Monday, 3 November 2014

RỪNG SÁT : VỀ VIỆC BỊ KIỂM DUYỆT Ở VIỆT NAM - KỲ 3 (Thomas A. Bass)





Thomas A. Bass
Phạm Nguyên Trường dịch
Tháng 11 2, 2014

NHỮNG CƠ CHẾ KIỂM SOÁT VĂN CHƯƠNG

Tháng 3 năm 2014 – không người nào có thể cho tôi biết chắc chắn, và, trên thực tế, mãi đến tháng 5 năm 2014 mới có giấy phép xuất bản – bản dịch tiếng Việt tác phẩm The Spy Who Loved Us xuất hiện tại Hà Nội. Đến lúc này, ngay cả tên tác phẩm của tôi cũng bị kiểm duyệt. Nó bị rút xuống thành Z.21, bí danh của Phạm Xuân Ẩn, như thể cuốn sách, cũng như nhân vật chính của nó, sẽ tìm cách lặng lẽ đi qua các địa hình đang biến đổi của những cuộc chiến tranh văn hóa ở Việt Nam.

Tôi nhận được bản liệt kê những đoạn bị kiểm duyệt lần chót và đang ngồi xem những đoạn bị cắt thì nhận được email nói rằng cuốn sách đã được xuất bản. Như thế là vi phạm hợp đồng, nhưng tôi quyết định không làm căng mục này vì bây giờ tôi được tự do – trong sáu tháng – để công bố phiên bản không bị kiểm duyệt của mình trên mạng. Các trang web là nơi nền văn học Việt Nam chuyển đến, vì mạng lưới u ám của an ninh giám sát, của những vụ phạt tiền, của lưu vong và nhà tù bủa vây ngày càng chặt các nhà báo, blogger, nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và nhà thơ của đất nước này – vâng, thậm nhà thơ ở Việt Nam cũng có thể gặp rắc rối, như tôi nhanh chóng nhận ra trong chuyến thăm Việt Nam.

Tôi tận dụng chút dư luận dấy lên nhân việc cuốn sách của tôi được ra mắt (trong đó có bài giới thiệu đăng ngay trang bìa tờ Tuổi trẻ) để lên lịch cho một chuyến đến Đông Nam Á. Tôi muốn gặp các nhà kiểm duyệt mà tôi đã đấu khẩu suốt năm năm qua, hoặc ít nhất là người nào sẽ đứng ra và nói chuyện với tôi. Tôi tới Hà Nội bằng một chuyến bay đêm từ Paris cuối tháng Năm và bắt đầu bơi qua bầu chướng khí của cái nóng và ẩm nhiệt đới, trước khi tìm được chỗ trú chân ở Khách sạn Nhà Thờ, gần Nhà thờ Lớn trong khu phố cổ Hà Nội. Tôi lên lịch cho cuộc gặp Nguyễn Việt Long, biên tập viên đầu tiên của tôi ở Nhã Nam. Tôi cũng lên lịch gặp Nguyễn Nhật Anh và Vũ Hoàng Giang, Giám đốc và Phó giám đốc công ty này. Sau đó, tôi được biết rằng có hai người nữa, cũng có vai trò trong vụ này, muốn nói chuyện với tôi. Đó là Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên ở Nhà Xuất bản Hồng Đức, một nhà xuất bản quốc doanh, người lập danh mục cuối cùng những đoạn văn bị kiểm duyệt và sau đó cấp giấy phép xuất bản cho tác phẩm của tôi. Một người nữa đồng ý gặp tôi là ông Dương Trung Quốc, một nhà sử học và là đại biểu Quốc hội Việt Nam, người hình như đã thương thảo về mặt chính trị để cuốn sách của tôi – hay chí ít là một phiên bản nào đó của cuốn sách – được xuất bản ở Việt Nam.

