Friday, 28 November 2014

TỪ NỀN DÂN CHỦ ĐẾN CHẾ ĐỘ TÀI PHIỆT (William Graham Sumner, Libertarianism)



William Graham Sumner, Libertarianism
CTV Phía Trước chuyển ngữ
Posted on Nov 13, 2014

Trong tiếng Anh, để mô tả các thể chế chính trị, những từ kết thúc bằng “-ocracy” thường được sử dụng. Bộ phận đứng trước “-ocracy” trong những từ này sẽ mô tả cội nguồn của quyền lực trong các thể chế đó. Chẳng hạn, một nền chuyên chế, hay “autocracy”, là thể chế chính trị mà ý chí của ông vua quyết định tất cả. Một nền tinh hoa trị, hay “aristocracy”, là chính thể mà quyền lực nằm trong tay một nhóm nhỏ những người sở hữu các phẩm chất đáng kính trọng và ghen tị nhất trong xã hội, hay còn gọi là thiểu số tinh hoa. Một chế độ thần quyền, hay “theocracy”, là chính thể mà kẻ cầm quyền tối cao là những quan niệm xã hội về Thượng đế và ý muốn của ngài. Vì “ý muốn của Thượng đế” thường chỉ được truyền đạt cho xã hội qua một số kênh trung gian hữu hạn, chẳng hạn như giới thầy tu, các chế độ thần quyền thường dễ dàng bị chuyển thành “hierocracy”, hay chế độ mà quyền lực tập trung trong tay giới tăng lữ. “Bureaucracy”, hay chế độ quan liêu, là chính thể trao quyền lực tối hậu cho các công chức trong chính phủ. Trong mỗi trường hợp kể trên, cái tên của chính thể sẽ xác định cơ quan có quyền tuyên bố với xã hội rằng cái gì là được phép và cái gì không được phép.

Một nền dân chủ, hay “democracy”, là chính thể mà quyền lực tối thượng nằm trong tay “demos” – tức nhân dân. Tuy vậy, đám đông dân chúng sẽ không thể biểu đạt ý chí của mình và quản trị quốc gia nếu không được tổ chức đúng đắn. Vì mục đích chính trị, tùy từng trường hợp, người ta lại thường loại trừ phụ nữ, trẻ nhỏ, dân nhập cư, nô lệ, tội phạm, người nghèo… ra khỏi cái khối gọi là “nhân dân”. Vì vậy,”nhân dân” chỉ đồng nghĩa với một bộ phận xác định trong dân số chứ chưa bao giờ ám chỉ toàn bộ dân số. Hơn nữa, về mặt chuyên môn thì trong bất kì nhà nước hiện đại nào, “nhân dân” thậm chí cũng không phải là toàn bộ khối cử tri, mà chỉ đồng nghĩa với một bộ phận cử tri giới hạn. Nếu một cây bút phẫn nộ trước sự phân biệt giai cấp, thì trong tác phẩm, ông sẽ nhắc lại tất cả những công thức về “nhân dân” đang phổ biến trong hiện tại, rồi tiết lộ bằng bối cảnh câu chuyện rằng ông phân biệt những người dân thường như nông dân, thợ thủ công và người thất học với những người giàu, người có học vấn, người được đào tạo chuyên nghiệp, chủ ngân hàng hoặc thương nhân.

Tuy vậy, những tín điều về dân quyền và dân trí đang thịnh hành ngày nay sẽ không có chút giá trị hiện thực và vẻ đẹp đạo đức nào, trừ phi chúng được khẳng định là của toàn dân, không có ngoại lệ. Những tín điều đó không phải là phương châm hay nguyên tắc của đời sống chính trị và công việc quản trị trong đời thực; chúng là những tư tưởng cao đẹp về sức mạnh văn minh mà xã hội loài người chưa thể phát huy.Như những lý tưởng tạo cảm hứng, những động cơ giáo dục và những ưu tiên đạo đức, chúng có giá trị không thể đo đếm được. Nhưng chúng chỉ có tính triết học và hàn lâm chung chung, chứ không phải là luật lệ hằng ngày mà người ta nhất nhất tuân thủ trong những tình huống khẩn cấp. Một khi chúng đã bị kéo xuống lớp bùn của đời sống chính trị thực tế, và bị gọt đẽo cho vừa với kích thước của những chiến lược đảng chính trị, chúng sẽ trở thành một sự bịp bợm đặc biệt nguy hiểm.

