Monday, 27 October 2014

Mỹ đòi CSVN sửa luật để cải thiện nhân quyền (Người Việt)





Người Việt
Sunday, October 26, 2014 1:55:51 PM

HÀ NỘI 26-10 (NV) - Hoa Kỳ đòi chế độ Hà Nội sửa luật lệ hình sự, nhờ vậy nhân quyền sẽ được bảo vệ nhiều hơn, thay vì chỉ thả một vài tù nhân chính trị này rồi bắt vào mấy người khác.

Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về Nhân quyền họp báo ở Hà Nội ngày 26/10/2014 sau 5 ngày đi thăm viếng nhiều nơi và thảo luận với các viên chức CSVN. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Tuy nhìn nhận có một vài tiến bộ về mặt nhân quyền, một viên chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền hôm Chủ Nhật 26 tháng 10, nói trong cuộc họp báo trước khi rời Việt Nam rằng chế độ Hà Nội phải làm nhiều hơn nữa để thắt chặt hơn các quan hệ kinh tế và an ninh với Mỹ.

Ông Tom Malinowski, Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, nói như thế tại Hà Nội sau 5 ngày ông tiếp xúc với các chức sắc CSVN và đi thăm một số nơi. Theo ông, nhà cầm quyền CSVN cần sửa luật của họ cho phù hợp hoàn toàn với bản hiến pháp 2013 của chế độ cũng như các cam kết quốc tế về nhân quyền.
Ông Malinowski tới Hà Nội ngày 21 tháng 10, cùng ngày với nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày được thả ra từ nhà tù tại Thanh Chương tỉnh Nghệ An và đưa thẳng ra phi trường sang Mỹ, không được gặp mặt vợ con hay bất cứ người nào khác.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN nói trong cuộc họp báo chiều 23 tháng 10, khoe rằng chế độ thả Blogger Điếu Cày sớm trước hạn tù “vì lý do nhân đạo.” Nhưng Blogger Điếu Cày nói với hơn trăm người Việt đón ông ở phi trường Los Angeles buổi tối ngày 21 là ông bị nhà cầm quyền CSVN “trục xuất” ra khỏi đất nước.

Theo lời ông Malinowski, thì ông “nói rất rõ (với các viên chức CSVN) là chúng tôi muốn (chế độ Hà Nội) phải làm nhiều hơn nữa để mối quan hệ giữa hai nước tiến sâu hơn mà nhờ vậy chúng ta có thể hợp tác nhiều hơn về an ninh cũng như thỏa hiệp thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)” mà hai bên cùng 10 nước khác còn đang đàm phán chưa xong.

Ông nhấn mạnh trong cuộc họp báo nói trên ở Hà Nội rằng “Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể thực hiện được những điều đó nếu có tiến bộ nhiều mặt về nhân quyền.”

Ông Malinowski cho biết CSVN đã thả 12 tù nhân lương tâm năm nay (thật ra chỉ một nửa là được thả trước hạn tù, một nửa mãn hạn tù) nhưng ông thúc giục chế độ Hà Nội không dùng các điều khoản luật hình sự có lời lẽ mơ hồ để bắt giam người dân dù người ta chỉ sử dụng quyền tự do phát biểu để trình bày chính kiến một cách ôn hòa.

“Không gọi là có tiến bộ về nhân quyền khi thả 12 người này rồi lại tống giam 12 người khác.” Ông Malinowski nói. “Cho nên chúng tôi nhấn mạnh (với nhà cầm quyền CSVN) là cần phải hoàn thành sự cam kết của nhà nước CSVN bằng cách cải cách luật lệ cho phù hợp hoàn toàn với bản hiến pháp 2013 của họ cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế.”

Ông Malinowski cho hay, trong các cuộc thảo luận với các viên chức CSVN, ông đã giải thích rằng một số điều luật hình sự của chế độ không tương ứng với các cam kết (quốc tế) và chúng “có vẻ như nhằm vào quyền tự do phát biểu và hội họp.”

Ông cho biết chính phủ Mỹ “muốn là đối tác sâu rộng hơn và bền vững hơn với Việt Nam, tương tự như mối quan hệ chúng tôi có với các đồng minh thân thiết nhất ở Á Châu, Âu châu và các nơi khác.” Nhưng muốn vậy “Chúng tôi cần một nền tảng vững chắc dựa trên các giá trị chung và đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh vấn đề nhân quyền mạnh mẽ đến như vậy.”