Người dịch Z.21 là một nhà báo ở Hà Nội tên là Đỗ Tuấn Kiệt. Căn cứ vào công việc của ông (đáng tiếc là khi tôi ở Hà Nội thì ông lại đi vắng), có thể thấy ông Kiệt là người nói tiếng Bắc, phương ngữ chiếm ưu thế ở Việt Nam, nay pha đầy những thuật ngữ Mác-Lênin mượn từ tiếng Tàu. Người miền Nam thấy ngôn ngữ này nhức tai. Đấy không phải là ngôn ngữ mà Phạm Xuân Ẩn, nhân vật chính trong cuốn sách của tôi, từng nói, và, quả thực, ông thường chế giễu kiểu nói năng ấy. Năm 1978 ông phải học 10 tháng ở Trường Đảng mang tên Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, như một cách “cải tạo” – một nỗ lực bất thành nhằm dạy ông những thuật ngữ này. “Tôi đã sống quá lâu trong hàng ngũ kẻ thù”, ông nói. “Nên họ đưa tôi đi tái chế.”

Sau khi cuốn sách của tôi được dịch, ông Long, biên tập viên của tôi, bắt đầu công việc kiểm duyệt nó một cách khá nghiêm túc. Suốt mấy năm ròng, trong khi ông tìm cách xin giấy phép xuất bản, và hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác không chịu cấp giấy phép thì nội dung tác phẩm cũng ngày càng bị sửa chữa nhiều hơn. Rốt cuộc, tôi đoán rằng dự án này đã nhuốm mùi nguy hiểm. Đây là thứ không ai muốn dây vào, nếu người ta đánh giá cao sự nghiệp biên tập viên báo Công an hay ở Bộ Nội vụ. Bản thân ông Long chắc hẳn đã bắt đầu bị tình nghi. Sau đó, ông rời ngành xuất bản sách thương mại và chuyển sang biên tập sách toán cho học sinh.

Ông Long và tôi hẹn gặp nhau tại khách sạn của tôi. Ông bấm chuông và bước vào phòng với vẻ lo lắng. Ông ngồi ở rìa ghế sofa, xin lỗi vì đến trễ, và cuối cùng cũng đồng ý uống một ly bia. Trạc ngũ tuần, tóc đen phủ mái đầu vuông vắn, ông Long mặc loại đồng phục thường gặp ở cán bộ Việt Nam: kính to tròn, áo sơ mi trắng cộc tay với cây bút cài trên túi ngực, đồng hồ kim loại lủng lẳng ở cổ tay, quần xám, và đi dép. Ông ngó quanh, như thể đang tìm thiết bị nghe lén, và bắt đầu trả lời câu hỏi của tôi một cách vòng vo, một thói quen ngấm vào con người trong một nhà nước cảnh sát.

Ông Long học kĩ thuật ở Liên Xô cũ, chuyên ngành của ông là điều khiển học hoặc hệ thống điều khiển lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt là lò phản ứng hạt nhân ở Đà Lạt mà Bắc Việt chiếm được sau khi Mỹ rút vào năm 1975. Tốt nghiệp Viện Kĩ thuật Điện Moskva, ông Long đã tự học tiếng Anh trong năm năm sống ở Nga.

Sau khi tán gẫu về việc ông chuyển từ điều khiển học sang lĩnh vực xuất bản, chúng tôi bắt đầu nói về cuốn sách của tôi. “Cuộc chiến về việc biên tập cuốn sách của ông khá gay go”, ông ta nói. “Tôi đã bị kẹt ở giữa, bị cả tác giả lẫn cấp trên o ép. Chế độ nói rằng đây là cuốn sách nhạy cảm. Bạn có thể gặp nhiều rắc rối nếu xử lý không phù hợp dự án kiểu này. Đấy là tất cả những điều tôi có thể nói với ông.”

“Theo luật, ở Việt Nam không có nhà xuất bản tư nhân”, ông Long nói. “Vì vậy, mỗi khi xuất bản sách, Nhã Nam đều phải liên kết với một nhà xuất bản của nhà nước. Chúng tôi đã đưa cuốn sách của ông đến nhiều nhà xuất bản, nhưng tất cả đều từ chối. Cuối cùng, Hồng Đức đã đồng ý cấp phép xuất bản. Họ là một nhà xuất bản có thế lực.”

“Tại sao họ lại có thế lực?”, tôi hỏi.

