Friday, 31 January 2014

ĐÔI LỜI VỀ ĐIẾU VĂN "VĨNH BIỆT ANH LÊ HIẾU ĐẰNG!", THEO MỘT QUAN ĐIỂM LỊCH SỬ - KỲ 3 (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 31/01/2014

Cuối phần trước (*) đã nêu dấu hỏi tại sao lại có bản Điếu văn lạ vậy. Phần này xin đi tìm lý do, cũng để cố tìm cái lẽ công bằng cho các tác giả và người được hưởng bản văn đó.

Rành rẽ

Trong thời gian qua, nhiều nhân sĩ, trí thức tiến bộ đã tham gia tích cực, đi đầu trong tranh đấu cho chủ quyền đất nước, dân chủ của người dân. Trong số họ, không ít người từng là thành viên trong Phong trào Học sinh – Sinh viên Sài Gòn những năm 60’ – 70′ thế kỷ trước, hoặc là thành phần thiên tả thân cộng ở miền Nam, du học hải ngoại, tham gia phản chiến, chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Quá khứ bị cho là “lỗi lầm” của họ, bị cộng sản lợi dụng, lừa dối, lật lọng … có rất nhiều điều đáng bàn, xin được nêu ở một phần khác.

Quan điểm về cuộc đấu tranh dân chủ lúc này, hoàn cảnh và khả năng ở mỗi người trong số họ không giống nhau. Họ có những vấn đề rất lớn từ quá khứ theo cộng, thân cộng và cả được chế độ cộng sản đãi ngộ, “tiêm chích” vào người thứ ma túy háo danh mê muội v.v.. ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ và hành động hiện nay.

Họ có những khó khăn không giống ai. Người miền Nam ghét cộng sản coi họ như kẻ phản bội, “bán nước” một thời. Đương nhiên, tâm lý chung thường thù kẻ “bán nước”, “tay sai” hơn nhiều so với kẻ “cướp nước”, “xâm lược”.

Còn các “đồng chí” của họ luôn “vừa dùng vừa nghi”, đồng thời sẵn sàng sử dụng ngón đòn hiểm bằng việc vu cho hai chữ “phản bội” một khi họ có biểu hiện muốn nhìn lại quá khứ sai lầm của mình, hay “sám hối”. Các “đồng chí” còn hiểm ở chỗ sắm vai “chống cộng cực đoan” để xỉ vả, gây nghi ngờ mỗi khi họ muốn “tính sổ” với quá khứ, như trường hợp ông Lê Hiếu Đằng.

Họ cần có được sự cảm thông nhất định.

Có điều, trong họ cũng có đầy đủ những tính xấu của người cộng sản, không dễ và nhanh gột rửa. Nay bước vào tranh đấu, một trong những tính xấu đó nổi lên thêm, rất không lợi, đó là thái độ công thần, tưởng mình là “nhất”, mà không tự soi xét, chỉnh sửa. Họ không chấp nhận, không có khả năng “ngồi chung mâm” với những người “chống cộng” mà nay, dù không nói ra nhưng trong lòng họ vẫn coi như kẻ đối nghịch.

Họ có thế mạnh, là rất hiểu người cộng sản, nhưng nhìn chung có tư tưởng tiến bộ và kiến thức vượt trội so với số “đồng chí” còn lại, nên tiếng nói có trọng lượng với quần chúng. Biết tận dụng điểm mạnh, hạn chế mặt yếu là không dễ.

Lạ là tuy “vượt trội” như vậy, nhưng họ lại như chưa thoát được dăm ba thứ “bùa mê thuốc lú” cộng sản, ví như sùng bái mù quáng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đáng lo thêm ở chỗ lẫn lộn trong thứ “sùng bái” này là toan tính bảo vệ hình tượng của ông để o bế cho chính quá khứ “huy hoàng” của mình. Không thoát ra được, họ sẽ mất uy tín trong phong trào đấu tranh dân chủ.

Có được con người vừa quyết liệt, nhưng lại khéo léo để đi dần từng bước tới việc đối diện với quá khứ, đoạn tuyệt với nó, trước khi từ giã cõi đời, như Lê Hiếu Đằng là quá hiếm. Ấy thế mà cũng không khỏi có những ý kiến chưa vừa lòng với ông, cho là chỉ khi sắp ra đi, không còn phải sợ nữa, ông mới dám “phản tỉnh” theo cách đó.

Ngược lại, không tránh khỏi một số bạn hữu một thời HSSV, tham gia cách mạng với ông, có thể nay cũng đang cùng con đường tranh đấu cho dân chủ, đã khó chịu vì coi ông hành động như thể bị “cướp cò”. Bản “Điếu văn” được soạn ra để đọc trong tang lễ ông là bộc lộ khá rõ những gì nung nấu của không ít người trong họ và giới nhân sĩ trí thức là đảng viên cấp tiến thời gian gần đây, nhất là kể từ khi ông kêu gọi thành lập đảng Dân chủ Xã hội, rồi tuyên bố bỏ đảng.

Cũng như với mọi tổ chức, đảng phái, phong trào, viêc có những quan điểm, phương pháp đấu tranh khác nhau là chuyện bình thường và cần được tôn trọng, được trao đổi, tranh luận dân chủ, công khai (dù trong phạm vi hẹp) để đi đến thống nhất và có giải pháp khả dĩ được nhiều người chấp nhận. Thế nhưng, không thể vì những mong muốn cá nhân mà có thể phản ánh sai lạc về người khác, nhất là người đã khuất, đã hy sinh nhiều quyền lợi riêng mà đóng góp cho xã hội.

Càng không thể tận dụng một bản văn đặc biệt, một tình huống đặc biệt như vậy để cố gắng “rào giậu” cho một xu hướng tranh đấu cải lương, nửa vời của mình được. Muốn thể hiện quan điểm riêng, hãy viết thành bài báo, đối mặt với những tranh luận thẳng thắn, rất không nên núp bóng một bản Điếu văn theo cách đó. Càng cần tránh để bị hiểu là dùng nó nhằm nhắn nhủ tới người đã khuất lời trách móc nào đó của mình.

Từ đây, một tính xấu khác nữa họ cần nhận ra và sửa, đó là lối “níu áo nhau”, khi không dám, không có điều kiện tiến lên, thì trở thành vật cản cho phong trào.

Cũng không thể vì vài lý do, như theo ý nguyện gia đình muốn đám tang diễn ra êm đẹp, sau vụ gây rối của đám côn đồ, hay do “mủi lòng” từ sự có mặt của quan chức thành phố, mà có thể có những đánh giá thiên lệch như vậy về một con người, là “bạn hữu”, lại mới chỉ ra đi mấy ngày trước đó thôi. Muốn “dĩ hòa vi quý”, không khó để có một bản Điếu văn tử tế.

-


-----------------------------------------------







No comments:

Post a Comment

View My Stats