Sunday, 3 April 2016

MINH BÉO BỊ BẮT LÀ GIỌT NƯỚC TRÀN LY ? (VietTuSaiGon)





VietTuSaiGon      
Sun, 04/03/2016 - 17:03 — VietTuSaiGon

Hơn tuần nay, dư luận trong nước bỗng dưng sôi lên vì câu chuyện nghệ sĩ trẻ Minh Béo bị bắt tại Mỹ vì cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em. Câu chuyện kéo theo hai luồng dư luận trái chiều: Số đông cộng đồng mạng ném đá, thậm chí nguyền rủa Minh Béo đã làm ô danh người Việt Nam và; Một số rất ít người thông cảm, thương cảm đối với Minh Béo. Nhưng vấn đề cần bàn ở đây không dừng ở thái độ, phản ứng của mọi người đối với Minh Béo, mà là chúng ta, hay nói đúng hơn là hầu hết người dân Việt Nam đang sống trong một xã hội mà chúng ta có thể bị bắt bất kì giờ nào ở các nước tiến bộ nếu chúng ta sử dụng thói quen của Việt Nam áp dụng trên nước bạn.

Vì sao nói rằng có thể bị bắt bất kì lúc nào nếu chúng ta sử dụng thói quen của người Việt Nam trên nước bạn mà cụ thể là một đất nước tiến bộ nào đó có đầy đủ hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người một cách tối ưu? Và cái thói quen muốn nói đến ở đây là thói quen gì? Xa hơn một chút là thói quen đó có từ bao giờ?

Đức hạnh của số đông người Việt

Ở vấn đề thứ nhất, phần đông người Việt Nam có thể bị bắt bất kì lúc nào nếu chúng ta sử dụng thói quen cùa người Việt khi sang các nước tiến bộ. Điều này hoàn toàn không phải tưởng tượng ra mà là thói quen rất phổ dụng, nó như một thứ nội hàm của bộ qui tắc ứng xử của người Việt.

Ví dụ như hiện tại, vẫn có những ông chồng Việt Nam khi sang Mỹ, niềm mong mỏi lớn nhất của ông ta là ngày về quê ăn Tết. Bởi chỉ khi về Việt Nam, ông mới có cơ hội xổ toàn bộ sự tức giận vào nắm đấm và đấm túi bụi bà vợ vốn chọc tức ông ta bấy lâu nay trên đất Mỹ. Như vậy là ông đã kìm chế lắm rồi, chứ nếu kìm chế không được, không chừng ông cũng đang ngồi tù bởi dám đánh vợ trên đất Mỹ. Thói quen này chiếm số đông người Việt.

Rồi chuyện hút thuốc lá nơi công cộng, khạc nhổ nơi công cộng, vứt rác bừa bãi hay vào nhà hàng ăn buffet thì băng ngang băng dọc trong lúc người ta xếp hàng, tha hồ bốc thức ăn bỏ vào dĩa đến thừa mứa mặc cho người khác có còn để lấy hay không. Và nếu có ai đó lên tiếng phản ánh hay chê bai thì rất có thể xảy ra chuyện dĩa bay, nĩa bay, muỗng bay và khó biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Thứ thói quen đáng sợ nhất mà người Việt hay mắc phải khi đi sang các nước giàu có, đó là thói quen ăn cắp. Hễ cứ bước vào cửa hàng hay bước vào chợ, siêu thị, nơi nào hàng hóa bày bán la liệt mà không có người quản lý, theo dõi thì cứ mặc nhiên bốc bỏ túi, bỏ vào lưng quần, thậm chí nhét vào những chỗ mà có tưởng tượng kiểu gì người ta cũng khó mà hình dung được. Nhưng người Việt Nam đã từng làm.


Và thói quen ăn cắp của phần đông người Việt Nam khi đi ra nước ngoài không phải là người nghèo khó, bởi nghèo khó thì làm gì có cơ hội đi ra nước ngoài (một cách xênh xang và thong dong như vậy). Mà thói quen này lại biểu hiện ở những người được xem là đại sứ văn hóa hoặc giả là gương mặt đại diện cho văn hóa Việt Nam. Ví dụ như trường hợp một cô MC của một kênh văn hóa trong đài truyền hình Việt Nam, cô đã nhiều lần ăn cắp ở nước ngoài, bị bắt và được gia đình bỏ tiền bảo lãnh tại ngoại, mượn cả “tối huệ quốc” để miễn truy tố… để rồi mọi chuyện lại chìm xuồng và cô vẫn tiếp tục làm MC cho kênh truyền hình phổ biến văn hóa của nhà nước hiện tại.

