Wednesday, 27 April 2016

PHỎNG VẤN ÔNG LÝ QUANG DIỆU TRONG MỘNG - Phần 2 (Nguyễn Đình Cống)





Posted by adminbasam on 27/04/2016

Sau khi đăng bài “Phỏng vấn ông Lý Quang Diệu trong mộng”, nhân dịp kỷ niệm ngày giỗ đầu (ông mất ngày 23 tháng 3 năm 2015), tôi được vong linh ông cho phỏng vấn tiếp.

Hỏi: Thưa ngài, quan hệ giữa ngài với Hà Nội sau 1990 là tốt đẹp, nhưng trước đó, đặc biệt là trước 1975 có thể nói là xấu. Điều gì đã làm thay đổi.
Trả lời: Thay đổi bắt đầu từ nhận thức. Trước đây vì thấy sự hung hăng và tàn bạo của cộng sản, tôi tìm cách ngăn không để nó lọt vào Singapore, vì thế bị Hà Nội chụp cho cái mũ phản động, gọi là tên chống cộng hèn hạ. Khối ASEAN ban đầu gồm 5 nước bị Hà Nội cho là “Khối xâm lược Đông nam Á, tay sai của đế quốc Mỹ”. Sau sự kiện sụp đổ của phe XHCN tôi biết chắc rằng cộng sản không còn đáng cho chúng tôi để ý, nó đang trên đường tan rã do mắc phải bệnh trầm trọng từ trong tế bào, gặp những mâu thuẩn gay gắt không khắc phục được. Chế độ cộng sản đã bộc lộ gần hết mọi khuyết điểm không thể sửa chữa, chỉ còn hơi tàn để lừa bịp một số người có dân trí thấp và bị khống chế, chỉ đủ sức duy trì sự độc tài và đàn áp dân chủ trong nước bị nó thống trị, không còn có khả năng tuyên truyền, lừa phỉnh các dân tộc khác đã biết về tự do, dân chủ, văn minh. Trước đây tôi lo đề phòng cộng sản lọt vào Singapore, sau này  tôi để cho tự do tuyên truyền vì biết chắc rằng những người có lương tri không ai còn nghe theo nữa, và nếu có một số ít, vì vô minh và lầm lỡ mà nghe theo thì cũng chỉ làm cho xã hội thêm phong phú chứ không đảo ngược được tình hình.
Trước đây Mỹ và một số nước lo chống cộng nhưng sau này chúng tôi thấy không dại gì mà làm một việc tốn công, vô ích như vậy, vì cộng sản sớm muộn gì cũng tự sụp đổ . Chúng tôi chủ trương chung sống hòa bình với cộng sản, tôn trọng các xu hướng khác nhau, việc đó không hại gì mà còn có ích lợi cho nhân dân và đất nước chúng tôi.

Hỏi: Ngài nói  chính phủ Mỹ và nhiều nước tôn trọng chế độ của các nước cộng sản, vậy phải chăng các ngài  cho rằng chế độ đó tuy có chứa mâu thuẩn, tuy thế nào cũng sụp đổ nhưng hiện tại loài người vẫn chấp nhận được, hoặc cũng có chỗ nào đó tốt đẹp.
Trả lời: Không, có lẽ tôi trình bày chưa rõ làm ông hiểu nhầm. Chúng tôi chấp nhận chung sống và tôn trọng sự khác biệt chứ không bao giờ cho rằng cộng sản có cái gì tốt, không cho rằng nhân loại “chấp nhận được” cộng sản. Nhân loại, để phát triển bình thường thì cần loại bỏ cộng sản. Còn các ông, nếu thấy thích thú cộng sản, cần thử nghiệm “chế độ làm tùy sức, hưởng theo nhu cầu” thì xin tùy, chúng tôi không muốn và không thể áp đặt các ông theo ý chúng tôi. Xin lấy thí dụ. Hàng xóm nhà ông có người vì chơi bời trác táng mà nhiễm HIV, lại có tính tham lam, gian dối. Trước đây mọi người vì hiểu nhầm, quá sợ lây bệnh mà xa lánh, tẩy chay hắn. Ngày nay thấy bệnh đó không dễ lây, có thể phòng ngừa nên người ta chung sống hòa bình với hắn, giao tiếp, giúp đỡ, hợp tác với hắn, mong cho hắn khỏi bệnh. Bên ngoài người ta tôn trọng hắn, bên trong đề phòng thói tham lam và gian dối của hắn, không thể nào thân mật với hắn như với những người bạn tốt hoặc tâm giao. Vì lòng nhân đạo người ta sẽ giúp hắn chữa trị bệnh tật. Nếu hắn biết hoàn cảnh của mình mà ra sức chữa bệnh, từ bỏ tính xấu thì nhiều người sẽ trở thành bạn tốt của hắn, còn nếu hắn không chịu chữa bệnh, không muốn từ bỏ thói tham lam và dối trá thì mọi người cũng mặc kệ hắn, sẽ đến lúc hắn chết trong sự sỉ nhục và bị khinh bỉ.

