Wednesday, 27 April 2016

PHÁP QUYỀN & PHÁP TRỊ (Lê Tuấn Huy - Bauxite VN)





Lê Tuấn Huy
27/04/2016

1.
Sự việc quán Xin Chào, xét về pháp quyền, việc can thiệp của Bí thư Đinh La Thăng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều sai. Nhưng về pháp trị, hai ông đều đúng, vì đó là cách duy nhất mới "trị" lại được cái "trị" bằng pháp của phía công an.

Công an Bình Chánh, khi khơi mào sự việc, đã dùng pháp trị chứ không phải pháp quyền. Sáng 21/04/16, Công an thành phố lại dùng đến những lập luận kiểu pháp trị để hậu thuẫn cho việc làm của cấp dưới. Nếu Thủ tướng Phúc không tức thời có ý kiến, chắc chắn họ sẽ tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn của viện kiểm sát và tòa án sở tại, bằng việc đưa ra xét xử theo kết luận điều tra đã có.

Nói như vậy không có nghĩa là ủng hộ việc làm của ông Thăng và ông Phúc, mà rằng, cái bế tắc của tư pháp nói riêng và thể chế chính trị VN nói chung là ở chỗ: đã thay nền pháp quyền bằng pháp trị.

2.
Trong truyền thống học thuật và xã hội phương Tây, hầu như không cần thiết để phân biệt giữa pháp quyền và pháp trị. Ở nơi mà chế độ phong kiến tập quyền không đè nặng lên tiến trình lịch sử, dù không thể tránh khỏi những lúc thoái trào hay trúc trắc, thì việc rời khỏi nền chuyên chế bằng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nói chung, không gặp phải những “biến hình” tương phản.

Ở phương Đông, tư tưởng trọng pháp đã đi vào hiện thực rất sớm. Thương Ưởng (?-339 TCN) với “biến pháp” và “định pháp” đã góp phần lớn vào sự ổn định của nhà Tần. Đến Hàn Phi Tử (280-233 TCN) thì Pháp trị trở thành một lý luận có hệ thống. Dù không được quê hương của mình (nước Hàn) coi trọng, tư tưởng của ông đã được nước Tần bên cạnh vận dụng[1].

Trải mấy nghìn năm kể từ đấy, pháp trị kết hợp với đức trị, đã đi cùng với nền phong kiến tập quyền, và tiếp tục được tận dụng dưới những chính thể chuyên chế hiện đại ở Trung Hoa và phương Đông.

Tư duy pháp trị theo kiểu Pháp gia đã đi vào tâm thức của các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nước Đông Á tiến đến dân chủ bằng thời kỳ quá độ của một nền độc tài trọng pháp.

Việt Nam cũng nằm trong vùng ảnh hưởng đó. Và trong giới lý luận, với xu hướng quay về “bản sắc dân tộc”, không ít người xem pháp trị kiểu Hàn Phi là liều thuốc thể chế.

Học thuyết pháp trị của Hàn Phi Tử mang nhiều yếu tố thực tiễn và tích cực, có thể chọn lọc và vận dụng vào ngày nay. Tuy nhiên, cùng với chủ trương chủ trương tập quyền, trong vấn đề tương quan quyền lực, nó (đương nhiên) thiếu vắng những đặc trưng đa thể, đa tương tác, đa chiều cạnh trong quan hệ giữa chủ thể quyền lực, khách thể quyền lực và phương tiện quyền lực (xem Phụ lục). Trong học thuyết Hàn Phi, đó là sự tương tác một chiều, từ chủ thể quyền lực hướng đến khách thể quyền lực, thông qua pháp luật; là cai trị và trừng trị dân chúng và quan lại bằng pháp luật, tạo sự ổn định xã hội, ngõ hầu giữ vững quyền lực chuyên chế cho chính quyền trung ương. Chỉ có thế, mà không có sự kiểm soát ngược, và (đương nhiên) cũng không có vấn đề nhân quyền hay dân quyền...

Cần xét đến một điểm yếu tương đối phổ biến trong tư duy không ít người Việt, là thường hiểu vấn đề trên mặt chữ. Cho nên, việc trùng lắp chữ “pháp trị” giữa pháp trị kiểu Hàn Phi với pháp trị kiểu mới, là một nguy cơ cho cả lý luận lẫn thực tiễn.

Bởi thế, cho dù “rule of law” đã được dịch là “pháp trị” từ trước năm 1975 (ở miền Nam), đã ăn sâu vào cách dụng ngữ của nhiều người, đã xứng hợp ngữ âm với những các từ như quân trị, dân trị, đức trị, v.v, tôi thấy vẫn cần phân định giữa “pháp quyền” và “pháp trị”, với “pháp quyền” (và “nhà nước pháp quyền”) gắn với nhà nước dân chủ hiện đại, còn “pháp trị” đi với tinh thần dụng pháp theo kiểu Pháp gia.

Trong sự vận động của ngôn ngữ, từ ngữ không phải định hình cố định một lần, mà sẽ thay đổi theo sự thay đổi của nội hàm (và ngược lại), và theo sự thay đổi của sắc thái, nội dung thời đại. Có nhiều ví dụ về việc này, cả trong từ ngữ chuyên môn lẫn thông thường. (Chẳng hạn, Utilitarianism ban đầu được dịch là “thuyết Vị lợi”, nhưng sau được điều chỉnh lại, đúng hơn, là “thuyết Công lợi”, dù rõ ràng trên con chữ, tưởng chừng “vị lợi” sát nghĩa hơn vì không thấy chữ “công” nào ở từ nguyên cả. Hay như chữ Minister là “bộ trưởng”, nhưng nếu đem từ đó dịch cho chức vụ này ở thời gian trước các nền cộng hòa sau các cuộc cách mạng ở châu Âu, là không thể chấp nhận được, dù khi ấy đã được gọi là “minister”).

