Sunday 10 April 2016

THĂM BẠN (Trúc Chi)





Trúc Chi
Chủ Nhật, ngày 10 tháng 4 năm 2016

Hôm ấy, tôi hẹn Nguyễn Mộng Giác sẽ đến nhà trao tận tay cho Giác cái bản thảo một bài viết của một người bạn gửi cho tôi từ Huế. Tôi bấm chuông. Giác mở cửa, nét vui mừng hớn hở hiện ra mặt. Giác thường điềm đạm, ít khi sắc diện có một nét rạng rỡ như hôm ấy. Rồi, không chào hỏi chi như thường lệ, Giác “loan báo” : 
- Tạ Chí Đại Trường qua (Mỹ) được rồi!

 Tôi cũng vui lây. Với tôi, tuy chưa quen biết nhưng cái tên Tạ Chí Đại Trường không xa lạ gì. Trước ’75 tôi đã từng ngấu nghiến và nghiền ngẫm quyển Lịch Sử Nội Chiến ở VN và một số các bài viết khác của một tác giả mà tôi chịu là thông minh xuất chúng. Mà Nguyễn Mộng Giác mừng là phải. Không mừng sao được khi gặp lại một người quen biết từ thời niên thiếu (Tạ Chí Đại Trường là bạn học của người anh của Nguyễn Mộng Giác), một người đồng hương Bình Định với nhau, một người chung gánh cái nghiệp viết lách, tuy ở hai lĩnh vực riêng biệt. Giác chuyên sáng tác truyện ngắn, truyện dài. Tạ Chí Đại Trường vùi đầu vào sử. Mà lại được trùng phùng sau những năm tháng đằng đẵng thể xác và tinh thần bị hành hạ đày đọa trong những ngục tù mệnh danh là “cải tạo”. Mừng là phải. 

Ấy, cái lần “gặp” Tạ Chí Đại Trường qua “tin vui” do Giác loan báo, mới đó mà cũng ngoài hai mươi năm rồi, tính cho đến nay. Tạ Chí Đại Trường qua Mỹ khoảng năm 1994-95 chi đó, tôi không nhớ rõ. Sau đó, khi đến California, Tạ Chí Đại Trường “nhập bọn” ngay vào những buổi họp bạn kể như là hàng tuần ở nhà Diệu Chi và Nguyễn Mộng Giác tại Westminster, California. Và tôi cũng kết bạn với Trường từ dạo ấy.

Lần đầu gặp Tạ Chí Đại Trường tôi chú ý ngay đến đôi mắt sâu, sáng, với một cái nhìn thẳng thắn không xoi mói và cái mũi cao, thẳng. Nhìn nghiêng, nom anh thoáng có nét người Âu. Ăn mặc xuề xòa, không diện, không trau chuốt. Giáng điệu, cử chỉ tự nhiên của một người ít lời, nhã nhặn mà không kiêu, khiêm tốn nữa là khác.  

Dần dà, tôi thấy được vài nét khá nổi bật trong con người anh. Chuyện trò thì thành thật, không có những câu xã giao đãi bôi. Giữa đám đông, thường anh ít lời. Nhất là khi câu chuyện bắt đầu mang cái nét phê phán hành động và lối cư xử của một ai đó. Những lúc ấy, tôi thấy anh có vẻ trầm ngâm như cố ghi nhận điều mình đang nghe được. Có lẽ đó cũng là thói quen của một người cố khách quan cân nhắc sử liệu, sự kiện lịch sử. Không hấp tấp kết  luận khi nghĩ chưa chín.

Tuy kiệm lời khi trò chuyện, nhưng gặp lúc ai hỏi anh một chuyện gì đó mà anh biết rõ, anh  có thể thao thao trả lời tỉ mỉ mọi chi tiết, rất đầy đủ mà không có giọng điệu của một nhà giáo đang giảng bài. Có lần, lâu lắm rồi, cũng trong một buổi họp bạn cuối tuần tại nhà Nguyễn Mộng Giác, có bạn hỏi về việc sách xuất bản ngoài Hà Nội có chỗ gọi Võ Tánh là Vũ Tính, anh trả lời một hơi đến mười phút chứ không ít về chuyện “Vũ hay Võ”, “Thời hay Thì”, “Châu hay Chu” vân vân.  Tôi chỉ nhớ anh có nói lướt qua thói kỵ húy thời trước, dù cái thói quen ấy không phải luôn giải thích được cách phát âm địa phương của nhiều chữ. Rồi anh đùa rằng Châu Do với Chu Du trong Tam Quốc là chuyện bên Tàu để cho Tàu nó lo, chứ cả nước mình từ Nam chí Bắc, có ai gọi Ông Già Bến Ngự là  Phan Bội CHU đâu. Câu nói đầy lương tri thật!

