Ngô Nhân
Dụng
Thursday, January 30, 2014 6:37:20 PM
Nhân dịp đầu năm, Luật sư Nguyễn Xuân Phước gởi cho bạn bè một truyện vui anh thâu lượm trên các trang mạng. Tôi xin phép hiệu đính, chú thích cho dễ hiểu hơn đối với quý vị chưa quen lối văn facebook ngắn gọn.
Sau đây là câu chuyện Người Tử Tế:
“Ði mua bao thuốc lá 20k (20,000 đồng tiền Việt
Nam), đưa chủ tiệm 50k, được thối lại 40k, đút túi bỏ về. Anh chủ tiệm chạy
theo kêu:
- Chú em, chú để quên không lấy bao thuốc lá nè.
Trên thế gian vẫn còn nhiều người tử tế, tôi nghĩ
mình thật tồi tệ. Xúc động rút tờ 10k ra đưa lại cho anh:
- Lúc nãy anh trả dư em 10k này!
Anh chủ tiệm cũng cảm động:
- Thôi, chú đưa lại anh bao thuốc lá, anh đổi cho
bao thuốc lá thật.
Hành động của anh lại làm tôi mủi lòng. Trên thế
gian sao lại có người cũng thật thà như mình. Tôi tỏ vẻ hận:
- Anh đưa tờ 50k hồi nãy cho em, em đổi cho anh đồng
tiền thật.
Cầm tờ giấy bạc, anh chủ tiệm rơm rớm nước mắt:
- Thôi chú đưa anh tờ 10 ngàn lúc nãy, anh đổi cho
tờ thật.
Hích! Người ta tốt thế mà mình tồi tệ quá... Tôi rụt
rè móc cái điện thoại ra:
- Cái này của anh, lúc nãy em lỡ tay... xin trả lại.
Anh chủ tiệm cảm động, tay run run... Anh rút ra một
cái ví:
- Cái này của em, anh cũng xin trả lại em.
Người kể câu chuyện cười trên giới thiệu màn kịch
này diễn ra ở Việt Nam. Tôi không tin lắm. Không chắc hai nhân vật này là đồng
bào mình. Rất nhiều chuyện cười cứ tưởng do người Việt đã sáng tác ra nhưng
thật sự cũng là chuyện ngoại quốc dịch lại. Trong thế kỷ 20, nhiều câu chuyện
được người Hà Nội kể để cười với nhau; nhưng thực ra là do các du học sinh ở
Nga, ở Ba Lan đã nghe rồi phóng tác đem về, biến chế cho có mùi nước mắm. Chẳng
hạn như một chuyện kể có người đứng ở đầu đường bán những cái bóng đèn chết,
tức là cái sợi râu trong đèn đã cháy, đứt rồi, đèn không sáng được nữa. Có du
khách ngạc nhiên hỏi: “Ủa, cái bóng đèn chết này, ai mua làm gì?” “Có chứ. Họ
mua bóng đèn chết giá năm xu, đem vào sở, thay vô cái bóng đèn còn tốt ở trong
sở. Sau đó, báo cáo cấp trên xin cung cấp bóng đèn mới. Thế là họ cất cái bóng
đèn cũ vào túi, đem về nhà dùng! Bỏ ra năm xu, được cái bóng đèn còn cháy nếu
mua thì tốn một đồng, ai ngu mà không mua!” “Nhưng ai cung cấp cho anh những
cái bóng đèn đã chết này để anh bán?” “Thì cũng chính những người đã mua của
tôi, họ đem cái bóng đèn chết ra bán lại, tôi trả mỗi cái một xu!”
Câu chuyện trên nhiều người tưởng là do đồng bào ta
sáng tác, nhưng thực ra đã được người Nga kể từ những thập niên 1960, 70. Cho
nên, tôi không tin câu chuyện Người Tử Tế trên đây là chuyện ở nước ta. Sở dĩ
có người đem kể, gán cho đồng bào mình, là vì họ chứng kiến chung quanh có
nhiều cảnh giả dối nên muốn thuật một chuyện ngụ ngôn với ý khuyên răn. Tổ tiên
mình ngày xưa vẫn hay làm như thế. Các cụ Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm
Duy Tốn đều đã xuất bản những chuyện cười, phần lớn có ý khuyên răn. Facebook
ngày nay là phương tiện chuyên chở những bài học răn đời như vậy.
