Tuesday 29 September 2015

Những “chuồng học” ở Lai Châu: Xập xệ những ngôi trường (Thái Sinh - Bauxite VN)





Thái Sinh
27/09/2015

Trở lại Lai Châu tới thăm một số ngôi trường, điều tôi vô cùng kinh ngạc là sau 40 năm nhiều ngôi trường chẳng khác thời tôi dạy là mấy, vẫn là những “chuồng học”, khiến lòng tôi buồn se thắt… Những chuồng học ở Lai Châu: Xập xệ những ngôi trường

Một giờ lên lớp của thầy trò Trường tiểu học số 2 Khoen On

Tôi từng sống và dạy học gần 20 năm ở Lai Châu. Đối với tôi Lai Châu là một phần máu thịt của mình, mỗi lần lên Lai Châu lòng tôi cứ rưng rưng như trở lại cái thuở trai trẻ vượt núi đến các bản làng xa xôi dạy chữ cho lũ trẻ. Tháng 8/1975 tôi vừa ra trường nên được điều vào Nậm Sỏ dạy học. Đây là xã xa xôi nhất của huyện Than Uyên hồi bấy giờ. Con đường chỉ là lối mòn vừa đủ hai người tránh nhau. Tháng 8 đang là giữa mùa mưa, dòng suối Nậm Mu đục ngầu cuồn cuộn chảy, từ trên dốc Phiêng Bay nhìn xuống dòng suối như con trăn đất quằn quại xiết vào lòng núi gào thét điên cuồng. Qua suối Nậm Mu ngày ấy là con thuyền độc mộc được làm bằng thân cây gỗ dài chừng 7-8m do những trai bản Phiêng Bay được dân bản cắt cử ra chèo thuyền. Giữa dòng nước hung dữ con thuyền mỏng manh như chiếc lá trôi băng trên dòng nước xiết, người chèo thuyền chỉ sơ ý một chút là con thuyền lật nhào. Bước chân lên thuyền vào mùa lũ, chúng tôi phó mặc số phận cho người cầm lái, bởi đã có cô giáo thiệt mạng do lật thuyền khi qua dòng Nậm Mu. Đường vào Nậm Sỏ phải vượt qua hai cái dốc dài và dựng đứng như mặt ngựa là Huổi Mèn và Ngam Kha. Tôi không còn nhớ mình đã vượt qua hai cái dốc này bao nhiêu lần trong suốt 4 năm trời dạy học, nhưng còn nhớ như in các lớp học làm bằng tre nứa, mái lợp cỏ tranh mà ngày ngày tôi lên lớp dạy chữ cho lũ trẻ. Năm nào cũng vậy, trước ngày khai giảng độ nửa tháng, chúng tôi phải vào trường vận động bà con sửa sang lại lớp học, bàn ghế. Lớp học ngày ấy là những túp lều tranh thấp lè tè, phên vách đan bằng nứa hở huếch hở hoác, bàn học sinh là những thân cây gỗ bổ bằng rìu chỉ rộng hơn trang vở một chút, còn ghế là các cây vàu gác qua hai cành cây có chạc chôn xuống đất. Mùa đông gió núi thổi hun hút, cả thầy và trò đều rét run. Những lớp học như thế chẳng hơn gì chuồng trâu, chuồng ngựa của người dân, chúng tôi vẫn đùa vui đó là “chuồng học”

Khi Than Uyên được tách ra thành hai huyện Tân Uyên và Than Uyên, Nậm Sỏ trở thành xa xôi và khó khăn bậc nhất của Tân Uyên, năm 2009 tôi có dịp trở lại Nậm Sỏ. Mừng vì Nậm Sỏ đã có một số phòng học xây, nhưng vẫn còn nhiều “chuồng học” tôi xin được nói ở cuối bài viết này. Xuôi theo con đường xuống công trình thủy điện Huội Quảng nằm trên đất xã Khoen On. Từ trung tâm xã tôi ngược một cái dốc dài vào bản Mùi chừng 8 cây số, nơi đây có 3 trường học vừa được tách ra. Tiếp tôi là thầy Phạm Hữu Trung, hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Khoen On, điều đầu tiên thầy Trung cho biết: Điểm trường chính cũng như phòng làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó đang ở nhờ trường trung học cơ sở. Trường có 18 lớp, ngoài 3 phòng học xây ở điểm bản Mùi I và 7 phòng mượn trường THCS, nhà văn hóa thôn bản còn lại 8 phòng học tạm ở các điểm trường: Mùi I, Tà Lồm, Hua Đán tất cả đều xập xệ và có thể sập đổ bất cứ lúc nào

Ngồi trong lớp hay ngoài trời đây?