Ông Long cười ngượng ngập. “Cứ biết họ có thế lực là được rồi. Tôi chỉ có thể nói thế thôi”. Sau đó tôi biết rằng Hồng Đức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, một trong những nhà kiểm duyệt chính của nước này.

“Thế còn những đoạn bị cắt?”, tôi hỏi.

“Người dịch đã dịch toàn bộ cuốn sách”, ông ta nói. “Sau đó chúng tôi bỏ những đoạn buộc phải bỏ. Chúng tôi không thể để nguyên như vậy. Xuất bản cuốn sách của ông là việc rất khó. Phải kiểm duyệt rất nhiều đề tài, và không có cách nào khác ngoài xóa hẳn.”

Khi tôi đề nghị đưa ra ví dụ, ông nhắc đến đại tá Bùi Tín, người đã trốn ở lại Pháp năm 1990 để phản đối tình trạng mất dân chủ tại Việt Nam, và Tướng Giáp, trước khi qua đời năm 2013, người từng viết thư phản đối ảnh hưởng của Trung Quốc ở Việt Nam. “Những vấn đề như thế thì mọi người đều biết, nhưng không được phép đề cập”, ông nói. “Nếu chúng xuất hiện trong tác phẩm thì không thể có giấy phép xuất bản.”

“Làm sao anh biết cái gì cần kiểm duyệt, cái gì không?”

“Chúng tôi phải biết. Chúng tôi quan sát. Có thể có người nghĩ khác, nhưng chúng tôi biết việc mình cần làm. Nhiều việc ​​ph thuc vào thi gian, ông ta nói. Chúng tôi đã xut bn mt cun sách chng Trung Quốc của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Sau đó, khi các nhà chức trách biết thì chúng tôi bị cấm xuất bản các đầu sách khác của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nói chung, chúng tôi không thể công bố bất cứ điều gì xấu về Trung Quốc. Ví dụ, chiến tranh biên giới năm 1979 giữa Việt Nam và Trung Quốc là đề tài chúng tôi không được phép đề cập.”

Ông Long ho lục cục sâu trong cổ họng. Ông từ chối ly bia thứ hai. Một lần nữa ông nhìn quanh phòng, nhưng không tìm thấy gì khiến ông trông đỡ khổ sở hơn.

“Kiểm duyệt thường kín tiếng”, ông bảo. “Dù không chính thức bị cấm, nhưng tất cả các cuốn sách đã xuất bản đều có thể đột nhiên biến mất khỏi quầy.”
“Xuất bản cuốn sách của ông là việc rất khó”, ông nhắc lại một lần nữa. “Đây là cuốn sách khó khăn nhất đối với tôi.”

Tôi hỏi ông Long có phải là đảng viên không. Ông thì không, nhưng anh trai của ông là đảng viên. “Vào Đảng thì được nhiều quyền lợi chính trị”, ông nói. “Nó giúp người ta thăng tiến trong các cơ quan nhà nước”.

Ông không chịu uống một ly bia nữa và bảo bây giờ phải đi lấy xe máy rồi về nhà. Ông chúc mừng tôi về việc cuốn sách của tôi đã ra mắt.

“Đấy thật ra không phải là cuốn sách của tôi”, tôi nói và nhắc đến bốn trăm đoạn đã bị cắt xén.

“Bốn trăm không phải là quá nhiều”, ông nói. “Chúng tôi có một thành ngữ bằng tiếng Việt: ‘Đầu xuôi đuôi lọt’. Trong lần tái bản tới, có thể một số đoạn sẽ được phục hồi.”

Khi lách nhanh ra khỏi cửa, ông Long có vẻ lo lắng vì đã nói quá nhiều trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của chúng tôi. Tôi chúc ông thành công trong công việc mới của mình. “Lương khá hơn”, ông khẳng định với tôi như thế.

