Saturday, 4 January 2014

XÓA SỔ DI SẢN UNESCO ? (Trần Khải)




01/05/2014

Câu chuyện có nên hay không dẹp bỏ Tết Ta, hay gộp Tết Ta vào Tết Tây, đã được thảo luận mấy năm nay.
Có vẻ như bên nào cũng có lý riêng. Nhưng thực tế, sẽ là trăm đường rẽ khó tiên đoán cho dân tộc.

Bản tin VTC ghi lời Chuyên gia Phạm Chi Lan: Cần sớm có lộ trình gộp Tết ta và Tết Tây.

Bản tin VTC ghi nhận:
“Dưới góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết âm lịch và Tết dương lịch.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nói bà hoàn toàn đồng ý với quan điểm đón Tết cổ truyền theo dương lịch của Giáo sư Võ Tòng Xuân đăng trên VTC News
Xét trên góc độ kinh tế, theo bà Chi Lan, về lâu về dài nước ta nên theo cái chung của các nước khác, tức là nghỉ một dịp thôi.
"Dịp đó có thể dài hơn nhưng nghỉ một kỳ. Hiện nay thời gian nghỉ giữa 2 cái Tết đang gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty", chuyên gia này nói...”
  (hết trích)

Như thế, là nhìn từ phía thành phố lớn, nơi cư dân gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngoại quốc.

Nhưng còn Việt kiều thì sao? Bứng cái gốc Tết Ta, có gì bảo đảm Tết Tây sẽ thu hút được Việt kiều về thăm nhà để dự lễ hội truyền thống ở các thôn làng...
Rồi Việt kiều dạy con em về Tết Tây Sơn ra sao, khi bánh chưng, bánh tráng... mất đi mâm cơm cúng giao thừa Tết Ta. Và chắc gì Việt kiều sẽ gửi tiền về cho thân nhân dịp Tết Tây, vì không lẽ gửi tiền về cúng ông bà vào Tết Tây?

Sử gia Dương Trung Quốc trả lời VTC dươi khía cạnh khác:
“Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ ý kiến quanh ý tưởng gộp Tết cổ truyền với Tết Dương lịch để tránh lãng phí, hòa nhập với thế giới.
Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng, việc nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài sẽ gây nhiều lãng phí cho các ngành nghề kinh doanh trong xã hội. Bước vào thời đại hội nhập với thế giới, Việt Nam nên gộp Tết cổ truyền để tổ chức vào dịp Dương lịch như các quốc gia khác.
Nhằm tạo ra quan điểm nhiều chiều, VTC News đã có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề "Nên hay không gộp Tết Ta và Tết Tây làm một?":

- Có nhiều ý kiến cho rằng đã lúc Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo Dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Thực ra đây không phải là vấn đề mới, chuyện này đã được đem ra bàn từ khá lâu rồi.
Vào dịp Tết cách đây gần 15 năm, giáo sư Từ Giấy đã đưa ra quan điểm này và khiến dư luận bàn tán khá sôi nổi. Tuy nhiên đa phần đều phản ứng khá gay gắt vì động phải tập quán quá lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Theo tôi, Tết Âm lịch là khoảng thời gian rất quan trọng, cốt lõi của nó chính là những tập quán gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam.
Trong xã hội truyền thống của phương Đông, trong đó có Việt Nam, là xã hội nông nghiệp nên hay tính lịch theo mặt trăng (Âm lịch). Còn Dương lịch gắn liền với phương Tây, dựa trên lịch của người công giáo. Hai nền văn hóa có nhiều sự khác biệt về tín ngưỡng, phong tục, văn hóa... nên không thể gộp Tết Âm và Tết Dương lại làm một.
Có ý kiến cho rằng gộp lại để hội nhập với thế giới, tôi không tán thành.
Hiện tại, để hội nhập với thế giới còn rất nhiều cách, đâu phải cứ gộp lễ Tết lại mới là hội nhập.
Hội nhập là cần thiết nhưng không được hòa tan, hội nhập xong rồi nhưng lại mất đi các giá trị truyền thống của dân tộc liệu có chấp nhận được không?

- Việc nghỉ Tết Âm thường kéo dài, điều này gây ảnh hưởng tới khá nhiều ngành nghề kinh doanh, gây ra lãng phí cho nền kinh tế. Ông có ý kiến thế nào về quan điểm này?
Theo tôi, ở đây dùng từ "lãng phí" là chưa chính xác mà thay vào đó phải là có "tiện" hay không.
Chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, nên đặt câu hỏi liệu nghỉ Tết dài có thực sự tiện lợi cho người dân hay không? Mà nói cho cùng, nghỉ dưỡng cũng chính là cách tích lũy cho nền kinh tế...”
(hết trích)

Thế còn Thái Lan, họ cũng có tết riêng vào tháng 4 hàng năm thì sao? Và Tết Thái Lan, còn gọi là Tết Tạt Nước, đã thu hút du khách vào và cũng là sợi dây gắn bó với Thái Kiều hải ngoại...
Tết Thái Lan còn gọi là lễ hội Songkran Festival, năm nay khởi sự từ ngày 13 tới ngày 15 tháng 4 năm 2014. Thế nhưng, kinh tế Thái Lan dịp này lại hốt bạc, có gì là lãng phí đâu...
Nếu cắt đứt dây liên lạc với Thái kiều hải ngoaị, mới là lãng phí, hao tiền, tốn bạc chớ...

Huống gì, dịp Tết Tạ ở VN đều có nhiều lễ hội... Nếu xóa bỏ Tết Ta, lấy gì thu hút du lịch về làng xã? Rồi hy vọng Việt kiều Tết Tây về ăn Tết Việt Nam chăng? Trời ạ... làm sao mà Tết Tây ở VN hấp dẫn bằng Tết Tây ở New York, Paris... được.

Vậy rồi Hội Tết Sinh Viên, Hội Tết Cộng Đồng ở hải ngoại dời về Tết Tây chăng?
Còn khuya ạ... Xóa sổ, là đứt hết dây chuông nhé.

Theo Wikipedia, Tết Nguyên Đán có:
“Các lễ hội truyền thống khác như thi đấu cờ người; đua thuyền, đấu vật, đánh còn, múa lân, múa rồng, thi thả chim bồ câu... tùy theo bản sắc văn hóa của mình, mỗi địa phương đều tổ chức lễ hội ngày tết với những phần "lễ" và phần "hội" chứa đựng những nét văn hóa khác nhau rất phong phú....”

Hãy hỏi đơn giản, các lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể UNESCO, khi xóa sổ Tết Ta cũng là xóa sổ các di tích UNESCO vậy.

Dân chủ hóa đâu có nghĩa là Tây hóa. Hãy xem Thái Lan thì biết...

No comments:

Post a Comment

View My Stats