Tue,
04/05/2016 - 12:20 — nguyenvubinh
Trong
hơn một tháng qua, chính trường và xã hội Việt Nam đã được nghe và chứng kiến sự
việc chưa từng có trong lịch sử 71 năm cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam.
Theo nhiều người am hiểu luật, thì sự việc thay đổi ban lãnh đạo, thay chủ tịch
quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng chính phủ trước thời hạn, trong nhiệm kỳ
công tác mà những người này không hề vi phạm kỷ luật là một việc làm vi hiến,
hoàn toàn không chấp nhận được. Vẫn biết rằng, các cơ quan và những người lãnh
đạo các cơ quan nêu trên đều thuộc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam,
và thực hiện những nhiệm vụ của đảng. Nhưng việc bất chấp những quy định pháp
luật để thay đổi nhân sự lãnh đạo đã làm nhiều người dân hụt hẫng và phẫn nộ.
Chính vì việc làm nghiêm trọng như vậy, đã làm nảy sinh câu hỏi, tại sao đảng cộng
sản lại phải vội vã, bất chấp pháp luật và dư luận để làm việc này?
Về đối nội, việc thâu tóm quyền lực và hợp thức hóa bằng việc bầu bán ở đại hội
XII của đảng cộng sản, cũng như những người hết nhiệm kỳ vui vẻ chấp nhận rời bỏ
cuộc chơi, chắc chắn không phải là lý do cần phải thay đổi ngay lập tức (chỉ sớm
hơn so với lịch trình vài ba tháng) đội ngũ lãnh đạo các cơ quan quốc hội và
nhà nước. Về đối ngoại, theo lịch trình được công bố, sắp có chuyến thăm của tổng
thống Mỹ, ông Obama tới Việt Nam vào tháng 5/2016. Nhiều người tin rằng, chuyến
thăm này của ông Obama chính là lý do dẫn tới sự vội vã trong việc thay đổi nhân
sự ban lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu chỉ là chuyến thăm bình
thường, hoặc với mục đích đu dây quen thuộc, có lẽ đảng cộng sản cũng không cần
tới việc vội vã thay đổi nhân sự cao cấp của nhà nước, chính phủ như vậy. Chắc
chắn đó phải là cuộc gặp gỡ rất hệ trọng, ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam mới bất
chấp pháp luật và dư luận như vậy. Nhưng đó là việc gì? vấn đề hệ trọng đó là
gì?
Chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh khu vực, và trong nước để phán đoán xem, đó là vấn
đề hệ trọng gì. Bối cảnh khu vực, mà quan trọng nhất chính là vấn đề biển Đông.
Đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam đã thành công trong việc quốc tế hóa vấn
đề biển Đông. Quan trọng hơn, cùng với việc Trung Quốc gia tăng xâm lấn và xây
dựng các căn cứ quân sự ở các đảo trên biển Đông, họ đã làm việc xoay trục của
Mỹ sang châu Á trở thành mục tiêu chiến lược, thậm chí là mục tiêu cấp bách.
Chúng ta đang chứng kiến, có
vẻ như Mỹ hiện nay cần Việt Nam hơn là Việt Nam cần Mỹ - đó là những tính toán
chiến thuật rất đáng khen ngợi của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn khác, khiến cho Việt Nam cần Mỹ hơn rất nhiều. Đó
là sự suy kiệt của nền kinh tế, cùng với sự cạn kiệt các nguồn lực. Hơn lúc nào
hết, đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đã ít nhiều nhận thức được
vấn đề này, và họ cần Mỹ cho việc vực dậy nền kinh tế. Việc tham gia Hiệp định
đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), có lẽ cũng chưa đủ, mà cần phải có
một sự liên kết chặt chẽ hơn, một dạng quan hệ đồng minh nào đó. Nhưng Việt Nam
sẽ vấp phải vấn đề nhân quyền và dân chủ từ phía Mỹ, nếu muốn trở thành đồng
minh. Ở đây chúng ta bỏ ngỏ hai khả năng có thể xảy ra. Khả năng thứ nhất, nhà
cầm quyền Việt Nam nhận thức triệt để vấn đề, việc vực dậy nền kinh tế cần cả
cơ chế kinh tế thị trường và thể chế dân chủ đi kèm mới có thể thành công, và họ
chấp nhận một lộ trình dân chủ thực chất. Đây là khả năng lý tưởng mà nhiều người
trông đợi. Khả năng thứ hai, thực tế dễ xảy ra hơn, đó là việc câu giờ, cũng có
lộ trình, nhưng những vấn đề mấu chốt được thực hiện từng bước. Họ sẽ dựa vào
ưu tiên chiến lược của Mỹ, trong việc tìm kiếm đồng minh đối phó với Trung Quốc,
