Khó mà xem "chửi" là một hành vi đáng
khích lệ. Anh em mình cũng chẳng ai muốn "chửi" trở thành một nếp
trong văn hóa chung của dân tộc. Và cũng không mấy ai trong chúng ta thích cổ
vũ cho chuyện "chửi" và nghĩ rằng "chửi" miết thì cái ác
sẽ... hãi quá mà biến. Nhưng trước khi phê phán, chỉ trích hay nặng hơn là
chửi... hiện tượng chửi, mình cần tìm hiểu xem tại sao có anh em mình chửi, có
bạn bè mình chửi, có dư luận viên thò miệng vào chửi, và các bạn Hoàng Sa FC
không chửi.
* Những chữ in nghiên là từ bài viết 2014:
Đừng yêu nước bằng tiếng chửi! của Hoàng Sa FC
Ai
chửi?
Khi đọc sử, nói về một triều đại thối nát, chúng ta
thường nghe đến cụm từ người dân "ta thán", "bất mãn",
"chán ghét"... Thật ra đó chỉ là một cách diễn tả lịch sự, văn chương
cho một thái độ, thể hiện bằng một hành động rất bình dân và rất người:
"chửi". Chửi đi trước. Chống đối theo sau. Cuối cùng là đứng lên cùng
nhau đánh sập thể chế vì chịu hết nổi.
Vào thời đại internet, không gian vỉa hè, con hẻm,
quán nhậu... được "khuân" lên thế giới mạng. Cũng chú Hai đầu ngõ bị
côn an giải phóng mặt bằng, vẫn anh Ba xe ôm bị CSGT bắt nộp tiền mãi lộ, cũng
em Tư nông dân bị chủ tịch xã cướp đất... bây giờ có thể leo lên mạng, một ngón
gõ cò để viết một câu còm: chửi một tiếng. Thế giới mạng không còn là sân chơi
riêng của một số bình luận gia, tác giả viết bài, những "nhà" hoạt
động, những người "thảo luận chính trị" có bài bản, những cây viết
cân nhắc từng câu chữ sao cho không bị tổn hại uy tín của mình. Nó đã trở thành
diễn đàn xã hội cho MỌI SỰ BÀY TỎ của MỌI THÀNH PHẦN CÔNG DÂN.
Vì thế nên mới có Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của nhà
nước độc tài: Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên
mạng.
Trong tự do bày tỏ - Freedom of Expression, dù là tự
do, cũng một câu chửi, nhưng nếu từ một nhân sĩ trí thức, một nhà giáo, một
người đứng đầu một nhóm... thì có thể không ổn, không nên. Tuy nhiên, nếu nó
đến từ một bác nông dân bị "chính quyền" cướp đất, từ một phụ nữ bị
côn an xúc phạm vào chỗ kín đáo, hay từ một bạn bỏ học đi bán vé số bị CSGT bộp
tai thì câu chửi sẽ được đón nhận bằng một thái độ khác. Không chỉ giới hạn
nhìn nó như là một câu chửi mà còn cần nhìn nó như là một thái độ chính trị,
một lá phiếu "trần truồng" nhất của người dân đối với quan chức, với
"chính quyền". Vì thế, thay vì đồng hóa tất cả mọi người, đặt tất cả
vào một vị trí, vai trò như nhau để các bạn chúc mọi người "yêu nước
chân thành hơn" (nhưng có người có thể nghĩ các bạn đang chửi xéo lòng
yêu nước của họ bằng câu chúc... đểu), chúng ta cần nhìn rõ, cho rạch ròi,
không đánh đồng tất cả, ai là những thành phần trong xã hội đang chửi trên cái "đại
dương ngập ngụa những lời than thở, oán trách và chửi bới tục tằn".
Không chính xác nếu đồng hoá người dân bình thường đang bày tỏ cảm xúc, thái độ
trên mạng với những người hoạt động nhân quyền hay một phong trào đấu tranh cho
dân chủ, hoặc dán nhãn chung chung, xem hành vi bày tỏ thái độ bằng cách chửi
của một số người là phương thức “đấu tranh” bệnh hoạn.
