Saturday, 29 November 2014

«Vừa hợp tác vừa đấu tranh» nhưng tại sao chưa kiện? (Trần Thế Kỷ - VNTB)




(VNTB) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát mối quan hệ Việt – Trung bằng sáu chữ « Vừa hợp tác vừa đấu tranh ». Nhưng nếu giới lãnh đạo Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế ngay từ bây giờ thì việc Việt Nam mất hẳn biển, đảo vào tay Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi.

Chứng cứ

Trung Quốc đã chiếm giữ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974, và chiếm đóng một phần của Trường Sa từ năm 1988. Năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc lại phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.

Đối với Trung Quốc, Biển Đông nói chung cũng như Hoàng Sa và Trường Sa là một vùng chiến lược quan trọng, là cổng của lục địa Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Đó còn là ngư trường phong phú và là nơi có trữ lượng dầu mỏ rất lớn. Mặt khác, 90% trao đổi hàng hóa của thế giới là trên đường biển và 60% các trao đổi này là qua Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại không thể chứng minh chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ Trung Quốc được thực hiện dưới thời nhà Thanh xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam Trung Quốc là đảo Hải nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong khi đó, Việt Nam lại có đầy đủ các chứng cứ lịch sử về chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Ít nhất từ 1816, dưới đời vua Gia Long, nhà Nguyễn Việt Nam đã chiếm cứ công khai và thực hiện chủ quyền một cách liên tục, hòa bình các hải đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau khi chiếm Việt Nam, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau này, theo Hiệp định Genève năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do có vĩ độ nằm phía Nam vĩ tuyến 17 vốn được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai, nên thuộc vùng tập trung của chính quyền Quốc Gia Việt Nam. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa kế thừa chính quyền Bảo Đại (tức chính quyền Quốc Gia Việt Nam), tiếp tục quản lý Hoàng Sa và Trường Sa.

Xuyên tạc trắng trợn

Cho tới nay Trung Quốc vẫn diễn giải bức công hàm của Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai năm 1958 là sự thừa nhận về chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Theo tuyên bố của Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì sự diễn giải như thế của Trung Quốc là một sự “Xuyên tạc trắng trợn trên tinh thần và ý nghĩa của bản công hàm chỉ có ý định công nhận giới hạn 12 hải lý của lãnh hải Trung Quốc”.

Về phương diện quốc tế từ năm 1958 tới 1975, Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc quyền quản lý của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên chính phủ này không có quyền hạn hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo này lúc đó thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ (nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nhìn nhận: “Việt Nam Cộng Hòa là một thực thể chính trị, một chủ thể trong quan hệ quốc tế được quốc tế công nhận. Vì vậy, Việt Nam Cộng Hòa là đại diện cho đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để quản lý và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” (1)

Hiện nay Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo Trường Sa, trong khi Brunei, Malaysia và Philippines mỗi nước tuyên bố chủ quyền nhiều phần. (2)

Nhiều nước tham gia tranh chấp này có quân đóng trên từng phần của quần đảo Trường Sa. Việt Nam hiện đang kiểm soát 21 đảo. Nhóm đảo này gộp vào thành huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Hiệp ước quốc phòng với Mỹ ?

Chính phủ Mỹ tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như an ninh hàng hải và tự do đi lại, và cho rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vượt quá những gì mà công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển Unclos cho phép. Những tuyên bố này đã làm Trung Quốc không hài lòng và chỉ trích “Chính sách can thiệp” của Mỹ. Trong thế kỷ 19, Mỹ đã tuyên bố học thuyết Monroe (Châu Mỹ của người châu Mỹ) để đẩy các cường quốc châu Âu ra khỏi Bắc Bán Cầu. Có lẽ, cũng chủ trương đó, Trung Quốc không muốn Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông, để Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc (trong quá khứ, vì cần chơi con bài Trung Quốc nhằm chống lại Liên Xô nên Mỹ đã bỏ mặc cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa và Trường Sa).

Hiện Mỹ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Úc, Nhật, Hàn, Philippines. Nếu Bắc Kinh không vượt qua được áp lực của chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) thì xung đột ở Biển Đông là khó tránh khỏi. Vấn đề là, nếu xung đột xảy ra, thì Philippines có một Hiệp ước quốc phòng với Mỹ, còn Việt Nam thì không. Việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam (tháng 10 – 2014) là nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên biển của Việt Nam để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Dù đây là một bước đột phá nhưng nó vẫn không thể giúp thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam. Hải quân Trung Quốc vẫn sẽ áp đảo hải quân Việt Nam vì hạm đội của Trung Quốc được trang bị tốt hơn nhiều. Cái mà Việt Nam cần là một sự đảm bảo từ phía Mỹ rằng Mỹ sẽ giúp bảo vệ Việt Nam trong trường hợp Việt Nam bị Trung Quốc tấn công. Đây là điều Việt Nam không dễ nhận được sự đồng ý của Mỹ vì Mỹ vẫn muốn tránh đối đầu trực tiếp cới Trung Quốc do quan hệ Mỹ - Trung vẫn là mối quan hệ quan trọng hàng đầu. Vả lại, theo Mỹ, Việt Nam vẫn chưa mấy cải thiện vấn đề nhân quyền. Phải chăng vì thế mà Việt Nam cần đẩy mạnh quan hệ Việt – Nga.

