Thursday, 30 October 2014

Để thoát Trung, không thể không thoát cộng (Trần Phong Vũ)





Trần Phong Vũ
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VN Thời báo
Đăng bởi Eric hwang vào Thứ Sáu, ngày 31 tháng 10 năm 2014 | 31.10.14

(hay “đôi điều cần trao đổi với TS Phạm Chí Dũng
sau khi đọc bài ‘Điếu Cày, hẹn gặp anh ba năm nữa’”)
(http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/10/141028_dieu_cay_pham_chi_dung_comment)

Trên mạng BBC sáng Thứ Hai 28-10-2014, tôi đọc được bài viết “Điếu Cày, hẹn gặp anh ba năm nữa!” của TS Phạm Chí Dũng hiện là Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam[1]. Có vài chi tiết khác lạ tôi thấy có bổn phận trao đổi với tác giả bài viết.

Sau đoạn mở đầu mô tả tâm tình xót xa của chị Dương Thị Tân và con gái sau một đêm mất ngủ về thái độ tàn nhẫn của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội khi đột ngột tống xuất anh Điếu Cày thẳng từ nhà tù qua Mỹ, đến nỗi một cú điện thoại thông báo cho người thân cũng không có…, tác giả viết tiếp:

Vậy mà một người quen của tôi bất chợt hỏi:“Điếu Cày chống Cộng dữ lắm phải không?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn lại. Người quen của tôi tuy không truy cập mạng lề dân nhiều, nhưng cũng nắm bắt tình hình thời sự, biết không phải ít về các nhân vật bất đồng chính kiến và dân chủ. Rõ là hệ thống thông tin một chiều của đảng đã lợi hại đến mức biến một nhà hoạt động xã hội và phản kháng Trung Quốc như Điếu Cày trở thành kẻ chống phá chế độ.

Quả thật khi đọc trích đoạn trên đây tôi đã khựng lại và không khỏi ngỡ ngàng. Tâm trạng ngỡ ngàng này không phải vì lý do nào khác mà chính vì thái độ “ngỡ ngàng” của tác giả khi nghe câu hỏi của người quen ông. Đọc kỹ lại từng chữ trong câu hỏi của vị này đặt ra với TS Dũng, tôi ngừng lại giây lâu ở nhóm từ “chống cộng dữ lắm”. Tuồng như nhóm từ này khơi gợi cho tôi liên tưởng tới một nhóm từ khác: “chống cộng cực đoan”. Tôi nhớ trong một thời gian khá lâu, chuyện chống cộng cực đoan đã trở thành một cái gì rất phản cảm –thậm chí rất xấu- được người ta cố tình khoác cho một số cá nhân, tổ chức chống cộng ở hải ngoại! “Người ta” nói tới ở đây xuất xứ từ “dư luận viên” trong nước nhưng dần dà đã nhập tâm một số người Việt nhẹ dạ sống xa quê hương.

Gác ra một bên cách hiểu những người “chống cộng dữ lắm” hay “chống cộng cực đoan” là những người vô cảm, không có trái tim, chỉ biết nhắm mắt chống đối (kể cả tàn sát) đến người cộng sản sau hết (!), cùng với đồng bào tôi, tôi hiểu hành vi “chống cộng” –dù nhiều hay ít, dù “dữ lắm” hay “cực đoan”- thì cũng chỉ là chống lại sự ác, chống lại cái chủ nghĩa vốn là căn nguyên nhận chìm đất nước tôi, đồng bào tôi xuống đến tận cùng của đau thương, cùng khốn, mà đám đông Dân Oan, những người tù lương tâm của chế độ cộng sản hiện nay là những nạn nhân trực tiếp.

Đọc lại câu cuối trong trích đoạn trên, tôi cũng không khỏi thắc mắc về suy tư có vẻ nghịch thường của tác giả hàm ẩn trong đó. Theo tôi, chẳng cần phải có bàn tay của đảng, tự thân hành vi phản kháng Trung Quốc của Điếu Cày (hay của bất cứ nhà đấu tranh dân chủ nào khác) đều mặc nhiên đã là hành vi chống chế độ cộng sản Việt Nam, ngày nào chế độ ấy còn là hiện thân của sự ác, còn là “đứa con hoang đàng” được Bắc Kinh nuôi dưỡng và luôn tìm cách túm cổ lôi về![2]
Nhớ lại những cuộc hội thảo về cao trào “thoát Trung” ở Hà Nội, Sài Gòn trong thời gian qua, chúng ta không thể không nói tới tư tưởng phản biện “muốn thoát Trung không thể không thoát Cộng” được không ít những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền Việt Nam nêu lên lúc bấy giờ. Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ là một trong những nhà đối kháng trong nước đã công khai và dứt khoát minh định chủ trương này của ông.

