Sunday, 10 April 2016

CHUYỆN GIÁC & TÔI (Tạ Chí Đại Trường)






Tạ Chí Đại Trường
Chủ Nhật, ngày 10 tháng 4 năm 2016
.
Từ trái: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Phùng Nguyễn, Trúc Chi (2004)

Đầu óc mòn mỏi nên không nhớ được đã biết vào lúc nào, gặp lần đầu ở đâu. Bởi vì tôi chỉ được học chung với anh của Giác, Nguyễn Văn Lân. Ở bộ phận trường Collège Quy Nhơn tản cư đến thôn Hoà Bình, xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, Bình Định. Năm 2006, cùng Giác "về thăm lại chiến trường xưa" trên hai chiếc xe ôm của hai người trước đó còn giành nhau: "Ông già nầy của tao, ông già kia của mầy". Và rồi như cảm nhận ở những nơi khác, cái gì trước mắt cũng trở nên nhỏ bé, teo tóp: tấm bình phong vôi gạch của cái đình còn sót lại sau cơn tiêu thổ, một vùng gò mả thênh thang bò lết lúc nhỏ nay kéo mấy hàng tre lại gần tầm mắt hơn... Bỏ cái nền trơ vơ của ngôi trường cũ, chạy qua phố Cảnh Hàng tìm con sông lúc thường phải lội nhưng mùa nước lụt phải đi đò. Loay hoay mãi mới nhận ra là đã bước qua cây cầu gỗ nhỏ bắc trên cái mương nước luồn lách giữa những đám ruộng xanh rì. Con mương đó, sách vở dạy tôi rằng chỉ là phần còn lại của giải nước từng chở trên lưng những chiếc thuyền to lớn xuôi ngược, chuyển những các sản phẩm rừng núi, đồng bằng biển khơi qua địa điểm được ghi là Canh Hãn Xã trên tầm bản đồ năm 1774. Và biết đâu dưới lòng đất đó còn có xác những chiến binh, chiến thuyền Lê Lí Trần, Toa Đô rủi ro nằm lại trong những cuộc viễn chinh? Văn chương thì nhắc đến thương hải tang điền, còn người hiện đại thì lo chuyện tàn hại môi trường... Không còn gì quan trọng nữa.

Chung học thêm một năm ở Bồng Sơn, thủ phủ của Liên khu V, thì Lân tiếp tục và đi tập kết, còn tôi mắc nạn nhà trở về quê ngoại phía sau nhà thờ Long Sông có tên trong ghi chú của các giáo sĩ, làm thằng bé dở dở ương ương nhưng cũng do đó mà có kinh nghiệm thực chứng về đất nước Dân chủ Cộng hoà. Và tất nhiên không biết Lân có người em tên Nguyễn Mộng Giác.

Tuy nhiên vì mối liên hệ dễ quên này mà những lần hiếm hoi về Quy Nhơn được người nhà cho biết ông hiệu trường trường Cường Để là em Nguyễn Văn Lân để từ đó nhận ra "Người" trên sách báo. Cũng chẳng chú ý gì hơn giữa bom đạn mịt mù, biểu tình xuống đường rầm rộ nên chỉ nhớ tên Nỗi băn khoăn của Kim Dung bởi vì tôi cũng là đồ đệ của ông ta, suốt đời ngốn tiểu thuyết kiếm hiệp trinh thám còn nhiều hơn cái gì gọi là tiền sử, khảo cổ, phong kiến bán nước, tư bản rẫy chết... Rồi lại biết Giác có giải Văn Bút, nhớ được không phải vì tên sách Bóng thuyền say mà vì tôi cũng có thể có giải năm đó nếu Văn Bút không đòi nạp trình đến năm bản đánh máy trong lúc tôi chỉ có ba bản, và giải Tổng Thống chỉ đòi có chừng ấy mà lại còn nhiều tiền hơn, theo lời ông bạn Nguyễn Nhã chuyển tiếp giùm! Nhưng có lẽ những liên kết mơ hồ dễ biến mất trong nhịp sống thường lại nổi bật gây kết nối chặt chẽ khi có biến động xô đẩy vào nhau. Lại cũng chẳng nhớ gặp Giác lúc nào ở Sài Gòn. Chỉ biết thấy Giác đứng trước cổng trường Gia Long, để hỏi về bài của mấy ông Hà Nội kết tội tôi phỉ báng anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đề cao chính sách Việt Nam hóa của Nixon... những bài mãi sau này mới thấy. Thế rồi được Giác trao đọc Sông Côn mùa lũ còn nằm trong bản thảo viết trên các tập giấy ở trường thi mà chắc ông cựu hiệu trưởng vơ vét đâu trong nhà sau cơn biến loạn. Đưa đọc không phải để tỏ tài phê bình văn học của tôi mà vì Giác biết tôi có viết về tiền cổ nên nhờ kiểm chứng các điều liên hệ. Nhớ là cũng chỉ đọc loáng thoáng chứ vào thời đó chẳng ai biết mình có thể làm điều gì rõ rệt cả. Và chắc cũng do đó mà biết nhà Giác ở Thị Nghè để một lúc qua chơi được thông báo là Giác đã dong buồm ra khơi rồi. Thế là mối liên hệ lại rẽ qua ngả khác, mà lần này tuy thăm thẳm ngàn trùng lại rắc rối, "lôi thôi" hơn nhiều.