Hỏi: Những điều ngài vừa nói có  mâu thuẫn gì không với việc chính phủ Việt Nam cộng sản ký kết Hiệp định đối tác toàn diện , đối tác chiến lược   với rất nhiều nước, trong đó có Mỹ  Singapore  và Nhật.
Trả lời: Trong những năm qua Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, ký nhiều hiệp định đối tác.  Việc này không mâu thuẩn gì với nhận định của tôi trên kia. Đối tác song phương, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược chỉ khác nhau về mức độ và phạm vi hợp tác  chứ không làm thay đổi về bản chất của quan hệ từ hợp tác trở thành đồng minh, trở thành bạn bè cùng chí hướng. Quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và giữa Mỹ với Việt Nam đều là quan hệ giữa hai nước thù địch trong chiến tranh, mà Nhật bị tàn phá nặng nề hơn và có ít tài nguyên thiên nhiên.Thế mà sự hợp tác giữa Mỹ với Nhật có hiệu quả hơn rất nhiều so với Việt Nam. Một trong những lý do chính là Nhật không theo cộng sản, không bị kìm hãm bởi ý thức hệ, lao động sáng tạo được giải phóng, không bị chế độ toàn trị của một đảng đẻ ra tham nhũng, mua quan bán tước, lãng phí. Nhật và Mỹ cùng đi chung con đường dân chủ, không có mâu thuẩn về tư tưởng nên hợp tác chân thành. Quan hệ giữa Việt Nam với Nhật, giữa Việt Nam với Mỹ không thể nào thân thiết, gắn bó như quan hệ giữa Nhật với Mỹ hoặc như giữa Philippin, giữa Singapore với Nhật và Mỹ, mặc dầu giữa những nước đó đều ký các hiệp định gần giống nhau. Còn giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng ý thức hệ cộng sản, ký hiệp định hợp tác ở mức cao nhất là “đối tác chiến lược toàn diện”, thế mà thực chất thì thế lực bành trướng Trung quốc mới là kẻ thù nguy hiểm của Việt Nam, các ông còn bị lừa ký kết điều khoản không liên kết với nước khác để chống lại nước thứ ba, các ông mắc mưu Tàu cộng nhiều mà không biết. Chính vì các ông một mực theo Tàu cộng, cố giữ cho bằng được ý thức hệ cộng sản mà làm cho nhiều nước đối với các ông “chỉ bằng mặt mà không bằng lòng”.
Việt nam hiện nay có quan hệ ngoại giao với nhiều nước, được tham gia vào hội này, ban nọ của Liên hiệp quốc, bên ngoài tưởng như thế là có uy tín lớn trên trường Quốc tế, là có nhiều bạn bè, nhưng thực chất chưa bao giờ Việt Nam bị cô độc như bây giờ, vì bạn thì nhiều nhưng phần lớn chỉ là bạn ngoại giao, không có đồng minh cùng chí hướng đáng tin cậy, không có bạn chí cốt, không có bạn tâm giao. Có được  bạn thân là Lào thì quá bé, một bạn khác là Cu Ba thì quá xa mà cũng đang xa dần ý thức hệ. Việt Nam còn bị nhiều nước coi thường vì cho rằng đó là “ một đất nước không chịu phát triển”.  Chỉ riêng một việc lãnh đạo Việt Nam, ở trong nước nói nhiều đến kinh tế thị trường định hướng XHCN, còn ra nước ngoài, đi đâu cũng xin người ta công nhận nước có nền kinh tế thị trường, tự cắt cái đuôi XHCN, đã làm rõ bộ mặt dối trá và hèn kém. Hình như dân Việt các ông quen với động tác xin- cho, mà không thấy sự yếu kém trong đó. Hiện nay Việt Nam đang bị cộng sản Trung quốc dùng ý thức hệ để khống chế, để bao vây, để phá hoại và cướp đoạt, dần dần dẫn đến thôn tính, thế mà không hiểu vì sao lãnh đạo các ông không nhận ra và tìm cách  thoát khỏi. Thái độ khuất phục của Đảng Cộng sản Việt Nam trước Tàu cộng là một điều rất khó hiểu của nhiều nhà chính trị trên thế giới và chắc cũng khó hiểu đối với đa số nhân dân Việt Nam.

Hỏi: Từ năm 1975 đến 1990 là giai đoạn chuyển tiếp trong quan hệ Việt Nam- Singapore. Xin ngài cho biết vài nhận xét về giai đoạn đó.
Trả lời: Sau năm 1975 tôi vẫn tiếp tục bị Hà Nội lên án, đặc biệt xung quanh vụ di tản của thuyền nhân. Nhưng trước hết tôi nói về cuộc tiếp xúc với ông Phạm Văn Đồng vào tháng 10 năm 1978. Ông Đồng đến Singapore với tư cách một người chiến thắng trong chiến tranh, ngạo mạn và hung hăng. Ông cho rằng chúng tôi đã từng là cơ sở trong việc trung chuyển xăng dầu của Mỹ cho chiến tranh Việt Nam thì bây giờ phải có nghĩa vụ viện trợ cho Việt nam. Ông tự nhận là một chiến sĩ cộng sản và Việt Nam có vai trò lịch sử làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông nam Á để giải phóng nhân dân lao động. Ngược lại, chúng tôi chỉ muốn bàn chuyện hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa, nhân dân chúng tôi không cần làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc gặp gỡ không mang lại sự hiểu biết và hợp tác, chúng tôi chia tay nhau lịch sự nhưng lạnh lùng.
Về nạn thuyền nhân. Tôi biết việc dân Việt Nam đang ào ào bỏ quê cha đất tổ ra đi để tránh họa cộng sản. Hồi đó tôi quả có hơi sắt đá, không chịu tiếp nhận, chỉ giúp đỡ chút ít rồi đẩy họ đi tiếp. Tôi chỉ nghĩ đơn giản Singapore là nước quá bé, khả năng rất hạn chế, lại ở rất gần Việt Nam, nếu chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận mọi thuyền nhân thì sợ họ đổ xô đến làm rối loạn đất nước. Tôi cũng được biết là Việt Nam có “kế hoạch II “, công an thu vàng của người muốn ra đi, tổ chức cho họ lên thuyền rồi đẩy ra biển. Không lẽ vàng thì công an Việt Nam nhận còn khó khăn thì Singapore chịu. Hơn nữa tôi cũng ngại là trong số thuyền nhân biết đâu có gián điệp của cộng sản. Sau này nghĩ lại tôi có ân hận và có thay đổi thái độ.
Về quan hệ tốt đẹp. Sau năm 1986 thấy Việt Nam có sửa sai đường lối kinh tế, mà các ông gọi chệch là đổi mới, tôi thấy có thể hợp tác. Vì thế khi ông Võ Văn Kiệt đến gặp tôi tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Thụy Sĩ vào tháng 2 năm 1990 với đề nghị bỏ qua bất đồng trong quá khứ để hợp tác thì tôi vui vẻ nhận lời . Và từ đó mở ra giai đoạn mới trong quan hệ 2 nước.

