Thursday 28 April 2016

CỘNG ĐỒNG VIỆT & CHÍNH TRỊ MỸ (Vũ Linh)





April 13, 2016 6:13 AM

Gần đây, có một vị có viết bài về cộng đồng tỵ nạn nên bầu cho ai làm tổng thống, và kết luận dân tỵ nạn chúng ta nên bầu cho bà Hillary Clinton. Kẻ viết này chưa có hân hạnh quen biết vị đó, nhưng hoan nghênh ý định khuyến khích cộng đồng tỵ nạn chúng ta nên tích cực tham gia nhiều hơn vào chính trường Mỹ bằng cách đi bầu, tiếc là không nhất thiết đồng ý với kết luận của vị đó.

Phải nói cho ngay, cộng đồng tỵ nạn chúng ta dường như chẳng mấy hứng thú với chuyện chính trị Mỹ. Người Việt bắt đầu chạy qua Mỹ sau biến cố đổi đời 4/75, rồi sau đó ào ạt qua tiếp trong những đợt vượt biển hay đoàn tụ hay HO trong những năm 77-78.

Tuyệt đại đa số qua đây với hai bàn tay trắng. Để rồi trong tinh thần tự trọng tiêu biểu của dân ta, xăn tay áo đi cầy cuốc ngay, chứ không muốn ngồi chờ Nhà Nước ban phát trợ cấp mãn đời. Dĩ nhiên hầu như tất cả chúng đều có lãnh trợ cấp dưới hình thức này hay khác, nhiều ít tùy hoàn cảnh, nhưng nếu có cách tự lực cánh sinh thoát ra thì dân tỵ nạn ta là những người cố gắng nhiều nhất.

Mưu sinh là ưu tiên số một. Ưu tiên số hai là lo cho con cái. Không một ông bố bà mẹ tỵ nạn nào muốn con cái sống khổ sở hay nghèo túng như mình. Họ đều nhìn thấy rất rõ xứ này là xứ của cơ hội, ai cũng có cơ hội leo lên cao nhất, chỉ cần có ăn học tối thiểu và có chí. Do đó dốc toàn lực vào việc lo cho con cái “nên người, thành tài”, cho chúng mớ hành trang tối thiểu để chúng tự lên đường.

Ngoài hai ưu tiên này, tất cả đều là chuyện phụ, chuyện “giải trí”, kể cả việc tham gia sinh hoạt cộng đồng hay tham gia sinh hoạt chính trị Mỹ.

Chính vì cái bận rộn lo mưu sinh và con cái đó, cũng như vì khác ngôn ngữ, khác văn hoá, mà cộng đồng ta ít chú ý đến chính trị Mỹ, càng ít tham gia vào các sinh hoạt chính trị, dù địa phương. Nhìn vào con số các chính trị gia Mỹ gốc Việt, như dân biểu địa phương, thị trưởng, hội đồng tỉnh, v.v…, ta chỉ cần một bàn tay để đếm.

Dân Cuba tràn qua Mỹ từ đầu thập niên 1960, trước ta chừng 15 năm, cũng tỵ nạn cộng sản như ta, nhưng ít hơn ta nhiều. Vậy mà bây giờ nhìn vào họ, ta thấy họ đã có thị trưởng, dân biểu và nghị sĩ tiểu bang và liên bang, thống đốc, từ cả 20-30 năm nay. Và bây giờ thì đã có tới hai ứng viên tranh cử tổng thống, gây sóng gió lớn, có thể có một người đắc cử làm tổng thống luôn, có cơ thay đổi cả xã hội Mỹ. Trong khi dân tỵ nạn ta chưa có tới một dân biểu hay nghị sĩ liên bang, không kể ông Cao Quang Ánh, làm 2 năm dân biểu liên bang trong may mắn giờ chót vì ông đối thủ bị đi tù.

Trên căn bản, dù muốn hay không, chính trị cũng vẫn là cái gì chi phối đời sống hàng ngày của chúng ta. Nội việc chúng ta bỏ nước ra đi đã là một bằng chứng rõ ràng chính trị chi phối đồi sống chúng ta như thế nào.

Tích cực tham gia vào chính trị, nhìn một cách cụ thể và thực tế, có nghiã là tham gia vào việc sắp đặt điều kiện cho cuộc sống của chúng ta, từ những việc lớn như ai sẽ lãnh đạo ta, đến những việc cụ thể ta sẽ phải đóng bao nhiêu tiền thuế, nhận bao nhiêu tiền Medicaid,…., đến những chuyện khác như con cháu chúng ta có phải đi đánh nhau bên Iraq hay không. Đó là những quyết định của các chính trị gia chuyên nghiệp, không phải quyết định của chúng ta thật, nhưng chính ta là những người bầu chính trị gia, cho họ cái quyền lấy những quyết định đó.