Cũng cần nói thêm, khái niệm “rule of law” hay “pháp trị” phương Tây (theo cách dịch cũ) sinh ra trong bối cảnh mà quan hệ chính trị hầu như chỉ xoay quanh cái “rule” đó, tức vấn đề cai trị và bị trị, cai trị như thế nào và bị trị ra sao: chữ “trị” trở thành “từ khóa”. Ngày nay, lõi vẫn thế, nhưng sự vận động của chính trị đã đi rất xa từ tâm điểm ban đầu ấy. Tiếp cận đến triết học chính trị (và chính trị học) hiện đại, với những vấn đề như công bằng, quyền tự do và các quyền khác, tự trị cá thể, phẩm hạnh công dân, các nhóm thiểu số..., ta sẽ thấy tương quan của chữ “trị” (cai trị – bị trị) đã chuyển hóa sang chữ “quyền” (quyền trong “power” và cả trong “ringts”). “Rule of law” không hề mất đi cả trên con chữ lẫn nội dung, nhưng đã chuyển biến về nội hàm và ngữ nghĩa.

3.
Thực tế, ngoài sự bảo thủ ý thức hệ, một trong những nguyên nhân khiến tiến trình cải cách chính trị Việt Nam chệch choạng, chính là hiểu nhà nước pháp quyền theo kiểu pháp trị. Và hơn thế, là một kiểu pháp trị gần như cực đoan: chủ thể quyền lực, ở những tầng nấc khác nhau, có thể thao túng hoàn toàn luật pháp:

- Dùng hiến pháp và luật pháp bảo đảm cho sự tập trung quyền lực chuyên chính, trên mọi mặt xã hội.
- Lấy cái “vô pháp” để vô hiệu cái “hữu pháp”: dùng luật pháp để “tái điều chỉnh” hiến pháp (trong các vấn đề về quyền chính trị và các quyền tự do khác).
- “Biến pháp” vô định: dùng hệ thống pháp quy nhiều tầng để “tái điều chỉnh” pháp luật.
- “Định pháp” vô lường: chú trọng “trị (dân) chúng” hơn “trị (quan) lại”.
- v.v.

Một thời gian không hề ngắn ngủi vừa qua đã cho thấy, việc dụng pháp trên tinh thần chuyên chế đang từng bước đẩy xã hội đến bờ vực tan rã. Nguy cơ của một nền pháp trị khoác áo pháp quyền đã hiển hiện chứ không còn là lo âu hay dự báo nữa.

4.
Những ý kiến không đồng tình việc Thủ tướng Phúc yêu cầu dừng vụ án quán Xin Chào, có lý lẽ rất hợp lý, đại ý: phải tôn trọng tính độc lập của luật pháp và ba nhánh quyền lực, không thể để cảm giác bênh vực người yếu thế che mờ pháp luật, nên một khi đã có lịch xét xử, phải để tiến trình pháp lý được tiếp tục...

Ý kiến kiểu này không sai, nhưng chỉ là lặp lại kiến thức suông, một cách máy móc, mà không biết đến bối cảnh cụ thể, không gắn với cuộc sống.

Luật pháp là do con người định ra và thi hành, nhằm phục vụ cho con người. Khi "con người" chỉ được hiểu như một nhóm, một thành phần, hoặc được hiểu là ưu tiên cho chủ thể quyền lực, thì luật pháp đó chỉ phục vụ cho nhu cầu pháp trị, không phải pháp quyền.

Trong khi người dân bị áp chế bằng pháp trị, tức bị công quyền trị bằng cái pháp tùy tiện, thì lại đòi hỏi phục tùng nó tuyệt đối bằng tinh thần pháp quyền. Khi vẫn chưa có được nền tư pháp độc lập, sự chi phối theo hàng dọc và hàng ngang là điều bình thường của hệ thống tòa án, thì chủ quán Xin Chào chắc rằng không khỏi thoát cảnh “án tại hồ sơ”. Biết như thế, mà vẫn cho rằng ông Nguyễn Văn Tấn cần phải hầu tòa để bảo đảm vị thế của pháp luật, thì thực chất chỉ là xem con người như công cụ, như một viên gạch lát trên con đường đi đến một xã hội thượng tôn luật pháp, mà không xuất phát từ cái gốc nhân bản của pháp luật.

Phong cách đó, là hướng đến pháp quyền bằng tư duy pháp trị.

Cũng có ý kiến cho rằng không đồng tình với việc làm của Thủ tướng Phúc là xuất phát từ cái nhìn hướng đến tương lai, vì sự can thiệp ấy có thể đem lại tác hại đối với nhiều vụ việc khác về sau.

Ý kiến đó hoàn toàn đúng, nếu xét trong bối cảnh pháp quyền. Tuy nhiên, như đã nói, chúng ta đang tồn tại trong môi trường pháp trị, không phải pháp quyền.

Ngoài ra, nếu suy nghĩ mang nhiều tính pháp quyền hơn, ta sẽ thấy rằng, tại sao cứ phải cho rằng ông Tấn cần tiếp tục chịu chế tài tư pháp để bảo đảm tính độc lập của luật pháp, mà không thấy rằng phía công an phải chịu sự chế ước của xã hội để tăng cường tính minh bạch và công chính, và cũng bởi chính họ mới là lực lượng phải biết thượng tôn luật pháp và tinh thần công minh trước tiên?

Thêm nữa, liệu hy sinh ông Tấn để bảo đảm tiến trình pháp lý, sẽ không có tác hại đối với nhiều vụ việc về sau, mà chúng ta đã thấy, là nguy cơ chế độ công an trị?

Trên bình diện chính trị, những người quan tâm đến thời cuộc hẳn đã thấy quá rõ nguy cơ công an trị trên cơ sở tuân thủ vô điều kiện "quy trình pháp lý" của cơ quan này. Những cái chết do “tự treo cổ” trong tư thế ngồi hay quỳ trong đồn công an, đều có kết luận đúng “quy luật khoa học” và “biểu hiện y khoa”, mà không có sự can thiệp nào của cơ quan hành pháp đủ thẩm quyền, há không phải là đã khuyến khích quyền “trị chúng” vô tội vạ của họ? Liên tục, ông Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Văn Bỉ, rồi bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc bị chế tài pháp lý một cách phi pháp (và đây nữa, cập nhật thêm vụ mới nhất: doanh nghiệp đóng tàu PPC kêu cứu), nếu không được can thiệp, há không phải đã củng cố sự thao túng pháp luật đến độ cùng cực từ phía công an?