Tôi theo thầy Phạm Hữu Trung sang điểm trường Mùi I, thật kinh hoàng trước điểm trường này. Điểm trường nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà sàn của các hộ dân không tường rào, lợn gà thả rông của các hộ dân quanh đó mặc sức “hành quân” và phóng uế quanh các lớp học. Điểm trường được gọi là “khang trang” nhất, ngoài 3 phòng xây còn lại 2 phòng học tạm cho 6 lớp học, trong đó có một lớp học ghép . Không lời nào tả hết về các phòng học tạm ở đây, lớp học bằng gỗ, các cột kèo đều đã bị mối mọt, mộng mẹo nứt toác “há miệng” hết cả ra, gió bão có thể quật đổ bất cứ lúc nào. Vách được thưng bằng những tấm gỗ tận dụng vá víu, chằng đụp các kiểu mà vẫn không thể nào kín được. Chẳng lớp nào có cửa, mà có cửa cũng chẳng ích gì, gió núi và sương mù cứ thông thống ùa vào, mùa đông ngồi trong lớp cũng như đứng giữa trời. Lớp học như thế là nơi lý tưởng cho bầy gia súc thả rông trú ngụ qua đêm. Thầy Trung bảo tôi: Cơ sở vật chất điểm trường Mùi I này là khá nhất, còn các điểm trường Tà Lồm, Hua Đán thì điêu tàn hơn nhiều

Thầy giáo hiệu trưởng Phan Hữu Trung trò chuyện các em học sinh

Tôi không tới được Tà Lồm, Hua Đán vì cách điểm trường chính gần chục cây số đường dốc dựng đứng. Nhìn những phòng học ở đây đủ hình dung ra các lớp học ở các điểm trường lẻ là như thế nào rồi. Trường Mầm non số 2 Khoen on còn tồi tệ hơn nhiều, trường có 7 lớp với 184 học sinh ở 4 điểm bản, nhưng chỉ có một điểm bản Hua Đán được cấp sổ đỏ còn lại 3 điểm đang dựng nhờ trên đất của người dân. Cô Lìm Thị Lê, hiệu trường nhà trường cho biết: Đầu năm học mới người dân đã đòi lại đất ở bản Mùi II, nhà trường cùng xã phải thuyết phục mãi họ mới đồng ý cho dựng nhờ đến cuối năm học. Trường đã được quy hoạch, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được bàn giao đất và khi nào có kinh phí để xây dựng trường… Lớp học của các cô giáo mầm non Tòng Thị Son, Lìm Thị Hơn và Lò Thị Thận đều dựng tạm bằng các cây que, nền đất. Mùa mưa thì ẩm ướt còn mùa khô thì lầm bụi, vách đóng tạm bằng các ván gỗ nhưng đều hở hông hốc, các cô giáo phải lấy các tấm bạt quây lại cho đỡ gió

