Saturday, 30 April 2016

30 THÁNG 4 SAU BỐN MƯƠI MỐT NĂM (VietTuSaiGon)





Sat, 04/30/2016 - 04:16 — VietTuSaiGon

Đứng ở Bắc Vĩ tuyến 17, nhìn về phía Nam, bên kia cầu Hiền Lương, trước đây 41 năm là lãnh địa của Việt Nam Cộng Hòa. Và đứng trên suy nghĩ của người miền Bắc lúc bầy giờ thì đó là nơi “đồng bào miền Nam bị o ép, không có cơm ăn áo mặc, đau khổ vì bọn ngụy quân ngụy quyền…” theo lối nhồi sọ của người Cộng sản. Để rồi sau 41 năm, người ta lại đứng trên cầu Hiền Lương và nghĩ rằng giá như lúc đó đừng có ngày 30 tháng 4. Giá như… và giá như… cá chết sớm hơn nữa!

Thực ra trước khi cá chết hàng loạt, vấn đề người Trung Quốc xâm lược, tham nhũng, người dân nghèo mất đất, giới quan lại địa phương nhũng nhiễu… tất cả đã là những cái ung nhọt lớn của đảng Cộng sản, càng ngày nó càng lớn thêm. Mà con người thì ai cũng muốn sống trong yên tĩnh, bình an và đừng để chuyện gì trở nên náo động. Chính cái tâm lý thủ phận an thường này cộng với kiểu quản lý sắc máu của nhà cầm quyền đã làm cho hầu hết nhân dân bị tê liệt tính phản kháng. Vẫn biết, vẫn bất bình, vẫn bất mãn nhưng người ta bảo nhau “thôi kệ, ai làm gì thì làm, miễn đừng đụng tới nồi gạo nhà tôi là được!”.

Không hẳn tâm lý thủ phận, an thường như vậy đã là xấu. Bởi khi sống trong bối cảnh Việt Nam, từng va chạm với nhà cầm quyền, với công an thì mới thấy thông cảm cho thái độ lựa chọn này. Nhưng điều đó không hẳn là người Việt hoàn toàn tê liệt khi lựa chọn thái độ này. Bởi người ta đã quá ngán ngẫm cảnh tù cải tạo, cảnh dàn kịch bản để đẩy người ta đến cái chết trong trại tạm giam, nhà giam… và quá nhiều trò đẩy người ta ra đường.

Ngay cả khi rừng núi bị khai thác sạch sành sanh, thủy điện đầu nguồn tích nước làm cho ruộng đồng hạn, mặn, đất đai bị lấn chiếm, bị trưng thu một cách rẻ rúng và bất công, người Việt Nam vẫn chưa kịp đánh thức, vẫn cứ mặc kệ nó. Bởi đã sống quá lâu trong kìm kẹp, sống quá lâu trong bất công và đói khổ, mà khi đói khổ, khó khăn, thứ người ta cần đầu tiên phải là cơm áo, có bao nhiêu giữ bấy nhiêu. Đó là tâm lý chung. Cái tâm lý chung này cộng với tính chịu thương chịu khó, vị tha của người Việt Nam đã khiến cho hầu hết người ta dễ thông cảm và bỏ qua cho giới cầm quyền.

Nhưng không! Đó là lúc chưa đụng đến chén cơm manh áo. Và cũng đừng ai vội vàng kết luận rằng người Việt Nam bị tê liệt khả năng phản kháng. Hoàn toàn không phải vậy. Đến thời điểm bây giờ, có thể nói rằng người Việt Nam có tính phản kháng rất cao và sức chịu đựng cũng rất cao. Khi đã hết chịu đựng được nữa, người ta sẽ phản kháng. Và sự phản kháng này không đến từ ý nghĩa hay quyền lợi cá nhân mà đến từ tập thể, quyền lợi chung của dân tộc. Câu chuyện cá chết và lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc vào ngày 30 tháng 4 đã chứng minh cho chuyện này.

Trong lúc tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì tại huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, hàng ngàn nông dân và ngư dân đã ra đường biểu tình. Người ta kéo đi cả vài xã và khí thế hừng hực. Khác với mọi cuộc biểu tình trước đây chỉ kêu gọi chống bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông và ở các biên giới. Lần này người biểu tình nêu rõ tội danh của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Người dân yêu cầu nhà cầm quyền phải trả lời gấp về nguyên nhân cá chết và giải trình trước nhân dân về khu kinh tế Vũng Áng cũng như Formosa.

Thực ra, hàng triệu câu hỏi mà nhân dân đặt ra và bắt buộc nhà cầm quyền, đảng lãnh đạo phải trả lời thỏa đáng không phải chỉ mới có ngày hôm qua hay hôm nay mà điều này đã có từ sau 30 tháng 4 năm 1975. Khi mà cả miền Nam giàu có, trù phú và thơ mộng bỗng chốc trở thành tiêu điều, hoảng loạn. Người người đau khổ, nhà nhà đau khổ sau ngày “giải phóng” đã khiến cho người phía Bắc phải thấy giật mình, tỉnh mộng rằng hóa ra lâu nay mình bị tuyên truyền, bị nhồi sọ những thứ không có thật, hóa ra miền Nam giàu có gấp bội miền Bắc và người ta sống cũng văn minh, hiện đại gấp bội miền Bắc!