Điều đó thật dễ hiểu.

Trước hết, một cách vắn tắt, sau khi cái nôi của chủ nghĩa cộng sản thế giới là Liên Bang Xô Viết bị xóa sổ, Bắc Kinh đương nhiên trở thành kẻ thừa kế, cầm đuốc soi đường cho mấy quốc gia chư hầu còn sót lại noi theo, trong đó có Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chỉ cần hiểu một cách giản đơn dung tục như vậy, ngay lập tức người ta sẽ nhận ra sự nghịch lý của chủ trương chỉ muốn cắt đứt những hệ lụy với Trung Hoa trên các bình diện kinh tế, xã hội, văn hóa mà quên đi cái gốc cộng sản với những thành tích ác độc kinh thiên động địa của nó, cho dẫu ngày nay nó đã tự biến hóa ra sao!

Khi đã chỉ danh Bắc Kinh là cộng sản, là sự ác và là căn nguyên của tình trạng khốn cùng của nhân loại khiến chúng ta phải tìm đường vượt thoát, một câu hỏi kế tiếp được đặt ra: chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay là gì của Trung Cộng? Họ đã học được những gì và đã, đang làm gì cho dân tộc, cho đất nước chúng ta?

Chỉ cần kiểm điểm lại những vấn đề thời sự hàng ngày diễn ra trong mối liên hệ tròng chéo, mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Hà Nội gần đây là người ta sẽ thấy không quá khó để tìm ra đáp án cho câu hỏi trên đây.

Những gì ẩn giấu bên trong và đàng sau sự kiện sau ngày 02 tháng 5 vừa qua khi Bắc Kinh ngang nhiên điều giàn khoan “khủng” HD 981 tới đặt tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của ta, ngoại trưởng John Kerry của Hoa Kỳ đã chính thức mời ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam qua Mỹ, nhưng đã bị cầm chân, và mấy tháng sau đó được thay thế bằng Phạm Quang Nghị, một trong 16 Ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng sản?[3]. Có gì khuất tất trong những chuyến viếng thăm Bắc Kinh tới tấp của các phái đoàn Lê Hồng Anh, Phùng Quang Thanh với 13 tướng lãnh cao cấp Bộ Quốc Phòng và của tướng Công an Trần Đại Quang hôm 26-10 vừa qua? Sự có mặt của Dương Khiết Trì, Quốc vụ viện đặc trách ngoại giao Trung Quốc ở Hà Nội trong hai lần liên tiếp chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn tháng mang ý nghĩa gì?

Về mặt biểu kiến, người ta nghe được, đọc được qua những lời tuyên bố, những bản thông báo chung những lời lẽ thật êm đềm, “hữu hảo”. Lê Hồng Anh và Phùng Quang Thanh đều nói là cả hai nước cộng sản anh em đã đạt được những bước tiến mới trong việc giải quyết những bất đồng tại Biển Đông (!?) Riêng chuyến viếng thăm của Dương Khiết Trì, theo thông báo chính thức của chính phủ Việt Nam trong phiên họp thứ bảy của Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Bắc Kinh/Hà Nội, lãnh đạo ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh đến lập trường của Việt Nam là:

ưu tiên thông qua các biện pháp hòa bình để cùng Trung Quốc giải quyết tranh chấp, bất đồng tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước,thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”. [4]
Trong khi ấy, nhật báo Hoa Kỳ Wall Street Journal nhận định, sau cuộc gặp gỡ, Việt Nam đã “đồng ý khôi phục quan hệ song phương và quản lý tốt hơn các căng thẳng ở Biển Đông.