Chẳng hạn, hiện vẫn thịnh hành một quan điểm cho rằng xã hội loài người, khi hành động như một khối toàn thể, sẽ gánh vác những vấn đề, truyền thống và tổ chức của nó bằng lý trí và lương tâm, sẽ liên tục rà soát lại những niềm tin mà nó được thừa kế, sẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm ngớ ngẩn mà nó phạm phải, sẽ vươn lên nhờ đánh giá và điều chỉnh lại những định kiến của bản thân… Cái lý thuyết cho rằng quyền lực nên thuộc về nhân dân, và nhân dân có đủ trí khôn để hiểu thế nào là đúng hoàn toàn ủng hộ giả thuyết này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu lý thuyết “quyền lực nhân dân” chỉ đúng khi “nhân dân” là một khối đồng thuận khổng lồ tập hợp tất cả mọi người thuộc mọi thành phần của xã hội, kể cả mọi phụ nữ, trẻ em, tội phạm, những người nhập cư, hay những người không được giáo dục tử tế. Về bản chất, lý thuyết này đòi hỏi “nhân dân” phải tập hợp được mọi tiếng nói trong xã hội; chính tính phổ quát này bảo đảm tính đúng đắn của “quyền lực nhân dân”. Nếu khối đồng thuận này không bao gồm một vài thành phần, như phụ nữ và trẻ em, thì sự bảo đảm đó đã biến mất. Nó trở thành một chiều và bất toàn, nó không còn là con người và xã hội. Từ vị trí của những tư tưởng lớn để truyền cảm hứng, nó chìm xuống vị trí của lời hô hào mà các chính đảng sử dụng để giành giật quyền lợi cho bản thân.

Giờ hãy thử áp dụng tín điều này theo phương châm rằng “nhân dân” bao gồm nông dân và thợ thủ công, những người chắc cũng phải được các triết gia và hiền nhân gửi cho một ít óc thông thái chính trị. Bạn hãy bảo một thanh niên rằng đừng lo lắng về việc học làm gì, hãy cứ nhổ vào văn hóa, cứ qua đêm trên đường phố và dùng ngày Chủ nhật để đọc tiểu thuyết năm xu. Rồi khi ngày bầu cử đến, anh ta có thể tạo ra công ăn việc làm cho mình, hoặc cho các bằng hữu, chỉ bằng cách ném phiếu vào hòm. Hãy nói với anh ta rằng đây là “nhân dân làm chủ” – một học thuyết mà chỉ cần răm rắp làm theo, anh ta sẽ trở thành người thốt lên lời sấm truyền của sự thông thái chính trị. Nếu ta làm theo cách này, thì học thuyết dân chủ vĩ đại sẽ trở thành một trong những sai lầm lố bịch và khó tưởng tượng nhất.

Vì vậy, trong thực tế, dân chủ có nghĩa là tất cả những người từng được thừa nhận quyền chính trị phải sống bình quyền, và quyền lực được trao cho nhóm tập hợp được nhiều kẻ bình quyền hơn. Nếu nền chính trị bị chia rẽ theo giai tầng, thì tầng lớp đông đảo nhất sẽ được trao vị thế “nhân dân” và quyền lực chính trị. Bởi lẽ đó, nếu chúng ta thiết lập một nền dân chủ, rồi để các giai tầng và đám đông quần chúng đối kháng với nhau, thì đó sẽ là sự phản bội nghiêm trọng nhất đối với thể chế này. Nền dân chủ, ngay từ đầu, sẽ mang trong mình nạn chia rẽ và tham lam, ở mức độ đủ để làm hổ thẹn mọi thể chế chính trị từng có.

Chế độ tài phiệt là chính thể mà người giàu nắm quyền kiểm soát xã hội. Đối với tôi mà nói, thì chuyện này khá mới mẻ và thật sự đáng lo. Từng có nhiều quốc gia có giới tài phiệt đông đảo, nhưng ở những nước đó, người giàu chưa từng có sức mạnh thâu tóm và kiểm soát như họ đang làm với chúng ta lúc này. Lịch sử gần đây của những quốc gia văn minh Tây Âu đã cho thấy chính thể tài phiệt đang phát triển rất vững vàng và nhanh chóng. Những học thuyết phổ biến vài trăm năm nay đã truyền bá cái quan điểm rằng mọi người đều có quyền hưởng sự thoải mái, sung túc và sang trọng. Do đó, nếu bất cứ ai được sung túc và sang trọng, trong khi những người khác thì không, điều đó có nghĩa là những thành quả của nền văn minh đã không được phân chia đồng đều, và nhà nước đã thất bại trong việc thực hiện chức năng của nó. Việc lẽ ra cần phải làm là lấy lại quyền kiểm soát nhà nước, và cho nó thực hiện đúng những chức năng mà nó được kì vọng, như đảm bảo sự thoải mái và tiện nghi về mặt vật chất cho mọi người dân.