Nhưng khi đọc những chuyện cười như chuyện Người Tử
Tế trên đây, chúng ta cũng không nên vì thế mà bi quan về đạo đức của dân Việt
mình. Ngược lại, mình phải lạc quan. Người ta đem câu chuyện Người Tử Tế ra kể,
chính là một dấu hiệu dân mình biết thế nào là không tử tế. Ý thức về đạo làm
người khiến chúng ta đem những chuyện người xấu ra kể, để chê cười, tức là có ý
khuyên bà con phải sống cho tử tế. Cũng như khi bản tin những người đi hôi bia
ở Biên Hòa được loan báo, biết bao nhiêu người Việt Nam tỏ ý phẫn nộ về hành
động vô ý thức của một số đồng bào tham lam. Tiếp theo, bao nhiêu chuyện tử tế
xuất hiện. Rất nhiều đồng bào, ở khắp nơi, góp tiền giúp anh tài xế chiếc xe
chở bia bị lật đổ để bồi thường cho chủ. Có bà công khai bầy tỏ niềm hối hận,
thú nhận mình đã tham lam dự vào vụ hôi của đó. Còn ông tài xế thì công khai từ
chối không nhận tiền mọi người quyên góp giúp mình, vì công ty chủ nhân tha cho
ông. Dân Việt Nam vốn là một giống dân biết sống tử tế với nhau đấy chứ?
Bài trước trong mục này kể chuyện lá thư của một
sinh viên Ðại học Việt Trì thổ lộ, “tôi chỉ ước sao thầy cô tôi đừng nói dối.”
Qua lời tâm sự của bạn trẻ này, chúng tôi thấy tin tưởng vào đạo đức của giới
trẻ nước ta. Ðọc một thanh niên 20 tuổi viết “...tôi có thể cảm nhận được sự
dối trá từ trái tim tôi...” thì chúng ta có thể tin tưởng rằng các em cùng thế
hệ đều biết đâu là thật, đâu là giả dối. Và 90 triệu đồng bào mình cũng vậy.
Cho nên chúng ta có thể tin tưởng rằng đạo lý của dân tộc Việt Nam không bao
giờ mất. Nhiều người lo lắng rằng tình trạng đạo lý suy vi sẽ kéo dài, đến khi
nước Việt Nam được sống dưới một chế độ tự do dân chủ cũng khó phục hồi nền
luân lý của tổ tiên. Nhưng chúng tôi không bi quan như thế. Dân tộc Việt Nam đã
trải qua nhiều giai đoạn đạo lý suy vi, xã hội mất kỷ cương, nhưng khi có cơ
hội vẫn phục hồi nhanh chóng.
Ngày cuối năm, tôi tình cờ mở đọc cuốn Ðại Việt
Thông Sử của Lê Quý Ðôn (do Ngô Thế Long dịch từ chữ Hán, Nhà xuất bản Khoa học
Xã hội in năm 1978). Lê Quý Ðôn viết sách này vào giữa thế kỷ 18. Ông thuật lại
lịch sử nước ta từ thời Lê Thái Tổ, đầu thế kỷ 15, trải qua một giai đoạn nhà
Mạc cướp ngôi nhà Lê, rồi nhà Lê trung hưng vào đầu thế kỷ 16. Tất nhiên Lê Quý
Ðôn viết theo quan điểm của nhà Lê, coi triều nhà Mạc là ngụy triều. Trong khi
chép sử họ Mạc, ông vẫn sử dụng niên hiệu của các vua nhà Lê.
