Saturday, 4 January 2014

TANG LỄ VIỆT DZŨNG ĐÔNG KỶ LỤC (Vi Anh)




01/03/2014

Khi quan tài đóng lại là lúc nhận định đúng nhứt về một con người. Đồng bào Việt Nam hải ngoại, nhứt là ở Little Saigon nơi có một cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhứt ở Mỹ đã chứng minh chân lý đó. Đám tang Việt Dzũng là một đám tang đồng bào Việt tham dự đông nhứt trong lịch sử Little Saigon từ khi thành lập cho đến bây giờ.

Thực vậy, một cựu thượng nghị sĩ Việt Nam Cộng Hoà nay đã  trên tám mươi, từng phục vụ cho chánh quyền trung ương hai thời đệ nhứt và đệ nhị. Một sĩ quan cấp tá của Quân Lực VNCH nay đã quá thất thập cỗ lai hi mà còn xông xáo chống Cộng. Một sĩ quan Cảnh sát VNCH qua Mỹ làm chủ một nhà hàng, chủ một cơ sở in ấn bằng kỹ thuật số âm thầm ủng hộ cho nhiều đoàn thể chống Cộng. Một đốc sự hành chánh rất gắn bó với đồng nghiệp, luôn có mặt trong Hội này. Và hai sĩ quan cấp tá của Quân lực Mỹ, cùng trang lứa với Việt Dzũng. Hai phóng viên kỳ cựu của nhựt báo địa phương, một chủ bút của nhựt báo gợi ý viết bài này. Tất cả những người quen thân này đã  theo dõi, tham dự tang lễ của Việt Dzũng đều nói, đám tang của Việt Dzũng đông người nhứt ở Little Saigon cho đến bây giờ.

Còn ngoài Little Saigon, các đài phát thanh có tính quốc tế của Mỹ, Pháp có chương trình tiếng Việt và tất cả báo và phát thanh, phát hình của người Việt hải ngoại đều có đi tin và hình tang lễ của Việt Dzũng, ít nhứt một hai lần.

Trên không gian tin học, lời thông báo, bài nhắc lại kỷ niệm, hoài niệm, chia buồn, hình ảnh  tang lễ Việt Dzũng rất nhiều, nhiều hơn bất cứ một nhân vật đã qua đời nào của người Việt.

Vì Việt Dzũng là một nhân vật nổi tiếng của VNCH ư? Vì ca nhạc sĩ sáng tác nhiều? Vì Việt Dzũng là một nhà truyền thông đa dạng? Vì Việt Dzũng là một MC giỏi? Vì Việt Dzũng là một người tật nguyền mà cố gắng vươn lên? Vì Việt Dũng là một cựu học sinh Lashan Tabert được nhiều cộng đoàn Công Giáo  thương mến?

Thưa không. Việt Dzũng còn trẻ, chưa làm gì thời VNCH. Việt Dzũng là một nhạc sĩ sáng tác cả 400 bài; Việt Dzũng là một MC có hồn, nhưng ở hải ngoại rất nhiều MC ca nhạc. Và trong văn nghệ, văn chương quí hồ tinh, chớ không phải quí hồ đa. Việt Dzũng là người làm truyền thông, thì ở Little Saigon đâu phải một mình Việt Dzũng làm tin, nói trên truyền hình, truyền thanh. Việt Dzũng là một học sinh trường tư Công Giáo nhưng ở hải ngoại có hàng ngàn người học sinh Tabert như Việt Dzũng.
Cái làm cho đồng bào ở Little Saigon này đến  tham dự, viếng thăm, nguyện cầu, đưa tiễn  Việt Dzũng đông nhứt  là - vì Việt Dzũng là  hiện thân của người Việt tỵ nạn CS, hiện thân của tập thể, của cộng đồng người Việt tỵ nạn CS. Nên đồng hương, đồng bào Việt thấy trong Việt Dzũng có mình và thấy mình trong Việt Dzũng.

Vì thế Việt Dzũng còn sống mãi  trong lòng người Việt tỵ nạn CS. Như cuộc di tản vô tiền khoáng hậu của người Việt tỵ nạn CS đầy hiểm nguy nhưng cũng đầy vinh quang của người Việt  sống mãi trong dòng lịch sử Việt Nam.

Như người Do Thái di tản ra khỏi Cổ Ai Cập tạo thành một nền văn minh mà khôn ngoan, kinh nghiệm được ghi lại làm gương trong kinh Cựu Ước của Ky tô Giáo.

Đế Quốc La Mã trải rộng khắp Âu châu, vùng Tiểu Á và Bắc Phi, Địa Trung Hải có thể suy tàn, sụp đổ nhưng làn sóng di tản của người Do Thái tồn tại, trở thành nước Do Thái. Sau Thế Chiến 2, Liên Hiệp Quốc  tái lập nước Do Thái tại vùng Đất Hứa. Người gốc Do Thái giáo sư Đại Học Sorbone ở Pháp, khoa học gia ở Mỹ, Nga, Anh trở về cố quốc, tình nguyện làm trưởng ấp, làm giáo viên, làm người lính gác giặc.