Đầu Tháng 10 vừa qua, Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh đến Hoa Thịnh Đốn sau nhiều tháng trì hoãn vì e ngại Bắc Kinh “hiểu lầm.” Trong cuộc gặp mặt, tuy Ngoại trưởng John Kerry loan báo gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam, tin tức cho hay ông cũng khuyến cáo chế độ Hà Nội phải cải thiện tình trạng nhân quyền mạnh mẽ để có thể được Hoa Kỳ nới lỏng hơn lệnh cấm bán võ khí sát thương.

Cùng một ngày gặp Ngoại trưởng Kerry, theo một bản thông cáo của Tòa Bạch Ốc ông Phạm Bình Minh cũng đã gặp bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia của tổng thống Barack Obama. Bản thông cáo báo chí nói rằng bà Rice cũng thúc giục chế độ Hà Nội cải tiến nhân quyền nhiều hơn nữa. (TN)

-----------------------------------


Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2014-10-27

Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách dân chủ- nhân quyền và lao động, ông Tom Malinowski trong buổi họp báo tại Hà Nội ngày 26 tháng 10, 2014 .   AFP

Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa

Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách dân chủ- nhân quyền và lao động, Tom Malinowski, trong chuyến làm việc tại Việt Nam từ ngày 22 đến 26 tháng 10 vừa qua có gặp một số cựu tù nhân chính trị trong đó có nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vừa mãn án tù vào cuối tháng 9 vừa qua.

Cuộc gặp diễn ra tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 10 và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa chia xẻ một số nội dung chính của cuộc gặp qua cuộc nói chuyện với Gia Minh sau đây. Trước hết ông trình bày:

Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Ông Tom Malinowski đã hỏi tôi và tôi trình bày như thế này: về tình hình dân chủ nhân quyền của Việt Nam bao giờ bị phía Mỹ chỉ trích thì như một ‘tảng cao su’ tức khi bị chính quyền Mỹ chỉ trích thì lõm vào và khi chính phủ Việt Nam đạt được những điều họ muốn rồi thì nó lại trở về vị trí cũ. Ví dụ khi vào được WTO rồi thì họ tiếp tục bắt bớ những nhà hoạt động dân chủ, những nhà đấu tranh cho tự do ngôn luận. Vào thời điểm này, chính phủ Việt Nam có thể lại lõm vào như tảng cao su bởi vì Hiệp định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương, vì việc dở bỏ cấm vũ khí sát thương của Mỹ là quan trọng đối với Việt Nam nên có thể họ sẽ nới lỏng một vài vấn đề về dân chủ nhân quyền, nhưng sau đó họ lại trở về như cũ thôi.
Về tình trạng dân chủ, nhân quyền của Việt Nam thì bao giờ trước công luận quốc tế, trước những chuyến đi điều tra về dân chủ nhân quyền thì chính phủ Việt Nam bao giờ cũng nói Việt Nam có dân chủ, nhân quyền. Thế nhưng họ không bao giờ thành thật là ở Việt Nam những quyền lợi cơ bản của nhân dân Việt Nam đã bị họ tước bỏ. Nên việc ông nghe họ nói phải cẩn thận, xem xét. Tôi đã lấy ví dụ của tôi để chứng minh rằng Việt Nam  không có dân chủ nhân quyền, không có tự do ngôn luận. Bởi vì nếu họ có như họ nói thì tại sao tôi là một nhà văn, tôi chỉ phát biểu những quan điểm của tôi một cách ôn hòa về tình trạng đất nước, về giáo dục, về y tế, về đời sống của nhân dân, về xã hội nhưng tôi đã bị bắt và bị kết án đến 6 năm tù.
Ông Tom Malinowski nói rằng những điều đó chính phủ Mỹ đều biết vá bản thân ông ta cũng biết; nhưng được nói ra bởi một tù nhân lương tâm mới được thả ra như tôi thì ông ta cảm nhận nhiều hơn.