Hỏi: Được biết, vào tháng 11 năm 1991, sau khi ngài đã thôi chức thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt có mời ngài làm cố vấn kinh tế cho chính phủ Việt Nam. Xin cho biết ngài đã góp được những ý kiến gì.
Trả lời: Tháng 11 năm 1991, ông Võ Văn Kiệt, với tư cách thủ tướng chính phủ Việt Nam sang thăm Singapore. Trước đây ông Phạm Văn Đồng làm cho tôi quá thất vọng thì nay ông Kiệt làm cho tôi hy vọng. Ông Kiệt có lời mời tôi làm cố vấn nhưng tôi chưa dám nhận lời, hẹn sẽ sang Việt Nam khảo sát tình hình và sẽ trao đổi. Tháng 4 năm 1992 lần đầu tiên tôi đến Hà Nội, làm việc với ông Kiệt. Ban đầu ông Đỗ Mười,Tổng bí thư đảng định không tiếp , vẫn nghĩ tôi là tên chống cộng hèn hạ, nhưng sau khi biết các nội dung tôi trao đổi với ông Kiệt là thiện chí thì ông Mười đồng ý tiếp, bên ngoài tỏ ra thân mật, vui vẻ. Tháng 10 năm 1993 ông Đỗ Mười sang thăm Singapore thì đã có thái độ thân thiện và sau đó Hà Nội đã cho dịch và phát hành Tuyển tập các bài chính luận của tôi. Tôi còn đến Việt nam 3 lần nữa vào năm 1993, 1995, 1997.
Về việc góp ý kiến cho vua chúa hoặc cho những người lãnh đạo đất nước. Tôi thấy có 2 loại chính. Loại 1 là thuyết khách kiểu như Tô Tần, Trương Nghi, Phạm Chuy … trong lịch sử Trung quốc. Loại này có mục đích tiến thân nên phải tìm cho được điều vua chúa thích nghe để nói cho lọt tai. Loại 2 là các cố vấn, họ ít quan tâm đến điều các đối tượng thích nghe mà tập trung vào những kế sách có nhiều hiệu quả, đó là những mưu lược thể hiện tài năng và ý chí của họ.
Các ông lãnh đạo của Hà nội muốn đồng thời phát triển kinh tế thị trường, mà lại phát triển cho nhanh, bất chấp sự bảo vệ môi trường, vừa phải  giữ nguyên đường lối chuyên chính vô sản với chế độ đảng trị. Các vị cho rằng họ đã đánh thắng hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ thì rồi việc gì khó đến đâu họ cũng sẽ làm được, rằng họ muốn tôi góp ý kiến để họ chứng minh đường lối xây dựng CNXH theo chủ nghĩa Mác Lênin là hoàn toàn đúng đắn và để làm gương cho nhiều nước khác.
Tôi biết nếu góp ý thẳng thắn ngay họ sẽ không nghe, nên ban đầu tôi phải tỏ rõ thiện chí bằng cách bỏ ra một số tiền kha khá để viện trợ, để đầu tư một số cơ sở sản xuất, sau đó mời một số nhà lãnh đạo Việt Nam sang khảo sát tận nơi cách làm của chúng tôi để tham khảo được gì thì được. Sau ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt thì các ông Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương, Nguyễn Phú Trọng đã lần lượt sang Singapore. Tuy các ông có thăm nhiều nơi, nghe nhiều bài giới thiệu nhưng hầu như không tham khảo được gì. Điều các ông muốn học và làm cho đến nay nhân loại chưa có ai biết, chưa có ai làm được, đó là phát triển kinh tế thị trường trong chế độ vô sản chuyên chính, theo Chủ nghĩa Mác Lênin, hoặc là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Cũng đến lúc phải nói ý kiến của mình, tuy biết rằng những góp ý đó hoàn toàn ngược với lòng mong muốn của họ. Tôi cho rằng kinh tế thị trường và thể chế chính trị vô sản chuyên chính là mâu thuẩn nhau, không thể dung hòa. Nếu cứ cố gán ép hai thứ đó với nhau thì sẽ sinh ra một xã hội rối loạn và thối nát, kiểu chế độ tư bản thời kỳ hoang dã. Vô sản chuyên chính sẽ không phát huy được mặt tích cực của kinh tế thị trường mà càng làm tăng thêm mặt tiêu cực, làm trầm trọng thêm các nhược điểm thối tha của nó. Kết hợp kinh tế thị trường với chuyên chính vô sản sẽ đẻ ra tham nhũng trầm trọng và rộng khắp, đẻ ra tệ nạn mua bán quan tước, sẽ làm xuống cấp đạo đức và giáo dục, sẽ làm phát triển tệ nạn dối trá từ trên xuống dưới, thế mà kết quả chẳng phát triển kinh tế được bao nhiêu.
Sau sửa sai 1986 mà Việt Nam nhận nhầm là đổi mới, kinh tế có phát triển, mặc dù phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 8%, nhưng đó là chỉ là tăng trưởng do người dân được cởi trói chứ chưa phải do lao động sáng tạo và công nghệ cao, chưa phải do nền kinh tế tri thức. Hơn nữa đó là sự phát triển nóng dựa vào khai thác cạn kiệt tài nguyên, vay nợ, lao động đơn giản. Trong sự phát triển vội vàng dễ gặp phải việc tàn phá thiên nhiên và làm ô nhiểm môi trường, có được chút lợi trước mắt mà để tai họa nặng nề cho hậu thế. Tôi có góp ý về sự “Phát triển bền vững”, lãnh đạo Hà Nội có nghe, có nhắc lại nhưng hình như chỉ nói cho qua chuyện. Việc Việt Nam phát triển kinh tế trong khoảng mười năm sau 1986, đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói đã làm mờ mắt, làm tối lòng một số lãnh đạo, họ tưởng nhầm là nhờ tài năng của họ, là nhờ vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lênin, mà không biết rằng thực chất là nhờ làm ngược lại chủ nghĩa đó, nhờ nhân dân được cởi trói một phần.
Việt Nam muốn cải cách và phát triển kinh tế theo thị trường, muốn hòa nhập với thế giới dân chủ thì trước hết cần cải cách nhà nước theo thể chế tam quyền phân lập, cần phải thật sự tự do tư tưởng, thật sự mở rộng dân chủ, đặc biệt dân chủ trong bầu cử để chọn được những người có tài năng, như thế mới có được những sáng tạo. Lãnh đạo ở Hà Nội chỉ muốn nghe thuyết khách loại 1, kiểu các chuyên gia của Liên xô và Trung quốc trước đây, mà tôi không thể nào làm được như họ. Tôi chỉ muốn và có thể làm cố vấn loại 2, trình bày trung thực quan điểm của mình. Tôi tuy có được lời mời làm cố vấn nhưng những điều tôi góp ý chẳng ai nghe. Tôi đành nói ý cuối cùng: Các ông không phải tìm mời cố vấn nước ngoài mà hãy tìm ở trong nước, người Việt các ông có nhiều người giỏi nhưng không được dùng đúng chỗ vì họ không thích hợp với chế độ độc tài toàn trị của các ông. Vì bất đồng ý kiến mà số thì bị bắt giam, số bỏ ra nước ngoài, số khác ôm hận chờ thời. Tinh hoa, hiền tài của đất nước phải được tập họp lại trong Quốc hội, trong các cơ quan nhà nước. Kinh nghiệm chủ yếu của Singapore là bộ máy hành chính nhà nước phải thật tinh gọn, muốn vậy phải chọn dùng được những người thật sự tài giỏi và liêm khiết.   Khi nhìn vào Quốc hội của các ông chỉ thấy tính chất đại diện của nó chứ không thấy trí tuệ. Bộ máy của các ông gồm 3 tầng đè lên nhau gồm cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, ôm ấp lấy nhau, dẫm đạp lên nhau mà lại thiếu người giỏi và liêm khiết. Năng suất lao động của Việt nam thuộc loại rất thấp mà năng suất trong công tác của chính quyền và Quốc hội của các ông lại càng thấp. Việt nam có câu thành ngữ “Ăn tàn phá hại”, câu ấy khá đúng cho đội ngũ quan chức các cấp của các ông từ cơ sở đến trung ương. Như thế thì dựa vào đâu để phát triển xã hội. Các nước dân chủ đều cho rằng động lực để phát triển xã hội phải dựa vào năng lực và trách nhiệm của 3 lực lượng chính là trí thức, doanh nhân và quan chức chính quyền. Cộng sản lại cho là dựa vào liên minh công nông, thế mà công và nông của các ông đang lao động cực nhục và sống lay lắt, trí thức các ông thì phần lớn hữu danh vô thực, doanh nhân còn yếu và bị chèn ép, quan chức nhà nước thì phần lớn nặng về tham nhũng và cửa quyền, yếu kém về trình độ và đạo đức. Các ông muốn phát triển đúng hướng thì phải thay đổi từ gốc rễ là nhận thức, là thay đổi thể chế.