Còn trên bình diện kinh tế, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm VPCP cũng nói về nguy cơ đó, dù không dùng từ “công an trị”.

5.
Từ sau Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, việc ông Đinh La Thăng và bí thư tỉnh ủy những nơi khác trực tiếp chỉ đạo nhiều sự vụ thuộc thẩm quyền của chính quyền, là bước lùi tai hại của cải cách chính trị, mà phương châm đã được xác định qua nhiều kỳ đại hội, là: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, đường lối, chứ không trực tiếp can thiệp hay làm thay công việc của chính quyền.

Dường như ban lãnh đạo Đảng hiện nay (và những nhà lý luận xoay quanh họ) đang muốn “xét lại” luận điểm này và xây dựng một quan niệm “mới” về quyền lực. Có lẽ – theo cách nhìn của họ – phải làm điều này vì sự thao túng của các nhóm lợi ích đối với chính quyền trong thời gian dài vừa qua, là nguyên nhân của sự thoái hóa trong Đảng và nhà nước, đẩy xã hội đến bờ vực.

Không thể ủng hộ việc can thiệp của đảng phái vào chính quyền, cũng như của nhánh quyền lực này vào việc của nhánh quyền lực khác, nhưng không thể không thừa nhận rằng, cuộc sống đang cấp bách đòi hỏi sự xuất hiện của những con người đủ bản lĩnh, quyết đoán, và đủ quyền lực, để tức thời có quyết định theo hướng ích nước, lợi dân.

Song, đó là sự khác biệt về phạm vi, giữa dài hạn và ngắn hạn.

Trước mắt, Đảng Cộng sản Việt Nam có thể thu được những kết quả nhất định bằng chủ trương can thiệp trực tiếp, nhưng về lâu dài, chính điều này sẽ hủy hoại cải cách, bung xung thể chế, và phá hoại cả nội bộ đảng.

Giải pháp triệt để và đúng đắn nhất chỉ có thể là xây dựng một nền chính trị phân quyền và đặt mọi đảng phái vào đúng vị trí của nó, trong môi trường chính trị có cạnh tranh.

Tuy nhiên, xây dựng nền pháp quyền chân thật là việc còn dài, giúp người, phản đối nền công an trị là việc trước mắt. Và không nên nhầm lẫn giữa hai “thời hiệu” ấy. Do vậy, ý kiến gì, nếu xuất phát từ cái tâm đổi mới thật sự, nếu không đi xa đến mức đặt vấn đề về thể chế, thì không nên lấy phận người làm công cụ, do có sự lẫn lộn nào đó.

22 – 25/04/16
L.T.H

*
Phụ lục

Các đặc trưng của nhà nước pháp quyền nhìn từ cấu trúc của hệ thống quyền lực
Phụ lục này tương đối chuyên sâu. Người không quan tâm đến chuyên môn, không nhất thiết đọc đến.

Để nhận biết sự khác nhau giữa pháp quyền và pháp trị, cần nhận diện những khác biệt đặc trưng của cấu trúc ba thành tố của quyền lực dưới nhà nước pháp quyền, khi so với nhà nước không pháp quyền trong xã hội cổ đại hay dưới nhà nước phong kiến, cũng như ở các hình thức nhà nước chuyên quyền hiện đại.

Ba thành tố đó là chủ thể quyền lực, khách thể quyền lực, và phương tiện quyền lực.

1. Chủ thể quyền lực dưới nhà nước pháp quyền
Trong nhà nước không pháp quyền, chủ thể quyền lực, dưới hình thức duy nhất của nó – người cai trị hoặc thành phần cai trị – là thực thể độc tôn có quyền lực chính trị và quyền ra quyết định chính trị, thể hiện ý chí của chính họ. Quyết định được đưa ra trực tiếp từ con người nắm giữ quyền lực, dưới hình thức chiếu chỉ, sắc dụ, sắc lệnh, quyết định thành văn hay quyết định phát ngôn. Đó là những mệnh lệnh tuyệt đối, không có sự phản hồi, đánh giá, nhận xét ngược, hoặc có nhưng không có hiệu quả, từ phía khách thể quyền lực.
Do có sự độc quyền quyền lực cũng như việc quyền lực thể hiện dưới hình thức ban bố trực tiếp nhất, dưới những nhà nước loại này, quyền lực chính trị gần như đồng nhất với quyền lực nhà nước.

Còn dưới nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Bản chất cuối cùng của mọi quyền lực nhà nước vẫn thuộc về bản chất của một giai cấp hay một thành phần xã hội giữ vai trò thống trị trong một thời đại lịch sử, hay của thành phần hoặc nhóm xã hội mà do những diễn tiến, tình thế lịch sử-xã hội cụ thể mà trở thành chủ thể nắm giữ quyền lực; nhưng trong nhà nước pháp quyền, nhà nước không chỉ được nhận thức là công cụ cai trị và thành phần cai trị, mà còn được nhận thức và tự nhận thức, là bộ máy phục vụ liên quan đến quảng đại công chúng. Do vậy, trong nhà nước pháp quyền, nhà nước không chỉ là nhà nước giai cấp, mà còn là nhà nước cộng đồng, nhà nước nhân dân. Đó chính là xuất phát điểm của một nhà nước của dân, do dân, và vì dân. Quyền lực nhà nước với tư cách quyền lực của một tổ chức xã hội đặc biệt vẫn tồn tại, nhưng nhân dân được thừa nhận và pháp lý hóa như là quyền lực gốc cuối cùng của quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, một mặt, “nhân dân” ở đây có tính ước định lịch sử. Vào giai đoạn hình thành nhà nước pháp quyền tư sản, nhân dân được hiểu như toàn bộ các thành phần xã hội nằm ngoài giai cấp phong kiến, để rồi cùng với việc củng cố địa vị giai cấp trong một nhà nước mới, “nhân dân” dần dần thu hẹp lại đến mức quyền lực của nó nằm trong tay thiểu số xã hội. Mặt khác, cũng cần phân biệt giữa một nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, với một bên là tính hình thức của ngôn từ.

