Quốc Phương (BBC Việt ngữ) p/v Nguyễn Thị Từ
Huy
23 tháng 4 2016
Việc nắm giữ quyền lực chính trị một cách độc tôn và quá
lâu dài trong xã hội ngày nay có thể là một vấn đề về đạo đức đối với những chủ
thể độc quyền quyền lực trong các thể chế một đảng và chế độ chuyên chính, theo
một nhà nghiên cứu triết học chính trị từ Paris, Pháp.
Một chính thể 'độc tài độc đảng' ngày nay, để bảo tồn
quyền lực chính trị, có thể rơi vào trường hợp 'vi phạm đạo đức', khi dùng Hiến
pháp để quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối và bất biến của đảng mình, vẫn theo
ý kiến này.
TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng có vấn đề về mặt
đạo đức nếu một thể chế một đảng, và chế độ chuyên chính nắm quyền lực độc tôn
quá lâu dài.
Trong cuộc phỏng vấn qua văn bản dành cho BBC hôm
23/4/2016, Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, nhà nghiên cứu chính trị - xã hội Việt
Nam, từ Đại học Paris Diderot, Pháp cũng đưa ra cảnh báo về hậu quả xã hội đối
với một nền thống trị 'độc tài toàn trị' nếu sử dụng thủ đoạn 'nói dối' để nắm,
giữ quyền lực.
"Dối trá mang tính chất căn nguyên của chế độ, một
chế độ mà Hiến pháp tuyên bố rằng nhân dân có quyền làm chủ, nhưng quyền lực lại
chỉ thuộc về một đảng chính trị duy nhất. Và sự dối trá này sẽ dẫn tới
đâu?", Tiến sỹ Từ Huy đặt vấn đề.
"Dẫn tới sự xói mòn dần tất cả các tiêu chuẩn đạo đức,
sự sụp đổ mọi tiêu chí của sự tử tế, và sự hủy diệt trên diện rộng niềm tin vào
những giá trị như sự thật, trung thành với nguyên tắc, sự thật thà, vị tha và
danh dự..."
Vì sao còn tồn tại?
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, nhà nghiên cứu triết học
chính trị trả lời câu hỏi: Tại sao các thể chế được cho là các nền độc tài,
và chế độ chuyên chính vẫn còn tồn tại ngày nay ở một số nơi trên thế giới, hay
là vì vẫn có những hình thức ‘độc tài’ hay ‘chuyên chính’ chấp nhận được với
nhân loại?
Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy: Để trả lời câu hỏi này của ông cần phải làm một seminar nhiều kỳ, do
tính phức tạp của vấn đề. Ở đây tôi xin phép chỉ nêu một trong số các nguyên
nhân khiến cho các nền độc tài vẫn đang tiếp tục tồn tại. Nguyên nhân này
không phải do tôi tìm ra, mà nó đã được trình bày trong bản luận văn nổi tiếng,
"Luận văn về sự nô lệ tự nguyện" (Discours de la servitude
volontaire), được Etienne de La Boétie viết vào thế kỷ XVI. Tôi nhắc lại nguyên
nhân này, vì nó vẫn còn đúng cho cả thế giới hiện tại nơi chúng ta đang sống.
Tranh cãi về công tội của các nhà độc tài và
các chế độ chuyên chính mà họ nắm giữ có thể sẽ còn kéo dài trong lịch sử nhân
loại.
Etienne de La Boétie đưa ra câu trả lời cho chính cái câu
hỏi mà ông đặt ra cho tôi ngày hôm nay. Chàng trai 18 tuổi ấy viết luận văn
này nhằm tìm hiểu một hiện tượng xã hội đã khiến cho một đầu óc tự do vô
cùng ngạc nhiên: đôi khi trong lịch sử nhân loại đã xảy ra việc hàng bao nhiêu
con người, bao nhiêu đô thành, bao nhiêu quốc gia lại chịu phục tùng một kẻ
chuyên chế duy nhất, trong khi mà kẻ đó chỉ có thể có quyền lực khi những người
bị áp bức chấp thuận trao quyền ấy cho hắn, và bao nhiêu người đã trao quyền lực
cho kẻ chuyên chế để hắn làm hại mình. Thật ngạc nhiên khi thấy hàng triệu,
hàng triệu người bị chế ngự, cam chịu cúi đầu phục tùng một người duy nhất. Tại
sao có thể xảy ra một chuyện như vậy ?
