Monday, 25 April 2016

"CẢI CÁCH HAY LÀ CHẾT" : CUỘC CHIẾN HỆ TƯ TƯỞNG NGAY TRONG BỘ CHÍNH TRỊ (Phạm Chí Dũng)





24.04.2016

Chẵn ba thập niên sau thời “Đổi mới” 1986, đòi hỏi “cải cách hay là chết” ở Việt Nam bùng nổ hơn bao giờ hết.  

Áp lực nội bộ ‘cải cách lần 2’

Thành tựu cá nhân không thể cứu vãn chế độ. Ngay sau Đại hội XII, bất chấp thắng lợi huy hoàng của Tổng Bí thư Trọng “đã loại được một nhà độc tài”, nhân vật hồn nhiên tuyên bố “Tôi bất ngờ!” trước thành tích tái cử đang đứng khựng trước ngã ba đường: cho dù ông là nhân tố vượt trội để “giữ gìn đoàn kết trong đảng” vào thời gian này, tình đoàn kết đó sẽ chẳng có một chút giá trị nào nếu tự thân đảng không cải cách.

Quá nhiều yêu cầu và đòi hỏi về “cải cách lần 2” đang bùng nổ từ lớp người thân cận nhất của đảng là giới cán bộ lão thành, tướng lĩnh về hưu và cả một số quan chức vừa mãn nhiệm hoặc còn đương nhiệm.

“Không cải cách thì chỉ có chết!” - giờ đây rất nhiều người thốt lên như thế.

Kinh tế quyết định chính trị - những nhà lý thuyết Mácxit như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm nhuần điều này hơn bất cứ ai.

Khác hẳn thời “hoàng kim” của những năm 2006-2007, chính phủ mới 2016 lại phải kế thừa di sản ghê rợn từ thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng chế độ đảng trị: tham nhũng kinh hoàng, kinh tế lụn bại và bị trói chặt bởi Trung Quốc, nợ công và nợ xấu ngập đầu, phản kháng xã hội tràn ngập cùng một nền đạo đức tiệm cận đáy, và quá nhiều quyền con người bị chính thể chà đạp tận bùn đen.

Tất nhiên Tổng Bí thư Trọng có quyền bảo lưu quan điểm “đổi mới chính trị không phải là thay đổi bản chất chế độ”, nhưng nếu khăng khăng không chịu cải cách, ông Trọng làm thế nào để có tiền trả cho đội ngũ công chức viên chức lên đến 3 triệu người cùng hàng triệu quân nhân trong lực lượng vũ trang của ông?

Chỉ cắm đầu thu thuế và tăng thuế bổ đầu dân?

Phản kháng và biến loạn xã hội sẽ là tất yếu, như đã từng tất yếu trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Dập thuế liên tục với cường độ ngày càng tăng là phương thức nhanh nhất để tự sát chính trị, hoàn toàn không phải là cách để duy trì một chế độ trường tồn và trên hết là “chủ nghĩa xã hội hoàn thiện” theo đúng mong muốn của đảng.

Tăng thuế, in tiền hay tiếp tục vay nợ?

Bài toán ngân sách và tài chính của Việt Nam là quá phức tạp, nhưng lại rất dễ giải quyết: hoặc là in tiền, in thật nhiều tiền để lấp đầy những vực thẳm ngày càng bị nạn chi tiêu vô tội vạ, lãng phí và tham nhũng đào sâu thêm; hoặc vay mượn nước ngoài.

Nhưng in tiền tất sẽ dẫn đến lạm phát. Đã có những chuyên gia bắt đầu cảnh báo về tỷ lệ lạm phát năm 2016 có thể trở lại như năm 2011, tức vọt đến 20%. Quốc hội lại đang tỉnh giấc đòi chính phủ phải “trả lại” cho cơ quan này quyền xem xét  và quyết định ngân sách. Do vậy khả năng in tiền vô tội vạ là khó xảy ra.

Nguồn tài chính dồi dào và đỡ biến loạn hơn nhiều đến từ các định chế tài chính quốc tế và cũng là những chủ nợ lớn nhất của ngân sách Việt Nam: Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu và những quốc gia giàu có như Nhật Bản, Hoa Kỳ.

Nhưng vào tháng 3/2016, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde thăm Việt Nam đã lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị “Việt Nam cần cải cách lần 2”.

Dù IMF không nói rõ ra, nhưng giới lãnh đạo Việt Nam tất ngầm hiểu nhiều khuyến nghị, được đưa ra trong nhiều lần, của WB và IMFvề những nội dung thiết yếu cần cải cách kinh tế và cải cách thể chế: bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước, tăng độ minh bạch thị trường tài chính và minh bạch ngân sách, cải cách luật theo hướng dân chủ hơn, phải chống tham nhũng một cách có hiệu quả, chấp nhận Công đoàn độc lập và Xã hội dân sự. Kể cả tự do lập hội và tự do báo chí…

Sang tháng 4/2016, Victoria Kwa Kwa - nữ đại diện của WB đã chính thức nêu 3 khuyến nghị cụ thể đối với Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến 3 vấn đề: Biến đổi khí hậu, doanh nghiệp tư nhân và chống tham nhũng.