Và cần cho rõ, cho rạch ròi, nếu chửi thì người dân
đang...
Chửi
Ai?
Trước hết "hãy ghé thăm những cuộc thảo luận
về tình hình đất nước trên không gian ảo" và "trong
cuộc đại chiến chửi bới, mặt trận nhộn nhịp nhất có lẽ là trận địa đả kích
chính quyền."
Các bạn đã xác định rõ chủ đề, môi trường và đối
tượng thảo luận. Hỏi các bạn, trong tình hình đất nước hiện nay, nếu chính
quyền không là đối tượng chính trong những cuộc thảo luận về tình
hình đất nước thì ai khác!?
Trước hết cần nhìn chính xác hơn về hành vi mà các
bạn gọi là đả kích chính quyền.
Đả kích mang nhiều hình thức, nội dung và mức độ
khác nhau:
a. Những bản tin, bài bình luận, lẫn phản hồi trình
bày nghiêm chỉnh, khách quan, ôn hòa về những sai trái, vi phạm, tội ác của
"chính quyền" hiện tại lẫn quá khứ.
b. Những bài viết, phản hồi lên án chế độ cộng sản,
đảng cộng sản, nhà nước do đảng cộng sản lập ra và khống chế một cách mạnh bạo
hay sốc óc hoặc cực đoan.
c. Và chửi. Với nội dung, phong cách chửi thâm thúy,
vừa chửi vừa lách, chửi xéo, chửi nhẹ nhàng, chửi thẳng thừng... và chửi tục
tằn.
Chửi tục tằn chỉ là một phần
trong nhiều hành vi "đả kích chính quyền" của người dân trên
các diễn đàn xã hội mạng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các bạn, tất cả đã trở
thành 99% "một đại dương ngập ngụa những lời than thở, oán trách và
chửi bới tục tằn. Tiếng chửi lên ngôi, và được tôn vinh như một hành động yêu
nước. Không ai không chửi, và không ai không bị chửi. Người già chửi người trẻ,
người Nam chửi người Bắc, người trong nước chửi người hải ngoại, người thành
phố chửi người người nhà quê..."
Và các bạn đã cho chuyện đả kích chính quyền,
những bình luận, phản hồi nghiêm chỉnh đi chỗ khác, còn lại - theo các bạn - là
chúng ta chửi lẫn nhau, chửi tục tằn. Và các bạn gán cho rằng "Tiếng
chửi lên ngôi, và được tôn vinh như một hành động yêu nước."
và "công cuộc chửi bới này đang được vinh danh như một
biểu hiện của lòng yêu nước, yêu tự do và sự thức tỉnh."
Đây là những cảm nhận riêng của các bạn hay là cảm nhận của đa số cư dân mạng?
Bao nhiêu người, những ai đã cho chửi lên ngôi và tôn vinh nó là hành động yêu
nước, yêu tự do, thức tỉnh?
Các bạn thân mến, KHÔNG PHẢI AI CŨNG CHỬI!!! Và
không phải ai chửi cũng CHỬI TỤC TẰN.
Trong "chính quyền" cũng có nhiều AI? Nó
là một tập thể theo kiểu "lỗi cơ chế", không có cá nhân nào chịu
trách nhiệm - theo lối lý luận của đảng cầm quyền. Nó là kết hợp sức mạnh độc
tài của BCT, TUĐ, các cơ chế quốc gia bị đảng cộng sản khống chế, của 3 triệu
đảng viên cộng sản. Tình trạng lụn bại của đất nước ngày hôm nay đến từ nhiều
lý do, nhưng lý do chính yếu, lớn nhất, nguồn gốc của mọi nguồn gốc chính là
cái thể chế độc tài, bộ máy tham nhũng và tập đoàn đảng cộng sản.