Dĩ nhiên, mỗi người chúng ta cũng chỉ là một cá nhân, chỉ có một phiếu, nhưng nhìn cho kỹ, ông xếp Mỹ trắng, hay bà hàng xóm Mỹ đen cũng vậy thôi, hay ngay cả ông Bill Gates cũng thế, mỗi người cũng chỉ có một phiếu như mỗi người trong chúng ta thôi. Chúng ta chẳng thua gì ai trên phương diện này.

Một cách hết sức thực tế, cộng đồng tỵ nạn chúng ta chưa có tiếng nói chính trị tương xứng với số lượng dân tỵ nạn, với những đóng góp kinh tế của chúng ta, và với vai trò ngày càng quan trọng của dân tỵ nạn thế hệ hai và ba trong xã hội Mỹ.

Nhu cầu tham gia mạnh hơn là điều hiển nhiên mà những nhà lãnh đạo cộng đồng cần chú tâm đặc biệt và tìm cách khuyến khích. Và đó là điểm kẻ viết này đồng ý với vị học giả như đã viết trong đoạn mở đầu bài này. Rất tiếc là đi đến kết luận là phải đi bầu cho bà Hillary thì kẻ viết này… không còn đồng ý nữa. Không phải vì không đồng ý hậu thuẫn cho bà Hillary, mà không đồng ý với kết luận đơn giản như vậy.

Dù muốn hay không, cộng đồng tỵ nạn chúng ta là một cộng đồng lớn và nhất là rất da đạng, không phải là một cộng đồng thuần nhất, cùng một hoàn cảnh sống, một bực thang xã hội, một thế hệ, một cách suy nghĩ, một nhu cầu,… Do đó khó có thể nói có duy nhất một ứng viên thích hợp cho tất cả mọi người.

Một cựu quân nhân già qua đây dưới dạng HO hiển nhiên không cùng suy tư với cháu nội của ông bây giờ là bác sĩ y khoa mới ra trường. Ông nội có thể hoan nghênh việc tăng thuế nhà giàu để ông có thêm trợ cấp, nhưng cháu nội có thể không vui khi bị đóng thuế nhiều hơn. Ông nội có thể vẫn kiên cường căm thù cộng sản bắt ông gánh phân cả mấy năm trời, trong khi cháu nội đi Việt Nam du lịch cảm thấy không có gì “ghê gớm” lắm, hoan nghênh các chính quyền Mỹ tích cực giúp CSVN hội nhập vào thế giới.

Đọc báo Việt ngữ, thiên hạ hay thấy một tình trạng vơ đũa cả nắm, theo cả hai chiều, tốt cũng như xấu, nhưng xấu nhiều hơn. Đại khái một người tỵ nạn thành công, vội vã khoe là cả cộng đồng thành công, nở mặt. Tuy không chính xác lắm nhưng cũng tốt thôi. Ngược lại, và đây mới là điều phiền toái, nhìn vào vài chuyện không tốt rồi xỉa tay chỉ trích cả cộng đồng. Một bác sĩ gian lận Medicare, thế là hết cả các bác sĩ gốc Việt bị rủa.

Gần đây, kẻ viết này có đọc một bài báo của một vị tỵ nạn than phiền, cảm thấy “nhục” vì bị vài ba anh chị Mỹ sỉ vả là cộng đồng chúng ta giả dối, một mặt suốt ngày xuống đường đả đảo CSVN, đòi hỏi chính quyền Mỹ từ thời Carter đến giờ không được giao hảo hay giúp đỡ kinh tế gì cho chế độ CSVN, mặt khác mỗi năm gửi bạc tỷ về “giúp” chế độ đó, “hợp tác khắng khít với chế độ CS”. Thậm chí vài anh chị Mỹ đó còn chê dân Việt trong nước là “ươn hèn” không dám chống đối chính quyền CS, ngoài nước thì “lạm dụng”, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải chống CS, yêu sách này đòi hỏi nọ, xin xỏ đủ chuyện. Rồi cái ông tỵ nạn viết bài báo đó hưởng ứng, vội cho là những anh chị Mỹ này nói lên “sự thật mất lòng”, cảm thấy “nhục” rồi ngồi khóc ròng.