Những người thờ ơ không theo dõi thời cuộc hoặc không quan tâm tới vận mạng đất nước dễ dàng nghe qua rồi bỏ những lời lẽ vô thưởng vô phạt trên đây. Tuy nhiên, với những ai còn có chút lương tri, biết biện phân phải trái, hay dở, không thể không liên tưởng tới những gì Bắc Kinh đã và đang âm thầm hoặc công khai thực hiện ở Biển Đông trong những ngày tháng vừa qua, trước khi có những cuộc qua lại, trao đổi môi mép kể trên giữa Bắc Kinh và Hànội.

Chuyện Trung Quốc công khai đưa giàn khoan HD 981 tới đóng trước cửa ngõ Việt Nam là chuyện lớn ai cũng biết. Nhưng chuyện hải quân Bắc Kinh âm thầm huy động những phương tiện cơ giới hiện đại tới vùng quần đảo Trường Sa, nơi tồn đọng những tranh chấp chủ quyền của nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam, để hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài ở Gạc Ma trong một thời gian kỷ lục, đồng thời biến những vùng đá ngầm thành một hải đảo nhân tạo có khả năng tạo dựng những căn cứ quân sự lớn, tuồng như lại bị lãng quên. Riêng tại Hoàng Sa, Trung Quốc cũng đã xây dựng thêm nhiều cơ sở và thiết lập những đơn vị hành chánh, mặc nhiên coi như thuộc chủ quyền của họ. Trong tháng qua, Bắc Kinh còn công khai tổ chức những chuyến tàu đưa du khách tới tham quan. Và điều này dường như cũng ít ai để tâm ghi nhớ! Trong điều kiện như thế, người ta chưa biết trong thời gian tới Trung Quốc sẽ còn bày thêm những trò gì để công khai chứng tỏ cho thế giới thấy rõ sự hiện diện đương nhiên của họ ở Biển Đông, cụ thể là ở Trường Sa và Hoàng Sa, nơi có những tranh chấp với Việt Nam chưa được giải quyết.

Rõ ràng sau khi công bố bản đồ chín đoạn mang hình lưỡi bò liếm sát bờ biển các quốc gia trong vùng, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã và đang tiến hành những thủ đoạn nhằm chứng tỏ sự hiện diện cụ thể như một cách để nói với thế giới về chủ quyền của họ tại những vùng này.

Từ thực tế phũ phàng ấy, chúng ta đánh giá thế nào về thái độ trơ trẽn, lì lợm của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam khi vẫn nhơn nhơn nói tới mối liên hệ hữu hảo giữa hai đảng, hai nước?! Thậm chí khi lên tiếng trước diễn đàn Quốc Hội CSVN hôm rồi Bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh còn trân trọng kêu Trung Quốc là “bạn”!

Trong bài viết “‘Bạn’ Xấc Xược!” trên mạng Ba Sàm hôm 25-10-2014, GS Nguyễn Văn Tuấn viết:

“Mới tuần qua, ngài Bộ trưởng Quốc phòng đề cập đến những đối tác bên Tàu là “bạn”. Một cách gọi ngọt ngào. Tôi đang ngạc nhiên, không biết ông Bộ trưởng Quốc phòng Tàu cộng có gọi đối tác của ông bên VN là bạn? Nhưng hôm nay, thấy báo Giáo dục Việt Nam có bài “Báo TQ xuyên tạc: Đoàn Tướng Việt Nam sang TQ để cầu hòa“, với giọng văn tức tối và hằn học.”

Ông Tuấn cho hay: Báo GDVN đề cập một bài báo trên trang mạng sina của Tàu cộng với tựa đề “Vì sao Quân đội Việt Nam bất ngờ thăm Trung Quốc cầu hòa?…” với nội dung: đoàn quân đội VN và Tàu đồng ý 3 điều: (1) tiếp tục bám vào nguyên lí 16 chữ vàng và 4 tốt; (2) hai quân đội đoàn kết để đảm bảo địa vị cầm quyền của đảng cộng sản; và (3) xử lí thoả đáng các xung đột trên biển, đảo (!?).

Giáo Dục Việt Nam cho biết thêm: tờ báo của Tàu tiết lộ vài thông tin thú vị nhưng có lẽ không mới. Rằng thời Hồ Chí Minh thì hai nước có quan hệ “đồng chí, anh em”, rằng đảng cộng sản VN trỗi dậy là nhờ đảng cộng sản Tàu nâng đỡ; và rằng thời chiến, Tàu đã viện trợ cho VN 20 tỉ nhân dân tệ và chi viện “mấy trăm nghìn quân”. Tóm lại, những thông tin này có lẽ muốn nhắc nhở rằng VN đã từng lệ thuộc vào Tàu và nhờ Tàu mà có được như ngày nay, đừng có phản trắc!!! Bài báo của Tàu khuyên Chính phủ Tàu nên tiếp tục xây dựng hạ tầng và triển khai quân sự ở Biển Đông. Chẳng những thế, họ còn đe doạ VN là nếu biết điều thì đàm phán, còn không biết điều thì Tàu sẽ đáp trả.

