Thursday, 9 October 2014

Sửa chữa sai lầm của Hoa Kỳ trong vấn đề quyền con người với Việt Nam (John Sifton | The Diplomat)




John Sifton | The Diplomat
Lê Quốc Tuấn chuyển ngữ
Thứ Năm, 09/10/2014

Bằng cách bán vũ khí cho Việt Nam, Hoa Kỳ đang bán rẻ các nhà hoạt động ở Việt Nam

Tháng này, chính phủ Hoa Kỳ đã phạm một sai lầm khi nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam - một đất nước phi dân chủ, độc đảng có thành tích nhân quyền tệ hại. Động thái này của Mỹ, công bố vào ngày 02 Tháng 10 khi Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đến thăm Washington, làm hại các nhà hoạt động dũng cảm tại Việt Nam và lãng phí một đòn bẩy quan trọng vốn có thể được sử dụng để khuyến khích nhiều cải cách hơn nữa.

Các quan chức Hoa Kỳ đã cho rằng Việt Nam đang thực hiện được những tiến bộ nhỏ nhưng đáng kể về quyền con người, nhấn mạnh đến những vụ thả tự do cho các tù chính trị gần đây. Nhưng hầu hết các chuyển biến mà họ trích dẫn là nhỏ bé và một trong những tù nhân nổi tiếng được thả năm nay, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, thực chất không được trả tự do mà là ân xá sống lưu vong tại Hoa Kỳ.

Trên thực tế, số lượng tù nhân chính trị bị giam giữ đã tăng lên trong những năm gần đây, và hiện đang có hơn 150 nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ. Với những vụ thả mới nhất, đúng ra chỉ là việc chính phủ Việt Nam vận hành một cuộc bắt, thả luẩn quẩn, tù chính trị cũ được thay thế bằng những tù mới. Và dù số người bị giam có thể giảm xuống nhưng một xu hướng đáng báo động hiện nay lại đang gia tăng: việc sử dụng côn đồ tấn công và đe dọa những người chỉ trích chính phủ.

Trong việc đánh giá cuộc cải cách của Việt Nam, chính quyền Obama nên phân tích nhiều khía cạnh khác hơn là dựa vào việc đếm những người bị bắt và thả ra, đồng thời phải xem xét câu hỏi ngữ cảnh. Nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc trong việc kiềm chế không đàn áp những người chỉ trích ôn hòa, thì tại sao tòa án của họ đã kết án ba nhà hoạt động trong tháng Tám (Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh) vì tội "cản trở giao thông" trong một cuộc biểu tình, kết án họ đến ba năm tù? Tại sao chính phủ bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) vào tháng năm? Tại sao Việt Nam kết án blogger Phạm Viết Đào vào tháng ba? Và tại sao các cơ quan đã kết án gần mười người dân tộc miền cao tại các thời điểm khác nhau trong năm, vì những tội chống lại nhà nước?

Câu hỏi lớn hơn về Việt Nam là liệu chính phủ thực sự có chứng minh được là họ nghiêm túc thay đổi hệ thống để cho phép công dân của mình tự do hơn hay không. Hà Nội đã thực hiện được biện pháp có ý nghĩa nào hay có thể hiện sự sẵn sàng nào để thực hiện các cải cách pháp lý nhằm loại bỏ các quy định hình phạt hình sự hóa tội phát biểu chính trị? Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện bất kỳ biện pháp có ý nghĩa hay thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng cải cách pháp luật nào để cho phép các công đoàn độc lập được hoạt động? Và Việt Nam đã thực hiện bất kỳ biện pháp có ý nghĩa hay thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng nào để bãi bỏ các quy định và chấm dứt việc hình sự hóa các hoạt động tôn giáo độc lập, hoặc ngưng đàn áp các tôn giáo thiểu số? Câu trả lời cho mỗi câu hỏi này là không.

Thật không may, quyết định nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương đã được thực hiện. Tuy nhiên không phải là quá muộn để sử dụng các đòn bẩy còn lại nhằm đạt được sự thay đổi. Căn cứ vào sự thiếu vắng một cuộc cải cách thực sự cho đến nay và các bước quan trọng vẫn còn phải được tiến hành, Hoa Kỳ nên cho Hà Nội biết rằng mình muốn nhiều việc nữa phải được thực hiện trước khi lệnh cấm được tháo dỡ thêm.

Hiện nay Hoa Kỳ nên nói với Việt Nam rằng, ngoài nội dung hỗ trợ hàng hải, những cuộc mua bán và vận chuyển trong tương lai sẽ chỉ xảy ra nếu Việt Nam thả tự do một số lượng lớn các tù chính trị; tiến hành các biện pháp nghiêm túc hơn về các vấn đề như tự do tôn giáo, chống tra tấn, quyền lao động; và thực hiện các động thái chính thức để bãi bỏ các tội phạm chính trị từ bộ luật hình sự, như Điều 87 của bộ luật hình sự, tội phạm hoá hành động "phá hoại chính sách đoàn kết", và Điều 258 về "lạm dụng tự do dân chủ" để "xâm phạm lợi ích của Nhà nước."

Chính phủ Mỹ có thể và nên làm rõ các điểm này trong những cuộc đàm phán vào cuối năm nay tại Hà Nội, khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel chuẩn bị sang thăm. Các thông điệp này cũng có thể được tăng cường nếu phối hợp với các thông điệp từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (đang đàm phán với Việt Nam trong bối cảnh của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương) rằng Việt Nam không thể tham gia hiệp ước thương mại này nếu không cam kết cải cách pháp luật để cho phép các công đoàn độc lập được hoạt động.

Sẽ không quá muộn để cứu vãn cán cân trong bối cảnh đã quyết định sớm việc nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương vào ngày 02 tháng 10. Vì những nhà bất đồng chính kiến dũng cảm của Việt Nam, Hoa Kỳ nên cố gắng thực hiện cuộc mặc cả cứng rắn hơn.




No comments:

Post a Comment

View My Stats