Nhà nước của dân, do dân và vì dân đối lập với các nhà nước không pháp quyền (nhà nước vương quyền, giáo quyền, chuyên quyền, nhà nước hoạt đầu, độc tài…) vốn được chủ thể quyền lực của nó tự phong là nhà nước thiêng liêng, nhà nước thần thánh, nhà nước siêu việt nào đó của thiên mệnh, của thượng đế, hay của một thành phần tinh hoa, ưu tú (quý tộc, tướng lĩnh, giai cấp…).

Dưới những nhà nước không pháp quyền, sự chuyển giao quyền lực giữa các thế hệ chủ thể là cơ chế nối-truyền (gia đình, dòng tộc, nội bộ bộ phận nắm quyền…). Công chúng hoàn toàn không tham gia vào tiến trình này, hoặc “tham gia” một cách hình thức.

Nhà nước pháp quyền là một bộ máy quyền lực được nhân dân bầu chọn, và quyền lực có được là quyền lực uỷ thác mà không phải là một nhà nước truyền nối và quyền lực tự phong.

Quyền lực trực tiếp cá nhân trong nhà nước không pháp quyền trở thành quyền lực của pháp luật thông qua vận dụng của con người dưới nhà nước pháp quyền. Nhà nước, quyền lực nhà nước, chủ thể quyền lực nhà nước nay phải chịu sự ràng buộc của pháp luật. Bên cạnh đó, quyền lực nhân dân được xác định và thực thi hiệu quả không chỉ từ sự gián tiếp mà cả bằng những định chế chính trị, xã hội trực tiếp.

Ở những nhà nước chuyên quyền, dưới những hình thức, mức độ, giai đoạn lịch sử khác nhau, quyền lực tập trung về một cá nhân (vua, nhà độc tài…), một nhóm đầu sỏ (hội đồng quân sự…). Những loại định chế này tự định đoạt mọi vấn đề của đất nước, từ chính trị, quân sự, đến tôn giáo, văn hóa…, trên mọi phạm vi quyền lực (pháp quy, hành xử, phán xử). Và theo đơn vị hành chánh mà mức độ, phạm vi và biểu hiện của sự chuyên quyền được phân phong về các địa hạt. Quyền lực tối cao ở địa phương cũng được sử dụng theo ý chí, sở thích, “ngẫu hứng” của chủ thể.

Đối lập với sự chuyên quyền, nhà nước pháp quyền không để cho một cá nhân, một nhóm đầu sỏ, một định chế tồn tại như một quyền lực tối cao, thâu tóm và quyết định mọi vấn đề. Từ đây, có sự phân biệt trong phạm vi nắm giữ và thực hiện quyền lực là một trong những đặc trưng bản chất nhất của nhà nước pháp quyền, dù theo mức độ và diễn đạt từ ngữ, điều này có thể được gọi là phân quyền hay phân công quyền lực nhà nước.

Một đặc trưng khác trong phạm vi chủ thể quyền lực dưới nhà nước pháp quyền, là có sự phân công quyền lực xã hội theo những địa hạt khác nhau của đời sống xã hội (đời sống chính trị, văn hóa, đời sống tâm lý, tâm linh, đời sống cá nhân, đời sống khoa học…).
Biểu hiện dễ nhận ra nhất của điều này là có sự tách rời giữa nhà nước với nhà thờ. Giáo hội không can thiệp vào công việc nhà nước và luật pháp dân sự; ngược lại, nhà nước không can thiệp vào công việc tôn giáo và các giáo luật không vi phạm luật công dân. Nhà nước thế tục và sự tự do tôn giáo là hệ quả của điều này.

Cũng có sự tách rời, dù không tuyệt đối, giữa địa hạt chính trị với các địa hạt kinh tế, đạo đức, văn hóa, khoa học…, giữa tôn giáo với khoa học, giữa cộng đồng và cá nhân. Hệ quả là nhà nước pháp quyền không hàm chứa sự kế hoạch hóa tuyệt đối nền kinh tế, mà thay bằng sự tự chủ kinh tế; nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước lễ trị hay đức trị mà là pháp trị; nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước toàn trị, mà là nhà nước của sự sáng tạo văn hóa, năng động khoa học; nhà nước pháp quyền không phải là một khối thần dân thuần nhất mà là một liên hiệp các cá nhân công dân có bản sắc riêng.

Như vậy, dưới nhà nước pháp quyền, bên cạnh quyền lực nhân dân đóng vai trò như chủ thể gốc cuối cùng, là một nhà nước có sự phân công quyền lực, và đồng thời với sự phân công trong chính mình, nhà nước cũng chịu sự phân công trên bình diện toàn xã hội, tách rời tương đối địa hạt chính trị của nhà nước với các địa hạt khác. Vì thế, nhà nước pháp quyền là một nhà nước có giới hạn chứ không phải một thực thể tối cao. Đồng thời, nhân dân cũng không thể triển khai quyền lực gốc một cách vô chính phủ, mà chịu sự ước định của thỏa ước công dân ở dạng hiến pháp. Và, thành phần của chủ thể quyền lực đó cũng không phải chỉ là nhà nướcnhân dân, mà từ nhân dân với tư cách cộng đồng các cá thể, cá nhân công dân theo đó cũng đã tồn tại một phần trong hệ thống quyền lực.