VIỆT NAM HỌC

Sáng hôm sau, lên taxi đến Quận Cầu Giấy ở phía Tây thành phố, tôi đi qua nhiều hồ nước rải rác khắp trung tâm Hà Nội để đến một đại lộ ba làn đường, trụ sở của Nhã Nam chiếm trọn một tòa nhà cổ có những cửa chớp mở ra ban công với lan can sắt bên ngoài. Đã mười giờ sáng, một tấm màn màu xám nóng và ẩm trùm lên thành phố. Cửa hàng sách ở tầng trệt của Nhã Nam đầy những bản dịch Proust, Kundera, Nabokov, và tôi thích thú khi thấy một chồng sách của tôi đặt cạnh Lolita. Tôi tự giới thiệu với lễ tân và được dẫn lên lầu để gặp Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc công ty, và Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc. Tối hôm trước tôi đã gặp ông Giang. Ông đến dự buổi nói chuyện của tôi ở Cinematheque Hà Nội mà tôi không biết trước và sau đó thì ông ra gặp tôi và tự giới thiệu về mình. Khi ông Giám đốc Nhã Nam tặng tôi một bó hoa sen màu tím, tôi bỗng e rằng những nhận xét của tôi tối hôm trước có thể là quá bộc trực.

Nguyễn Nhật Anh, một người đàn ông mảnh khảnh mặc chiếc áo thun đen, quần jeans, đi dép, trông như một người suốt ngày lê la ở quán cà phê hơn là tổng biên tập của một nhà xuất bản lớn. Nổi tiếng vì sự thính nhạy về văn chương, ông Anh ngồi làm việc tại một cái bàn đầy sách và bản thảo. Cộng sự của ông, ông Giang, mặc một chiếc áo polo hở cổ, là một người cao lớn, đẹp trai, với nụ cười sẵn sàng trên môi và một hình xăm nhỏ ở cổ tay trái. Tôi hình dung là trong công việc của công ty, ông Anh chịu trách nhiệm về học thuật còn ông Giang thì phụ trách khâu bán hàng. Sau này tôi mới biết rằng nhiều bản thảo chất đống trên bàn làm việc của ông Anh thực ra là các hợp đồng xuất bản, trong khi ông Giang có sở thích văn học riêng, và, quả thật, là người đã thu xếp để cuốn sách của tôi được xuất bản.

Cô Thu Yến, biên tập viên mà tôi đấu khẩu trong suốt mấy năm qua, không được mời tham dự cuộc họp này. Cô vẫn ngồi làm việc ở phòng hợp đồng, trong khi một người phiên dịch khác đã được thuê cho buổi họp này – đấy là một người phụ nữ Việt Nam còn trẻ, từng làm quản lý văn phòng tại một công ty luật của Mỹ. Trong khi ông Anh có dáng bác học và ông Giang lúc nào cũng mỉm cười, thảo luận về sự tế nhị của ngành xuất bản ở Việt Nam thì phần dịch của người phụ nữ trẻ cứ ngắn dần, ngắn dần và cuối cùng gần như bỏ hẳn, không dịch nữa. May là, tôi đã mang theo người phiên dịch của mình và sau đó, buổi chiều, chúng tôi phải mất vài giờ để dựng lại cuộc nói chuyện.

Tôi ngồi lên chiếc đi-văng trong văn phòng của ông Anh. Bên ngoài cửa chớp, ve sầu trên cây ồn ào kinh người. Ông Giang đã báo trước với tôi trong một email về “hệ thống kiểm duyệt chặt chẽ và khá nặng tay của các nhà xuất bản quốc doanh ở Việt Nam. Ông không thể hình dung được hết đâu”. Tôi được mời một tách trà xanh và sau đó chúng tôi bắt đầu thảo luận về kiểm duyệt nói chung ở Việt Nam và cụ thể là trong trường hợp của tôi, kiểm duyệt được thực hiện như thế nào.

Ông Anh nói trước, trả lời dài dòng, trang trọng cho các câu hỏi của tôi, sau đó ông Giang tiếp tục, khi ông Anh quay sang chiếc máy pha cà phê espresso để cạnh bàn làm việc và pha cho mình một tách. Tôi định xin cho mình một tách nhưng quyết định làm người lịch sự và tiếp tục uống trà. Ông Anh miêu tả cách thức mà các nhà kiểm duyệt kiểm soát cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ví dụ các nhân vật chính trị phải được kính trọng. Không được gọi người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hồ Chí Minh. Mà phải gọi là Bác Hồ – để cùng một lúc Bác vừa là một nhân vật lịch sử, vừa là người thân trong các gia đình Việt Nam.