Mấy hàng chữ này được viết ra không phải cốt để nói về  tài năng, về sự nghiệp của Tạ Chí Đại Trường, là vì nhìn từ trong nước hay từ ngoài nước thì tác phẩm của anh trước sau vẫn là những khối đá lớn trong công trình xây dựng một nền sử học khách quan cho đất nước. Vẫn biết, dùng hai chữ “khách quan” để chỉ sử học là một điều thừa, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay của nước nhà, thiết nghĩ không thể bỏ lơ hai chữ  “khách quan”  trong mọi nhận định về sử liệu và sự kiện lịch sử.

Tạ Chí Đại Trường có nhiều nhận định sắc bén, không thiên kiến, dọi vào những ngõ ngách của một số các sự việc trong lịch sử vẫn được xem như là như vậy đó rồi, không cần phải bàn cãi chi nữa, để đưa ra nhiều điều mới, khám phá.

Tiếp tay cho bộ óc có thói quen tò mò một cách thông minh ấy là hai cái cuốc để đào sâu vào lịch sử cận đại: đó là cái vốn tiếng Pháp và chữ Hán. Đương nhiên, nghiên cứu sử thì biết càng nhiều ngoại ngữ càng có lợi, càng rộng đường tìm kiếm. Nhưng mà riêng trong lịch sử Việt Nam, nhứt là khi nghiên cứu thời kỳ người Pháp bắt đầu dòm ngó giải đất hình chữ S của mình, không có hai công cụ này thì chỉ “xào” lại kiến thức của người khác thôi, khó có thêm được một góc độ mới cho một cái nhìn sâu sắc. Cứ xem thư mục trong các tác phẩm của anh thì thấy ngay là Tạ Chí Đại Trường, tham khảo rộng, đọc nhiều. Tôi nhớ có thấy hàng chữ “Trương Hoa Mê Sách Hơn Mê Gái” ở đầu một chương trong quyển Vương Dương Minh của Quán Chi Đào Trinh  Nhất. (Đọc cũng đã  ngót 60 mươi năm, có thể nhớ lầm. Nếu quả vậy, mong được bạn đọc chỉ giáo.) Nghĩ đến chàng Trương Hoa này là vì tôi thấy Tạ Chí Đại Trường cũng mê sách không kém. Xin dẫn chứng:

Một hôm ở nhà Nguyễn Mộng Giác, tôi thấy anh cầm lấy một trong nhiều quyển sách mới xuất bản mà các tác giả ở xa gửi tới cho nguyệt san Văn Học. Nguyễn Mộng Giác thường vẫn để  sách mới trong phòng khách cho anh em xem chung. Ta Chí Đại Trường lặng lẽ ngồi xuống ghế cạnh đấy không cần biết xung quanh thiên hạ đang làm gì, đang nói gì. Chăm chú đọc rất tự nhiên, không xin lỗi xin phải chi cả. Đến lúc mọi người đứng dậy đi lấy thức ăn dọn sẵn trên bàn, đói hay không, tôi không biết nhưng mà phải có người nhắc anh mới bỏ quyển sách xuống. Tôi thấy anh có một sức tập trung tư tưởng mạnh và định lực cao.
Quả là mọt sách thứ thiệt!

Thói nghiện sách này chắc là bắt nguồn từ tính hiếu học đã đành mà một phần tôi nghĩ cũng vì anh sống độc thân, tuy ở chung với bà con, nhưng anh không có vợ con. Sách dễ biến thành những người bạn chung thủy luôn có mặt khi chúng ta cần. Đã vậy, chỗ giao du của anh cũng hạn hẹp, bạn bè ít. Có lần, bất thần tạt vào thăm Nguyễn Mông Giác lúc ấy đã đau nặng, chỉ nằm trong phòng ngủ. Tôi thấy Tạ Chí Đại Trường đang ngồi trong phòng khách, cũng ghé thăm Giác, trên tay có một tờ tuần báo tiếng Việt. Chị Giác (Diệu Chi) ra cho chúng tôi biết Giác đang mệt lắm, không nói chuyện được. Ngồi một chốc, Tạ Chí Đại Trường đặt tờ báo  xuống bàn, chúng tôi cùng ra về. Bên lề đường, trước khi chia tay, Trường nói nhỏ:
            - Sau này, Giác đi rồi, mình không còn có chỗ nào ghé chơi nữa.