Thì hàng triệu người Việt Quốc Gia  cũng vậy, như người Do Thái. Người Việt gạt nước mắt bỏ nước ra đi bằng máy bay, bằng thuyên nan vượt đại đương, bằng đường bộ trèo đèo, lội suối, băng sông đi tìm tự do, với hy vọng tìm cái sống tự do trong cái chết bị CS đoạ đày. Và với niềm tin sẽ tiếp tục cuộc chiến đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền mà người Việt Quốc Gia bị đồng minh Mỹ bỏ rơi nên thua một trận 30 tháng Tư 1975, chớ chưa thua cuộc Chiến Tranh Quốc Cộng.

Việt Dzũng là hiện thân, là hình ảnh của người Việt tỵ nạn CS. Người ty nạn đến vùng đất hứa định cư,  mất tất cả ở nước nhà VN như Việt Dũng người khuyết tật. Nhưng cố gắng vượt khó khổ, quyết chí vươn lên nơi quê hương mới. Cùng nương tựa lẫn nhau trong gia đình, ngoài cộng đồng, cảm nghĩ thuộc về nhau, tuỳ tài tuỳ sức nỗ lực hy sinh trở thành một Việt Nam Hải Ngoại. Với hồn thiêng sông núi đem theo và giương lên qua quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ.Trung thành với lời nguyền khi gạt nước mắt ra đi. Cùng nhau chuyển lửa về quê hương, như Pháp Quốc Hải Ngoại thời nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng.

Việt Dzũng là một tấm gương trung kiên, kiên trì với lập trường chống Cộng, vận dụng xuất sắc triết lý và đạo lý dĩ bất biến ứng vạn biến trong thời kỳ CSVN mở cửa bang giao và giao thương với các nước, lúc mà CSVN và tàn dư Phản Chiến Mỹ giả đạo đức tuyên truyền chiêu dụ người Việt hải ngoại bỏ quá khứ ra sau, hướng về tương lai phía trước, đi về phục vụ cho CS đang thống trị nước nhà.

Việt Dzũng cười hiểm nguy, bất chấp gian lao xông tới, tiến lên cùng đồng bào trong nước và đồng hương ở hải ngoại, quyết đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, tức giải trừ CS.

Việt Dzũng cùng nói lên tiếng nói của người Việt tỵ nạn CS. Việt Dũng nói thay, nói thế cho người Việt tỵ nạn CS thầm lặng không có cơ hội để nói. Việt Dzũng  nói lên hết tâm can, nói hết tim óc của người Việt tỵ nạn CS cũng là của Việt Dzũng. Nên người Việt tỵ nạn CS coi Việt Dzũng là mình và mình là Việt Dzũng.

Việt Dzũng là một chiến thuật gia chống Cộng nhiều sáng tạo, biết biến cái yếu của mình thành cái mạnh, biết sử dụng vũ khí của thời đại trong đấu tranh chánh trị. Cái nạn mà Việt Dzũng chống dựa khi trình diễn, làm cho đồng bào cảm động không những là một tác động sân khấu (effet theâtral) mà còn là một đánh động lương tâm khán thính giả, tự vấn lương tâm, Việt Dzũng bị tật nguyền mà còn chiến đấu, mình lành lặn tại sao không đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền khi CS độc tài toàn trị đang làm nghèo đất nước làm khổ nhân dân.

Việt Dzũng là một nhà  đấu tranh chống Cộng dẻo dai, một nhà sáng tác nhạc, một ca sĩ rất nhập vai và truyền cảm nên rất lôi cuốn.

Việt Dzũng dễ dàng làm việc với người khác, người khác  chuyên môn, hoàn cảnh – trừ CS. Việt Dzũng biết kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ như lời tâm niệm của quân nhân VNCH.

Đến đây Việt Dzũng đã làm xong nhiệm vụ với chánh nghĩa Quốc Gia Việt Nam, làm tròn bổn phận với lời nguyền của người Việt tỵ nạn CS. Việt Dzũng đã theo  hồn thiêng sông núi VN. Vấn đề còn lại là chuyện của người sống. Nhớ Đức Huỳnh Giáo Chủ của Phật Giáo Hoà Hảo, một tôn giáo khai sáng trong lòng dân tộc VN, trong đất nước VN, có lời khuyên: “Kẻ chết đã yên rồi một kiếp; Người sống còn tái tiếp noi gương.”

Người Việt tỵ nạn CS tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN, tiếp tục chống Cộng để đồng bào VN có tự do, dân chủ, nhân quyền, đất nước được vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền- là cách nhớ thương Việt Dzũng./. (Vi Anh)



No comments:

Post a Comment

View My Stats