Ông Lý cho biết quan hệ giữa ông và Hà nội có thân thiết được một thời gian, sau đó cả hai bên đều chán nhau vì “đồng sàng dị mộng”, đặc biệt sau khi ông Võ Văn Kiệt nghỉ hưu thì quan hệ gần như quay về trạng thái “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”.

Tôi định nêu tiếp câu hỏi về ý kiến của ông đối với mong ước “Thoát Trung” và con đường sắp tới mà dân Việt nên theo, nhưng đến đây ông Lý ra hiệu cuộc phỏng vấn đã khá dài, cần kết thúc và không hẹn gặp lại. Thật tiếc, nhưng biết làm sao.

*
*
Posted by adminbasam on 11/04/2016

Được ông Lý Quang Diệu cho phỏng vấn là một vinh dự lớn. Tôi không phải là phóng viên chuyên nghiệp nên không dám mơ tưởng đến chuyện đó. Về suy nghĩ và việc làm của ông, sự đánh giá về ông, tôi đã có dịp tìm hiểu qua các tác phẩm, các bài báo được công bố. Tôi chỉ ao ước được hỏi để nghe ông trả lời một vài vấn đề mà tôi còn phân vân. Tôi chưa tìm được cách nào để thực hiện mơ ước thì được tin ông đã qua đời. Tôi nghĩ đến việc nhờ các nhà ngoại cảm lập đàn tràng, tìm cách gọi hồn ông để hỏi, nhưng ngẫm đi nghĩ lại thấy việc đó rất khó và tốn kém. Tôi ngày đêm cầu khẩn được gặp ông ở trong giấc mộng. Và rồi lòng thành đã được đáp ứng. Tôi mơ thấy được Thiên sứ dẫn đi gặp ông. Tôi xin phép bỏ qua quang cảnh nơi gặp gỡ và các nghi lễ ngoại giao ban đầu mà đi ngay vào cuộc phỏng vấn.

Tôi hỏi- Thưa ngài, tôi rất khâm phục ngài và đất nước Singapore. Xin cho biết ngài đã theo chủ thuyết nào mà được như vậy ?
Lời đáp - Tôi có biết một số chủ thuyết nhưng không theo cái nào cả. Từ lịch sử phát triển của nhân loại và của các nước tôi tìm ra cách điều hành và quản lý xã hội mà tôi nghĩ là thích hợp, tôi làm thử, thấy tốt thì tiếp tục, thấy xấu thì loại bỏ ngay và tìm cách làm khác. Tôi thấy một số nước chỉ vì tôn sùng một chủ thuyết, một ý thức hệ nào đó mà mắc kẹt vào nhiều mâu thuẩn, nhiều khó khăn không thoát ra được, thật đáng thương. Quan điểm của tôi cũng gần giống với quan điểm của nhà sư gốc Việt, ngài Thích Nhất Hạnh là không xem một giáo phái, một trường phái nào là chân lý tuyệt đối. Nếu có ai đó cứ cố đòi cho bằng được một chủ thuyết thì tôi cũng cố mà nêu ra, đó là chủ thuyết vì sự tự do và hạnh phúc thực sự của toàn dân Singapore, trong đó có gia đình tôi.