            Phải rồi. Cũng là chuyện thường tình thôi. Anh nói với tôi, nhưng tôi nghĩ anh cũng nói với chính anh. Sống, vô luận độc thân hay có vợ con, có gia đình, ai lại không có một đôi lúc thấy mình cô đơn!

            Cách đây vài năm, anh lâm bệnh, không lái xe nữa. Do đó anh cũng ít đi ra ngoài. Anh bạn Huy Văn, tác giả quyểnTiếng Súng Cuối Cùng Trong Dinh Độc Lập, mà cũng là bạn của Tạ Chí Đại Trường, thường vẫn “lãnh phần” lái xe mỗi lần chúng tôi vào bệnh viện hay tới nhà để thăm Tạ Chí Đại Trường vì Huy Văn thuộc đường ở Quận Cam hơn tôi. Chúng tôi vẫn điện thoại trước để hỏi xem anh có cần chi không, Trường thường thiệt tình nói mua cho một phần gỏi cuốn. Thành thử, mấy lần đi thăm Tạ Chí Đại Trường, Huy Văn vẫn ghé Brodard, cái lò gỏi cuốn luôn đông khách ở Westminster. Mà hôm nào không bị bệnh nó hành,Tạ Chí Đại Trường cũng thiệt tình ăn ngon lành!

Nhưng mà….. “Mấy hôm nay không chịu ăn uống chi cả…”

Đó là câu nói của bà chị dâu Tạ Chí Đại Trường khi Huy Văn và tôi đến thăm tại nhà ở đường An Dương Vương, Sài Gòn, khoảng giữa tháng Ba năm nay.

Chúng tôi chậm rãi lên gác. Căn phòng hơi tối. Tôi cầm tay Trường. Cánh tay gầy. Thiếu hơi ấm.  Một người như Tạ Chí Đại Trường, vốn quen nghiền ngẫm, vốn ăn nằm với cái thăng trầm trong cuộc đời của nhiều nhân vật lịch sử, cái hưng vong của nhiều triều đại, cái thịnh suy của nhiều thời kỳ trong lịch sử, thấy rõ cái cái phù du của vạn sự, một người như vậy hẳn bình tĩnh trước giờ ra đi của chính mình. Tôi nghĩ và biết vậy mà cũng phải cố gắng lắm mới giữ được vẻ tự nhiên làm như không để ý chi đến bệnh trạng của Trường. Vì trước đó mấy hôm tôi có ra đảo Phú Quốc, tôi nói ngoài Phú Quốc, trên đường đi dọc bờ bể phía Tây, thấy có cái bảng đề “Miếu Hoàng Tử”. Mà ngoài ấy có vua chúa gì hồi nào mà lại có hoàng tử. Tôi hỏi cho có chuyện vậy thôi. Vậy mà, không còn được mấy hơi Trường vẫn thều thào. Gắng giải thích. Tôi nghe không được hết. Trường chợt nhăn mặt nói với Huy Văn: “cái đồng hồ…” Huy Văn tìm cái đồng hồ đeo tay dưới tấm chăn bên cạnh gối trao cho Trường. Tôi hiểu: Trường cần biết giờ để uống thuốc giảm đau.

Chúng tôi ra về. Bước vào  ánh nắng tươi của một ngày Xuân ở Sài Gòn mà… lòng tôi rười rượi. Biết rằng đó là lần cuối mà chúng tôi nghe được tiếng nói của nhau.

Cho đến hôm nay, ngồi gõ chầm chậm những hàng chữ này, viết về Tạ Chí Đại Trường nhưng trong liên tưởng không thể tránh được hình ảnh của mấy người bạn khác cũng gắn bó với nhóm Văn Học ở California và cũng đã ra đi trong mấy năm gần đây… Cao Xuân Huy, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, Đinh Cường, Phùng Nguyễn…. Một câu thơ chữ Hán của Nguyễn Du chợt về với tôi … Trường đồ nhật mộ tân du thiểu. Phải rồi, đường dài mà ngày đã tàn, bạn bè mới lại lơ thơ. Còn bạn cũ quen biết đã lâu thì….. Thôi!

Trúc Chi 
California 4.9.16






No comments:

Post a Comment

View My Stats