Đức Hùng
- VnExpress
Thứ ba,
26/4/2016 | 14:53 GMT+7
Diễn ra chỉ 30 phút chiều 26/4, cuộc họp báo
của Formosa Hà Tĩnh không giải tỏa mối nghi ngờ về hệ thống xả thải có thể khiến
cá chết hàng loạt. Thông điệp đưa ra chỉ là lời xin lỗi của phó phòng đối ngoại
Chu Xuân Phàm.
Chiều 26/4, Công ty
TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tổ chức họp báo sau nghi vấn hệ thống
xả thải của công ty (đóng tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là nguyên nhân khiến cá
biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ nuôi ven biển chết hàng loạt.
Ông Trương Phục Ninh (đầu tiên, bên trái), ông Khâu Nhân Kiệt (giữa) và
một số lãnh đạo công ty trong buổi họp báo. Ảnh: Đức Hùng.
Mở đầu
buổi họp báo, ông Trương Phục Ninh, Phó tổng giám đốc Công ty Formosa, cho rằng
những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, Phó phòng đối ngoại, đã ảnh hưởng nghiêm
trọng tới mối quan hệ tốt đẹp giữa Formosa, chính quyền Hà Tĩnh và Chính phủ Việt
Nam. "Đây là ý kiến cá nhân của ông Phàm và công ty sẽ xử phạt nghiêm khắc",
ông Ninh nói và cùng tập thể lãnh đạo công ty cúi đầu xin lỗi người dân Việt
Nam.
Trước
đó ngày 25/4, trả lời VTC, ông Chu Xuân Phàm đã nói: "Hồi xưa,
khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển
sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này. Nhiều khi mình phải
lựa chọn, tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay muốn xây dựng ngành công nghiệp
thép".
Lãnh đạo
công ty Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam sau phát ngôn chỉ được chọn
cá hoặc nhà máy. Ảnh: Đức Hùng.
Phó tổng
giám đốc Trương Phục Ninh khẳng định để vận hành nhà máy gang thép, Formosa nhập
khẩu các máy móc, thiết bị từ châu Âu, đều thuộc diện hiện đại, tiên tiến nhất
thế giới. Formosa đã đầu tư 45 triệu USD cho hệ thống xả thải, cũng thuộc diện
"tiên tiến". "Vấn đề cá chết hàng loạt với nước thải có liên
quan hay không phải đợi các cơ quan của Việt Nam kết luận", ông Ninh nói.
Giám đốc
Formosa Khâu Nhân Kiệt cho biết thêm, mọi yếu tố xả thải ra môi trường đều được
kiểm tra kỹ. Vừa rồi hệ thống của Formosa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh
giá là đạt tiêu chuẩn.
Việc nhập
gần 300 tấn hóa chất về súc rửa đường ống, Giám đốc Kiệt cho biết, Formosa có
nhập một ít axit về rửa đường ống nhà máy, nhưng không phải là dùng cho đường ống
xả thải. Ông Kiệt đề nghị các phóng viên gửi câu hỏi, công ty sẽ có văn bản trả
lời. Giờ công ty đang có cuộc họp với UBND tỉnh, nên đề nghị dừng họp báo.
VIDEO :
Cuối
cùng, ông Chu Xuân Phàm đã đứng lên cúi đầu xin lỗi, thừa nhận phát ngôn sai
trái của mình. Cuộc họp báo kết thúc chóng vánh trong sự ngỡ ngàng của vài chục
phóng viên tham dự. Phía công ty không lý giải về quy mô, sự vận hành của hệ thống
xả thải cũng như việc kiểm soát chất lượng nước thải trước khi đổ ra biển. Những
nghi vấn về hệ thống xả thải của Formosa là nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt
ở ven biển miền Trung vì thế vẫn chưa được giải tỏa.
Từ đầu
tháng tư, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ
Anh, Hà Tĩnh) bắt đầu chết. Hiện tượng bất thường này sau đó lan ra cá, tôm
nuôi bằng nguồn nước biển, cá tự nhiên suốt dọc trên 200 km bờ biển từ Kỳ Anh
(Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Tại nhiều
xã ven biển, chỉ trong một ngày, người dân vớt được cả tấn cá chết trôi dạt bờ,
giắt lên các mỏm đá bốc mùi hôi thối. Từ con nhỏ vài lạng tới 35-50 kg. Thống
kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn
cá biển tự nhiên chết dạt bờ.
Ngày
26/4, cá chết tiếp tục dạt bờ biển Hà Tĩnh, tuy nhiên số lượng ít. Ảnh: Đ.H.
Từ ngày
20/4 đến nay, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực
địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.
Ngày
25/4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại
trừ. Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh
từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến
nay vẫn chưa được xác định.
Cá chết lan rộng ở miền Trung thế nào.
Tất cả
nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi
có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Đường ống này rộng 1m, dài 1,5 km, nằm
ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ khoảng 1,5 km. Vài ngày trước khi xảy ra
cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống. Khoảng 300 tấn hóa
chất nhập về để làm việc này được đánh giá là cực độc.
Đức
Hùng
--------------------------------------
Ngày
25/04/2016, một thợ lặn cho dự án Formosa tử vong không rõ nguyên nhân. Nếu chỉ là một cái chết
đơn lẻ thì cũng khó có thể nói lên điều gì. Tuy nhiên chỉ sau đó một
ngày, thêm 5 thợ lặn khác nhập viện cùng lúc thì
không thể là tình cờ nữa. Thợ lặn vốn là những người rất khỏe và có sức chịu đựng
rất tốt vì phải thường xuyên làm việc trong môi trường kháng áp. Rốt cục, chuyện
gì đang diễn ra, thứ độc tố gì mà kinh khủng đến thế???
Trong
lúc chính quyền còn đang bó gối với kết quả điều tra, thì đài truyền hình VTC
đã làm một thí nghiệm nhỏ trong ngày hôm nay: Thả cá vào chậu nước lấy từ Vũng
Áng, kết quả thật kinh hoàng, hai con cá đang bơi chết ngay chỉ trong vòng hai
phút:
Có lẽ mức
độ nguy hiểm của thứ độc chất đang hủy diệt môi trường biển miền Trung đang vượt
xa những hình dung ban đầu. Cần có những kết luận chính thức và những cảnh báo
khẩn cấp với người dân để tránh thảm họa diễn ra trên diện rộng cho con người.
Sự chậm trễ đến khó hiểu của chính quyền và những kẻ vô lương đang thu gom cá
chết nhằm chế biến thương mại kiếm tiền đang đe dọa mạng sống của hàng loạt người
dân. Sẽ là một bi kịch khủng khiếp nếu câu chuyện cứ mập mờ như một trò đùa với
sinh mệnh con người như thế này.
___
Mời xem
thêm: Kinh hoàng: Cá chết chỉ sau 2 phút bơi trong nước biển Vũng
Áng (VTC).
No comments:
Post a Comment