Monday, 3 November 2014

NHỮNG CÁNH CHIM THIÊN ĐƯỜNG (Minh Văn)





Thứ Hai, ngày 03 tháng 11 năm 2014

Các thổ dân bộ lạc ở Australia xưa vẫn tôn thờ chim Thiên Đường như vẻ đẹp đến từ trời cao. Do có bộ lông sặc sỡ và những điệu vũ đẹp mắt, mà loài chim cao quý này được thổ dân coi như là những sứ giả mang thông điệp tốt lành của thượng đế. Hình tượng chim Thiên Đường đi vào văn hóa của họ, mà hình ảnh chúng ta biết đến nhiều nhất là những chiếc lông chim cắm trên mũ làm vật trang trí. Ngày nay, con người vẫn coi chim Thiên Đường là biểu tượng của niềm vui và hạnh phúc.

     Đối với dân tộc Việt Nam ta mà nói, có lẽ lúc này không có tin vui nào bằng sự hiện hữu của tự do dân chủ, bởi đó là khát vọng của họ trong suốt hơn nửa thế kỷ nay. Vì chắc chắn rằng, chẳng có hạnh phúc nào lớn hơn khi con người được sống trong trong một xã hội tự do và yên bình. Khổ tận cam lai, giờ đây chúng ta cũng đang được nhìn thấy sứ giả báo tin vui xuất hiện - những cánh chim thiên đường.

     Phê rô Trần Hữu Đức, một thanh niên công giáo bị Tòa án tỉnh Nghệ An kết án tù cách đây ba năm với tội danh “Tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam” cùng với ba người khác. Như vậy là trước vụ xử “14 thanh niên Công giáo” nổi tiếng mà người ta được biết đến một năm sau đó. Trên thực tế, Trần Hữu Đức chỉ làm những công việc theo lời Chúa dạy, ấy là thương kẻ khốn cùng, chia sẽ những nổi đau và bất hạnh của thế gian. Anh cứu những thai nhi bị bỏ rơi, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Có thể nói, Trần Hữu Đức là một trong những cánh chim đầu đàn loan báo thông điệp về tự do và công lý hòa bình trên quê hương. Ngày 02/11/2014 này, Trần Hữu Đức mãn hạn từ nhà tù Thái Nguyên, gia đình và bạn bè anh được người ta thông báo như vậy. Chúng tôi, những người yêu mến tự do dân chủ đã quyết định đến đón anh, chỉ với mong muốn được nhìn tận mặt, nắm tận tay người thanh niên yêu nước này cho thỏa lòng ngưỡng mộ.

     Ba chiếc xe máy khởi hành một lúc thì vùng đồng bằng quê tôi đã lùi lại phía sau, trước mắt đã hiện lên những ngọn đồi nhấp nhô. Chúng tôi đi đường tắt để có thể đến được huyện Nam Đàn – quê hương của Trần Hữu Đức – nhanh hơn. Con đường xuyên qua những ngọn đồi, thi thoảng lại thấy những hồ nước nhỏ xuất hiện. Quê hương Việt Nam thật đẹp, chỉ tiếc là tâm trí con người lúc nào cũng phải suy tư vướng bận vì cuộc sống đau khổ bất công, mà chưa được thảnh thơi thưởng lãm vậy.

     Theo thông tin thì phải đến chiều người ta mới đưa Trần Hữu Đức về đến nhà, nhưng dọc đường chúng tôi được gọi điện báo là anh đã về, lúc này khoảng hơn 10 giờ rưỡi. Một chiếc xe máy của người em bị hỏng không đi tiếp được, nhưng vì muốn mau chóng được gặp Đức mà chúng tôi phải gửi xe ở lại cho người ta sửa để tiếp tục lên đường.

     Quê hương Đức nằm nép mình bên những ngọn đồi thoai thoải, không xa lắm là dòng sông Lam uốn lượn như dải lụa mềm. Khi chúng tôi đến nơi thì khoảng 11 giờ trưa, nhà thờ giáo xứ uy nghi hiện ra với tất cả vẻ đẹp vốn có,  ngôi nhà của Trần Hữu Đức nằm ngay sát bên hông nhà thờ. Phải nói là quê anh rất đẹp, đẹp như tấm lòng mà anh dâng hiến cho cuộc đời này vậy. Người ta dựng lên một cái rạp như có lễ ăn hỏi, bạn bè và người thân tập trung tại đây để gặp lại người tù nhân lương tâm sau ba năm xa cách, đồng thời chia vui cùng gia đình. Lúc này Trần Hữu Đức đang sum họp cùng mọi người. Thấy chúng tôi đến, anh xúc động ôm chầm lấy từng người. Đối với tôi, thì đây là lần đầu tiên gặp anh, nhưng điều đó không hề làm giảm đi tình cảm nồng nhiệt lúc này, bởi vì anh em dân chủ mới gặp mà đã như quen, quan san muôn dặm một nhà vậy.

     Vì không có mặt để đón Đức từ đầu, nên chúng tôi được nghe mọi người kể lại giây phút anh gặp lại gia đình. Khi về đến quê nhà, việc đầu tiên là anh quỳ xuống trước nhà thờ để cầu nguyện, sau đó anh khóc và quỳ trước mặt cha mẹ để mà tạ ơn sinh thành dưỡng dục. Tôi thực sự xúc động, càng ngưỡng mộ hơn vì anh là một người con có hiếu, kính chúa và yêu nước. Trong bữa tiệc, anh xúc động nói lời cảm ơn mọi người, và thề sẽ dành cả cuộc đời để cống hiến cho sự nghiệp tự do dân chủ nước nhà, đồng thời phụng sự thiên chúa. Tôi chụp những tấm hình về Đức để làm lưu niệm, đồng thời vinh dự chụp chung với anh. Bạn bè cảm phục mà dành tặng cho anh những bó hoa đỏ thắm.

     Ở chơi đến 2 giờ chiều thì chúng tôi phải tạm biệt gia đình và Trần Hữu Đức để ra về, vì được biết từ giờ đến tối sẽ có nhiều đoàn của anh em từ khắp nơi đến để mà thăm và chúc mừng. Anh lại bắt tay và ôm chúng tôi thật chặt để mà tri ân. Trên đường về, tôi vẫn nghĩ đến Đức và những đồng đội như anh, những cánh chim thiên đường báo hiệu hạnh phúc tự do đang đến gần với dân tộc Việt Nam ta.

Được đăng bởi Minh Văn vào lúc 00:01





No comments:

Post a Comment

View My Stats