Ở tù về, thất nghiệp ăn bám nhà ông anh, thấy sách nằm đầy vỉa hè, chợ trời trao qua đổi lại đem về đọc mới thấy ơn Nhà nước cho mình có thì giờ rảnh rang hơn trước, mở mang kiến thức nhiều hơn. Và lại thấy mình bạc bẽo hơn: Ờ sao chuyện nó phải như vầy mà những bậc tài danh của đất nước ưu việt lại cứ phải nói thế kia, ai nói trái lại thì gạt phăng "trái với chủ nghĩa Mác Lênin (một ông)" là xong ngay. Hồi sách Lịch sử nội chiến... tái bản trong nước, tin được đài BBC cho là top ten trong tháng, cũng có phỏng vấn phỏng viếc, và tôi trả lời là (đại khái): "Thì trái banh vốn nó tròn cứ bảo là méo nên chê bai, mắng chửi, đến bây giờ tỉnh giấc thấy nó tròn thì ‘cho qua’ chứ có gì lạ đâu!" Tuy nhiên sự đời vốn không thể suôn sẻ như vậy đâu. Ở trong còn lắm điều hay, người cũ, người khác không thể hiểu hết được đời mới. Sách tái bản vẫn có chức quyền lớn tiếng: "Sao lại cho in sách phản động?" Lời nạt nộ cũng khuất lấp vì tháng ngày đã phôi pha nhưng theo một blogger thì đã có tin đồn cấm bán một lúc ở Hà Nội.

Hồi đó nhịn không được, viết mấy bài khơi khơi – bởi vì biết không thể đăng ở đâu được. Nhớ hồi vào Sài Gòn sửa bài cho tập Văn học Lí Trần, ông Nguyễn Huệ Chi gặp tôi làm thầy cò nơi đó có nói: "Anh có sách gì đưa tôi tìm cách in cho!" Và tôi trả lời: "Sách tôi (lạc quan lắm) thì đến thế kỉ XXI mới in (trong nước) được." Tôi biết phận mình mà! Đã qua nửa đời người rồi thì còn hi vọng gì ở cái xứ đầy tiếng reo hò "vững bền đến muôn đời con cháu mai sau?" Giáo sư Nguyễn Thế Anh tinh ý nên khi đọc bài "Việt Nam ở thế kỉ X", đã hỏi lại (đại khái): "Có phải phản ứng với cuộc hội thảo Hoa Lư 1982 không?" Gởi bài cho GS chỉ là tìm một chỗ xả hơi nhân được người bạn Huế cho địa chỉ. Vậy mà bài tới tay Giác. Bản thân ngu ngơ, sống mịt mù trong khói lửa, bị gạt ra ngoài lề xã hội bừng bừng khí thế, đâu có biết bên tây bên mĩ người ta in sách báo bằng tiếng Việt? Ông Anh vốn là nhà nghiên cứu hàn lâm đúng nghĩa, coi cái cách các ông ban sử trường Văn Khoa Sài Gòn đối phó với các tay sinh viên tiến sĩ rớt năm 1974 thì đủ rõ. Không nói dóc đâu! Chỉ có một tay chân không tới đất cật không tới trời như TCĐT mới dẹp được cuộc loạn năm đó. Một phần cũng bởi vì ít nhiều gì tôi cũng có quen với sinh hoạt báo chí hỗn loạn bên ngoài lúc bấy giờ. Nhắc điều đó để có thể nghĩ ra chuyện ông Anh đưa bài tôi cho Giác chỉ vì Giác "nổi" trong sinh hoạt báo chí hải ngoại – và điều này thì tôi cũng chỉ biết khi qua Mĩ thôi.