Câu trả lời mà La Boétie tìm ra nằm ở trong mấy chữ này:
"sự nô lệ tự nguyện". Ông chỉ ra rằng sức mạnh của kẻ bạo chúa được
thiết lập trên sự hèn yếu và khiếp nhược của những người tự nguyện chấp nhận
ách cai trị của hắn. Chính là do được những người dân tình nguyện ủng hộ mà kẻ
độc tài có thể củng cố và mở rộng quyền lực vô giới hạn của hắn.
La Boétie viết: "Chính là nhân dân đã tự nguyện chịu
khuất phục và tự cắt cổ mình." "Nếu mọi người không tuân lệnh nữa
thì kẻ chuyên chế sẽ thất bại."
Điều
quan trọng mà La Boétie chỉ ra là: Nhân dân không cần phải đấu tranh, không cần
dùng tới bằng bạo lực, chỉ cần không phục tùng, không tuân lệnh thôi là chế
độ độc tài đã không thể tồn tại được nữa.
Chẳng
phải điều này ngày nay vẫn đúng hay sao ? Hãy nhìn vào một sự việc vừa xảy
ra: Hội nghị cử tri và hiệp thương vòng 3 của bầu cử Quốc hội kỳ này. Chẳng
phải những người dân địa phương, và nhất là ban tổ chức bầu cử địa phương, Mặt
trận Tổ quốc, đã tuân lệnh trên và dùng thủ đoạn để loại gần như tất cả ứng
viên tự do, kể cả những người mà uy tín trong cộng đồng dân cư là không thể phủ
nhận, và nếu xét từ quan điểm của chính quyền, họ không bị xếp vào hàng ngũ bất
đồng, như Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Cảnh Bình (việc cử tri của Nguyễn Cảnh Bình
làm kiến nghị về kết quả bỏ phiếu là một việc có rất nhiều ý nghĩa)?
Trong
khi nếu người dân và Mặt trận Tổ quốc bỏ phiếu cho những người đó thì họ cũng
chẳng mất gì, có chăng chỉ mất xiềng xích nô lệ.
Thông
tin về sự kiện này đã có nhiều, không cần phải nhắc lại. Ở đây, khi đề cập đến
điều này tôi chỉ muốn xác nhận rằng những gì mà La Boétie nói từ thế kỷ XVI vẫn
còn đúng cho thế giới hiện nay. Chỉ cần công dân làm đúng bổn phận của mình,
chỉ cần như thế thôi (chứ không cần phải dùng đến bạo lực) thì quyền lực độc
tài đã có thể bị vô hiệu hóa. Và cũng chẳng ai có thể trừng phạt họ được, bởi
chẳng có lý do gì để trừng phạt họ khi họ làm việc theo bổn phận và lương
tâm. Nhưng thực tế thì La Boétie nói hoàn toàn chính xác: quyền lực độc tài được
củng cố bởi vì mọi người bị chìm đắm trong "sự nô lệ tự nguyện".
Cũng
theo La Boétie, muốn thoát khỏi sự nô lệ tự nguyện này, để đi tới thoát khỏi
ách cai trị của kẻ độc tài, chỉ cần có một điều thôi: chỉ cần nhân dân muốn
có tự do. Chỉ cần có ý muốn tự do.
Tại sao
La Boétie cho rằng chỉ cần người dân muốn có tự do là đủ để khiến cho hệ thống
độc tài sụp đổ ? Có lẽ chúng ta sẽ trở lại với ý tưởng này vào một dịp khác.
Sản
phẩm của 'cầm tù'?
BBC: Phải chăng
thể chế, chế độ độc tài, ở một góc độ nào đó, là sản phẩm của tư duy bị ‘cầm
tù’ và sự cầm tù của tư duy con người?
Một người dân Trung Quốc cầm trong tay một bức
hình của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông với dòng chữ đề "Phụng sự
nhân dân" bên ngoài một Văn phòng tiếp người dân khiếu nại.
Tiến
sỹ Nguyễn Thị Từ Huy:
Trở lại với vụ việc hội nghị cử tri và hiệp thương vòng 3 của bầu cử Quốc
hội ta sẽ thấy rằng: Khi ta chứng kiến những người dân ở một xã nghèo không bầu
cho luật sư Lê Luân, với những lý do hết sức ấu trĩ, do bị ảnh hưởng bởi hệ
thống tuyên truyền các cấp, ta có cảm giác gần như là xót xa, bởi họ bị giới hạn
trong một nhận thức nhất định nên mới làm như vậy.
Hiện
tượng người dân ủng hộ chế độ độc tài do sự hạn chế của nhận thức có thể
trùng hợp với điều mà ông gọi là "tư duy bị cầm tù", xét từ phía nạn
nhân, và "sự cầm tù tư duy con người", xét từ phía những người cố
tình tạo ra xiềng xích cho tư duy của người dân. Điều đáng nói là những người
muốn trói buộc tư duy của người khác dường như không biết rằng chính tư duy của
họ cũng bị cầm tù.