Hỏi- Ngài quan tâm như thế nào đến độc lập và thống nhất, đến dân giàu nước mạnh.
Đáp- Tôi đã từng quan tâm và tranh đấu cho độc lập, thoát khỏi ách thống trị của người Anh, chỉ là chúng tôi đấu tranh hòa bình mà không làm cách mạng. Sau khi được công nhận độc lập chúng tôi mời phần lớn quan cai trị người Anh ở lại giúp quản trị, điều hành, chúng tôi lấy tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức trong giao dịch hành chính. Trước đây Singapore là một vùng thuộc Malaysia, chúng tôi đã từng vận động để thống nhất đất nước nhưng rồi từ năm 1965, bản thân tôi và phần lớn dân chúng Singapore rất đau buồn chấp nhận sự chia tách. Có một số nước đề lên rất cao mục đích độc lập và thống nhất, còn tôi cho rằng độc lập, thống nhất tuy rất quan trọng nhưng cũng chỉ xem là phương tiện chứ mục đích cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là tự do và hạnh phúc của nhân dân. Lãnh tụ Hồ chí Minh của cách mạng ở Việt nam có nói : “ Nếu độc lập và thống nhất mà dân không được thực sự tự do và hạnh phúc thì độc lập và thống nhất ấy chẳng để làm gì”. Về chuyện độc lập tôi thấy nên nêu trường hợp của Bắc Ireland làm dẫn chứng. Dân chúng được trưng cầu ý kiến xem có muốn độc lập không, đại đa số trả lời không cần, không muốn, theo họ thì độc lập chẳng để làm gì, họ đã có tương đối đủ tự do và hạnh phúc rồi, không khéo sự độc lập chỉ mang lại danh tiếng, quyền lợi cho một số nào đó còn toàn dân lại khổ hơn. Về thống nhất, trong mấy chục năm qua có sự phân chia nước Nam tư, sự thống nhất nước Đức và Việt nam. Sự phân chia Nam tư được thực hiện một cách hoàn hảo, dân Nam tư cho rằng họ không cần thống nhất, một nước Nam tư chia thành ba sẽ tự do hạnh phúc hơn. Sự thống nhất nước Đức được thực hiện êm đẹp, hòa bình, giữ được hòa hợp dân tộc ở mức độ cao, không có hận thù, không có bên thắng bên bại, chỉ có thắng lớn của toàn dân tộc. Họ làm được như vậy vì đã vượt qua được ý thức hệ, vì họ biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên, những người ở Đông Đức đã kịp thời phát hiện sai lầm của chủ nghĩa Mác Lênin và kiên quyết từ bỏ . Sự thống nhất Việt nam dựa trên bạo lực và chỉ mới thống nhất được lãnh thổ về hình thức còn điều quan trọng hơn chưa thực hiện được là sự hòa hợp dân tộc thực sự, sự thống nhất ý chí, tình cảm giữa người dân và lãnh đạo.
Tôi nghĩ giàu mạnh không phải là mục tiêu mà cũng chỉ là phương tiện. Không phải hễ giàu mạnh là dân có tự do và hạnh phúc. Đất nước Bhutan không giàu mạnh mà dân khá hạnh phúc. Không khéo giàu mạnh quá lại làm phát sinh tư tưởng ngông cuồng cho những người cầm đầu. Đối với Singapore điều đáng quý không phải là thống nhất, nước mạnh mà là sự tự do và hạnh phúc của người dân, tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân với tinh thần làm việc hăng say của họ.

Hỏi- Ngài quan tâm như thế nào đến dân chủ
Đáp- Theo tôi dân chủ cũng chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Khi tôi thấy dân chủ là phương tiện tốt , cần thiết và có hiệu quả để đạt mục đích thì tôi sẽ hết sức quan tâm.

Hỏi- Thưa ngài, trong lúc nhiều nước châu Á, châu Phi bị nạn tham nhũng hoành hành, không thoát ra được, đến như Trung quốc cũng bị, thế mà Singapore được xếp là trong sạch số 1 của châu Á và ở thứ hạng cao của thế giới. Xin cho biết nhờ đâu mà được như vậy.
Đáp-Lòng tham vốn là bản tính của con người, đặc biệt là của những người có quyền thế. Đa số người sẵn sàng tham nhũng khi có điều kiện thuận lợi. Vậy để ngăn chặn tệ nạn thì vai trò của chính quyền rất quan trọng. Trong lịch sử người ta đã tổng kết, để ngăn ngừa tệ nạn thì chính quyền phải làm cho người ta không muốn, không thể và không dám phạm vào . Riêng vấn đề tham nhũng ở Singapore thì chúng tôi còn tạo thêm điều kiện thứ tư là các quan chức chính quyền không cần tham nhũng.

Hỏi-Về ba điều không muốn, không thể và không dám thì tôi cũng có biết qua. Để người ta không muốn tham nhũng thì phải giáo dục đạo đức để họ thấy đó là việc xấu xa, là tội ác. Để không thể thì phải có các biện pháp tổ chức, các luật lệ chặt chẽ. Để không dám thì phải có hình phạt thật nghiêm khắc cho người ta sợ. Xin ngài giải thich về điều kiện không cần.
Đáp- Tôi đã tìm hiểu tệ nạn tham nhũng ở một số nước. Ban đầu của nó chỉ là hành động “ bôi trơn”, có tác dụng tích cực. Khi những người làm công vụ mà đời sống khó khăn thì thường không thể toàn tâm toàn ý làm tròn trách nhiệm. Những người có công việc cần giải quyết nhanh chóng bèn nghĩ ra và thực hiện việc bôi trơn bằng quà cáp. Ban đầu việc đó có tác dụng tích cực nhưng rồi dần dần tạo nên thói quen, trở thành tệ nạn. Khốn khổ là khi chính quyền phát hiện ra tệ nạn, đã không kiên quyết tìm biện pháp dẹp bỏ kịp thời bằng 3 biện pháp đã nêu trên mà còn bao che, khuyến khích thì tệ nạn càng ngày càng phát triển là chuyện bình thường. Chúng tôi nói quan chức của Singapore không cần tham nhũng vì trong thời gian đầu mới lập quốc, trong lúc nhân dân còn nghèo chúng tôi tìm cách trả lương xứng đáng cho quan chức để họ không rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ngoài ra phải thực hiện 3 biện pháp để họ không muốn, không thể và không dám tham nhũng. Chúng tôi nghiên cứu một số nước có nạn tham nhũng lớn, thấy rằng bề ngoài họ cố duy trì một chế độ lương có mức chênh lệc tương đối ít giữa tổng thống và cán bộ thường ( chỉ hơn 10 lần ). Việc làm đó chủ yếu để lừa bịp nhân dân nhưng thực chất thì không phải như vậy, những quan chức cao cấp có nhiều đặc quyền đặc lợi gấp hàng trăm hàng ngàn lần tiền lương hình thức.