Nghe nói lại, ông Anh rất cẩn thận khi chuyển bài, cứ căn dặn tìm người đứng đắn mới đưa in, chỉ sợ "người ta chớp mất ý kiến của anh ấy..." Bản thảo lộn xộn, nhem nhuốc Thần, người và đất Việt được đem in, chuyển về Việt Nam qua tay một nhà ngoại giao kiếm cớ vào Sài Gòn đưa cho tác giả quần áo xài xạc, dép lê không biết đến sự ngượng ngùng trước quan chức một cường quốc. Cứ thế mà bài được in trên Văn Học, Văn Lang với các hình tiền điếu nhập nhoè ưu ái khoe mình thêm trên báo chợ, sau này được tác giả thấy trong một thùng rác...

Qua Mĩ ở Oklahoma City vì người bảo trợ ở đó. Đâu còn gì để chọn lựa... Trong nước còn chưa biết hết, đi đường sông thì thấy mấy cái ngách cắm bảng Tử địa, lén lút thay đồ xivin coi tế đình thì mấy ông làng khuyên: "Bốn giờ rồi, trung uý về đi chớ năm, sáu giờ là 'họ' mò ra". Cái gọi là biên giới biết được là cây cột gỗ gác ngang chặn con đường đất đỏ chạy xa về bên kia, được nói là "đất Miên"! Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh. Thế mà vẫn thấy có những dự tính lạc loài. Tuổi không còn kịp cho thích ứng, dù là tạm. Thôi đành "mang quê hương theo". Viết bài trên giấy gởi về Cali mà không biết rằng người ta đã dùng computer, buộc Giác phải mướn đánh máy. Phần lớn tập Những bài văn sử thành hình hồi khủng hoảng này. Và tìm cách về Cali, trong đó có lời thúc giục của ông thầy cũ, Giáo sư Nguyễn Khắc Kham ở San Jose. Hành động ấy nghĩ lại cũng thật liều lĩnh, chỉ thoát được nhờ tinh thần đại gia đình cứu vớt qua những lúng túng bước đầu. Tìm được việc làm cũng là nhờ qua chỉ dẫn của Giác. Nhà Giác là chỗ tôi trốn nắng nóng, đến gõ cửa không cần gọi phôn báo trước bởi vì không kịp học hỏi thời văn minh. Chỗ ở đã định, an phận thủ thường. Ngày tám tiếng, tuần năm ngày, việc làm thành quen, muốn lương cao cũng không thể vượt ý ông trời Mĩ. Tìm cách "nghiên cứu" với những gì có dưới tay, làm theo những điều kiện cụ thể chứ không phải theo ước muốn vá trời lúc trẻ. Như đã trả lời với Nhã Nam: "Viết cho những tờ báo không có tiền trả, viết cho nó sống để mình còn có sân chơi." Toàn thể những bài viết của Sử Việt, đọc vài quyển đầu tiên là nằm ở Văn Học.Và có chuyện cười riêng với nhau. Giác kể: "Hàng tháng ôm một mớ báo đến nhà sách giao, lấy báo ế về đều đặn suốt mười mấy năm, chỉ trừ có hai lần không những khỏi mang về mà còn được đòi đưa thêm. Đó là hai kì đăng "Sex và triều đại".