“Kiểm duyệt là một vấn đề rất nan giải”, ông Anh nói. “Trong thực tế, chúng tôi không có một hệ thống hoặc một bộ quy tắc để thực hiện nó. Chúng tôi chỉ biết rằng nhiều nhà xuất bản không dám ra cuốn sách của ông.”

Các cửa ra vào và cửa sổ trong phòng của ông Anh mở ra một hàng hiên nhìn ra đường phố, nhưng chúng vẫn bị đóng kín để khỏi nóng. Ngoài cái bàn, chất đầy sách vở, và một bàn cà phê, còn chất nhiều sách vở hơn, trong phòng không còn gì ngoài chiếc đi-văng mà tôi đang ngồi và những bức tường màu xanh trần trụi.

“Cùng chủ đề này đã có một cuốn khác được xuất bản, nên chúng tôi nghĩ mình sẽ có cơ hội hơn”, ông nói. “Chúng tôi tin chắc rằng có thể in được cuốn sách của ông.”

Tôi hỏi ông Anh vì sao lại giao cuốn sách cho một người miền Bắc dịch, có thể người đó không hiểu những sự tế nhị và thậm chí cả những câu đùa của nhân vật chính là người miền Nam.

“Sự khác biệt cũng như trong âm nhạc thôi”, ông ta nói. “Các ca sĩ cùng hát một bài, nhưng diễn tả theo những cách khác nhau. Khi dịch cuốn The Things They Carried (Những thứ họ mang) của Tim O’Brien, chúng tôi đã cố gắng dùng đúng phương ngữ miền Nam. Nhưng trong trường hợp của ông, chúng tôi nghĩ đây là một cuốn sách chính trị, không phải là tác phẩm hư cấu. Độc giả của loại sách này là người miền Bắc, và phải làm sao cho nó dễ hiểu đối với họ.”

Tôi đề nghị Anh và Giang nói cụ thể hơn về việc kiểm duyệt cuốn sách của tôi. Họ thuật lại quá trình mà bây giờ ai cũng biết, bắt đầu là việc dịch, do một người rất hiểu nguyên tắc của cuộc chơi này phân công. Sau đó chuyển bản thảo đến biên tập viên, người sẽ loại bỏ tất cả những phần “nhạy cảm”.

“Làm sao ông ấy biết phải loại bỏ cái gì?”

“Đấy là công việc của ông ấy mà”, ông Anh nói. “Ông Long là chuyên gia về cơ chế kiểm soát, người ta gọi là điều khiển học, và những nguyên tắc tương tự áp dụng vào văn học. Trong kiểm duyệt xuất bản có một số cơ chế kiểm soát đã biết, nhưng cũng có rất nhiều cơ chế chưa biết. Chúng tôi dựa vào kinh nghiệm của biên tập viên trong việc cắt cúp các bản thảo. Anh ta biết cái gì có thể không qua được kiểm duyệt.”

“Tiến trình đó đầy nguy hiểm, không chỉ với tác giả mà còn với nhà xuất bản”, ông Anh nói. Đang nói chuyện thì ông ta tụt dép ra và để chân trần xuống nền gạch cho mát. Trên đầu, cái quạt trần lùa không khí nóng bức vòng quanh căn phòng. Mùa Xuân này, nhiệt độ ở Hà Nội lúc nào cũng hơn 37 độ.
Ông Anh kể cho tôi nghe câu chuyện về tập thơ của Trần Dần, được Công ty xuất bản năm 2006. Từ khi dính vào vụ Nhân văn-Giai phẩm hồi những năm 1950, tất cả các tác phẩm của Trần Dần đều bị cấm. Đó là phiên bản Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông theo kiểu Việt Nam, tức là thanh trừng các nhà văn, nghệ sĩ, nhạc sĩ và những người bị liệt vào danh sách đen, bị bỏ tù, và bị cấm đoán suốt 50 năm. Một trong những nghệ sĩ đó là Văn Cao, năm 1945 đã sáng tác bài Quốc ca của Việt Nam. Từ 1957 đến 1986, người Việt thấy mình rơi vào tình huống khá kì quặc: được phép chơi nhạc bài Quốc ca do Văn Cao sáng tác, nhưng không được hát. Mãi đến khi một số từ được thay thì Quốc ca mới được hát trở lại. Văn Cao đã ngừng sáng tác từ lâu, và bằng cách đó, ông đã gia nhập đội ngũ những nghệ sĩ Việt Nam bị buộc phải im tiếng hay lưu đày – từ những năm 50 đến nay có hàng trăm người như thế.