Có thể nói, dưới nhà nước pháp quyền, xét về thành phần của chủ thể, ta có một thành phần đa chủ thể. Ngoài nhà nước với tư cách là chủ thể đặc trưng và chủ yếu nhất của hệ thống quyền lực, còn có những chủ thể phi nhà nước. Xét về phạm vi quyền lực của chủ thể, ta có những thực thể quyền lực hữu hạn dưới các tác nhân ước chế khác nhau.

2. Khách thể quyền lực dưới nhà nước pháp quyền
Dưới nhà nước không pháp quyền, tương phản hoàn toàn với chủ thể, khách thể quyền lực – tức khối đông quần chúng hay những thành phần còn lại ngoài chủ thể quyền lực – không có quyền ra quyết định chính trị mà chỉ phục tùng tuyệt đối ý chí, tuân thủ vô điều kiện những quyết định chính trị thành văn hay bất thành văn. Họ không có quyền lực chính thức nào được thừa nhận, hay thừa nhận nhưng không thực chất. Cho dù “quyền lực gốc”, ở đâu và thời đại nào, cuối cùng cũng nằm ở quần chúng nhân dân, nhưng dưới nhà nước không pháp quyền thì quyền lực đó không được chính thức hóa, pháp lý hóa, hiện thực hóa, mà là loại quyền lực vô tổ chức, không hệ thống, tự phát, thậm chí là loại “quyền lực” nằm ngoài vòng pháp luật.

Khách thể mang quyền lực chính trị là đặc trưng đầu tiên của khách thể quyền lực dưới nhà nước pháp quyền, ở cấp độ của tổng thể quần chúng nhân dân, tổ chức xã hội, cũng như các cá nhân.

Quyền lực chính trị của chủ thể dưới nhà nước pháp quyền thể hiện dưới hình thức quyền lực nhà nước. Nó chủ yếu sử dụng các công cụ nhà nước và công cụ xã hội có liên quan, như bộ máy cưỡng bức, đường lối, chính sách, luật pháp…, nhằm điều tiết các quan hệ giữa nhà nước với công dân, công dân với công dân, giữa các đơn vị nhà nước với nhau, và giữa các nhà nước. Trong khi đó, khách thể mang quyền lực chính trị dưới hình thức quyền lực phi nhà nước. Quyền lực đó cho phép khách thể ước chế, điều chỉnh lại chính nhà nước, từ bộ máy, nhân sự, cho đến những chính sách của nó, bằng sự phản hồi công dân dưới nhiều hình thức, từ việc phát ngôn quan điểm cho đến sự lựa chọn chính quyền, và cả sự bất tuân dân sự... Dưới nhà nước pháp quyền, khách thể quyền lực có được tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định sự tồn tại của một chính quyền hay truất phế nó để thay bằng một chính quyền khác.

Nhà nước thực thi quyền lực của mình thông qua việc sử dụng những công cụ của bộ máy quyền lực “hữu hình”. Quyền lực này là bộ phận chủ yếu nhất của quyền lực chính trị nhưng lại không đồng nhất hoàn toàn vào đó, đặc biệt là dưới nhà nước pháp quyền. Xét toàn thể quyền lực chính trị thì việc thực thi quyền lực không chỉ là ở các công cụ của bộ máy, mà còn là những phương tiện tương tác giữa nhà nước với xã hội, giữa quyền lực “vô hình” của quần chúng với quyền lực “hữu hình” của nhà nước, trên phạm vi của toàn bộ đời sống chính trị-xã hội, mà trong đó quyền lực nhà nước là một cấu thành. Trong khi quyền lực nhà nước thể hiện quyền lực chính trị của chính nó, thì quyền lực chính trị bao hàm một phạm vi rộng hơn. Ngoài quyền lực nhà nước, nó còn là quyền lực của hệ thống chính trị-xã hội cũng như của từng cấu thành trong hệ thống đó, và cũng không thể thiếu là quyền lực của quần chúng nhân dân.

Nhưng để là khách thể mang quyền lực chính trị, đó trước hết phải là khách thể mang quyền, gồm các quyền con người và quyền công dân.

Quyền con người là những quyền tự nhiên mà mỗi cá thể xã hội đương nhiên có. Nhưng sự đương nhiên này phải được hiến định, trở thành các quyền pháp định và tồn tại hiện thực trong thực tế. Các quyền con người không phải là một hệ thống cố định một lần mà là nâng cao và mở rộng theo sự phát triển của xã hội và thời đại.

Nhóm quyền chính trị là quan trọng hàng đầu trong số các quyền công dân. Đó là các quyền bầu cử, ứng cử, quyền lập hội, hội họp, biểu tình, quyền tham gia đảng phái… Các quyền tự do về thân thể, tự do tinh thần và tư tưởng cũng không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền.

Song hành với hệ thống các quyền là hệ thống các nghĩa vụ mà người công dân phải tuân thủ. Và cũng như quyền con người, chúng tồn tại dưới dạng pháp định như bước đầu tiên phải có để trở thành các quyền và nghĩa vụ hiện thực.

Khi khách thể quyền lực là những cá thể mang quyền và quyền lực chính trị, họ không thể tránh khỏi là những khách thể tự do.

Nhà nước pháp quyền trong một xã hội pháp quyền đồng thời cũng là nhà nước pháp quyền trong xã hội công dân. Trong xã hội đó, khách thể quyền lực không tồn tại với tư cách thần dân hay giáo dân trong nhà nước chuyên quyền hay nhà nước giáo quyền, với sự thuần phục tuyệt đối trước những tín điều – dù là tín điều thế tục hay tín điều tôn giáo – như một định mệnh lịch sử “bẩm sinh hóa” vào các thế hệ người nối tiếp nhau. Thay vào đó, họ là những khách thể ý thức về sự tồn tại chính mình như một thực thể độc lập trong tổng thể xã hội. Họ không là những người phủ phục thụ động trước chủ thể quyền lực được cho là gắn liền với sự “uỷ mệnh” của thiên mệnh, vận mệnh. Thay vào đó, họ độc lập trước những lực lượng quyền lực tối thượng tự phong vốn luôn viện dẫn đến những thế lực bên ngoài hay lực lượng định mệnh lịch sử.