Hỏi- Ngài nói có chính quyền còn bao che, khuyến khích tệ tham nhũng. Họ bao che, khuyến khích bằng cách nào, theo chỗ ngài biết thì có chính quyền như vậy à.
Đáp-Theo tôi biết thì có chính quyền như vậy đấy, nhưng đó là tự bên trong, còn bên ngoài bất kỳ chính quyền nào cũng tuyên bố là chống tham nhũng. Người ta ra hết luật này đến luật kia về chống tham nhũng, tổ chức hết cơ quan này, ủy ban nọ để chống tham nhũng nhưng càng chống thì nó càng phát triển, chống được một chỗ này thì mười chỗ khác tham nhũng lớn hơn. Vì sao vậy. Vì bản chất của chế độ, của chính quyền chuyên chính, toàn trị của những kẻ tham lam hàng giờ hàng phút đẻ ra và bao che cho tham nhũng. Người ta gặp không ít người cầm đầu tổ chức chống tham nhũng lại là tay tham nhũng cỡ bự. Ở những nước như vậy người ta nói rất mạnh mồm về chống tham nhũng nhưng không biết chống ai, chống bằng cách nào, dựa vào lực lượng nào để chống. Thậm chí có một số người tích cực tố cáo và chống tham nhũng lại bị vu cáo để triệt hạ, có khi còn bị thủ tiêu ngấm ngầm. Khi mà chính quyền là độc tài, toàn trị, lại do những kẻ kém phẩm chất cầm đầu, chỉ biết đặt lợi ích một nhóm thiểu số lên trên lợi ích của dân tộc, của quốc gia thì người ta sẽ bao che cho nhau để bảo vệ lợi ích nhóm. Cũng có một số kẻ tham nhũng bị đưa ra xét xử nhưng đó là do mâu thuẩn nội bộ giữa các phe nhóm mà thôi. Người ta có thể ban hành nhiều luật nhưng thà có ít luật mà thi hành nghiêm chỉnh còn hơn có nhiều luật mà chỉ thi hành loa qua. Trong việc thi hành luật thì sự gương mẫu của những người có quyền, của những người thuộc tầng lớp ưu tú trong xã hội là vô cùng quan trọng. Nếu người trên không gương mẫu, cậy quyền để vi phạm thì đó là nhà dột từ nóc. Tôi nói chính quyền bao che, khuyến khích tham nhũng là thế.

Hỏi- Nghe nói ở Singapore có vị bộ trưởng bộ giáo dục, bạn thân của ngài, bị báo chí phát hiện tham nhũng 500 USD, ông ta đã nhờ ngài thu xếp nhưng ngài đã không giúp gì được nên ông ta đã tự tử, có đúng vậy không.
Đáp-Chuyện này , theo sự thuật lại thì có chỗ đúng và có chỗ chưa đúng. Đúng ông ta là bạn tôi và đã tự tử vì chuyện 500 USD. Không đúng vì việc ông ta nhận 500 đô la là do vô tình chứ không phải cố ý tham nhũng, không phải cố ý đòi hối lộ. Nhưng tình ngay mà lý gian, ông ta không thể thanh minh nên đành lấy cái chết để cáo lỗi. Tôi vừa rất thương và cũng giận ông ta. Nếu vì tình bạn thân thiết mà tôi tìm cách bao che cho ông thì công cuộc chống tham nhũng do tôi đề xướng có nguy cơ thất bại. Ông ta tự tử làm tôi đau xót lắm chứ, nếu bị đem ra tòa để xét xử thì mức án tù cũng chỉ 3 năm là cùng. Nhưng ông đã tự tử vì danh dự và cũng vì muốn ủng hộ tôi trong việc chống tham nhũng, có thể ông muốn nêu một tấm gương cho các quan chức khác. Cái chết của ông là một sự hy sinh rất đáng tôn trọng.

Hỏi- Trên kia ngài có nói chính quyền độc tài sẽ đẻ ra tham nhũng. Thế mà tôi nghe nhiều dư luận cho rằng chính quyền của ngài cũng thuộc loại độc tài, gia đình trị, ngài lại nói rằng ngài thích được người dân sợ hơn là được yêu mến, xin ngài vài lời giải thích.
Đáp- Vấn đề này rất nhạy cảm, dư luận có chỗ đúng và có chỗ chưa đúng. Tôi không nói bất kỳ độc tài nào cũng đẻ ra tham nhũng mà là độc tài toàn trị , lại do những kẻ tham lam, kém phẩm chất , chỉ biết đặt lợi ích nhóm trên lợi ích quốc gia thì mới đẻ ra và bao che cho tham nhũng. Nếu độc tài do những người có phẩm chất cao lãnh đạo thì lại khác. Tôi không chối bỏ là trong thời gian đầu ở Singapore có sự độc tài như vậy. Để quản trị đất nước có 2 hình thức chủ yếu là dân chủ và độc tài. Như trên kia đã nói, tôi không xem thể chế nào là hoàn hảo. Vấn đề là tùy thời thế và quan trọng hơn là phẩm chất của người đứng đầu. Thể chế dân chủ sẽ phát huy tính ưu việt của nó khi mà đất nước ổn định, nếu đất nước đang bị ly tán, đang bị xáo trộn mà nền dân chủ lại rơi vào tay những kẻ kém năng lực thì không khéo lại bị rối loạn thêm. Tình hình của Singapore trong những năm đầu là hơi bị rối rắm, cần phải xiết chặt kỷ luật, vì thế tôi chủ trương tạm thời dùng cách quản lý chặt chẽ, hạn chế bớt quyền dân chủ để sớm đưa đất nước vào thế ổn định, nếu như thế mà mang tiếng là độc tài thì tôi cũng vui lòng chấp nhận chứ không chối cãi. Tôi khinh bỉ những kẻ cầm quyền, thực chất thì thi hành độc tài mà bên ngoài thì tuyên truyền dân chủ. Khi đất nước đã tương đối ổn định thì sẽ chuyển sang mở rộng dân chủ. Về việc chuyển hóa hòa bình từ thể chế độc tài sang dân chủ thì vừa qua nước Myanma đã nêu một thí dụ tuyệt vời. Singapore cũng đã dần dần dân chủ hóa và gần đây không còn có ai lên án là độc tài. Khi đất nước đang bị rối rắm mà có một người tài giỏi, có đạo đức cao, một lòng vì quốc gia, dân tộc cầm đầu, dù là có phần độc tài như Pắc Chung Hy ở Hàn quốc thì cũng rất tốt. Sẽ là tai họa lớn cho dân tộc nếu độc tài , toàn trị rơi vào tay những kẻ tham lam , kém phẩm chất, đặt lợi ích đảng phái trên lợi ích dân tộc.
Về việc tôi muốn người dân sợ cũng có lý do. Người đứng đầu một tổ chức, nhỏ như một gia đình, một lớp học, lớn như một đất nước cần thể hiện được trong tổ chức của mình cả uy và đức. Uy là để người ta sợ, phải tuân theo lệnh. Đức là để người ta yêu mến, kính trọng. Nếu chỉ có uy mà không có đức thì người ta chỉ sợ trước mặt mà không phục tự trong lòng, khi có điều kiện người ta sẽ bỏ đi hoặc chống lại. Nếu chỉ có đức mà không có uy thì khi gặp khó khăn nguy hiểm người ta sẽ khó giữ được tinh thần, khó giữ được ý chí để hoàn thành nhiệm vụ. Đức hay Tâm phải là thật lòng chứ không phải là thứ để ngụy trang. Uy phải được xây dựng trên sự gương mẫu, sự nghiêm chỉnh chứ không phải dựa trên sức mạnh quyền lực để ra oai, để trấn áp. Bình thường thì nên đặt đức lên trước rồi lấy uy giúp vào. Trong hoàn cảnh phức tạp rối ren thì nên ra uy trước rồi phải dùng ngay đức để yên lòng người. Nếu dùng uy quá mức thì chỉ giữ được ổn định tạm thời mà thôi. Trước khi từ giã cõi đời tôi đã tự kiểm điểm và thấy mình đã cân bằng được giữa uy và đức. Ban đầu tôi có làm cho dân sợ nhưng ngay sau đó tôi đã được dân yêu mến và kính trọng.
Đúng là từ khi lập quốc đến nay Singapore chỉ do một đảng cầm quyền, đó là đảng Hành động nhân dân ( PAP ) nhưng chúng tôi không phải là nước chỉ có một đảng. Ngoài PAP còn có một số đảng chính trị khác. Vấn đề là đảng PAP luôn đặt lợi ích đất nước lên trên, luôn tự hoàn thiện và đổi mới vì vậy vẫn còn giữ được tín nhiệm của nhân dân. Các đảng khác vẫn được tự do hoạt động, họ vẫn là lực lượng đối lập, chẳng qua họ chưa đủ mạnh để vượt lên trên PAP mà thôi.
Đúng là con trai, con gái, con dâu tôi đều giữ những vai trò quan trọng trong chính quyền nhưng tôi không cho đó là gia đình trị. Chúng tôi chủ trương và kiên quyết thực hiện việc lựa chọn quan chức phải dựa vào, và cũng chỉ cần dựa vào hai chỉ tiêu là tài giỏi và liêm khiết, ngoài việc họ là công dân bình thường. Nếu những đứa con tôi không đạt 2 chỉ tiêu ấy mà vẫn được dùng vì là con của thủ tướng thì đó là gia đình trị. Nhưng khi con tôi có đủ cả 2 chỉ tiêu mà lại để tránh tiếng , không dùng, thì như thế có công bằng không, đất nước có bị thiệt thòi không. Tôi tuy làm thủ tướng có hơi lâu nhưng từ năm 1990 tôi đã từ chức và người được bầu kế nhiệm là Ngô Tác Đống. Chỉ sau khi ông Đống nghỉ hưu thì Lý Hiển Long được bầu dựa vào năng lực và uy tín chứ không phải nhờ thế lực.