Mao đã chết từ lâu và Cách mạng Văn hóa của ông ta đã mất uy tín, Nhã Nam nghĩ rằng bây giờ in tác phẩm của nhà thơ Trần Dần thì cũng an toàn. Họ có được giấy phép của một nhà xuất bản quốc doanh ở Đà Nẵng và in một tuyển tập thơ của ông, khi những biện pháp cấm đoán có phần nới lỏng. “Cảnh sát đến hội chợ sách và tịch thu toàn bộ sách của chúng tôi”, ông Anh nói. “Sau đó họ lục soát văn phòng của chúng tôi và tiêu hủy nhiều hơn nữa. Thật kinh hoàng. Chúng tôi đã tưởng sẽ bị đóng cửa và ngừng kinh doanh.”

“Điều gì đã xảy ra vậy?” Tôi hỏi.

Ông Anh hạ thấp giọng và nhắc đến tên của một cơ quan là A25.
“Bây giờ là A87”, ông Giang sửa lại.

Nhiều cơ quan chính quyền tên bắt đầu bằng chữ A, viết tắt của “an ninh”, và A25 – nay là A87, Cục An ninh Thông tin Truyền thông thuộc Bộ Công an – là bộ phận làm việc với các nhà xuất bản.

“Gì thì cũng là An ninh Văn hóa, gọi là Cục An ninh Văn hóa”, ông Anh nói.

“Địa chỉ của họ thế nào?”, tôi hỏi.

“Họ không có địa chỉ đâu”, ông ta nói, ngụ ý họ có mặt khắp nơi. Rồi bằng những câu ngắn gọn, hai người trao đổi với nhau về điều đã xảy ra. Cuộc trao đổi này không được dịch.

“Không có một tổ chức duy nhất nào chịu trách nhiệm kiểm duyệt”, ông Anh nói. “Việc đó liên quan đến rất nhiều người”. Một lần nữa, ông nhắc đến Bộ Công an.

Ông Giang nói đến Bộ Thông tin và Truyền thông. “Đó là cơ quan phụ trách xuất bản”, ông ta nói.
Ông Anh đưa thêm vào danh sách này cơ quan an ninh quốc gia và các tổ chức khác. “Nó giống như một đám mây”, ông ta nói. “Họ có mặt khắp nơi.”

“Thường thì họ không bắt biên tập viên”, ông ta nói. “Chỉ những người cầm bút bị bắt thôi, nhưng, nói chung, biên tập viên biết trước khi nào mình sẽ gặp rắc rối.”

Tôi đề nghị họ nói cụ thể hơn về việc kiểm duyệt trong quá trình xuất bản cuốn sách của tôi. Và thế là lần đầu tiên tôi được nghe nhắc đến Nguyễn Thế Vinh. Ông Vinh là người chốt danh sách những đoạn phải cắt trong cuốn sách của tôi và cấp giấy phép xuất bản. Nghe hai người kia nói, tôi nghĩ ông Vinh là một trọng lượng đáng kể trong giới xuất bản. Vốn là cựu giám đốc của nhiều công ty khác nhau, bây giờ ông Vinh làm biên tập viên ở Nhà Xuất bản Hồng Đức, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhà xuất bản này không chỉ cấp phép xuất bản cuốn sách của tôi mà còn đưa biểu tượng của mình lên trang bìa. Quả thật, trên bìa cuốn sách có hai biểu tượng: của Nhã Nam là một cậu bé (hay cô bé) đang đọc sách trên lưng trâu, và của Hồng Đức là chữ H trắng nằm trong chữ Đ đen.