Với tư cách khách thể tự do, họ là những cá thể vừa mang tính cộng đồng, vừa có bản sắc riêng. Thực tế thì cá thể dưới mọi thời đại, mọi nhà nước đều là những cá thể không lặp lại, nhưng chỉ dưới nhà nước pháp quyền, trong xã hội pháp quyền, bản sắc cá thể – với quan niệm “chủ quyền cá nhân”, “tự trị cá thể” – mới được ý thức bởi chính mỗi cá nhân, được tôn trọng bởi nhà nước, và được bảo đảm bởi luật pháp. Bản sắc cá thể thể hiện cả ở đời sống cá nhân và đời sống cộng đồng. Họ có thể cùng lúc hiện diện trong những loại cộng đồng khác nhau (cộng đồng tôn giáo, chính trị, thế hệ…), nhưng vẫn không mất đi, không bị cưỡng bức công khai hay không công khai phải bỏ đi bản tính cá thể độc lập của mình. Các quyền hiến định và pháp định cho phép họ không bị tuyệt đối chi phối từ những quy định không phù hợp với các tiêu chuẩn pháp quyền từ các cộng đồng đặc thù.

Khách thể quyền lực trong nhà nước pháp quyền có thể gia nhập vào bất cứ lĩnh vực xã hội nào, kể cả chính trị, trên cơ sở khả năng của mỗi cá thể, mà không bằng sự truyền nối hay “kế hoạch”, “phân công” chủ quan từ nội bộ vốn không vượt ra ngoài phạm vi của chủ thể quyền lực như dưới những nhà nước không pháp quyền. Từ đây, công chúng – như những cá thể tự do mang quyền và quyền lực chính trị – không còn là những đối tượng thụ động, mà trở thành những chủ thể năng động trong hệ thống quyền lực xã hội và chủ động dự phần vào đời sống chính trị.

Như vậy, khách thể quyền lực dưới nhà nước pháp quyền, tuy vẫn giữ đặc trưng là đối tượng tác động của chủ thể quyền lực, nhưng tác động này nay đã chuyển thành một tương tác mà không còn là tác động một chiều. Là những khách thể mang quyền lực chính trị, họ như những thành phần vừa chính thức vừa không chính thức trong hệ thống quyền lực nhà nước. Với tư cách tổng thể quần chúng nhân dân, họ nắm giữ quyền lực gốc của quyền lực nhà nước. Với tư cách các cá thể hay những nhóm các thể mang quyền, họ như những tế bào, cơ phận của hệ thống quyền lực so với những tế bào “thần kinh trung ương”, cơ phận trung tâm là chủ thể quyền lực nhà nước. Như những công dân không phủ phục dưới sự nhào nặn của chủ thể quyền lực mà tham gia vào chính hoạt động của chủ thể, họ trở thành một loại bán chủ thể quyền lực, hay một chủ thể quyền lực không thường trực, không định hình cố định. Đó là những điều được thừa nhận về mặt xã hội và pháp lý.

Từ “quyền lực tối cao” của vua chúa, nhóm đầu sỏ, hay lãnh tụ thần thánh hóa trong nhà nước không pháp quyền, nay được “phân bổ” lại theo những phạm vi khác nhau trong nhà nước pháp quyền. Nó trở thành “chủ quyền quốc gia”, “chủ quyền nhà nước” trong tương quan liên quốc gia. Nó trở thành “chủ quyền nhân dân”, “quyền lực tối cao của nhân dân” trong quan hệ nhà nước – nhân dân. Nó là sự “tự trị” cá thể, bản sắc cá nhân trong quan hệ nhà nước – cá nhân – cộng đồng.

Một khi đã mang quyền, quyền lực chính trị, và là những thực thể tự do, khách thể quyền lực trong nhà nước pháp quyền cũng có các phương tiện, công cụ để thực thi và bảo vệ những điều này. Chúng nằm trong tổng thể chung của phương tiện quyền lực trong nhà nước pháp quyền.

3. Phương tiện quyền lực dưới nhà nước pháp quyền
Dưới nhà nước không pháp quyền, phương tiện quyền lực thuần túy và tuyệt đối phục vụ chủ thể quyền lực, và cũng chỉ thực hiện tương tác một chiều, từ chủ thể đến khách thể. Đồng thời chúng cũng không cố định, đầy đủ, toàn diện và đồng bộ về mặt hình thức, hoặc có đó nhưng không thực chất.

Các hình thức và công cụ phổ biến của quyền lực nhà nước là lực lượng cưỡng bức, thuế vụ, chính sách, luật pháp…, dù có những biến thể theo hình thức nhà nước và đặc trưng khác nhau ở mỗi thời đại nhưng đều cùng có ở các hình thức nhà nước, dù chuyên quyền, cực quyền, hay pháp quyền. Nhưng chính từ thực chất công cụ và tương tác quyền lực mà, cùng với chủ thể và khách thể quyền lực trong nhà nước pháp quyền, hình thức nhà nước này khác với các nhà nước không pháp quyền.

Dưới nhà nước pháp quyền, hình thức của hệ thống phương tiện quyền lực cũng không khác biệt, nhưng pháp luật lại là cái nổi lên như phương tiện hàng đầu trong các tương tác quyền lực cũng như tương tác xã hội.

Pháp luật trở thành phương tiện của cả chủ thể và khách thể quyền lực. Nó không còn là công cụ độc quyền của chủ thể dùng để hợp lý hóa nền cai trị chuyên quyền. Về phía nhà nước – chủ thể vật chất của quyền lực chính trị, nó là công cụ thể chế hóa, cụ thể hóa nền chính trị phục vụ. Về phía bên kia, để quyền lực nhân dân, quyền con người và quyền công dân không chỉ được thừa nhận mà còn là hiện thực, được bảo đảm và triển khai, khách thể cần đến sự ước định lại chính chủ thể, tức nhà nước, bằng việc sử dụng sức mạnh của các chế định pháp luật, như định chế quyền lực (bầu và ứng cử, trưng cầu dân ý…), các định chế tổ chức xã hội (các hội đoàn), và các định chế công luận (thông tấn, ngôn luận tự do…).