Chuyện kể để đùa chơi nhưng nghĩ lại với tôi còn có ý nghĩa khác. Như tất cả những người dân Miền Nam có cuộc đời sang trang sau tháng 4-1975 vì đây là thay đổi chế độ chứ không phải là đảo chánh, cuộc đời chữ nghĩa của chúng tôi cũng hiện lên hai phần rõ rệt. Với Giác là một của Kim Dung và Văn Bút, hai là của các tập trường thiên. Mùa biển động đã rõ rệt với cái tên nhưng Sông Côn mùa lũ dù khuất lấp cũng cho thấy phản ứng đối với thời đại. Một dân Hà Nội đã cười cười hỏi: "Đọc sách thấy có đoạn Quang Trung mắng mỏ sĩ phu Bắc Hà, có phải anh mượn người xưa để mắng chúng tôi không?" Thì đúng vậy. Chỉ sau 4-1975 Giác như phần lớn người Miền Nam khác mới gặp tận mặt "người anh em phía bên kia", những con người huyền thoại trên sách báo thông tin ngoại quốc, của các nhà trí thức "tiến bộ" trong nước giảng dạy, hô hào, viết lách công khai thách đố Bộ Thông tin, và ngay bên cạnh, giữa những lời xầm xì lấm lét trong ngõ hẻm... Bây giờ gặp tận mặt, Giác mới thấy trong một cuộc hội nghị có ông Thứ trưởng Giáo dục đến nói chuyện mà cán bộ bên dưới ngồi gác chân ngay ở hàng ghế đầu. Trong lúc đó ở các rạp hát, người đi coi chán với phim, đứng dậy ra về thì bị ngăn lại, lần đầu được hiểu về sự tuân phục tuyệt đối của lớp "quần chúng" bên dưới. Gặp nhóm Nguyễn Khải được phái vào Nam lục tìm sách vở cũ để tìm đường lối giúp Đảng đối phó với Mĩ nguỵ, họ thú nhận rằng đời sống văn hóa Miền Nam trên thực tế không phải như lời dạy bảo của Đảng, nhưng "nói thế cho anh biết chơi thôi chứ đừng hòng chúng tôi phát biểu ra lời". Không biết bên trong, Trần Trọng Đăng Đàn hay Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Đức Nghinh, Phan Đại Doãn có nghĩ như thế không. Trí thức Việt tự bản chất là kẻ phục vụ, và chỉ được người cầm quyền coi là tay sai ("thằng bé biên chép", "gia thần/gia nô", "con em Công Nông") nên không thể có phản ứng nào khác ngoài chuyện tập họp nói lén, như có một lần thấy ghi về Trần Khắc Chung, Đoàn Nhữ Hài xa lắc xa lơ. Hay trong các chuyện tiếu lâm móc ngoéo đầy dẫy sau 1975 để GS Nguyễn Văn Trung ghi chép, phải nằm ấp vài tháng vì bị sinh viên tố cáo – cũng những sinh viên như thế, trước 1975 đã "làm hết" trong các cuộc biểu tình xuống đường, viết tuyên cáo nảy lửa cho các Thầy kí tên! Cho nên ở thế dưới tay, Giác cũng tìm chỗ xả xú bắp trên nhân vật của mình.

Phần trước của tôi cũng có thể nói là trên quyển sách nhỏ kia, và một bản thảo luận án được bất đằc dĩ cho ra đời trong năm 2011 vừa qua. Phần lớn là của sau 1975, như tôi nói năm 2006 ở Hà Nội giữa những người mới quen: "Quyển sách bị mắng mỏ kia thật tình chỉ là của anh học trò, do thầy, sách vở bảo sao làm vậy, nhất là với lối giáo dục ở xứ mình, chẳng có Nichxơn Mĩ nguỵ nào trong ấy cả, muốn tìm tội "làm giặc" thì phải coi mấy quyển sách về sau mới được". Và phải nhấn mạnh ở đây, cái tội làm giặc ấy, Giác phải chia sớt với tôi, phần lớn. Trong riêng tư, đó lại là ơn lớn của Giác đối với tôi.