Giờ ra chơi của lớp Mẫu giáo số 2 Khoen On

Ngược lên Mường Khoa thuộc huyện Tân Uyên, nơi một thời tôi dạy học ở đây. Xã Mường Khoa có hai trường tiểu học, phó chủ tịch xã Lò Văn Hải dẫn tôi sang thăm Trường tiểu học Phiêng Hào nằm bên kia suối Nậm Mu. Thấy tôi đang chụp ảnh các lớp học cô giáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Như Hoa đang dự giờ lớp 5 thấy vậy chạy ra ái ngại: Nhà báo xin thư thư cho ít phút chúng em đang dự giờ… Thời tôi làm phó hiệu trưởng trường liên cấp I+II xã Mường Khoa, khu vực Phiêng Hào chỉ có lớp 1 và lớp 2 do thầy Lò Văn Xanh và Lù Văn Cấp dạy. Đến nay khu vực Phiêng Hào có hẳn một trường tiểu học với 21 lớp ở 9 điểm bản. Như vậy không có điểm bản nào trắng trường học. Đó là điều đáng mừng, nhưng nhìn những lớp học tạm thì tôi giật mình trước các lớp học ngày nay chả hơn gì các lớp học cách nay 40 năm cũng nằm trên chính mảnh đất này. Cô Hoa chỉ dãy lớp học vừa được lợp lại bằng các tấm tôn xanh bảo tôi: Đầu năm học các anh vào đây nhìn các lớp học kia mới khiếp. Nhà siêu vẹo như sắp đổ, trường dùng kinh phí sửa chữa mới sửa được 3 phòng học nom đỡ sợ như thế… Tôi hỏi phòng hiệu trưởng ở đâu, cô Hoa chỉ xuống cái phòng giáp “chuồng học” mới được lợp lại bảo: Hiệu bộ nhà trường nằm phía dưới, nhưng em ngồi làm việc ở trên này, dưới đó nóng lắm…

Cô giáo Nguyễn Thị Như Hoa với học sinh trước phòng học tồi tàn

Phòng hiệu trưởng, hiệu phó cũng hở huếch hoác,chỉ hơn các lớp học được quây bằng tấm bạt xác rắn, nhìn vào trong phòng hiệu trưởng chẳng thấy sách vở gì, hóa ra nóng quá các thầy phải ngồi nhờ trên lớp học xây của học sinh. Cô Như Hoa cho biết: Trừ điểm trường Nậm Cung 2 được Quỹ từ thiện của Bộ Công an hỗ trợ xây dựng nhà lắp ghép cho 3 phòng học đầu năm nay, còn lại các điểm lẻ khác thì vẫn là các phòng học tạm, nhà cửa còn tồi tệ hơn khu vực trung tâm. Chúng tôi phấn đấu ba cứng cho các phòng học: Cứng cột, cứng mái và cứng nền.

Phòng làm việc của hiệu trưởng Trường tiểu học Phiêng Hào

Câu nói của cô giáo Như Hoa khiến tôi nhớ lại lời của bà Phó Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu (Yên Bái) Nguyễn Thị Duyên: Để chống rét cho đàn gia súc về mùa đông, huyện Trạm Tấu đưa ra ba tiêu chí xây dựng chuồng trại cho các hộ gia đình, đó là cứng cột, cứng mái và cứng nền. Các hộ nào cam kết làm được như vậy huyện mới hỗ trợ. Nay nghe câu nói phấn đấu “ba cứng” cho các lớp học tạm ở trường tiểu học Phiêng Hào mà lòng tôi thấy chua xót. Ông Trịnh Ngọc Hải-Trưởng phòng Giáo dục huyện Than Uyên: Huyện Than Uyên hiện còn 20% phòng họp tạm, với khoảng 120 phòng: Chúng tôi đăng ký Chương trình xóa phòng học tạm giai đoạn 2016-2020 do Tập đoàn điện lực Việt Nam hỗ trợ, nhưng chưa biết bao giờ chương trình này khởi động.

“Chuồng học” ở bản Hô So 2, Trường tiểu học Phiêng Hào

Khi hỏi ông Nguyễn Tuấn Anh-Trưởng phòng Giáo dục huyện Tân Uyên, ông Tuấn Anh cho biết: Tân Uyên hiện còn 212 phòng học tạm, 6 phòng học nhờ, xã Nậm Sỏ đang là xã có nhiều phòng học tạm nhất…Nhìn vào bảng thống kê mà bộ phận Kế hoạch đưa cho, khiến tôi giật mình kinh hãi, xã Nậm Sỏ hiện còn 91 phòng học tạm. Nghĩa là những “chuồng học” sau 40 năm tôi rời Nậm Sỏ hiện vẫn đang tồn tại và không biết còn tồn tại đến bao giờ?

T.S.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 20:25



No comments:

Post a Comment

View My Stats