Thật ra, cả mấy anh chị Mỹ sỉ vả ta cũng như cái ông tỵ nạn cảm thấy “nhục” đều vô lý. Cộng đồng nào cũng vậy, có người này người nọ. Cả ngàn người gửi tiền về VN nhưng cũng có cả ngàn người không gửi. Cả ngàn người về “du lịch” nhưng cũng có cả ngàn người không về. Vơ đữa cả nắm là hồ đồ. Chẳng những hồ đồ mà còn nhận định sai vấn đề.

Cả tỷ bạc đã được gửi về nước thật, nhưng có một điều cần nhìn cho rõ. Mấy ông bà tỵ nạn không có cách nào có khả năng gửi cả chục tỷ đô về VN, dù nhìn dưới góc độ nào hay tính toán kiểu gì cũng vậy. Cả chục tỷ đó hầu hết là tiền của các đại doanh gia có “quan hệ” như con rể ông thủ tướng gửi về đầu tư vào các cơ sở kinh doanh lớn của họ, hay tiền tham nhũng các quan đỏ chuyển lậu ra ngoài nước, để “rửa” cho sạch rồi chuyển về nước lại.

Nhìn cho kỹ, dân tỵ nạn chỉ đủ khả năng gửi ít tiền về giúp gia đình, giúp mua thuốc men, chữa trị bố mẹ già hay anh em hay bạn bè kẹt lại, xây nhà nhỏ cho bố mẹ, trùng tu mồ mả ông bà, góp mở tiệm buôn nhỏ cho gia đình sinh sống. Đó là tiền giúp VC sao? Bố mẹ, anh em, ông bà của họ đã trở thành VC từ hồi nào? Chỉ vì vài ba tên chóp bu CS kềm kẹp cả nước bằng súng ống và công an mà gần 100 triệu dân ta thành CS hết sao?

Chẳng ai muốn gửi tiền về giúp chế độ CS hết, cũng như chẳng ai muốn đấm mõm bất cứ tên cán ngố nào cả, chỉ là chuyện bất đắc dĩ, chẳng đặng đừng vì muốn giúp gia đình, phải gửi tiền về nước thôi.

Gửi tiền về giúp gia đình không thể gọi đó là “hợp tác khắng khít với chế độ CS”. Tình người, nhất là tình ruột thịt máu mủ, chính là cái gì phân định ai là “quốc gia”, ai là thành phần gọi là “vô gia đình, vô tôn giáo, vô tổ quốc”, cũng là cái lý do tại sao ta “chống cộng”. Người cộng sản đấu tố bố mẹ được, chúng ta không làm được chuyện đó, bởi vậy chúng ta mới chống cộng. (Nói cho rõ: song thân kẻ viết đều là dân tỵ nạn, qua đời lâu rồi, chưa bao giờ gửi một xu nào về VN)

Thành thử muốn chỉ trích thì cần chỉ trích những tay “doanh gia” hoạt đầu “làm ăn” với VC hay làm đầu mối chuyển tiền tham nhũng của VC. Với những loại này, khỏi cần bàn thêm cho mệt, chỉ cần vạch mặt chỉ tên chúng ra. Nhưng xin đừng chỉ trích những đứa con gửi vài trăm, vài ngàn về cho bố mẹ, hay gửi vài lô thuốc, vài bịch quần áo mua “on sale” cho anh chị em, và nhất là đừng vơ đũa cả nắm, chửi hết cả cộng đồng.

Nhiều người lớn tiếng chỉ trích những người tỵ nạn về nước “du lịch”. Phải nói ngay cả triệu người tỵ nạn bỏ nước ra đi không phải vì họ chán ngấy cái xứ VN hay ớn phở mì đến cổ. Chẳng qua họ chỉ trốn chạy một chế độ cầm quyền thôi. Bây giờ có dịp về nước nhìn lại quê hương, nhìn lại sông Hương núi Ngự, hay Đồng Tháp, Cà Mau, nhớ lại nơi chôn nhau cắt rốn, hay về thắp nhang trên mộ ông bà, hay thậm chí ra bắc để có dịp thấy Hồ Hoàn Kiếm hay Vịnh Hạ Long, hay tìm gặp những họ hàng, anh em chưa từng biết mặt nhau,… tất cả đều phản ảnh tình yêu nước thương dân tộc, nhớ gốc của dân tỵ nạn, là những chuyện không thể xuyên tạc biến thành những “hoạt động ủng hộ chế độ CS”. Chỉ vì vài ba tên chóp bu là CS không có nghiã là sông Hương là sông cộng sản, hồ Hoàn Kiếm là hồ cộng sản.