Trở lại với bài báo của TS Phạm Chí Dũng tôi có cảm tưởng như quan điểm của ông có phần mâu thuẫn, thiếu nhất quán. Sau khi nhắc lại trường hợp tương tự của TS Cù Huy Hà Vũ, ông viết:

người tù chính trị quan trọng nhất Điếu Cày Nguyễn Văn Hải bị cơ quan an ninh áp giải từ trại giam ra thẳng phi trường Nội Bài trong cảnh tuyệt đối câm lặng. Những người muốn giữ riệt bóng tối ấy chỉ muốn anh chuyển từ bốn bức tường cô độc sang một không gian hoàn toàn cô đơn. (Như những trích đoạn trước, người viết tô đậm vài câu, chữ để nhấn mạnh).

Tự hỏi, những người, những cơ chế quyền lực muốn giữ riệt bóng tối, chỉ thích đầy đọa con người trong cảnh cô đơn, cô độc có đáng chống như những người trẻ, những đám đông Dân Oan và những nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ trong nước đang chống không?

Mời độc giả tìm đọc hai bài phỏng vấn Điều Cày trên mạng VOA để thấy anh chống Tàu hay đang trực diện chống chế độ đã đày ải anh, đồng bào anh trên quê hương hôm nay khi chính cựu tù nhân lương tâm bất khuất này –dù trong cảnh sống xa quê hương- đang toan tính đưa tập đoàn thống trị Hà Nội ra trước tòa án quốc tế.

Riêng với TS Phạm Chí Dũng, người viết dám hỏi anh một cậu chót: việc anh công khai tuyên bố bỏ đảng năm rồi được hiểu như thế nào, nếu không là chống lại đảng, chống lại cái cơ chế quyền lực đang bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, nhân phẩm của tuyệt đại đa số đồng bào, trong đó có bản thân anh, trên quê hương ta hôm nay?

Là người đã bước vào lứa tuổi trên 80, khi quỹ thời gian sống đã hầu cạn, tôi viết bài này trong tâm tình quý mến TS kinh tế Phạm Chí Dũng, tác giả tập Chính Luận mà chính anh em trong tủ sách Tiếng Quê Hương của chúng tôi đã trân trọng ấn hành để giới thiệu cùng độc giả Việt Nam trong và ngoài nước.

TPVũ

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về chính trị Việt Nam.

[1] Cần nói rõ: khi viết bài này ông Phạm Chí Dũng không nhân danh HNBĐLVN, nhưng trong bài ông có nhắc tới sự hiện hữu của tổ chức XHDS này khi nhắc tơi Câu Lạc Bộ Báo Chí Tự Do do Điều Cày Nguyễn Văn Hải thành lập cùng với Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần nhiều năm trước.

[2] Sau cuộc gặp gỡ nhà cầm quyền Hànội hồi tháng 6 vừa qua của Dương Khiết Trì, Tân Hoa Xã và báo chí Trung Quốc đã nhắc lại lời họ Dương nói nhiệm vụ của ông ta là đem “đứa con hoang đàng” về lại cho BK.
[3] Liệu có bàn tay nhám của đảng và nhà nước cộng sản Trung Hoa trong vụ này không? Để có câu trả lời chỉ cần nhớ lại trường hợp thân phụ ông –cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thời TBT Nguyễn Văn Linh- đã bị Bắc Kinh cấm cửa không cho tham dự Hội Nghị Thành Đô năm 1990 và ngay sau đó đã bị tước bỏ toàn bộ chức tước, từ Ngoại trưởng đến Ủy Viên Trung Ương Bộ Chính Trị Cộng đảng VN.

[4] Suy nghĩ về những đoạn tô đậm để thấy ý nghỉa rỗng tuyếch của chúng trong mồi liên hệ Trung/Việt!





1 comment:

View My Stats