Có người đổ mọi lỗi lầm lên thể chế, chủ nghĩa. Có
người quy tội cho toàn bộ cơ chế lẫn những con người đang nắm quyền, thu tóm
lợi ích trong cơ chế. Có người chọn chỉ đả kích thành phần chủ chốt trong
"chính quyền". Có người "hả hê nhục mạ tất cả những gì thuộc
về Cộng sản" vì họ... kém may mắn - không giống như các bạn - tìm thấy
cái gì tốt đẹp ở cộng sản (cho nên nếu các bạn thấy điều gì tốt đẹp của cộng
sản thì nên trình bày để giúp họ nâng cao tầm nhận thức). Có người "trách
móc mọi thất bại của chính quyền trong việc xử lí các vấn đề của đất nước,
nhưng lại không đề nghị được giải pháp thay thế nào" vì họ đã thấy
"chính quyền" của các bạn đã bỏ mọi góp ý ngoài tai, vì họ tin rằng
đề nghị rốt ráo nhất là hủy bỏ điều 4 Hiến pháp đã không những không được lắng
nghe mà còn bị "chính quyền" gán cho là tội phản động, và thực tế -
như đã trình bày ở phần đầu - nhiều người trong họ là những người dân bình
thường, không phải ai cũng có đủ kiến thức để đề nghị giải pháp ở tầm quốc gia.
Có người - giỏi như các bạn - "thay vì chỉ công kích, than thở, rồi thụ
động đòi hỏi, đã tìm những công dân có chung mối lo với mình, rồi cùng nhau tự
tạo nên sự đổi mới"... Tất cả là chọn lựa của mỗi người, tùy theo hoàn
cảnh, nhận thức, khả năng. Cũng như các bạn có sự chọn lựa riêng của các bạn.
Trong phần "Chửi Ai" này - từ chuyện đả
kích chính quyền các bạn cho nó lây lan ra chuyện chúng ta chửi nhau,
mà có lúc các bạn hơi nặng lời là "người ta nguyền rủa và căm ghét đồng
bào mình?" Đó là hệ quả của những nhận thức khác nhau về tội-ác và
thủ-phạm-của-tội-ác của "đồng bào" mình với nhau. Một người tin rằng
mình bị hãm hiếp thì chửi người tôn sùng kẻ đi hãm hiếp mình là một điều không
tránh khỏi. Giải quyết bài toán một cách rốt ráo không phải là lên án nhau tại
sao chửi, tại sao tôn sùng mà cùng nhau - một cách khách quan - lục lọi từng dữ
kiện, tìm tòi từng chứng cứ, kiểm tra đối chiếu mọi thông tin để kết luận
"thằng đó" có phải là đứa hiếp dâm không.
Các bạn thân mến,
Có một vài còm sĩ không biết các bạn cũng là những
thanh niên Hà Nội từng nhiệt tình xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, không rõ
các bạn đã tham gia nhiều hoạt động tranh đấu cho nhân quyền... nên đã hiểu lầm
các bạn là dư luận viên. Mong các bạn hiểu cho họ vì ngoài sự thiếu thông hiểu
về nhân thân các bạn, nó còn xuất phát từ chính những gì các bạn viết.
Có nhiều hiện tượng các bạn viết rất chính xác cho
một số người nhưng bạn đã đánh đồng lên tất cả và điều đó đã gây ra phản cảm.
Các bạn đã không rạch ròi khi "lên án" những hành động riêng biệt,
thành phần nhỏ (hay lớn tùy các bạn muốn nó ra sao) với tất cả - nên các bạn vô
tình xúc phạm đến nhiều người.