Nói về việc dân trong nước “ươn hèn” không dám chống chính quyền và dân ngoài nước “lạm dụng”, suốt ngày xin xỏ, kẻ viết này cho rằng không ai – Mỹ hay tỵ nạn – ngồi ăn hăm-bơ-ghơ trong phòng lạnh ở Mỹ có quyền dám chê dân VN ươn hèn. Nếu muốn, họ có thể đi VN ở thử ít lâu nếm mùi công an trị ở VN trước rồi muốn mở miệng nói gì thì nói sau. Còn nói về việc dân tỵ nạn lạm dụng xin xỏ, không ai có thể phủ nhận cộng đồng chúng ta đã và đang đóng góp rất nhiều cho cái xứ này. Không nhìn thấy những đóng góp của các doanh gia, khoa học gia, giáo sư, và quân nhân gốc Việt là chỉ nhìn chung quanh bằng một con mắt. Phải mở cả hai mắt ra mà nhìn thì mới muốn nói gì thì nói. Những người Mỹ chấp nhận những đóng góp của cộng đồng tỵ nạn, chấp nhận những phát minh khoa học của bà Dương Nguyệt Ánh hay bà Lê Duy Loan, chấp nhận trợ cấp của Nhà Nước Mỹ trong đó có tiền thuế của chúng ta đóng, chấp nhận cho thanh niên gốc Việt chết tại Iraq hay Afghanistan, mà không cho chúng ta có tiếng nói, có quyền thỉnh cầu, có quyền lợi tương xứng, đó mới đúng là lạm dụng.

Nói như vậy để nhấn mạnh không có cộng đồng nào thuần nhất tuyệt đối, luôn luôn có người này người khác.

Cũng vậy, cũng không thể nói trong việc bầu cử tổng thống Mỹ chẳng hạn, sẽ có một ứng viên đáp ứng được mọi đòi hỏi của cả cộng đồng và tất cả chúng ta phải dồn phiếu vào đúng một người đó. Tất cả tùy thuộc hoàn cảnh, nhu cầu cá nhân của mỗi người.

Một cách cụ thể, một người với mức lợi tức thấp, không đóng thuế lợi tức mà trông cậy vào trợ cấp dĩ nhiên sẽ có khuynh hướng chấp nhận Nhà Nước tăng thuế để tăng trợ cấp cho mình. Ngược lại, một gia đình trung lưu không có nhu cầu trợ cấp gì mà cứ bị đe dọa tăng thuế để nuôi người khác dĩ nhiên sẽ phải có một lựa chọn khác. Một gia đình có con ở tuổi đi lính tất nhiên sẽ có cái nhìn về cuộc chiến tại Trung Đông với con mắt dè dặt hơn một gia đình trẻ, con chỉ mới học tiểu học.

Ở đây, mỗi người sẽ phải cân nhắc hoàn cảnh cá nhân của mình, tìm hiểu đâu là quyền lợi của mình và gia đình, ứng viên nào đáp ứng nhu cầu và quyền lợi đó. Yếu tố ưu tiên trên hết hiển nhiên là quyền lợi và nhu cầu cá nhân và gia đình.

Nhiều người đi xa hơn sẽ nghĩ đến quyền lợi của đất nước VN, đặc biệt là những vấn đề như nhân quyền, Biển Đông,…, để rồi thắc mắc không biết đảng nào hay ứng viên nào lo cho VN hơn.

Trong vấn đề này, có lẽ những người này nên nhìn thế giới chung quanh với con mắt thực tế hơn. Những tranh cãi CH chống cộng hơn hay DC lo bảo vệ nhân quyền ở VN hơn đều là những tranh cãi vớ vẩn. Sự thật là khi các chính quyền Mỹ bất kể thuộc đảng DC hay CH, quyết định chính sách của họ đối với VN, bất kể dưới chế độ quốc gia hay cộng sản, thì họ chỉ nhìn vào quyền lợi chung của cả nước Mỹ, chẳng nhìn thấy anh chị An Nam nào hết.

Chẳng hạn như ông Trump. Chỉ cần TC bảo đảm tự do hải lưu trong khu vực thì đừng ai nghĩ đến chuyện ông Trump mang hàng không mẫu hạm qua đó bảo vệ Hoàng Sa hay Trường Sa gì hết cho tốn tiền. Ông Trump hay TT Obama có mang chiến hạm vào Cam Ranh cũng chỉ để canh chừng TC, bảo đảm tự do thông thương trên Biển Đông, không phải để bảo vệ lãnh thổ VN chống xâm lăng của TC.