Vào tháng 12 năm ngoái, chính bà Victoria Kwa Kwa đã đặt cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một câu hỏi chết người “Việt Nam lấy đâu ra nguồn lực để phát triển?”, sau khi nghe báo cáo tràng giang đại hải của ông Dũng về “phấn đấu tăng trưởng đến năm 2020 và những năm sau”. Ngay sau đó, WB đã lần đầu tiên trao cho chính phủ Việt Nam một bản khuyến nghị 7 điểm, với khuyến nghị đầu tiên là hết sức đặc biệt: Việt Nam phải nhanh chóng ban hành Luật Lập hội.   

Giờ đây, Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức rời khỏi chính trường. Sau Đại hội XII, điểm khác biệt cơ bản của Bộ Chính trị mới với dàn nhân sự cũ là tỷ lệ nhân vật nhận thức “không còn cách nào ngoài cải cách” đã tăng lên đáng kể.

Có khoảng 8 - 9 gương mặt trong Bộ Chính trị mới lại là những người làm chuyên môn ngành nghề và có thể mang hơi hướng “kỹ trị”, dù rằng từ ngữ này vẫn còn quá xa xỉ nếu được gán ghép cho lớp chính khách còn bị “cầm tù” bởi thói quen cai trị quá tối tăm ở Việt Nam.

Có nổ ra cuộc chiến phủ nhận quyền lực?

Trong lớp chính khách “kỹ trị”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhân vật sẽ phải chịu “tổn thọ” nhiều nhất bởi di sản kiệt quệ từ thời thủ tướng cũ và quá nhiều vấn nạn cấp bách quốc gia cần phải xử lý ngay. Nếu như trước đây, thiên hạ cứ nhè Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để đổ hết “trách nhiệm điều hành yếu kém” cho ông ta, thì tương lai rất cận kề cũng sẽ tương ứng đối với Thủ tướng Phúc nếu chính phủ mới không có bất cứ cải cách nào.

“Kỹ trị” chủ yếu thể hiện bên chính phủ - địa chỉ phải hành pháp chứ không phải chỉ tay năm ngón như bên đảng. Nhân vật thứ hai có đầu óc quản lý là Vương Đình Huệ - từng một thời “ngồi chơi xơi nước” ở Ban Kinh tế trung ương, nhưng lại có thâm niên giữ chức bộ trưởng tài chính trước đây nên càng thấu hiểu nỗi khổ của ngân sách sẽ đến mức nào nếu rỗng ruột.

Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng là những người có chuyên môn nhưng chưa có môi trường để thoát lộ. Đặc biệt, Phạm Bình Minh được đào tạo ở Mỹ và có lẽ không quên quá nhanh những gì ông đã học về làm thế nào để cải cách khu vực hành chính công.

Những nhân vật khác như Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… hay cả Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thị Kim Ngân, Võ Văn Thưởng cũng có thể được xếp vào “phái kỹ trị”. “Trung thành chừng mực” với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, song sẽ chẳng có đức tin nào tồn tại quá một tuần nếu không có gì nhét vào bụng trong ba ngày.    

Chính tầng lớp “kỹ trị” ấy, chứ không phải các cơ quan đảng, mới phải đau đầu và cực khổ nhất để tìm cách vay tiền và tìm mọi cách giữ cho con tàu chế độ khỏi bị lật đắm. Không còn cách nào khác, chỉ có cải cách mới mang lại tiền bạc và “sự tồn vong của chế độ”.

Thời gian và tình thế sẽ dẫn đến một hệ lụy khó tránh: nếu khăng khăng không muốn cải cách hoặc chỉ cải cách hết sức nửa vời, Tổng Bí thư Trọng sẽ phải đối mặt với ít nhất một nửa Bộ Chính trị mới. Việc trì hoãn càng lâu hành động cải cách, đặc biệt là cải cách để làm sao vay được tiền và tốt hơn nữa là được giảm nợ, xóa nợ theo yêu cầu của WB và IMF, sẽ càng khiến nảy sinh tâm lý bất mãn và dẫn đến phản ứng công khai ngay trong nội bộ Bộ Chính trị.

Đã có bài học nhãn tiền. Trong hai năm 2012 và 2013, một Miến Điện cải cách thể chế và cải cách nhân quyền đã được Câu lạc bộ Paris và hàng loạt quốc gia tên tuổi như Đức, Nhật, Na Uy, Pháp… xóa khoản nợ đến 6 tỷ USD.

Còn ngay trong năm 2016, Việt Nam phải trả đến 7 tỷ USD cho các khoản vay quốc tế. Những năm sau còn phải trả nợ nhiều hơn. Hãy nhớ lại cái cách trần tình rất thành thực của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vào cuối năm 2015 trước khi mãn nhiệm: ngân sách trung ương chỉ còn 45.000 tỷ đồng. Trả nợ xong thì không còn tiền để đầu tư.

Cải cách, cải cách và cải cách - đó không chỉ là một cuộc chiến về hệ tư tưởng mà còn có thể kéo theo cuộc chiến quyền lực và phủ nhận quyền lực ngay trong lòng đảng, dù Tổng Bbí thư Nguyễn Phú Trọng “sắp nghỉ” hay còn muốn tại vị đến 5 năm nữa.

--------------------------
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.







No comments:

Post a Comment

View My Stats