Gia Minh: Ngoài việc nêu ví dụ bản thân ông, qua những nhà tù đã đi qua và những tù nhân chính trị khác mà ông gặp, ông còn nêu ra trường hợp nào khác nữa không?
Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây không phải là mục đích chính của câu chuyện, nhưng để chứng minh cho ông Tom Malinowski biết rằng ngoài tôi ra còn có anh Hải Điếu Cày mà nước Mỹ vừa mới phải tiếp nhận, và ông Cù Huy Hà Vũ cũng thế. Vấn đề tôi đặt ra là lấy những tù nhân lương tâm để chứng minh với ông ấy rằng Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ, nhân quyền.

Gia Minh: Ông Tom Malinowski có quan tâm đến tình trạng của những tù nhân trong nhà tù thế nào không?
Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Không, ông ấy không quan tâm đến tình trạng đói  khổ, bị áp bức, bị khủng bố của các tù nhân lương tâm ở trong các trại tù hiện nay. Thế nhưng trước đấy thì bà Jennifer trong một lần xuống Hải Phòng gặp tôi thì quan tâm nhiều hơn. Mục tiêu việc ông Tom Malinowski gặp chúng tôi là để xác định cho rõ quan điểm của chúng tôi thế nào, quan điểm của chúng tôi ra làm sao về tình trạng mất dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông ấy muốn gặp gỡ những tù nhân mới ra tù như tôi để xác định thêm một lần nữa trước khi ông báo cáo với ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ để Hoa Kỳ có một chính sách nào đó đối với chính quyền Việt Nam trong dịp thương lượng về việc dở bỏ cấm vận vũ khí và hiệp định thương mại Xuyên Thái bình dương với Việt Nam.

Gia Minh: Được biết trong cuộc gặp còn có mặt của giáo sư Chu Hảo; ông có thể chia xẻ những điều mà ông được nghe vị giáo sư này trình bày với ông Tom Malinowski không?
Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Bởi vì ông Chu Hảo có một vị thế khác với vị thế của tôi vì ông ta đang còn là một người của nhà nước cộng sản cho nên cách nói, đặt vấn đề của ông ta cũng nhẹ nhàng thôi không như tôi.
Lúc sau khi ông Tom Malinowski có yêu cầu chúng tôi đề xuất biện pháp gì để cho chính phủ Hoa Kỳ làm áp lực để cải thiện tình hình dân chủ nhân quyền Việt Nam, ông Chu Hảo chí nói về khía cạnh báo chí, tự do ngôn luận thôi. Ông ấy nêu ra vấn đề báo Tia Sáng, những tạp chí ông ấy phụ trách bị ngăn cản chứ không nêu ra toàn bộ vấn đề.

Gia Minh: Vậy còn những đề xuất của ông đưa ra cho ông Tom Malinowski để truyền đạt lại với bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ là gì?
Cựu tù nhân chính trị- nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Đề xuất của tôi như thế này: thứ nhất chính phủ Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm đối với Việt Nam như tôi đã nói là chính quyền Việt Nam giống như một tảng cao su nên khi đấm vào ta tưởng lõm vào nhưng khi rút tay ra thì nó lại như cũ. Đây là một dịp rất tốt để chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực để cho tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam được cải thiện. Về điều này tôi đề nghị ông ta là phải liên tục, phải mạnh mẽ chứ không phải chỉ đấm một lần vào tảng cao su đó rồi rút tay ra để cho tảng cao su đó trở lại vị trí cũ. Tức phải gây áp lực liên tục, mạnh mẽ và hiệu quả để cho chính phủ Việt Nam thấy rằng chính phủ Mỹ quan tâm nhiều hơn, liên tục hơn đến tình trạng dân chủ, nhân quyền tồi tệ tại Việt Nam.
Chính phủ Mỹ phải luôn cảnh giác qua những lần mà theo từ tôi dùng là ‘qua khỏi vòng, cong đuôi’ đối với áp lực từ những lực lượng dân chủ quốc tế.
Tôi lưu ý ông ta là hiện nay tại Việt Nam có 20 tổ chức xã hội dân sự, đó là môi trường để cho dân chủ, nhân quyền được phát triển. Tôi đề nghị ông ấy phải hỗ trợ thật mạnh, thật nhiều để cho những tổ chức dân sự ấy được hoạt động an toàn.

Gia Minh: Chân thành cám ơn nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa.




1 comment:

View My Stats