Tôi còn được biết một tình tiết thú vị nữa về ông Vinh. Ông là người xin giấy phép xuất bản cho cuốn Perfect Spy (Điệp viên hoàn hảo) của Giáo sư Berman. Bản dịch tiếng Việt tác phẩm này là cú bôi trơn cho cuốn của tôi, và còn ai có thể làm tốt hơn ông Vinh, người từng làm công việc tương tự trước đó.
Trong khi ông Anh pha cà phê thì ông Giang tiếp tục câu chuyện. “Cuốn sách của ông đã bị năm hoặc sáu nhà xuất bản từ chối”, ông ta nói. “Các nhà xuất bản khác từng ngó qua thì lại muốn sửa chữa, thay đổi rất nhiều. Họ cứ đòi phải cắt thêm, thêm nữa. Chúng tôi phản đối những đoạn sữa chữa đó, cho đến khi Nguyễn Thế Vinh đồng ý xuất bản.”

“Thế ông ta đòi sửa những gì?” tôi hỏi.

Ông Anh đi đi lại sau cái bàn viết. Ông Giang nhíu mày, khiến mặt ông sầm xuống. “Lúc nào  gặp ông Vinh, xin ông không đưa ra những câu hỏi quá cứng rắn”, ông ta nói. “Nó có thể ảnh hưởng đến ông Vinh và cơ hội để cuốn sách của ông vẫn được bày bán.”

“Ai đề nghị ông Vinh tham gia vào việc này?”, tôi hỏi.

“Ông Giang đã tiếp cận với ông ấy”, ông Anh nói. Tôi có thể thấy hai vị này đang lo vì đã tiết lộ với tôi hơi quá nhiều chi tiết như vậy. Bây giờ, cả hai ngồi, tay khoanh trước ngực.

“Nhà Xuất bản Hồng Đức muốn viết lời giới thiệu cho tác phẩm của ông”, ông Anh nói. “Nhưng chúng tôi đã bác bỏ đề xuất đó.”

Tôi có thể tưởng tượng ra bài giới thiệu của Hồng Đức, là sự lặp lại của những mỹ từ thường gặp về Phạm Xuân Ẩn, một điệp viên “hoàn hảo”, một cán bộ cộng sản không chút tì vết, nhưng vẫn gặt hái biết bao tung hô từ những người phương Tây hâm mộ. Tôi thành thật biết ơn các biên tập viên đã giải thoát tôi khỏi cú khó xử đó.

“Ông Vinh đã đứng ra nhận trách nhiệm cá nhân đối với việc xuất bản tác phẩm này của ông”, ông Anh nói.

“Ông muốn nói là, tuy vậy nó vẫn có thể bị kiểm duyệt?”

“Cuốn sách của ông có thể bị tịch thu vào ngày mai”, ông ta nói. “Không ai biết rắc rối có thể đến từ đâu. Chúng tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu tiêu cực nào, nhưng bao giờ cũng có một ai đó có thể tìm thấy những chỗ ‘nhạy cảm’ trong một cuốn sách nào đó.”

“Các ông muốn tôi tránh đề cập đến những đề tài nào khi tôi còn ở Việt Nam?”, tôi hỏi.

“Xin ông nhớ cho rằng ông Vinh có danh tiếng và sự nghiệp”, ông Anh nói.

Bây giờ mọi người đều đã biết quan điểm ​​ca tôi v kim duyt mt công vic xu xa mà k mnh dùng để la k yếu nhm bo v quyn li ca mình. Tôi không cn phi nhc li nhng điu đã nói.
“Ông không nên quá thẳng thắn với ông Vinh”, ông Anh nói. “Ông ấy chỉ làm theo chỉ đạo của nhà xuất bản.”

“Ông cũng nên biết rằng cuốn sách của ông là một thực thể sống”, ông Giang nói. “Nó có thể được tái bản, lần sau có thể bổ sung những đoạn bị cắt trong phiên bản đầu tiên.”

Tôi đảm bảo với ông Anh và ông Giang rằng tôi sẽ cố hết sức mình để không xúc phạm bất cứ ai. Hai ông này đều biết rằng cuốn sách của tôi trong phiên bản tiếng Việt không bị kiểm duyệt sẽ được phát hành trên Internet.