Hỏi- Để lựa chọn quan chức ngài chỉ dựa vào chỉ tiêu tài giỏi và liêm khiết. Ngài không quan tâm đến sự trung thành, phải chăng ngài quan tâm đến năng lực cá nhân mà xem nhẹ sự lãnh đạo tập thể.
Đáp- Có những chỉ tiêu, phẩm chất cho con người tốt nói chung, cho một công dân bình thường nói chung như yêu lao động, có trách nhiệm, trung thực, biết giao tiếp, biết yêu thương và tôn trọng con người, có lòng nhân ái, bao dung, không ích kỷ, không làm điều phạm pháp. Để có thể trở thành quan chức bạn trước hết phải đạt mức là công dân khỏe mạnh bình thường, quan chức cần thêm hai tiêu chí là tài giỏi và liêm khiết chứ không phải quan chức chỉ cần 2 tiêu chí đó mà không cần các phẩm chất bình thường khác. Tôi biết ở một số nước tiêu chuẩn số một để chọn quan chức là lòng trung thành. Họ nói là trung với lý tưởng, với ý thức hệ, lại còn tranh hơn thua là trung với nước hay trung với tổ chức, cái nào quan trọng hơn. Theo tôi tất cả những cách diễn đạt ấy chỉ nhằm che đậy một thực chất là trung với ai, người nào. Nguyên gốc của khái niệm TRUNG trong thời phong kiến là trung với vua, có nghĩa là trung với một con người. Trung với vua có nghĩa là dù vua đúng, sai, hay, dở gì thì ta vẫn phải nghe theo, là tuy anh không có tội, bị kết tội oan mà vua bảo chết, anh muốn cưỡng lại, muốn kêu oan là bất trung. Những người cầm đầu tổ chức đòi cấp dưới, đòi nhân dân trung với tổ chức, với ý thức hệ, thực ra là họ đòi, họ muốn trung với bản thân họ, ai có ý kiến khác với họ liền bị quy là không trung thành. Họ đã dùng khái niệm trung thành để buộc cấp dưới và nhân dân phụ thuộc vào họ, trở thành nô lệ cho ý thức hệ. Bản thân tôi có một ước mơ là biến đất nước Singapore thành nơi nhân tài được trọng dụng, nơi sạch bóng tham nhũng, nơi bình đẵng cho mọi sắc tộc. Để làm được việc đó tôi cần được ủng hộ của đảng PAP, của toàn dân. Tôi cũng muốn có được lòng kính trọng và sự trung thành của cấp dưới, của đồng sự nhưng tôi không yêu cầu, không đòi hỏi người ta phải thề bồi, phải hứa hẹn mà tôi phải thể hiện năng lực, đạo đức của mình để có được những thứ ấy. Khi trong thâm tâm muốn mọi người trung thành với cá nhân mình mà ngoài miệng nói yêu cầu người ta trung thành với lý tưởng thì đó là sự gian dối. Xem trong lịch sử, ở thời phong kiến, chỉ có những vị vua yếu kém, thiếu tự tin mới yêu cầu đề cao lòng trung thành, còn những vị vua anh minh, tài giỏi , tự tin lại không cần như thế, trong xã hội phần lớn các tổ chức hoạt động bí mật mới yêu cầu thành viên thề trung thành, còn những tổ chức công khai thường không có yêu cầu như vậy mà người ta đề cao lòng trung thực.
Nhiều nước quan tâm và ca ngợi sự ổn định chính trị. Theo tôi ổn định chính trị là cần thiết nhưng là để phục vụ cho một sự ổn định cao hơn là ổn định xã hội. Để có được tự do và hạnh phúc thì phải có được ổn định xã hội. Tất nhiên nếu không có ổn định chính trị thì làm sao mà ổn định được xã hội, Vậy ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần để đạt được ổn định xã hội chứ không phải là mục đích cuối cùng. Để có ổn định xã hội, tạo cho mọi người dân yên ổn làm ăn, phát huy hết năng lực của mình, trong xã hội không có trộm cướp, không có áp bức, không có tham nhũng và cửa quyền thì quan trọng là phải có được một hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, quan chức phải gồm những người tài giỏi và liêm khiết, cấp trên phải giỏi hơn cấp dưới, mọi cấp đều phải gương mẫu, cấp trên càng cần gương mẫu hơn, phải triệt để tuân thủ nguyên tắc tam quyền phân lập. Nếu chỉ quan tâm đến ổn định chính trị mà quên mất sự ổn định xã hội thì có khi để giữ ổn định chính trị lại ngấm ngầm hoặc công khai làm mất ổn định xã hội.
Đúng là chúng tôi rất quan tâm đến năng lực cá nhân. Khi đã chọn và đặt được một người tài giỏi và liêm khiết vào đúng vị trí người đó sẽ tự nghĩ ra, tự tìm ra những việc cần làm và tự chịu trách nhiệm cá nhân. Chúng tôi không xem nhẹ trí tuệ tập thể mà dùng nó theo phương pháp não công của Osborn chứ không tổ chực họp hành ban này, bệ nọ cho có hình thức. Tôi quan sát một vài quốc gia có dùng sự lãnh đạo tập thể, thấy rằng đó chẳng qua là để cho một số người che dấu sự yếu kém của mình và trốn tránh trách nhiệm mà thôi.

