Monday, 3 November 2014

TỬ HUYỆT CỦA DÂN TỘC : BÍ VỀ ĐÁP ÁN (Ts. Nguyễn Đình Thắng)





Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Monday, November 03 @ 00:03:14 EST

Theo tôi, điểm yếu kém nhất của dân tộc chúng ta là thiếu tập quán tìm đáp án cho những vấn nạn đang đe doạ đất nước. Thiếu đáp án thì không có lối thoát.

Theo dõi các bài viết, các lời phát biểu, các sách vở ở trong và ngoài nước, tôi thấy người mình thiên về phê phán rồi ngưng ở đó mà không đưa ra phương án giải quyết vấn đề. Hoạ hoằn có người phác ra ý hướng khái quát nhưng dựa vào cảm tính hay lý lẽ chủ quan, thiếu nghiên cứu, và không đủ cụ thể để phân định hay phối kiểm đúng sai.

Chúng ta như đang ở giữa bãi lầy, cứ mải miết phân tích lý do đã lạc lối, rồi phê phán hiện trạng hiểm nguy đến đâu, nhưng không đề ra cách thoát khả thi. Mỗi ngày sẽ chỉ càng lún sâu thêm. Đó là cái vòng lẩn quẩn mà chúng ta tự giam mình trong đó.

Muốn thay đổi đất nước, chúng ta phải thay đổi thái độ tư duy và cung cách hành xử.

Thế nào là đáp án?

Một đáp án phải hội đủ các thành tố sau đây:

(1) Có mục tiêu cụ thể, khả thi, đo lường được, và có thời gian tính.
(2) Có kế hoạch hành động với các công tác cụ thể để từng bước một thực hiện.
(3) Có thể thức và quy trình để thường xuyên kiểm tra tiến triển khai kế hoạch và thực hiện công tác.
(4) Có thể thức để đánh giá định kỳ hiệu quả công việc bằng cách đối chiếu với mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, tuyên bố kiểu "hãy giật sập chế độ độc tài để đem lại dân chủ" chỉ là lời hô hào, chứ không là đáp án. Nó không chỉ ra làm cách nào để "giật sập" và cũng không chứng minh được rằng giật sập độc tài rồi thì dân chủ sẽ đến. Đây chỉ là khẩu hiệu tựa như “không gì quý hơn độc lập, tự do”.

Hoặc, kiểu kêu gọi "hãy ngưng gởi tiền về trong nước để siết kinh tế chế độ" cũng không là đáp án, mà chỉ là ý hướng mơ hồ. Thoáng nghe thì xuôi tai đấy nhưng không cách nào đánh giá được hiệu năng -- lấy đâu ra dữ liệu để đo lường thành quả? Không kiểm chứng được thành quả thì không thể biết mình đang tiến, đang dậm chân tại chỗ, hoặc đang lùi để mà điều chỉnh hay từ bỏ việc đang làm.

Phép thử đơn giản

Muốn nhận diện một đáp án, chúng ta có thể đặt các câu hỏi dưới đây cho người đưa ra bất kỳ một đề nghị nào đó:
(1) Nếu tôi đồng ý với đề nghị của bạn, tôi có thể làm gì ngay ngày mai và đối tượng phục vụ của tôi sẽ là những ai?
(2) Nếu làm đúng theo chỉ dẫn của bạn thì tôi có thể kỳ vọng kết quả gì từ việc làm ấy?
(3) Dựa vào kết quả này, tôi có thể thu hoạch được những điều gì để thực hiện những bước kế tiếp, và những bước ấy là gì?
(4) Thành quả dự báo trước sẽ là gì sau 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm tới mà mọi người đều có thể tự mình phối kiểm một cách độc lập?
(5) Nếu sau 3 tháng, 6 tháng... mà thành quả không như dự báo thì bạn sẽ điều chỉnh đáp án theo một tiến trình như thế nào?  Sau bao lâu, nếu vẫn không đạt được thành quả dự kiến, thì sẽ dẹp bỏ đáp án, xem như không thể thực hiện?

Đây là những câu hỏi đơn giản và căn bản. Nếu không có câu trả lời thì rõ ràng chưa phải là đáp án, không phải mất thêm thì giờ với nó nữa.

Để hội đủ tính cách của một đáp án, thực ra phải có nhiều yếu tố khác nữa, như: lý giải căn nguyên và quan hệ nhân quả giữa căn nguyên và hiện tượng của vấn nạn, ấn định các dạng và lượng tài nguyên cần thiết, ấn định khả năng và đặc trưng của người đảm nhiệm các vai trò trong đáp án, phân tích các yếu tố ngoại lai thuận lợi và bất lợi, trưng dẫn các mô hình đã được thử nghiệm, v.v.

Chúng ta phải thay đổi

Thay đổi đất nước không là việc nhỏ, không thể làm bừa. Nó đòi hỏi sự nghiêm chỉnh về tư duy, thái độ, và cung cách, đặc biệt đối với những ai kêu gọi người khác yểm trợ cho mình hay hợp tác với mình.

Khi kêu gọi người khác, chúng ta phải đề ra mục tiêu cụ thể, đưa ra những nét tổng quát về phương thức hành động, công bố các giai đoạn thực hiện với những mốc điểm rõ ràng, và dự kiến những thành quả sẽ gặt hái được để bất kỳ ai cũng có thể tự phối kiểm.

Khi có người đồng ý nhập cuộc, chúng ta phải đề nghị những việc có thể bắt tay làm ngay ngày hôm sau, giải thích được sự liên hệ giữa việc làm riêng lẻ và mục tiêu chung, và khuyến khích họ đánh giá tiến độ thực hiện và thành quả của đáp án một cách độc lập.

Ở mức cá nhân, đó là trách nhiệm sòng phẳng và thái độ kính trọng lẫn nhau. Chúng ta không thể chào mời người khác đầu tư tâm huyết vào những việc làm không kế hoạch, không thể phối kiểm thành quả.

Ở tầm dân tộc, chúng ta đang trong ván cờ còn rất ít quân, mỗi nước đi đều phải tính kỹ, không thể cứ đi bừa và kêu gọi mọi người nhắm mắt đi theo.

Tình cảnh đất nước rối rắm mọi đằng đòi hỏi nhiều đáp án, có thể bổ trợ hoặc cạnh tranh nhau. Các đáp án ấy sẽ là cơ hội để những người dấn thân thi thố tài năng và những người hằng tâm hằng sản chọn lựa để góp phần mình cho đại cuộc. 


Bài liên quan:

Báo Trước, Làm Trước

Đo lường và phối kiểm thành quả

Hành Động Đi Đôi Với Thành Quả: Có Tích Sự






No comments:

Post a Comment

View My Stats