Hay bà Hillary cũng vậy thôi. Cùng lắm sẽ làm như TT Obama, lâu lâu nhận một anh chị đối kháng VN nào đó qua Mỹ là hết, vừa mang tiếng nhân đạo, vừa giúp nhà cầm quyền CSVN bớt một chuyện nhức đầu. Qua đến Mỹ, những tiếng nói chống đối ồn ào đó bị lạc vào rừng tự do dân chủ, không còn ai nghe thấy họ nói gì nữa.

Cả ông Trump lẫn bà Hillary, hay bất cứ ai khác làm tổng thống Mỹ, sẽ chẳng có ai gân cổ ra “tranh đấu” cho nhân quyền hay dân quyền ở VN hết, cũng chẳng ai gửi thủy quân lục chiến đến VN nếu xe tăng TC tràn qua Ải Nam Quan, đừng ai mơ tưởng chuyện hão huyền.
Muốn cho chính quyền Mỹ chú ý đến chúng ta thì chúng ta sẽ phải làm như dân Cuba: tích cực tham gia trực tiếp vào chính trị Mỹ, có tiếng nói trong quốc hội, trong chính quyền, trong cả hai đảng. Chính trị Mỹ, dù muốn hay không, cũng chỉ là thứ chính trị phần lớn bị chi phối bởi lá phiếu của cử tri. Ngày nào chúng ta không cầm lá phiếu trên tay, ngày đó coi như ta không có tiếng nói. Chúng ta chưa làm được như người Cuba, một phần quan trọng như đã viết ngay từ đầu, là vì chúng ta có những ưu tiên khác. Nhưng rồi cũng sẽ đến ngày chúng ta phải hội nhập đầy đủ hơn, phải tham gia tích cực hơn vào việc chọn lựa chính trị, chọn lựa lãnh đạo, để bảo vệ quyền lợi thực tế hiện hữu của chúng ta.

Cái quyền lựa chọn đảng hay ứng viên là cái quyền cơ bản trong chế độ dân chủ thực sự. Việc tôn trọng cái quyền khác biệt ý kiến, khác biệt quan điểm, khác biệt lựa chọn cũng là những viên gạch làm nền tảng cho chế độ dân chủ này. Ta cần phải hiểu cho rõ, ai cũng có quyền khác ý ta, và ta cũng có quyền khác ý với bất cứ ai khác. Và sự khác ý đó có thể hoàn toàn chân thật vì trên thực tế, không ai độc quyền nắm giữ chân lý hết, chẳng ai biết ai đúng ai sai. Đồng tiền có hai mặt, hai người đứng hai phiá sẽ thấy hai hình ảnh khác nhau, chẳng ai sai cả, chỉ là tùy đứng ở góc độ nào.

Nhiều người tỵ nạn, cho dù qua đây cả mấy chục năm, vẫn chưa hiểu được thế nào là tự do, dân chủ. Hễ thấy người khác ý là dùng thậm từ miệt thị hay sỉ vả ngay, không gọi họ là “ngu dốt” thì cũng kết tội họ là “bất lương, gian trá”,… Cách suy nghĩ rất đơn giản: chỉ có ta là đúng, cái đúng của ta nó quá hiển nhiên, không nhìn nhận thì tất nhiên chỉ có thể là ngu hay gian thôi. Kẻ viết này là nhân chứng cho thái độ đó khi không thiếu gì độc giả đã email sỉ vả, hoặc chửi là ngu, hoặc tố là bất lương, hay hỏi đã nhận bao nhiêu tiền để làm “cái loa” cho đảng này, người nọ.

Mùa vận động tranh cử hiện nay là cơ hội tuyệt hảo để dân tỵ nạn chúng ta làm quen nhiều hơn với chế độ tự do dân chủ đích thực, chấp nhận khác biệt chính kiến và tập lấy quyết định, thử tích cực tham gia vào việc xây dựng tương lai của chính mình bằng cách tham gia vào các sinh hoạt chính trị địa phương. Một nhu cầu thực tế cho dân tỵ nạn, dù ở Mỹ hay Pháp, Úc, Canada,…

Không phải trên thế giới, dân xứ nào cũng có cái may mắn được học và hành dân chủ như ở Mỹ đâu.

Vũ Linh





No comments:

Post a Comment

View My Stats