Nhưng khi
ta chứng kiến cảnh đấu tố của những luật sư, của những người thuộc giới trí
thức, khi ta chứng kiến cảnh kiểm phiếu diễn ra trong một ngôi miếu hoang, bất
chấp mọi chuẩn mực hành chính, luật pháp, lương tâm và đạo lý, thì cảm giác được
gợi lên chắc chắn không còn là xót xa nữa, mà là phẫn nộ. Đó cũng có thể là phản
ứng xảy ra khi ta phải nghe những phát biểu của một đại biểu Quốc hội nhấn mạnh
"cái hay" của hoạt động vi hiến do Quốc hội khóa 13 thực hiện khi
bãi nhiệm toàn bộ chính phủ không có lý do.
Trong
những trường hợp này, vấn đề không còn ở chỗ "tư duy bị cầm tù" nữa,
mà vấn đề phải được gọi tên đúng như cách mà Hannah Arendt đã gọi (khi bà lý giải
vì sao chủ nghĩa toàn trị có thể vận hành): sự vô liêm sỉ.
Sự vô
liêm sỉ của những người tạo nên cái mạng lưới hỗ trợ cho trung tâm quyền lực
toàn trị. Vô liêm sỉ, bởi những người đó hiểu rõ sự thối nát và phản nhân đạo của
hệ thống, nhưng vẫn bảo vệ nó bất chấp sự hiểu biết của chính họ.
Vậy, để
trả lời câu hỏi này của ông, có thể nói, chế độ độc tài là sản phẩm kết hợp
giữa kiểu tư duy nô lệ và sự vô liêm sỉ của những người hưởng lợi từ hệ thống.
Theo La Boétie thì hai yếu tố này có liên quan đến nhau, trong một chừng mực
nào đó, cái này là nguyên nhân của cái kia: Thói hám lợi và sự vô liêm sỉ dẫn đến
tư duy nô lệ, và ngược lại.
BBC: Một nền độc
tài kéo dài trên dưới một thế kỷ, hay gần như thế, trong thế giới ngày nay, mà
không cho phép một lực lượng chính trị nào khác trong nhân dân và xã hội được cạnh
tranh chính thức, hoặc chia sẻ quyền lực, thì có vấn đề gì đáng bàn về đạo đức
hay không?
Tiến
sỹ Nguyễn Thị Từ Huy:
Ông đặt vấn đề rất đúng: điều đó quả là thuộc về phạm trù đạo đức. Các chế
độ độc tài cổ điển, mà La Boétie bàn đến trong bản luận văn đã nêu ở trên,
khác với một số nền độc tài trong thế giới đương đại của chúng ta ở điểm căn
bản mà tôi sẽ đề cập tới sau đây.
Những kẻ
chuyên chế cổ điển, dù đoạt được quyền lực theo cách nào (do được dân bầu lên,
do dùng vũ lực – thắng trận trong chiến tranh hoặc trong các cuộc tranh đoạt
quyền lực, do được kế thừa theo dòng dõi), và dù sử dụng quyền lực theo ý muốn
cá nhân bất chấp luật pháp, thì giữa lời nói và hành động cũng còn có sự
trùng hợp. Bởi vì những kẻ độc tài cổ điển quan niệm rằng mình có quyền lực tối
cao, còn người dân buộc phải phục tùng. Và nhân dân, một khi chấp nhận sự
cai trị thì cũng thừa nhận mình bị cai trị.
Điều
này khiến cho một vị vua như Louis XIV có thể tuyên bố: "Nhà nước chính
là ta". Như vậy, trung tâm quyền lực được xác định rõ, và kẻ độc tài tự
nhận mình là độc tài. Sự việc được gọi đúng tên của nó.
Đạo
đức bị hủy diệt
Xã hội Việt Nam đang trong một quá trình chuyển
đổi, với nhiều giá trị, chuẩn mực đang được thiết lập hoặc tái sắp xếp.
Nhưng
một chính thể độc tài độc đảng ngày nay, để bảo tồn quyền lực chính trị, có
thể rơi vào trường hợp vi phạm đạo đức, khi dùng Hiến pháp để quy định quyền
lãnh đạo tuyệt đối và bất biến của đảng mình. Mặt khác, cũng trong Hiến pháp,
lại quy định rằng nhân dân có quyền làm chủ, lại quy định rằng Nhà nước là của
dân, do dân, và vì dân.