Tương tác hai chiều thể hiện ở việc chủ thể thì “quản trị”, phục vụ, điều tiết, kiểm soát khách thể; khách thể thì giám sát, ước định, phản hồi, hậu thuẫn hay phế truất một quyền lực chủ thể. Không dừng lại, đó còn là sự tương tác nhiều chiều giữa khách thể với luật pháp, giữa luật pháp với chủ thể. Một khi việc thực hiện quyền lực nhà nước đồng thời cũng là triển khai quyền lực của khách thể và quyền lực xã hội, thì sẽ làm cho luật pháp và các thể chế cụ thể có sự thay đổi, phát triển và trưởng thành theo chính tương tác giữa chủ thể và khách thể, vốn đang dần trưởng thành và pháp quyền hơn.

Để bảo đảm được tương tác hai chiều và đa chiều đó, luật pháp đang được nói đến không phải loại luật pháp chung chung. Trong khi nhà nước có trong tay hàng loạt công cụ, chế định cưỡng bức có hiệu lực và hiệu quả tức thời lên khách thể, thì khách thể lại không có công cụ vật chất và tức thời tác động lên nhà nước. Công cụ duy nhất họ có là luật pháp. Do đó, để nhà nước là nhà nước pháp quyền, trước tiên, luật pháp phải là luật pháp dân chủ. Điều đó sẽ có thể giúp tránh được sự lạm quyền của nhà nước lên công dân, nhà nước không tự do thao túng luật pháp, không sử dụng luật pháp như công cụ khép kín trong thành phần của chủ thể quyền lực.

Luật pháp dân chủ còn làm cho nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước đóng, mà là một nhà nước mở về nhân sự, như sự dự phần về mặt tổ chức của khách thể quyền lực vào định chế của chủ thể quyền lực. Luật pháp dân chủ đem lại sự chế định hiện thực của công dân lên nhà nước và hiện thực hóa các quyền của khách thể.

Luật pháp dân chủ không phải là cái quy định cho nhà nước quyền ban cho hay không ban cho, hoặc buộc khách thể phải cầu xin những gì đương nhiên được hưởng (xin - cho kinh doanh, xin - cho cư trú, di chuyển…), mà theo đó, nhà nước đơn giản là chứng nhân, làm công việc xác nhận về mặt nhà nước – tức sự nhìn nhận công vốn được uỷ thác từ chính nhân dân – cho hành động tự nguyện, hợp pháp và hợp lý của công dân.

Chính bởi sự “yếu thế” về công cụ của khách thể so với chủ thể quyền lực, và tránh sự lạm dụng, thao túng hệ thống công cụ nhà nước, mà nguyên tắc người dân có thể làm tất cả những gì luật không cấm, nhà nước chỉ làm những gì luật cho phép được thừa nhận rộng rãi trong nhà nước pháp quyền và luật pháp dân chủ.

Luật pháp dân chủ đòi hỏi quyền lực phải đi đôi với trách nhiệm, và tạo tiền đề cho sự năng động của các cấp chính quyền và cá nhân quyền lực.

Luật pháp dân chủ chi phối mọi mặt xã hội, là quy phạm cao nhất so với các quy phạm đời sống, truyền thống, tôn giáo… Tuy rằng luật pháp không hoàn toàn thoát ly khỏi truyền thống hay đời sống đạo đức xã hội, nhưng khi có sự xung đột giữa các loại quy phạm thì chuẩn mực pháp lý là cái sau cùng có tính quyết định được quy chiếu vào, với tiêu chí cao nhất là (và khi) nó bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

Dưới nhà nước pháp quyền, công dân và nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật. Điều đó đòi hỏi một nền tư pháp độc lập, công chính và dân chủ. Đó là một đặc trưng cơ bản khác của phương tiện quyền lực dưới nhà nước pháp quyền.

Một trong những quyền hạn cơ bản nhất của chủ thể quyền lực lên khách thể là việc xử lý, điều giải những hành vi xâm phạm các quyền lợi pháp lý công hay tư. Cùng lúc, một trong những quyền tự nhiên cơ bản nhất của khách thể và được pháp định trong nhà nước pháp quyền, là quyền an ninh – mà Montesquieu từng xem là vấn đề của tự do chính trị – tức sự an toàn trước những xâm hại hay cáo buộc sai trái từ phía nhà nước hay cá nhân, an toàn và được bảo vệ quyền lợi chính đáng trong các tranh chấp của đời sống xã hội… Tất cả những điều này đều được tiếp nhận, điều chỉnh, giải quyết bằng định chế tư pháp.

Công lý là một tiêu chuẩn, một giá trị dưới nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ. Công lý không thể có được trong một xã hội mà cơ quan tư pháp phục tùng sự chuyên quyền, lạm quyền của bộ máy quyền lực nhà nước, và thuần túy là công cụ trong tay chủ thể quyền lực khi chính chủ thể đó không là đối tượng của cơ quan tư pháp.

Đối với một cơ quan tư pháp độc lập thì mọi thực thể xã hội có yếu tố con người vật chất đều là đối tượng điều chỉnh của nó. Đó là cá thể công dân và các quan hệ của họ, là các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…, và là bản thân nhà nước với các cơ quan cũng như con người cụ thể trong bộ máy này. Cơ quan tư pháp xét xử độc lập trước sự chi phối và can thiệp của nhà nước theo hàng dọc hay hàng ngang, độc lập giữa các cấp tư pháp với nhau, và trước các áp lực xã hội ngoài pháp lý (tôn giáo, đạo đức…), cũng như trước các đối tượng khác có hay không có liên quan đến sự việc.