Những nghi vấn về đảng cứ âm ỉ cháy, đôi khi tưởng chừng như tắt lịm bởi cơm áo gạo tiền, bởi sức ép của xã hội mà ở đó mọi chuyện đều có thể xảy ra, con người có thể bốc hơi một cách bất thường và vô lý trong sức ép tập thể. Người ta buộc lòng phải thủ phận bởi nói cho cùng thì người ta đã quá đủ khổ đau và mất mát, người ta không muốn mất mát thêm nữa!

Tuy nhiên, khi tỉnh mộng, khi thấy rằng càng cố giữ, cố thủ và cố an phận thì không những không an toàn mà càng mau chết, người ta buộc phải nghĩ lại, phải cất tiếng nói và phải đứng lên. Những bất công từ địa phương tới trung ương cũng như sự đớn hèn, nhược tiểu của nhà cầm quyền đảng Cộng sản trước thái độ hống hách của người Trung Quốc trên biển Đông và gần đây là trên bờ, cụ thể là câu phát biểu đầy ngạo mạn và mất dạy của Chu Xuân Phàm đã làm cho nhân dân tỉnh ngộ.

Câu hỏi đặt ra trong mỗi người dân Việt Nam từ Nam chí Bắc hiện nay là liệu chúng ta còn tồn tại được đến bao giờ? Và liệu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Những câu hỏi này nhanh chóng biến thành hành động, hơn bao giờ hết, người dân sẵn sàng đứng lên để đòi lại một Việt Nam toàn vẹn lãnh thổ, một Việt Nam thơ mộng rừng vàng biển bạc ngày nào.

Bởi sau bốn mươi mốt năm gọi là thống nhất hai miền đất nước, điều mà bất cứ người Việt Nam nào cũng nhận thấy là mọi thứ tài nguyên trên đất nước này nhanh chóng bị tàn phá, nợ nần quốc gia chồng chất, gia đình ly tán và nhục nhã nhất là chính những người bị cướp, bị bắt, bị hành hạ phải bỏ nước ra đi đã gởi tiền về xây dựng đất nước. Còn những kẻ lên nắm quyền làm lãnh đạo thì chỉ lo vơ vét và bán đứng dân tộc, bán đứng quốc gia.

Bởi sau bốn mươi mốt năm, cái điều mà nhân dân Việt Nam nhận được chính là kẻ ăn không hết, người làm không ra, kẻ có quyền chức thì ăn trên ngồi trốc, sống như những đế vương, người dân cô thế thì thậm chí cả cái quyền được làm người nghèo cũng không có được bởi danh sách hộ nghèo đã lọt vào tay những kẻ không hề nghèo khổ nhưng lại có thế lực đỏ che chở. Nhiều kẻ có nhà cao ba, bốn tầng nhưng để cho con cái đứng tên, tách riêng ra thành một hộ khẩu và ở nhà tuềnh toàng để được vay diện hộ nghèo, được hỗ trợ và thâu tóm mọi khoản tiền dành cho người nghèo mà mang đi cho vay nặng lãi.

Sau bốn mươi mốt năm, cái điều gọi là “độc lập, tự do, hạnh phúc” chỉ là chiếc bánh vẽ và người thất nghiệp ngày càng cao, nạn trộm cướp, giết người tăng mạnh, giới quan chức lãnh đạo ngành giáo dục sống xa hoa và thiếu hẳn tư cách con người, bệnh viện trở thành cái lò mổ của tổ quốc và mỗi cán bộ y tế đều tiềm ẩn một đao phủ.

Sau bốn mươi mốt năm, không những chỉ riêng mỗi hệ thống cán bộ của đảng phá nát đất nước này mà bọn họ còn chơi trò cõng rắn cắn gà nhà. Một mình họ phá chưa đủ, họ đưa thêm anh bạn vàng Trung Cộng của họ sang tàn phá, môi trường bị hủy hoại, con người bị tàn hại, mọi thứ trở nên nguy hiểm và chết chóc…

Sau bốn mươi mốt năm, nếu như 30 tháng 4 năm 1975 đất nước trở nên náo nhiệt và ồn ào bởi tiếng reo hò của người miền Bắc và một bộ phận không nhỏ người miền Nam vui mừng “thống nhất đất nước” thì bốn mươi mốt năm sau, cả đất nước cũng trở nên náo động, nhưng không phải là tiếng reo hò mà là tiếng khóc, tiếng thở dài và uất hận.

Tiếng khóc, tiếng hét căm phẫn và tiếng thở dài của cả hai miền đất nước sau bốn mươi mốt năm cũng đủ nói lên rõ tính chất của nhà cầm quyền. Và một khi cả đất nước đều phải khóc, phải hét lên vì căm phẫn, uất ức và gào kêu sự minh bạch của nhà cầm quyền thì câu chuyện không còn đơn giản nữa rồi!







No comments:

Post a Comment

View My Stats