28.04.2016
http://www.voatiengviet.com/content/ca-chet-hang-loat-tai-mien-trung-con-cao-da-lo-duoi/3306608.html
Hôm rồi
lướt mạng báo chí Việt Nam, thấy trên trang VTC có đăng một clip phỏng vấn ông
Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh,về vụ cá biển
khu vực miền trung Việt Nam chết hàng loạt. Rất bất ngờ khi bác giám đốc nói tiếng
Việt khá sỏi thẳng thắn và mạnh dạn khẳng định với thái độ đầy thách thức rằng
“vì không phải được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá
tôm”. Xin dẫn lại lời ông Chu trước ống kính VTC: “Nhiều khi mình không
được cả hai thì mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn
xây một cái nhà máy thép hiện đại. Người dân ở đây cũng như Nhà nước sẽ phải
cân nhắc và lựa chọn, vì việc xả thải chắc chắn có tác động đến môi trường.
Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”.
Đoạn
clip ngay lập tức khiến dư luận Việt Nam sôi sục. Có lẽ từ khi bước chân vào Việt
Nam làm kinh doanh đến nay, đây là lần đầu tiên lãnh đạo tập đoàn đầy tai tiếng,
lắm bê bối trên báo chí này phát ngôn đầy tính “chân thật, thiệt thà” đến như vậy.
Phát ngôn của ông Chu, về mặt luật pháp không có gì sai, gần như chắn chắn là
như vậy. Ông ta đơn thuần áp dụng một cách vô cùng đơn phương cái lý thuyết thuộc
về kinh tế học, đó là “sự đánh đổi”. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng
hay nói với nhau rằng cái gì cũng có hai mặt, lựa chọn nào cũng có đánh đổi. Bản
thân tôi, một người duy lý, cũng thừa nhận rằng để có nhiều tiền, ngoài chất
xám và công sức thì môi trường xung quanh (tài nguyên, không khí, nước, đất,…)
cũng phải trả giá.
Thực tế
cho thấy ở nhiều nơi trên thế giới, ngay cả tại các nước phát triển, môi trường
bị ô nhiễm là điều không phải hiếm. Nước Mỹ từng đau đầu với các “vùng sông chết”
vì chất thải nông nghiệp trên sông Mississippi, khiến cả những sinh vật mạnh mẽ
nhất còn phải chết, nói chi đến cá đến tôm. Vài dòng sông của Nhật Bản bầm dập
vì bồi lấp rồi lại moi lên khi mở rộng quá trình công nghiệp hóa. Hay như Trung
Quốc, cái giá của GDP cao vào hàng thứ hai thế giới chính là một bầu không khi
mù khô tràn ngập các thành phố lớn. Các nước lân cận Việt Nam, tôi từng tham khảo
qua, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… cũng không thể hoàn toàn tránh được
tình trạng tương tự. Một tình trạng chung, nơi nào có khu công nghiệp, nhà máy
luyện kim, nhà máy năng lượng, sản xuất xi-măng, sản xuất vật tư công nghiệp,
nhà máy nhuộm-dệt may… thì chắc chắn môi trường bị ảnh hưởng.
Nói như
vậy một phần để thấy Formosa đã không sợ ai cả khi dám đăng đàn lật lá bài tẩy
rằng “anh (Việt Nam) đã chọn lựa nhà máy thép, để trở thành một quốc gia có nhiều
thép phục vụ trong nước và xuất khẩu, thì anh phải quên đi chuyện cá tôm đầy hồ,
hải sản đầy biển đầy sông như ngày trước”. Nhưng quan trọng hơn, phải thừa nhận
rằng “con cáo” Formosa đã để lộ cái đuôi về đạo đức kinh doanh của mình. Tháng
trước tôi có xem một bộ phim của Trung Quốc, một bộ phim thuộc thể loại hài nhảm
có tên là “Mỹ nhân ngư”. Viển cảnh mở đầu của bộ phim cũng tương tự như cái
cách mà ông Chu của Formosa tuyên bố, đại khái là “muốn khai thác một vùng vịnh
lớn để làm bất động sản, làm du lịch, làm khu thương mại thì phải quên đi chuyện
môi trường, chuyện bảo vệ cá heo,…”. Đó là cái cách làm ăn thiếu lương thiện,
vô đạo đức, bởi khai thác và kiếm tiền dựa trên sự an toàn, sinh kế và lâu dài
là sinh mạng của hàng triệu người dân vùng lân cận.
Tiếc là
cách làm ăn vô đạo đức như thế đang tràn lan khắp Trung Quốc, không ngoại trừ
Đài Loan, nơi được xem là xuất thân của những nhà lãnh đạo Formosa. Ô nhiễm môi
trường có lẽ là cụm từ nóng không kém gì vấn đề mang tính chính trị khác tại
Trung Quốc, trong đó các tập đoàn làm ăn theo kiểu “chọn thép hay chọn cá” như
Formosa đã góp phần không hề nhỏ. Dường như khái niệm “đạo đức kinh doanh”
không có trong từ điển của những kẻ khát tiền, luôn tìm kiếm cơ hội thu lợi nhuận
khủng trên những mảnh đất màu mỡ, những vùng biển đầy cá tôm. Và rất không may,
Formosa tìm đến Việt Nam với cái triết lý kinh doanh hết sức đáng sợ như thế.
Theo
thông tin từ báo chí Việt Nam, khu liên hợp Formosa Hà Tĩnh chỉ là một trong số
rất nhiều dự án quy mô lớn mà Formosa đã đầu tư vào Việt Nam từ chục năm nay. Một
số công ty khác như Formosa Taffeta Đồng Nai, Formosa Taffeta Việt Nam (chuyên
về dệt - nhuộm) Formosa Gear (sản xuất linh kiện cơ khí)... đều có quy mô vốn
cũng như doanh thu lên đến cả trăm triệu USD. Dự án đình đám nhất của Formasa
là khu liên hợp gang - thép và cảng Sơn Dương (Formosa Hà Tĩnh) Formosa Hà Tĩnh
do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của
Formosa Group, nắm gần 95% cổ phần. Từ khi khởi công đến nay thì Formosa đã để
xảy ra khá nhiều tai tiếng như xây dựng trái phép, sập giàn giáo... và mới đây
nhất là nghi án xả thải ra biển.
Giáo sư
Tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường, Viện khoa học công nghệ và quản
lý môi trường, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu trên
báo Tuổi Trẻ rằng theo danh mục hơn 40 chất được cho là do
Formosa nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm đến nay và sử dụng trong sản xuất thì
đặc điểm đầu tiên của nhóm các chất này là độc và cực độc đối với con người, động
vật, trong đó có các loài tôm cá. Ngoài ra, dư luận vẫn thắc mắc: Tại sao cá sống
ở tầng sâu chết nhiều hơn cá trên tầng nước mặt? “Điều này chỉ được giải thích
là chất độc được phóng thích từ họng xả thải nằm ở tầng sâu, sát đáy và với tải
lượng lớn”, theo ông Bá. Điều này khiến người ta hoài nghi về quy trình sản xuất
và cam kết về môi trường của Formosa; thậm chí hoàn toán có lý nếu cho rằng
Formosa đã ngầm thải chất độc ra môi trường sai quy định với một động cơ duy lý
nào đó: giảm chi phí xử lý chất thải hay tăng lợi nhuận kinh doanh.
-------------------------
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các
bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh
quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tin
liên hệ
No comments:
Post a Comment