Hỏi- Ngài nói chọn được người tài giỏi rồi thì để họ tự nghĩ ra, tự tìm ra việc cần làm, thế thì sự lãnh đạo của đảng PAP để làm gì, không lẽ đảng PAP không lập ra các đảng ủy đặt bên cạnh và cao hơn mỗi cấp chính quyền để lãnh đạo, không lẽ đảng không vạch ra các kế hoạch 5 năm, không lập ra nghị quyết của các đại hội, thế thì các cấp bộ đảng biết căn cứ vào đâu mà lãnh đạo, chính quyền biết dựa vào đâu mà nêu chỉ tiêu phấn đấu, các tổ chức biết phương hướng nào mà phát động phong trào thi đua.
Đáp- Nghe ông hỏi mà tôi quá ngạc nhiên. Thì ra ngoài những gì diễn ra trên đất nước Việt nam với sự lãnh đạo toàn diện của đảng cộng sản phải chăng ông không biết tí gì về phần còn lại của thế giới. Đúng là tại Singapore và rất nhiều nước dân chủ trên thế giới không hề có những điều như ông nói. Chúng tôi không có khái niệm đảng lãnh đạo, chỉ có đảng cầm quyền. Chúng tôi không lập ra một hệ thống cơ quan của đảng đè lên chính quyền, tạo thành một chính quyền thứ hai, siêu chính quyền hoặc như người ta thường nói là tạo nên chế độ đảng trị. Ở Việt nam các ông đã từng có thời kỳ vua Lê chúa Trịnh với 2 chính quyền chồng lên nhau, tạo ra sự lảng phí , sự trì trệ, sự rối loạn . Mà hiện nay các ông không những có 2 mà đến 3 hệ thống chồng lên nhau, ngoài đảng và chính quyền còn thêm hệ thống Mặt trận Tổ quốc nữa. Trước đây các ông than thở một cổ hai tròng, Pháp và Nhật, nay bị đội đến 3 tầng, quá chồng chéo và lãng phí, làm sao mà không bị kiệt quệ.Vấn đề đảng cầm quyền chủ yếu là ở trung ương, đảng tự mình hoặc liên kết với các đảng khác lập ra chính phủ để thông qua quốc hội. Chúng tôi không có kế hoạch 5 năm, không có nghị quyết của đại hội đảng cho sự phát triển kinh tế, không vạch chỉ tiêu cụ thể vì các kế hoạch, nghị quyết, chỉ tiêu như vậy mang lại lợi ít hại nhiều, nó có tác hại hạn chế sự sáng tạo, làm thui chột sự năng động của cá nhân và tổ chức. Các ông đã có một thói quen tai hại là chia lịch sử phát triển đất nước thành từng giai đoạn theo nhiệm kỳ đại hội của đảng, là trông chờ vào nghị quyết đại hội. Tôi đã đọc một số nghị quyết như vậy và thấy phát ớn, mỗi nghị quyết giống như một cửa hàng tạp hóa, cái gì cũng có một ít.
Tôi cũng đã tìm hiểu phong trào thi đua của các ông và thấy rằng, trước đây , trong chiến tranh thì nó có tác dụng động viên tinh thần nhưng thời buổi xây dựng trong hòa bình thì nó chỉ còn là hình thức, mang lại lợi ít hại nhiều. Nếu nói bản chất của thi đua là mỗi người cố gắng làm tốt hơn công việc của mình thì toàn dân Singapore đều rất tự giác thi đua, chỉ có điều chúng tôi không phát động, không đề ra tiêu chuẩn nào cả, không họp hành bình bầu và phong tặng danh hiệu . Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi biết số lao động tiền tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động của nước các ông, theo tỷ lệ dân số là nhiều nhất thế giới thế mà năng suất lao động và khả năng sáng tạo được xếp vào loại rất thấp. Cũng là người Việt nhưng khi ở nước ngoài, chẳng thi đua với ai cả mà họ làm việc tốt hơn, hiệu quả cao hơn nhiều . 

Tôi đang định hỏi tiếp thì ông Lý giơ tay ra hiệu ngừng lại, ông bảo hôm nay như thế tạm đủ, nếu có dịp may sẽ cho tôi phỏng vấn lần khác. Tôi tỉnh dậy, vội bật đèn, ghi chép lại kẻo sợ quên. Trong mộng không ghi âm được. Nhớ đến đâu xin ghi lại đến đấy, có thể còn thiếu sót, mong được thông cảm.

--------------------------

XEM THÊM :

.
.
.
.
.
.
.
Nguyễn Đình Cống  -   08/08/2015
.
Vấn đề 1.
.
Vấn đề 2
.
VẤN ĐỀ 3
.
VẤN ĐỀ 4






No comments:

Post a Comment

View My Stats