Wednesday, 20 April 2016

VIỆT NAM TIẾP TỤC NẰM GẦN CUỐI BẢNG TỰ DO BÁO CHÍ THẾ GIỚI 2016 (Trà Mi - VOA)





20.04.2016

Việt Nam tiếp tục nằm trong các nước chót bảng về Tự do Báo chí 2016 do Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa công bố hôm nay.

Vị trí của Việt Nam năm nay vẫn duy trì ở hạng 175 như năm ngoái trên tổng số 180 quốc gia được khảo sát, nhưng về điểm số đánh giá, Việt Nam bị sụt mất 1.64 điểm so với năm rồi. 

Trưởng phụ trách khu vực Châu Á trong RSF, ông Benjamin Ismail, cho VOA Việt ngữ biết:
“Dù Việt Nam vẫn duy trì mức hạng như năm ngoái nhưng tình hình tự do báo chí năm nay tại Việt Nam tệ đi rất nhiều thể hiện rõ qua điểm số bị sụt bởi chiến dịch đàn áp không nương tay của nhà cầm quyền đối với các blogger, các ký giả độc lập không có cùng quan điểm với nhà nước. RSF tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cải thiện quyền tự do báo chí. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động quốc tế lưu tâm hơn nữa về tình hình tự do báo chí của Việt Nam nói riêng và tình hình nhân quyền Việt Nam nói chung.”

Tổ chức bảo vệ ký giả và bênh vực cho quyền tự do báo chí thế giới có trụ sở tại Pháp nhận xét thông tin độc lập duy nhất ở Việt Nam là từ các blogger và các ký giả công dân nhưng họ đã bị biến thành mục tiêu của các hình thức tấn công vô cùng khắc nghiệt trong chiến dịch đàn áp của nhà cầm quyền kể cả việc sử dụng bạo lực công an.

Một số dẫn dụ cụ thể được RSF đưa ra để minh chứng cho tình trạng thiếu tự do báo chí tại Việt Nam bao gồm tất cả truyền thông nội địa đều được đặt dưới sự kiểm soát và chỉ thị của đảng cộng sản; quyền tự do sử dụng Internet bị hạn chế bởi Nghị định 72 trong khi quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận bị ngăn trở bởi các điều khoản bao quát, mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như Điều 258 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.’
RSF nói các điều luật này cho phép nhà cầm quyền bóp nghẹt mọi hình thức bất đồng chính kiến tại Việt Nam, nơi toàn bộ báo chí-truyền thông đều thuộc quốc doanh.

Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn bị liệt kê vào nhóm tồi tệ nhất ở cuối bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới thường niên do RSF thực hiện. Giới phân tích nói điều này thể hiện chính sách không lay chuyển của Hà Nội trong việc đàn áp quyền tự do báo chí, không hề có sự cải thiện hay thay đổi đáng kể nào.

Ngoài tên của quốc gia Việt Nam, tên của các nhân vật lãnh đạo hàng đầu tại Việt Nam cũng bị RSF liệt kê vào danh sách ‘Kẻ thù của Internet’ liên tục trong những năm vừa qua.

Như các phúc trình khác trên thế giới về nhân quyền Việt Nam, các báo cáo của Phóng viên Không biên giới luôn bị Hà Nội xem là ‘xuyên tạc’, ‘thiếu khách quan’, ‘không phản ánh đúng tình hình.’

Chính phủ Việt Nam khẳng định quyền tự do báo chí được tôn trọng với hàng trăm ấn phẩm báo chí-truyền thông đa dạng được phép xuất bản.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói hàng trăm báo đài tại Việt Nam làm theo lệnh của một tổng biên tập là đảng cộng sản để phản ánh tiếng nói một chiều của nhà cầm quyền, phục vụ cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước, và ca ngợi chế độ.

Kể từ năm 2002, Phóng viên Không Biên giới khảo sát và công bố xếp hạng Tự do Báo chí Thế giới để đo lường mức độ tự do báo chí tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu dựa trên các tiêu chí như tính đa nguyên, phương tiện truyền thông độc lập, môi trường truyền thông và tự kiểm duyệt, môi trường pháp lý, tính minh bạch, cơ sở hạ tầng, và tình trạng vi phạm.

Được xem là thước đo về tự do báo chí toàn cầu, Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay cho thấy Châu Âu dẫn đầu về khu vực có tự do báo chí tốt nhất trên thế giới. Lần đầu tiên khu vực Châu Phi chiếm vị trí thứ nhì, dẫn trước Châu Mỹ. Tiếp theo sau là Châu Á và Đông Âu/Trung Á. Bắc Phi và Trung Đông là khu vực có ký giả bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

3 nước EU đứng đầu bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay bao gồm Phần Lan, Hà Lan, và Nauy.

Các quốc gia cuối bảng là Việt Nam, Trung Quốc, Syria, Turkmenistan, Bắc Triều Tiên, và Eritrea.

-----------------------------

Thanh Trúc, phóng viên RFA    |    2016-04-20

Trọng Thành – RFI       |      20-04-2016



No comments:

Post a Comment

View My Stats