tình trạng chậm trả lương hưu cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác. Cùng với nhiều đồn đoán về nỗi ám ảnh vỡ quỹ lương hưu, rất nhiều người về hưu và kể cả một phần giới đương chức cũng đang bộc lộ sự bồn chồn không thèm che giấu về tương lai túi rỗng.

Ngân sách Việt Nam, cũng bởi thế, tràn ngập những lỗ rò.

Từ Tháng Tư, 2015, cùng với đà bội chi 6,3% năm 2013 và dự kiến trên 6% cho năm 2015, đã hiện ra một tín hiệu sáng chói cho nan đề cạn tiền, vào lúc chính phủ phải dùng đến liệu pháp cấp cứu khi chỉ đạo cho Bộ Tài Chính, viện dẫn lý do “bù đắp tạm thời khó khăn ngân sách,” để đề xuất vay tiền từ Quỹ Dự Trữ Ngoại Hối và sau đó còn muốn vay thêm 30,000 tỷ đồng từ Ngân Hàng Nhà Nước. Nhưng cho tới nay, cả hai đề xuất này đều đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của dư luận và báo chí. Thật khó có công dân nào hoang tưởng đến mức sẵn lòng chấp nhận tình trạng chi đầu tư cơ bản cho những công trình ngàn tỷ hoặc chục ngàn tỷ - xây trụ sở hoành tráng ở những tỉnh nghèo rớt mùng tơi lẫn phải xin gạo cứu đói đều đặn hàng năm như Hà Giang, Lai Châu, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La... còn ngân sách thu từ thuế của dân lại phải giật gấu vá vai bằng tiền vay mượn cũng từ thuế do dân đóng.
Trong khi đó, tỉ lệ khổng lồ 50 -70% doanh nghiệp trốn đóng nợ bảo hiểm vẫn chưa có gì được cải thiện.

Hình ảnh túi rỗng của ngân sách cũng khiến kế hoạch tăng lương cho gần 3 triệu cán bộ viên chức Việt Nam trở nên rỗng ruột, dù đã được “dự kiến” từ suốt 3 năm qua. Thật khó để hình dung trong một đất nước mà cơm áo gạo tiền đã trở thành mối dằn vặt trên cùng, những cơ phận công chức và lực lượng vũ trang không có điều kiện “phết phẩy” sẽ giữ được ý thức hệ “trung thành tuyệt đối” với chế độ.

Nguy ngập!

Vỡ quỹ lương hưu là một tương lai không hề “viển vông,” nếu có thể mượn từ ngữ hiểu thế nào cũng được của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông lần đầu tiên đủ can đảm toát lộ tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới vào Tháng Năm, 2014 ở Manila - về thực chất “tình hữu nghị” giữa hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc.

Chẳng cần phải chờ đến năm 2030 “có khả năng vỡ quỹ” như dự đoán của cơ quan chức năng, cơn sốt phát ban sẽ dựng đứng ngay vào những năm tới. Nếu xác suất vỡ quỹ lương hưu là hiện thực thì cho dù có được ngân sách quốc gia bảo lãnh, giới về hưu sẽ chỉ nhận được những đồng tiền có độ trượt giá thê thảm. Khi đó, hậu quả cay nghiệt nào sẽ chứng thực?

Mọi chuyện đang biến diễn khá đồng điệu với thực trạng Liên Xô năm 1986, vào lúc quỹ bảo hiểm xã hội bị co hẹp. Chỉ bốn năm sau đó, cuộc chính biến do Gorbachev khởi xướng đã chính thức đánh dấu làn sóng bỏ đảng. Trong suốt giai đoạn hậu Gorbachev, 8 năm cầm quyền của Yelsin đã chỉ là nốc rượu vodka và duy trì sự trục lợi của các nhóm tài phiệt, trong khi giá trị lương hưu thực nhận của giới cựu chiến binh và người về hưu chỉ còn 1/2 - 1/3 mức mà họ nhận khi đồng rúp chưa bị trượt giá khủng khiếp. Và đó cũng là giai đoạn mà lớp người về hưu bỏ đảng ồ ạt và cũng ồ ạt xuống đường khi niềm tin chính thể của họ bị tàn phá hầu như tuyệt đối.

Trong bối cảnh tâm trạng bất mãn và bức xúc của giới về hưu Việt Nam ngày càng dâng cao và có đến 40% bỏ sinh hoạt đảng, rất có thể sự tồn tại của quỹ lương hưu sẽ chỉ là con đê cuối cùng để ngăn chặn một con sóng thoái đảng tràn ngập của ít nhất nửa triệu đảng viên về hưu trong 2-3 năm tới.

Tình hình đang trở nên nguy ngập!






No comments:

Post a Comment

View My Stats