Tất nhiên cha sinh mẹ đẻ ra thì một cá nhân đã có mặt ở cõi đời này không thể chối cãi được rồi. Chính quyền đòi có một tờ khai sinh để bắt lính, đóng thuế... Nhưng có nhiều người đòi "hiện diện" khác hơn tình trạng thụ động ấy. Đòi được hay không, bị chê trách hay ồn ào xu phụ lại là chuyện khác. Thế mà "hiện diện" lại phải dưới hình thức được thế nhân nhận ra. Giống như kinh có chữ Tam Tạng mang về qua 72 tai nạn và một cơn hối lộ vậy. Ông Cao Bá Quát cứ giữ riết mấy bồ chữ của ông ta trong bụng thì không thể nào được tuyên xưng là Thánh cả. "Dân chữ nghĩa" mà không hiện diện bằng chữ nghĩa thì chỉ là vu khoát, hay chỉ được người ta tiếc thương với một chút trắc ẩn mà thôi. Ngày viết những bài đầu tiên thật tình cũng chỉ là "viết khơi khơi" như đã nói. Nhưng giận lắm thì cũng phải nguôi, "giận dai con nít nó cười cho", "ai làm gì ai nào!" Ngày biết bài viết được đăng bên ngoài thấy cũng khoái, nhất là mấy lúc thất nghiệp, chỉ có việc làm nửa ngày còn nửa ngày chui vào thư viện (đã có người quen cho đọc sách), thường xuyên đến nỗi có tên bạn hỏi: "Này, viết cho hải ngoại nó trả tiền khá lắm sao mà rảnh rang quá vậy?" Cười trừ. Và tìm hứng khởi để viết tiếp. Có thể nói nửa đời chữ nghĩa của tôi về sau là của Giáo sư Anh và Giác được không?

Chưa hết. Sách in ra không gợi chút tò mò nào ngoài chuyện "sex và triều đại" trên, cũng như phản ứng khá nhẹ nhàng của ông nào đó bênh vực Hùng Vương, cho là có hại cho tinh thần chống cộng sao đó... "Tây" lại càng không biết đến. Chỉ vì họ không đọc được tiếng Việt, phải nhờ các tay khoa bảng chia fund, dịch ra, như thế thì chỉ có sách vở nhà nước mới được họ biết đến, nhất là loại sách vở này thấy làm ăn có bài bản lắm. Trăm miệng một lời, có chiến thắng thời đại phụ họa, sao không đáng trích dẫn? Ở một ngóc ngách đặc biệt lắm như cổ tiền học mới thấy ông François Thierry lưu ý, nhắc đến tên để báo cáo trong hội nghị Cổ tiền học thế giới ở Bruxelles 1991 (và 1997?) cùng đính chính tin tức về Khuôn tiền đá ở Bắc Thái trên một số Bulletin de la Société Française Numismatique 1997. Li Tana sở dĩ biết Thần, người và đất Việt là do Giáo sư Anh chỉ, và cũng bởi hợp ý của bà ta về một Đàng Trong khác biệt. (Nói thật tình, tôi không có phản ứng tội lỗi "lớn" đến như vậy đâu, đã nói, các khác biệt đưa ra là từ sự kiện do "cách học" nhận được chứ không phải bởi tiền đề Nam Bắc). Quyển Thần, người và đất Việt bản mới, in ra chắc là vì sạch sẽ nên được người mua, gởi bưu điện (!) về Sài Gòn tặng bạn, và Văn Học, tác giả nhận được lời mắng thẳng từ nạn nhân: "Các ông chắc cũng già rồi, sao không lo yên phận, đi viết lách lảm nhảm để Ban An ninh Thành uỷ gọi tôi lên mắng mỏ 'Đọc chi sách vở của những tên phản động, viết những điều không bổ ích gì cho trí óc...'"