Trong khi đó, khi cơn khát vật chất của xã hội ngày càng dâng cao, và ai cũng nghĩ rằng sống xa xỉ là quyền của mọi người, người ta ngày càng bị cám dỗ bởi việc sử dụng những cơ hội chính trị để trục lợi bất chính. Trong hoàn cảnh đó, kẻ trục lợi sẽ không ý thức rằng mình đang thiếu trung thực. Họ tự bào chữa: tôi chỉ tận dụng mọi cơ hội có thể để thu lợi ích từ bối cảnh chính trị và xã hội, chứ không hề phạm pháp hoặc cố ý làm điều gì sai. Kiểu bào chữa này hiện diện ở cả những người dân bán rẻ lá phiếu trong kì bầu cử, lẫn công chức lạm dụng công quyền.Sau cùng, nó đã tạo ra một lớp người tự bán bản thân như một loại hàng hóa.
Nguyên lí của chế độ tài phiệt là tiền có thể mua bất cứ thứ gì mà người có tiền muốn, và lớp người-hàng-hóa nói trên được tạo ra chỉ để trở hành công cụ. Thêm vào đó, toàn bộ sự phát triển công nghiệp trong thế giới hiện đại đã gắn kết nền công nghiệp với quyền lực chính trị, qua những vấn đề của các công ty cổ phần, tập đoàn, nhượng quyền thương hiệu, hợp đồng công cộng…, theo những cách mới mẻ hơn và tầm vóc lớn hơn. Cũng cần lưu ý rằng những phương pháp tự động và phi cá nhân của nền công nghiệp hiện đại, và thực tế rằng những nhà quản trị doanh nghiệp ngày nay thường là chỉ là người đại diện bán ủy thác của người nắm vốn, đã tạo nên một thứ lương tâm tập đoàn. Thời xưa, một người La Mã tham vọng từng mua sự nghiệp của mình bằng cách hối lội từ mọi thẩm phán cấp thấp cho đến tòa tổng lãnh sự, tới khi ông được nắm một tỉnh trong tay, nơi mà tiền tham nhũng thu được đủ lớn để giúp ông vừa trả nợ và bù đắp những khoản “đầu tư” ban đầu, vừa xây dựng cho mình một gia tài lớn. Các nhà tài phiệt hiện đại mua sự thuận lợi cho mình thông qua những lá phiếu và các cơ quan lập pháp, trong niềm tin rằng quyền lực thu được sẽ giúp họ bù đắp mọi phí tổn và mang lại nhiều thặng dư.

Khi đề cập đến sự tham lam của các nhà tài phiệt và việc người dân tự bán rẻ mình, tôi không muốn những lực lượng và xu hướng trong bài bị hiểu theo lối phóng đại.Tuy vậy, tôi coi chế độ tài phiệt là hình thức bẩn thỉu và hèn hạ nhất của quyền lực chính trị mà chúng ta từng biết cho tới nay. Động cơ, cách vận hành, luật lệ và hình phạt của nó sẽ mang đến sự thối nát toàn diện cho mọi tổ chức chịu trách nhiệm duy trì và bảo vệ xã hội. Cần nhận phải nhận ra nó là gì, trong tinh thần và xu hướng của nó, từ khi có còn là một mầm non, chứ không phải khi nó đã cắm rễ sâu và và sinh trưởng xanh tốt.

Sau đó, để phân tích sâu hơn về chế độ tài phiệt, chúng ta cần ý thức rõ một sự khác biệt quan trọng. Chế độ tài phiệt phải được phân biệt một cách cẩn thận với “quyền lực tư bản”. Những lời phê phán thiếu cân nhắc đối với tư bản, sự độc quyền và niềm tin, những thứ mà chúng ta phải nghe rất nhiều, như tôi trình bày trong phần tiếp theo, thực ra giúp ích cho chế độ tài phiệt.





2 comments:

View My Stats