Một thói quen nữa cũng đáng sợ không kém, đó là hễ cứ có chút quyền lực, chút quan hệ thì nghĩ cách buôn lậu hàng quốc cấm, tìm cách thâu tóm, vơ vét của người ta, bất chấp pháp luật. Chuyện buôn lậu sừng tê giác của bà đại sứ Việt Nam tại Châu Phi vẫn còn nóng hổi, mới rành rành ra đó.

Câu chuyện Minh Béo bị bắt tại Mỹ vì cáo buộc xâm hại tình dục trẻ em, e rằng đây cũng là thói quen. Một thói quen có tính chất tố cáo cái xã hội mà anh ta đang sống. Vì có một số đông người Việt Nam luôn mang thói quen mà tại Việt Nam dù họ có làm nhiều lần vẫn không đến nỗi ngồi tù, bất quá thì bỏ vài đồng đút lót cho công an, tòa án, chuyện coi như huề, không có gì để lo lắng. Buôn lậu thì đút lót hải quan là qua chuyện, ăn cắp thì đút lót công an, quan hệ tình dục hay xâm phạm tình dục cũng thế, chỉ cần có nhiều tiền để đút lót thì mọi chuyện êm xuôi, trót lọt. Nhưng sang Mỹ thì câu chuyện lại khác, hoàn toàn khác!

Minh Béo, mặc dù đứng trên góc độ công việc của một nghệ sĩ, cho đến giờ này Minh Béo vẫn là một nghệ sĩ có lòng tốt, biết yêu thương người khác, hầu hết những chương trình mà Minh Béo tham gia đều là những chương trình mang đến cho người nghèo sự chia sẻ, chút ấm áp tình người và kéo người ta ra khỏi cái nghèo bằng những con bò, những đồng tiền quyên góp… Có thể nói rằng sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của Minh Béo gắn liền với hoạt động từ thiện. Đây là chuyện hiếm hoi tại Việt Nam.

Nhưng nghiệt nỗi, Minh Béo lại có thói quen mà xã hội hay pháp luật cũng không thể chấp nhận, đó là xâm phạm tình dục trẻ em. Đã có nhiều đơn thư tố cáo Minh Béo về tội danh xâm phạm tình dục trẻ em tại Việt Nam nhưng Minh Béo chưa hề bị pháp luật sờ gáy. Bởi vì tại Việt Nam, đây không phải là chuyện mà nhà nước hay cơ quan tư pháp quan tâm lắm. Trừ khi có ai đó có quá nhiều tiền và họ muốn nhà nước, pháp luật phải quan tâm cho họ, lúc đó câu chuyện mới được làm rõ theo hướng yêu cầu của kẻ có tiền. Ngược lại, nếu có kẻ khác có tiền nhiều hơn và chịu chung chi để im hơi lặng tiếng thì ngành tư pháp Việt Nam cũng sẵn sàng im, không nhắc đến nữa.

Và thói quen đó như một cái bẫy sập cuộc đời Minh béo cũng như tương lai, sự nghiệp của anh ta xuống hố. Trên đất Mỹ thì khác, không phải cứ có tiền là được. Anh có thể bỏ tiền để bảo lãnh tại ngoại trong chừng mực pháp luật cho phép nhưng anh không bao giờ bỏ tiền ra để chạy tội được, bởi đây là luật pháp Mỹ. Và bản án 5 năm 8 tháng tù giam đang chờ anh phía trước.

Thói quen xã hội chủ nghĩa

Tại sao số đông người Việt Nam lại có những thói quen trộm cắp, gian lận, cẩu thả, bất chấp khi đi ra nước ngoài? Xin thưa là không phải khi đi ra nước ngoài người ta mới lộ thói quen này mà những thói quen này đã được dung túng, được bao che trong đất nước Việt Nam, trong chế độ Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Và sự dung túng, bao che, thỏa hiệp với cái xấu phát triển mạnh đến mức người ta nhầm tưởng cái xấu là bình thường, là không có gì đáng nói, là có thể giải quyết bằng tiền và có tiền thì mua tiên cũng được.