Nhưng liệu Nga sẽ hết lòng với Việt Nam hay chỉ nước đôi?

« Người bạn không tử tế »

Khi xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988, Hải quân Liên Xô đóng ở Cam Ranh đã không hề can thiệp, dù Việt Nam và Liên Xô có ký riêng hiệp ước Liên minh Quân sự Đồng minh song phương (năm 1978), trong đó ghi rõ Liên Xô sẽ hỗ trợ Việt Nam hết mình về kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Việc Nga liên minh với Trung Quốc sau khi bị phương Tây cấm vận (do xâm chiếm vùng Crimée của Ukraine) hứa hẹn Nga sẽ là người bạn không tử tế. Dù liên minh Nga – Trung có vẻ không bền vững, Nga khó trở thành chỗ dựa cho Việt Nam trước một Trung Quốc đang hung hăng ôm mộng bá quyền. Gấu Misha xem ra chẳng tốt gì hơn gấu Panda. Liên minh với một cường quốc khác đáng tin cậy hơn là một nhu cầu bức thiết đối với một Việt Nam đang cô đơn. Liên minh không phải để gây chiến tranh mà để làm chiến tranh không xảy ra vì Bắc kinh sẽ không dám mạo hiểm. Một thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu PEW tại Washington DC thực hiện cho biết đa số ở Việt Nam xem Trung Quốc là đe dọa số một và muốn Mỹ là đồng minh chủ yếu.

Tại sao chưa kiện?

Với chuyến thăm Việt Nam của thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tháng 10-2013, một viện Khổng Tử sẽ ra đời ở Việt Nam. Đây được xem là một cách để Trung Quốc phát huy “sức mạnh mềm” (Hiện có hàng trăm viện Khổng Tử trên thế giới). Có người mỉa mai rằng chưa biết Trung Quốc sẽ phát huy “Sức mạnh mềm” ở Việt Nam như thế nào, nhưng ngư dân ở miền Trung Việt Nam thì đã biết quá rõ “Sức mạnh cứng” của các thuyền hải giám của Trung Quốc ở Biển Đông. Hàng chục tàu thuyền của ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải giám của Trung Quốc đâm chìm giữa biển khơi. Việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan HD – 981 trong vùng biển Việt Nam với sự hỗ trợ của máy bay, tàu chiến chứng tỏ những cái đầu nóng ở Bắc Kinh không quen sử dụng sức mạnh mềm. Những áng thơ tuyệt vời của Bạch Cư Dị, Lý Bạch… làm người ta yêu Trung Quốc bao nhiêu thì chủ nghĩa bành trướng bá quyền mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đang theo đuổi lại khiến người ta ghê sợ Trung Quốc bấy nhiêu. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ để lấy một thứ hòa bình viễn vông, lệ thuộc”.

Trong khi chính phủ Việt Nam đang “cân nhắc kỹ lưỡng” thời điểm dùng biện pháp pháp lý để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông thì Trung Quốc hăm dọa Việt Nam “sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả do việc này gây nên”.

Nhận định về phản ứng không mấy quyết liệt của giới lãnh đạo Việt Nam trước hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, giáo sư Carl Thayer (chuyên gia về Việt Nam, từng làm việc cho Học viện Quốc phòng Australia) nói Việt Nam “Phải lên tiếng bây giờ, nếu không sẽ mất cơ hội mãi mãi. Trung Quốc muốn tăng mức độ uy hiếp cá nước ở Á Châu bằng cách trừng phạt và áp lực lên các nước này, để họ đừng lên tiếng phản đối những gì mà Trung Quốc đang làm. Nếu ngoan ngoãn im lặng thì có thể làm ăn hợp tác với Trung Quốc, nhưng đây không phải là một quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia ngang nhau mà phải trở về quan hệ giữa một nước lớn và chư hầu như thời phong kiến khi xưa”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát mối quan hệ Việt – Trung bằng sáu chữ « Vừa hợp tác vừa đấu tranh ». Nhưng nếu giới lãnh đạo Việt Nam vẫn không kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế ngay từ bây giờ thì việc Việt Nam mất hẳn biển, đảo vào tay Trung Quốc sẽ là điều khó tránh khỏi.

---------------------

(1) Theo giới nghiên cứu, bản Công hàm Phạm Văn Đồng dù sao vẫn là một điểm yếu của Việt Nam vì về nội dung, trong công hàm này không nói gì về Hoàng Sa, Trường Sa nhưng nó lại viết « ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc ». Mà bản tuyên bố này của Trung Quốc vốn cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).


(2) Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc là một trong các chuyên gia không ủng hộ cách tiếp cận Biển Đông của Việt Nam. Ông nói : « Trong Á châu ít nhất có 4 nước có lợi ích đối với Trường Sa, đó là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và một phần liên quan đến Indonesia. Ngoài lợi ích của mấy nước này còn có lợi ích của các cường quốc gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật và nhiều nước khác phải buôn bán, đưa hàng hóa qua Biển Đông. Do đó hòa bình ở khu vực là quan trọng, buộc các nước trong khu vực nếu có tranh chấp phải đặt lợi ích không chỉ của mình mà của nhiều người lên bàn cân. Cứ nêu khẩu hiệu Trường Sa là của Việt Nam thì còn gì mà nói chuyện với các nước khác ».





1 comment:

View My Stats