Nghĩa
là chính đảng độc tài không thừa nhận tính chất độc tài của quyền lực do
mình nắm giữ, và muốn nhân dân tin rằng đây là một chính thể dân chủ trong đó
người dân có quyền tự do quyết định. Nhưng trên thực tế, nhân dân bị lệ thuộc
vào quyền lực của đảng độc tài. Như vậy, trung tâm quyền lực không được xác định
rõ, và đảng độc tài chối bỏ tính chất độc tài của mình. Sự việc không được gọi
đúng tên của nó.
Hiến
pháp 2013 của Việt Nam là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Điều 2 và
điều 3 của Hiến pháp này quy định quyền lực thuộc về nhân dân. Nhưng điều 4 lại
quy định quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản. Những điều luật này,
trên thực tế, loại trừ nhau, điều luật này khiến cho điều luật kia bị vô
hiệu hóa. Và điều luật này sẽ khiến cho điều luật kia trở thành dối trá.
Nếu
nhân dân có quyền làm chủ thì quyền lãnh đạo của đảng cộng sản không thể là
tuyệt đối và vĩnh viễn. Bởi vì trong trường hợp này, nhân dân có thể lập nhiều
đảng khác nhau và có thể chọn bất cứ đảng nào làm lãnh đạo, theo ý muốn của
mình. Ngược lại, nếu đảng cộng sản có quyền lãnh đạo tuyệt đối và vĩnh viễn
thì có nghĩa nhân dân không có quyền chọn lãnh đạo cho mình. Trường hợp Việt
Nam cho thấy điều 2 và điều 3 Hiến pháp 2013 chỉ là những lời nói dối.
Vì thế,
đúng như cách đặt vấn đề của ông, việc một nền độc tài dùng hiến pháp để
chính danh hóa quyền lực của mình là một sự vi phạm đạo đức, do tính chất dối
trá của nó. Đây là sự dối trá mang tính chất căn nguyên của chế độ, một chế
độ mà Hiến pháp tuyên bố rằng nhân dân có quyền làm chủ, nhưng quyền lực lại
chỉ thuộc về một đảng chính trị duy nhất. Và sự dối trá này sẽ dẫn tới đâu?
Nó chỉ
có thể "dẫn tới sự xói mòn dần tất cả các tiêu chuẩn đạo đức, sự sụp đổ mọi
tiêu chí của sự tử tế, và sự hủy diệt trên diện rộng niềm tin vào những giá trị
như sự thật, trung thành với nguyên tắc, sự thật thà, vị tha và danh dự. Cuộc sống
- trong quá trình đồi phong bại tục như thế, tức là quá trình có xuất xứ từ việc
người ta mất hết mọi hy vọng và mất hết niềm tin rằng cuộc sống có một ý nghĩa
nào đó – phải chìm xuống mức tồn tại sinh học, chẳng khác gì cây cỏ. […] Giá phải
trả là tinh thần bị tê liệt, tình thương không còn và cuộc đời bị tàn phá. […]
Giá phải trả là sự khủng hoảng cả về mặt tinh thần lẫn đạo đức."
Kết
luận này tôi trích lại của Vaclav Havel, bởi ông ấy nói quá chính xác, nếu ta
quy chiếu nhận định này về thực tế của chúng ta ngày nay. Hãy nhìn những đàn
cá đang chết trên quê hương. Cá phải chết là bởi đời sống tinh thần của con người
đã chết, trách nhiệm đã chết, đạo đức của con người đã bị hủy diệt.
Khủng
hoảng tinh thần và đạo đức vẫn sẽ còn tiếp tục, cho đến một ngày người dân
Việt Nam tự nhủ: đủ rồi, dối trá thế đủ rồi, tự hủy diệt mình như thế đủ rồi,
chúng ta cần một cuộc sống đúng nghĩa, sống trong sự trung thực, lương thiện
và với phẩm giá xứng đáng.
Hoặc
là cho đến một ngày những người lãnh đạo hiểu ra những nguy hiểm, những sự hủy
diệt mà họ đang gây ra cho dân tộc, cho chính họ, và cho con cháu của họ, để
đi tới quyết định áp dụng một nền chính trị cho phép phục hồi các giá trị đạo
đức và tinh thần, đảm bảo một đời sống trong sạch và lành mạnh cho toàn xã
hội, cho phép xây dựng và phát triển quốc gia một cách vững mạnh; nghĩa là đi
tới một quyết định sáng suốt như quyết định mà ông Thein Sein đã thực hiện ở
Miến Điện.
-----------------------
Tiến sỹ Nguyễn
Thị Từ Huy có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy
tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về
triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot, Pháp.
No comments:
Post a Comment