Mà nói sâu xa hơn là người Việt Nam đã sống quá lâu, đã lặm quá nặng thứ văn hóa gian dối, tác giả của thứ văn hóa này không ai khác ngoài đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì ngay từ những ngày đầu cướp chính quyền năm 1945, công cướp chính quyền là công chung của nhiều đảng phái lúc bấy giờ, đáng kể nhất phải nói đến Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhưng khi vừa cướp chính quyền xong thì Việt Nam Quốc Dân Đảng phải té ngửa vì thấy toàn cờ Việt Minh (lớp vỏ của Cộng sản) treo khắp hàng cùng ngõ hẻm. Cái sự gian lận, cướp công ấy chưa chịu dừng và tiếp tục phát triển cho đến hôm nay.

Trong xã hội Cộng sản xã hội chủ nghĩa, người ta có thể dễ dàng mua một tấm bằng tiến sĩ, mua một cái ghế chủ tịch, mua một chỗ đất ưu tiên, mua một suất vay cho người nghèo, mua một bản án tù đày bằng một số tiền mà ngành công an vừa đủ thỏa mãn, ngành tòa án có thể ngậm miệng ăn xôi… Kẻ buôn lậu thì mua chuộc hải quan, kẻ buôn ma túy, giết người thì mua chuộc ngành y tế để có giấy chứng nhận tâm thần mà chạy tội. Không có gì mà người ta không gian lận được, bởi đồng tiền có thể mua được mọi thứ trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Và thói quen mua mọi thứ, bất chấp đạo đức, bất chấp lương tri, bất chấp nỗi đau của người khác đã phát triển đến độ nó trở thành chuyện thường nhật, chẳng có gì đáng bàn, nó giống như chuyện ăn uống, nghỉ ngơi. Hay nói khác đi nó đã chuyển hóa thành hệ qui chiếu đạo đức tập thể của đại bộ phận người Việt Nam hiện tại.

Sự vụ Minh Béo bị bắt và đối mặt với bản án năm năm tám tháng tù giam tại Mỹ, nếu xét về bản chất sâu xa của nó, đây là sự va chạm giữa hai hệ qui chiếu đạo đức hoặc sự đụng độ giữa hai hệ thống pháp luật, đó là Việt Nam và Mỹ. Tại Việt Nam, câu chuyện của Minh Béo có thể chìm xuồng nếu anh ta bỏ ra chừng vài chục ngàn đô la để đút lót cho cơ quan pháp luật liên đới. Nhưng tại Mỹ, anh ta phải bỏ ra một triệu đô la chỉ để được bảo lãnh tại ngoại chờ xét xử.

Và sự vụ Minh Béo bị bắt đã tố cáo cái xã hội cũng như bộ máy điều hành xã hội mà anh ta đang sống. Người ta bắt đầu nghĩ đến việc Minh béo có thể chạy được giấy chứng nhận tâm thần để giảm tội hoặc Minh Béo đưa ra chứng cứ đã uống một viên thuốc nào đó gây mất phương hướng tâm lý. Chuyện này có thể xảy ra.

Nhưng đó chỉ là chuyện luồn lách, tránh né sự thật, tránh né hình phạt của pháp luật. Trong khi đó, không cần chứng minh bị tâm thần thì trong mắt người dân tiến bộ, những người Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật tại quốc gia của họ đều là những người tâm thần, chí ít là hội chứng tâm thần tập thể xã hội chủ nghĩa. Và cũng không cần chứng minh có viên thuốc gây ảo giác nào người ta vẫn có thể thông cảm được cho những trường hợp như Minh Béo, bởi người ta hiểu được rằng những người Việt như Minh Béo đã uống phải viên ma túy giáo dục xã hội chủ nghĩa từ tấm bé.

Đó là chuyện đáng buồn và đáng sợ. Vấn đề ném đá hay thông cảm cho Minh Béo không hẳn tốt hay xấu mà nó chỉ phản ánh những sắc màu tâm lý của một tập thể, một nhóm người hay một cá nhân nào đó. Vấn đề trọng tâm vẫn là thói quen của một quốc gia, thói quen của hệ thống cầm quyền đã tạo tác ra hành vi có tính đại diện cho quốc gia đó trên trường quốc tế!





No comments:

Post a Comment

View My Stats