từ đó sẽ xem nhẹ việc giám sát các bước đi mấu chốt, không để cho lực lượng đối
lập có thể tồn tại và phát triển bình thường, mà vẫn đạt được các mục tiêu chiến
lược với Mỹ. Chúng ta có thể lấy ví dụ về vấn đề công đoàn độc lập khi Việt Nam
cam kết với Mỹ để vào TPP. Đích thân tổng thống Obama, trong phát biểu của
mình, nói về quyền của người lao động khi Việt Nam vào TPP. Việt Nam đã hứa thực
hiện cam kết theo một lộ trình 5 năm, người lao động sẽ có đầy đủ các quyền
trong việc lập công đoàn độc lập ở tất cả các ngành, các cấp, các vùng và quốc
gia. Trước mắt, Việt Nam chỉ cho phép lập công đoàn độc lập ở các công ty, nhà
máy, xí nghiệp, tức công đoàn cơ sở. Chưa cho phép người lao động lập công đoàn
ngành, hay công đoàn địa phương (huyện, tỉnh) cũng như quốc gia. Cam kết thì
như vậy, nhưng khi người công nhân biểu tình, và những người hoạt động công
đoàn liên lạc với công nhân, đều bị khủng bố, đánh đập, đàn áp và đe dọa. Điển
hình là trường hợp của anh Trương Minh Đức, cô Đỗ Thị Minh Hạnh...khi những sự
việc đó xảy ra, phía Mỹ cũng chỉ lên tiếng một cách chiếu lệ. Nói như vậy để thấy,
có thể có cả một lộ trình dân chủ mà phía Mỹ đồng ý, để hai bên kết làm đồng
minh, mà tiến trình dân chủ của Việt Nam vẫn không khá lên được, hoặc khá lên
không đáng kể, không thực chất. Có thể nói, nhà cầm quyền Việt Nam rất biết khai thác tương quan “ưu
tiên chiến lược - địa chính trị” so với ưu tiên nhân quyền, dân chủ của Mỹ cho
Việt nam. Phong trào dân chủ Việt Nam đã rất nhiều lần bị mắc kẹt trong mối
tương quan này.
Như vậy, có thể nói rằng, có thể đang có một chiến lược kết làm đồng minh với Mỹ,
nhưng vẫn giữ được độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản
và nhà cầm quyền Việt Nam có thể thành công trong mưu đồ này. Tuy nhiên, họ
chưa hiểu một vấn đề cốt tử của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Ngoài số nợ gấp
đôi GDP, và hoàn toàn không có khả năng thanh toán, nền kinh tế Việt Nam hiện
nay đang bên bờ sụp đổ, vì không còn nguồn lực và động lực để phát triển. Động
lực của nền kinh tế chính là lợi nhuận. Có thể nói, ngoài một số ít các doanh
nghiệp may mắn làm ăn với nước ngoài đang tồn tại ngoắc ngoải, tuyệt đại đa số
các doanh nghiệp đều không thể làm ra lợi nhuận, do đó không thể tồn tại và
phát triển được. Nguồn lực trong dân không thể huy động trong một môi trường và
cơ chế như hiện nay, và nhất là lòng tin của người dân không còn. Nền kinh tế
Việt Nam chỉ có thể tránh được sụp đổ khi người dân có lòng tin và bỏ vốn đầu
tư, làm ăn trở lại, ngoài ra, không có một giải pháp nào khác. Nhưng lòng tin của
người dân hiện nay, do đã bị tổn thương quá nhiều, chỉ có thể có được khi nhà cầm
quyền Việt Nam cam kết bằng vấn đề cốt tử của chính họ, thực hiện đa nguyên đa
đảng, cho một hoặc nhiều đảng khác tồn tại và hoạt động bình thường. Chỉ có như
vậy, người dân mới tin tưởng và đầu tư trở lại, nền kinh tế có xung động mới,
được vực dậy và phát triển bình thường.
Đây sẽ là thử thách cuối cùng của đảng cộng sản Việt Nam. Nếu họ ý thức được, sự
tồn tại của họ, gắn chặt với việc vực dậy, tránh sụp đổ của nền kinh tế bằng
cam kết chính trị, cho việc thực thi nền kinh tế thị trường lành mạnh (tức là
thực hiện đa nguyên đa đảng để xây dựng kinh tế thị trường). Ngược lại, dù có
là đồng minh với Mỹ, dù có làm bạn bè với tất cả các nước trên thế giới, cũng
không cứu được sự sụp đổ của nền kinh tế, và kéo theo là sự sụp đổ của chế độ cộng
sản Việt Nam./.
Hà Nội,
ngày 05/4/2016
N.V.B
đụng chạm một tí là chuyên Mỹ với chả phương tây, cần nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh chứ không phải động đến là chuyện mỹ thế này tàu thế kia, toàn chuyện vớ vẩn, họ thay đổi nhanh để còn mà thích ứng với công việc nhanh để còn mà làm chứ sau mới chuyển thì mất thời gian và trì trệ bộ máy
ReplyDelete