“Hiện nay ở Việt Nam chúng tôi không có tiêu chuẩn nào cả”, ông Giang nói. “Chúng tôi không biết quyền của mình là gì, mà cũng không biết kiểm duyệt đang đi theo hướng nào. Nhưng hệ thống của chúng tôi đang thay đổi. Chúng tôi hy vọng ông hiểu rằng chúng tôi có thể cải thiện. Có thể làm tốt hơn. Chúng tôi đang học cách hoạt động trong môi trường xuất bản quốc tế.”

“Nếu cuốn sách của ông được tái bản, chúng tôi muốn khôi phục các chi tiết bị cắt”, ông ta nói. “Ông có quan điểm tích cực về Việt Nam. Mọi người đều biết như thế. Vì vậy, chúng tôi mong ông hãy kiên nhẫn. Hãy cho chúng tôi thời gian để giải quyết mọi việc. Mọi người coi ông là một chuyên gia về Việt Nam, một nhà phê bình, đôi khi là một nhà phê bình cứng rắn, nhưng công bằng. Việt Nam học – đó có thể là từ thích hợp đối với những việc ông đang làm.”

“Mỗi năm các ông xuất bản bao nhiêu cuốn sách ‘có vấn đề’?”, tôi hỏi.

“Trong nghề này, chúng tôi thường xuyên làm việc với những cuốn sách phức tạp”, ông Anh nói. “Nghề này nó vậy. Nhưng cuốn của ông là một trường hợp đặc biệt. Đây là cuốn khó nhất. Tôi đã định bỏ. Tôi nghĩ rằng chẳng có hi vọng gì. Tôi là người nóng tính, và cuốn này lại quá khó. Tôi đã buông tay. ‘Cuốn sách này sẽ không bao giờ được xuất bản!’ Tôi nói. Nhưng, các đồng nghiệp của tôi kiên nhẫn hơn tôi. ‘Hãy đợi’, họ bảo tôi. ‘Hiện vẫn còn cơ hội’. Nhờ ông Giang và bà Thu Yến mà cuốn sách của ông mới xuất hiện đấy. Họ là những người kiên trì.”

“Tôi thấy mình như một con tin kẹt giữa hai đội quân đang giao chiến vậy”, ông Anh nói. “Tôi bị bắn từ cả hai hướng. Tác giả thì phản đối cắt cúp. Các nhà kiểm duyệt thì đòi cắt. Có những tác giả hiểu cách hoạt động của hệ thống này, ví dụ như Milan Kundera. Ông ấy từng sống dưới chế độ kiểm duyệt. Ông ấy hiểu vấn đề của chúng tôi và đồng ý để chúng tôi làm những việc cần làm khi chúng tôi xuất bản sách của ông ấy. Nếu ông động viên chúng tôi thì sẽ có lợi hơn.”

“Thay mặt nhà xuất bản, chúng tôi muốn nói với ông rằng chúng tôi vui mừng vì cuốn sách của ông đã được xuất bản”, ông Giang nói. Tôi ngờ rằng ông ta lấy làm tiếc vì đã so sánh tôi không hay ho gì với Milan Kundera. Thực ra, tôi thấy thật tức cười khi một người tị nạn từ nước Tiệp Khắc cộng sản sẵn lòng chấp nhận bị kiểm duyệt ở nước Việt Nam cộng sản.

“Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam và Hoa Kỳ tham gia vào những cuộc đàm phán khó khăn”, tôi nói. Ông Anh và ông Giang thích câu nói đùa này. “Tôi rất mừng vì chúng ta đạt được một kết cục vui vẻ”. Chúng tôi bắt tay nhau, và sau đó người ta đề nghị tôi ngồi tại bàn của ông Anh để ký sách tặng các nhân viên của Nhã Nam. Xem ra, mọi người trong công ty đều muốn có một cuốn – biết đâu trước khi nó biến khỏi kệ. Suốt giờ ăn trưa người ta còn tiếp tục mang sách vào phòng của ông Anh để tôi ký.

(Còn 1 kì)

Bản tiếng Việt “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam”
Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A. Bass





No comments:

Post a Comment

View My Stats