Friday, 31 January 2014

VIỆT NAM NGHỈ TẾT QUÁ LÂU : LỢI hay HẠI ? (Trọng Nghĩa - RFI)




Trọng Nghĩa  -  RFI
Thứ  sáu 31 Tháng Giêng 2014

Từ 0 giờ sáng 31/01/2014 – tức mùng Một tháng Giêng năm Giáp Ngọ - Việt Nam và rất nhiều nước châu Á bước vào năm mới âm lịch. Điểm nổi bật nhất năm nay là lần đầu tiên kỳ nghỉ Tết kéo dài gần một chục ngày. Quyết định cho nghỉ Tết kéo dài trên đây đã được giới công chức rất mực hoan nghênh, nhưng cũng vấp phải nhiều lời chỉ trích từ các chuyên gia kinh tế và chính trị, không chỉ ở trong nước mà cả ở ngoài nước.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, nhân dịp Tết năm nay, trên bình diện chính thức thì mọi người chỉ được nghỉ 5 ngày, nhưng đối với các công nhân viên chức, số ngày nghỉ lên đến 9 ngày, từ ngày 28 cho đến mùng 6 Tết.

Đối với giới chuyên gia kinh tế, tác hại của kỳ nghỉ dài ngày kể trên rất rõ ràng : Hoạt động kinh tế, hành chánh tại Việt Nam, vốn đã thường xuyên đình trệ trước đây nhân dịp Tết, với việc người lao động chuẩn bị Tết, rồi chưa chịu bắt tay ngay vào việc sau ba ngày Tết, nay có nguy cơ bị ngưng trệ lâu hơn nữa – tính ra trong hơn hai tuần lễ.

Trong bài xã luận đăng trên tờ Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã cho rằng : « Những kỳ nghỉ dài, với hoạt động sản xuất thấp, trong các tuần lễ trước và sau Tết là một vấn đề đối với sự phát triển của Việt Nam ».

Theo bà Phạm Chi Lan, trong những ngày này, tại các công sở và doanh nghiệp Nhà nước, khó có thể làm được một việc gì nghiêm túc vì không ai còn đầu óc làm việc.

Theo phóng viên AFP tại Hà Nội, nhân dịp Tết, các thành phố thường vắng hẳn dân, do việc người lao động trở về quê ăn Tết với người thân, và việc gởi bưu kiện ra nước ngoài chẳng hạn, đã trở thành nhiệm vụ bất khả vì nhân viên Hải quan không làm việc. Ngoài ra còn có tình trạng nhiều người nghỉ thêm một cách « bán chính thức ».

Đối với Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc, tác hại của tình trạng ngưng trệ trên đây còn vượt ra ngoài khuôn khổ nội bộ Việt Nam. Trả lời AFP, ông giải thích : « Việt Nam đang cố hội nhập vào kinh tế thế giới. Thế nhưng việc hoạt động bị ngưng trệ hàng năm vào dịp Têt làm cho kinh tế và các quyết định của chính phủ bớt hiệu quả. »

Theo chủ nhân một công ty thiết kế cơ khí tại Việt Nam, được AFP trích dẫn, đa số khách hàng của ông là người Nhật, và họ không tài nào hiểu được là doanh nghiệp của ông lại có thể bị tê liệt hai tuần liền.

Không những thế, do tập tục về quê ăn Tết, người chủ này cho biết là ông phải chi ra những món tiền khủng khiếp để trả công làm thêm cho những người mà ông cần giữ lại nhân kỳ nghỉ Tết để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Đối với nhân vật này : « Một kỳ nghỉ Tết ngắn hơn có lẽ tốt hơn ».
Nếu thiệt hại về kinh tế thấy rõ, thì ích lợi của một kỳ nghỉ Tết dài ngày không phải là không có, giúp cho tinh thần người lao động thoải mái hơn, qua đó bảo đảm được tình trạng yên ổn của xã hội.

Theo ông Jonathan London, thuộc trường Đại học City University tại Hồng Kông, quyết định cho mọi người nghỉ Tết lâu hơn vào năm nay có một dụng tâm chính trị rất rõ : Chính phủ Việt Nam muốn tranh thủ hậu thuẫn của giới công nhân viên chức vào lúc đang càng lúc càng mất lòng dân.

Chuyên gia Carl Thayer cũng đánh giá là những ngày nghỉ kéo dài này được đưa ra « để xoa dịu nỗi bất bình của công chúng đối với chính quyền ».

Về phần mình, chính phủ Việt Nam đã giải thích quyết định gây tranh cãi của mình bằng một lý do rất đơn giản : « Tạo thuận lợi cho những người phải đi nghỉ và việc ăn Tết trong gia đình ».

Tóm lại, tranh luận về cái lợi hay cái hại của sự kiện kỳ nghỉ Tết của người Việt Nam được kéo dài sẽ còn tiếp diễn, nhưng hãng AFP đã nhìn một cách tổng quát để thấy rằng tính cả năm, dẫu sao người Việt Nam vẫn phải lao động nhiều hơn các lang giềng Đông Nam Á khác.

Mỗi năm, Việt Nam chỉ có tổng cộng 10 ngày nghỉ chính thức, tức là nghỉ có lương, trong lúc người Thái Lan được 14 ngày, hay người Cam Bốt được 27 ngày.



No comments:

Post a Comment

View My Stats