Cái tối thượng mà cơ quan tư pháp phải chấp nhận phục tùng là hiến pháp dân chủ – bản văn hiện thực hóa khế ước xã hội trên lãnh thổ một quốc gia, được soạn thảo từ chính các đại biểu thật sự của nhân dân, từ nhân dân, có trưng cầu ý kiến nhân dân. Do vậy, tòa hành chính, tòa tư pháp, tòa hiến pháp là những định chế tư pháp thực hiện quyền phán xét, phán xử đến tất cả các cấp nhà nước tương ứng, về tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản và hành động pháp lý.

Thực hiện được chức năng, vai trò của nền tư pháp độc lập, nó phải là một hệ thống với đầy đủ các định chế tư pháp (tòa án tư pháp, cơ quan công tố, luật sư, chuyên viên chứng lý…), có đủ sức mạnh đảm đương vị trí độc lập ngay trước cả quyền lực nhà nước. Cũng cần có những trách nhiệm, quyền hạn đầy đủ, hợp lý, dân chủ cho các định chế này để có thể triển khai được trong thực tế tính độc lập, dân chủ, mà không phải là hình thức.

Từ ba đặc trưng chủ yếu nhất của pháp luật dưới nhà nước pháp quyền, cho thấy pháp quyền có độ khác biệt so với “pháp trị”.

Pháp trị được hiểu là sự cai trị bằng pháp luật, là tư tưởng đã có rất sớm. Các nền pháp trị trong lịch sử (và cả hiện tại) thực chất chỉ là sự tương tác một chiều từ chủ thể quyền lực hướng đến khách thể. Luật pháp dưới những xã hội không pháp quyền cũng có một khung luật định, nhưng nó chỉ là hành lang mà trong đó người cai trị tùy nghi “vận dụng” trên khách thể. Pháp trị dưới những xã hội này cũng chỉ là tăng cường quyền lực nhà nước đến tối cao mà thôi.

Không có ba đặc trưng pháp luật như trên thì việc lĩnh hội, nhận thức về nhà nước pháp quyền có thể sẽ dẫn đến tình trạng đánh đồng với pháp trị, đi đến ngụy trang trong thực tiễn và ngụy biện trong lý luận. Khi đó, bất kỳ một xã hội nào, cho dù là chuyên quyền, cực quyền thì vẫn sử dụng luật pháp, có một hệ thống pháp luật và “thượng tôn” nó, và như vậy đều có thể tự xưng là “nhà nước pháp quyền”.

Cũng thế, không phải có hiến pháp, luật pháp, hệ thống pháp lý, có phân công theo lập pháp, hành pháp, tư pháp là đương nhiên tồn tại nhà nước pháp quyền. Đó chỉ là mặt hình thức, nó có thể là bước đầu dần đem lại nội dung cho nhà nước pháp quyền, mà cũng có thể chỉ là lớp vỏ bọc có chủ đích hay không chủ đích.

Pháp trị, hiểu là sự quản trị xã hội theo luật định của nhà nước, như một phần nội dung của nhà nước pháp quyền, thì hợp lý; nhưng hiểu như một “hệ xã hội” đồng đẳng hay như “dị bản” của nhà nước pháp quyền thì không đúng với thực chất của cả hai.

Từ những khác biệt như thế, cả trên khái niệm lẫn hiện thực, nhà nước pháp quyền, như một cấu trúc quyền lực, là hệ thống quyền lực xã hội, quyền lực nhà nước khác biệt về chất so với các nhà nước trước và không pháp quyền. Sự khác biệt đó thể hiện trên cả ba thành phần chung của toàn bộ hệ thống quyền lực, đồng thời cũng khác biệt ở những thành tố cấu thành nên nhà nước pháp quyền.

Để tạo nên nhà nước pháp quyền, quyền lực nhân dân phải tồn tại như một chế định vật chất hữu hình, lẫn như một định chế gốc không định hình vật chất thường trực. Nó phải là một nhà nước phi tập quyền chuyên chế, và là một cộng đồng công dân mang quyền trong một xã hội công dân. Trong xã hội đó cũng tồn tại các định chế xã hội phi nhà nước, độc lập trước nhà nước. Nó có một hệ thống luật pháp và tư pháp đáp ứng sự tương tác hữu hiệu nhiều chiều trong toàn bộ các chiều cạnh, phạm vi xã hội. Nhà nước pháp quyền là một hệ thống mở về quyền lực, về quyền, về kinh tế, xã hội, tư tưởng; trong đó mọi cá thể và định chế xã hội đều có thể tham gia, có tiếng nói tác động đến hệ thống quyền lực; trong đó mọi định chế chính trị-xã hội, từ cá nhân cho đến nhà nước và thể chế chính trị, đều là đối tượng ước chế của lẫn nhau, thông qua luật pháp dân chủ và nền tư pháp độc lập, đều là đối tượng bình đẳng trước hệ thống pháp luật và nền tư pháp đó.

Nhà nước pháp quyền được quan niệm như vậy và tồn tại trong hiện thực, là nhà nước pháp quyền dân chủ, của một xã hội dân chủ.

Mọi tiếp cận đến nhà nước pháp quyền đồng thời cũng phải là tiếp cận đến dân chủ và xã hội công dân, để có được quan niệm thực chất về nó, mà không phải là tiếp cận theo câu chữ thuần túy, với chỉ là “luật pháp” và “thượng tôn pháp luật”. Bản thân việc tiếp cận luật pháp như một bộ phận của nhà nước pháp quyền cũng cần được hiểu là một luật pháp dân chủ, mà không phải là luật pháp bất kỳ thiếu định tính.

(Trích có chỉnh lý, từ: Lê Tuấn Huy, Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2006, tr. 146-158.)

Tác giả gửi BVN

[1] Dù đề tài này đã được các nhà nghiên cứu đi trước đào sâu, tôi cũng có vài ý kiến riêng của mình, ở bài “Giá trị tư tưởng và lịch sử của Trường phái Pháp gia”, Triết học, số 9 (136), 09/2002.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 07:53






No comments:

Post a Comment

View My Stats