Tuy nhiên với thời đại ngày nay thì cũng khó mà bịt miệng, mà mắt thiên hạ. Nhiều người không gặp rủi ro như ông bạn kia. Thế là thấy có những nhận định không đưa tên tác giả, như một số tạp chí Kiến trúc nói chuyện cái đình làng từ gốc đình trạm v.v. chứ không phải có tự thời Hùng Vương. Rồi có những trích dẫn lẻ tẻ đưa tên người, sách để mở đường cho việc tái bản sách trong nước. Cả đến việc Khoa Văn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mở toạ đàm về "Những nghiên cứu của Tạ Chí Đại Trường từ cái nhìn liên ngành" 13-10-2009. Không biết họ nói những gì nhưng sự lan truyền như thế cũng là điều tự nhiên của tình thế. Chuyện to tuồng lớn tiếng như chính trị, cách mạng cũng không qua được cái nấc bình thường giữa Lạ và Quen. Hồi mới tiếp thu Sài Gòn người ta chê: "Bọn Mĩ ngụy ăn một chỗ, ỉa cũng chỗ đó". Bởi vì quen hưởng thú ỉa đồng sau thú làm Quận công, đỗ Thám hoa, cưới vợ đẹp nên trong một trại cải tạo các anh bộ đội đang quản lí hàng chục cầu tiêu tự hoại của trại gia binh mà cứ đào hầm, thọc ống sạc đạn ngồi ỉa trên đó vung vãi tứ tung, bắt ngụy dọn mệt nghỉ! Kiến thức chỉ đến từ từ, theo thực tế thúc đẩy mà có khi còn bị bài bác, gây phân hoá. Như nhóm Nguyễn Văn Linh chê Võ Văn Kiệt là tư sản hoá, nhưng chính bởi biết đánh tơ-nít mà VVK đã cầm vợt ra sân làm việc hủ hoá với Thủ tướng Thái Lan, kết thúc một màn điều đình ngoại giao ngoạn mục, khác với Thủ tướng Phạm Văn Đồng khoe khoang "từng đánh thắng bao đế quốc sừng sỏ" để người ta trả lời: "Thái Lan hãnh diện là chưa từng va chạm với một đế quốc sừng sỏ nào hết". Chế Lan Viên phải chết mới có Di cảo thơ nhưng Nguyễn Khải cuối đời đã ráng "đặt cục gạch". Cho nên Sông Côn mùa lũ được tái bản trong nước dù Vũ Hạnh phản đối dữ dội. Và tôi "ăn theo" Giác, nhờ cậy những người quen Giác đầu tiên.

Bởi văn học có quần chúng nhiều nên khung giao tiếp của nhà văn rộng hơn ở các ngành chuyên môn khác. Và vì thế mà tội của nhà văn đối với chính quyền mới cũng nặng hơn. Một buổi tối năm 2006, nằm trong phòng ở Quy Nhơn của Giác, nghe có tiếng điện thoại, xong, Giác mới nói: "Của Công an Sài Gòn, năm nào họ cũng "mời tới chơi", năm nay hấp tấp đi thẳng về Quy Nhơn nên họ mới gọi đuổi theo nhắn nhe: 'Sao về mà không ghé lại chơi!!!?'" Hồi còn ở trong trại cải tạo, có kẻ vượt rào đến gặp tôi chỉ để nói: "Coi thử mày là thằng nào hồi trước không nghe mà bây giờ thấy chúng nó chửi mày dữ vậy." Con đường Tiến về Sài Gòn của tôi như vậy là có bàn tay của Giác dù không ai biết tới. Không phải chỉ có "Tây" và người chính thống mới lơ là. Sách, bài tôi in ở bên ngoài từ 1986 vậy mà đến năm 2009 mới thấy Wikipedia tiếng Việt cho vài hàng, lấy từ những bài trong nước, của Nhã Nam làm việc "phỏng vấn" chọn lựa điều không động chạm, đăng ở các báo để quảng cáo Những bài dã sử Việt, đáng lẽ ra đời từ 2007 nhưng mắc kẹt vì tác giả đã sống cùng "nước" với nguỵ Lê Xuyên, Dương Nghiễm Mậu, những người đang có sách được tái bản bị chê là khiêu dâm, có mục đích phục hồi nguỵ mà sao không chịu in sách của người có công với Cách mạng như Vũ Hạnh chẳng hạn. Chẳng quan trọng gì lắm ở cái chuyện Wikipedia nhưng nói ra là để kể công của Giác đối với tôi. Còn ai đó muốn bắt tội đưa đường dẫn lối của Giác thì cứ tự tiện đi theo đuổi bắt!

Có gan cùng mình thì cứ tiến hành ý nguyện, còn tôi tuy có trách sao Giác không biết get line nhưng vẫn phải nén lòng chờ đến lượt gọi đi mà thôi.

Tạ Chí Đại Trường


No comments:

Post a Comment

View My Stats