Nếu là một sử gia “bôi bác,” chắc Lê Quý Ðôn sẽ chỉ
kể những chuyện xấu về họ Mạc mà thôi. Nhưng phải công nhận Lê Quý Ðôn là người
đàng hoàng tử tế, ông rất trung thành với sự thật. Cho nên, có đoạn ông viết về
triều Mạc Ðăng Doanh như sau:
“Ðăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân
các xứ không được mang gươm giáo, dao nhọn và các binh khí đi ngoài đường. Nếu
kẻ nào trái lệnh, cho Pháp Ty bắt trị tội.” Chúng ta
nhớ vào cuối thế kỷ 15 miền Bắc nước ta loạn lớn. Vua dâm bạo, quan lại tham ô,
các tướng cầm quân ức hiếp vua, đánh lẫn nhau, nhân dân khốn khổ, Mạc Ðăng Dung
nổi bật lên vì đã dẹp được các tướng lãnh khác; sau đó đã chiếm ngôi. Ðòi con
là Mạc Ðăng Doanh thi hành chính sách nghiêm ngặt để vãn hồi trật tự, cho dân
được sống bình an. Kết quả như thế nào? Lê Quý Ðôn kể tiếp:
“Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem theo
khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm trộm cướp biệt tăm. Súc vật chăn nuôi, tối
đến không cần phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng kiểm điểm một lần thôi. Mấy năm
liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn.”
Chúng ta nhớ rằng Lê Quý Ðôn chính thức coi nhà Mạc
là “ngụy triều.” Cho nên những điều ông kể không phải là để ca tụng “ngụy.” Ông
nói rõ chủ trương viết lịch sử là để “nêu cao gương người trung tiết” và “răn
điều ác,” cho nên những sự kiện ông nêu ra đều được cân nhắc theo tiêu chuẩn
đó. Mà chắc chắn ông không ủng hộ họ Mạc hay cá nhân Mạc Ðăng Doanh. Căn cứ vào
lời Lê Quý Ðôn, có thể tin rằng trong nhiều năm, từ năm 1530, ở nước ta có
những cảnh “trộm cướp biệt tăm.” Người đi buôn không cần mang khí giới để tự
vệ. Người nuôi trâu bò, ngựa, cừu không cần nhốt vào chuồng, cứ thả rông ngoài
cánh đồng mà không lo bị mất. Cảnh thanh bình, yên ổn đó xuất hiện chỉ mươi năm
sau khi cả nước rơi vào cảnh hỗn loạn, giặc giã khắp nơi, bọn người có gươm
giáo lộng hành từ trong triều đình xuống đến nơi thôn ổ.
Như vậy thì chúng ta có thể tin tưởng ở tương lai.
Nếu bây giờ có nhiều người tham lam, nhũng nhiễu, ăn cắp của công, ỷ quyền ức
hiếp đồng bào, thì chắc cũng chỉ xấu bằng thời đầu thế kỷ 16. Mai mốt, khi mọi
người được sống trong một chế độ tử tế, người cai trị do chính dân bỏ phiếu lựa
chọn, thì chắc phong hóa, xã hội sẽ thay đổi, trở lại bình thường. Ông Mạc Ðăng
Doanh làm vua nhưng vẫn bị nhiều cựu thần nhà Lê phản đối, nếu ông đã cải hóa
được phong tục thì những chính quyền sau này, “của dân, do dân” bỏ phiếu bầu
thực sự, họ có thể sẽ thành công không thua gì Mạc Ðăng Doanh. Hơn nữa, đồng
bào ta bây giờ chắc còn khôn ngoan, hiểu biết nhiều hơn tổ tiên 500 năm trước.
Cho nên, chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai dân tộc Việt Nam.
Ðầu năm mới, chúng tôi kể câu chuyện Người Tử Tế và
đề nghị bà con mình không nên bi quan quá đáng, đừng để giông cả năm. Kể câu
chuyện này chỉ cốt mua vui, không để “bôi bác.” Tôi vẫn tin rằng đây là một
chuyện cười quốc tế, được phóng tác cho người Việt đọc cười vui. Khi phóng tác,
người kể chuyện cố ý viết cho hợp với khung cảnh nước ta hơn. Thí dụ, trong cả
màn kịch, qua những câu đối thoại, chúng ta không nghe hai nhân vật nói đến
những chữ như “Xin lỗi” và “Cám ơn.” Cho nên có thể đoán câu chuyện này đã được
phóng tác từ nhiều năm, từ thời xưa lắm rồi. Bởi vì ngày nay đồng bào chúng ta
đều đã rất quen với những chữ “Xin lỗi” và “Cám ơn.” Xin cảm ơn quý vị độc giả.
No comments:
Post a Comment