Đúng là có một số người "chê bai dân tộc của
mình bằng điệp khúc người Việt xấu xí, ngu dốt, đớn hèn, bị nhồi sọ..."
nhưng không phải là tất cả. Và từ đâu các bạn có nhận xét này "để khẳng
định lòng yêu nước, người Việt Nam nào cũng chửi hàng triệu người Việt
Nam." Ở cái mà các bạn gọi là "trong cuộc đại chiến chửi
bới", đúng là có một số người, nhưng không thể chung chung theo kiểu "người
ta chửi từ sớm tới khuya, từ năm này qua năm khác" hoặc "chửi
nhân danh Tổ Quốc, Công Lí, Dân Chủ, Nhân Quyền... Chửi bằng những lập luận
kiểu báo Nhân Dân, chửi như tố nhau trong Cải Cách Ruộng Đất.". Khi
các bạn viết "nhiều vị chống Cộng đã chửi toàn bộ công chức Việt Nam là
chó, là quỷ, và thổ lộ một niềm tin mãnh liệt vào ngày họ “trả nợ máu trên khắp
quê hương" - nếu ai đó sửa cụm từ "nhiều vị chống cộng"
thành nhiều "bạn trẻ Hà Nội" thì các bạn sẽ cảm nhận ra sao? Bạn sẽ
thành công hay thất bại trong lời chúc "yêu nước chân thành hơn"?
khi các bạn viết "và cứ như thế, ngày qua ngày, người ta chửi như Chí
Phèo trong cơn say, như các tín đồ trong buổi lên đồng, như những con vẹt
truyền thông trong chế độ mà họ chống."; khi bạn nhìn tập thể người
Việt tham gia vào diễn đàn xã hội trên mạng bằng cặp mắt "và có hay
không sự thức tỉnh, khi người ta chìm đắm vào cuộc lên đồng của đám đông vô
thức, để rồi nhại đi nhại lại vài luận điệu xưa cũ suốt cả chục năm?"
Tất cả những điều trên có thể gây phản cảm, nhưng
chắc chưa đủ để người ta hiểu lầm các bạn là Dư Luận Viên trá hình.
Những điều các bạn viết về quan điểm mang tính chính
trị mới là vấn đề.
Lồng trong những khái niệm về "yêu
thương", "đối thoại", "hòa hợp"... người đọc có thể
tiếp nhận được khuynh hướng chính trị của các bạn qua 3 yếu tố mà các bạn trình
bày:
- Tôn trọng sự khác biệt;
- Yêu chuộng công lí và thượng tôn pháp luật;
- Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Tất cả đều tương đối hợp lý nếu các bạn tôn trọng sự
khác biệt giữa các bạn với những người khác, với tập thể đám đông mà các bạn
đang nhắn nhủ khá nhiều điều. Sẽ sòng phẳng nếu các bạn tôn trọng sự không
giống nhau ở thái độ yêu chuộng công lý, quan điểm về pháp luật; nếu các bạn hiểu
(hiểu thôi, không cần phải đồng ý) tại sao người ta lôi cả tập thể cầm quyền,
làm luật, giữ luật và chà đạp lên luật pháp trong suốt bao năm qua ra mà phê
phán. Sẽ không có gì phải ầm ỷ nếu các bạn xem chuyện ai đó có cái nhìn khác
với các bạn về mục tiêu / đối tượng cho một cuộc hòa hợp, hòa giải dân tộc thật
sự có ích cho đại khối dân tộc là điều bình thường của một thế giới đa
nguyên.
Tất cả đều tương đối hợp lý nếu các bạn dừng ở đó
với 3 yếu tố gợi ý mà các bạn cho rằng để "bắt đầu yêu nước một cách
thành thực". Nhưng các bạn đã viết thêm lời cuối:
"Cuối cùng là một gợi ý đáng lẽ rất hiển nhiên,
nhưng lại chưa được chú ý nhiều. Đó là tinh thần tự lập, tự giác. Khi bất bình
trước hiện trạng của đất nước, người Việt thường có khuynh hướng đổ mọi
trách nhiệm cho chính quyền, rồi hô hào lật đổ đảng cầm quyền đương nhiệm
để thay bằng đảng khác hay hơn. Lối tư duy và hành xử này không thuộc về con
người tự do, mà chỉ thể hiện não trạng nô lệ và thói quen dựa dẫm."
Có người có thể sẽ hiểu là các bạn đang kêu gọi đừng
đổ mọi trách nhiệm cho "chính quyền", đừng tìm cách thay đổi chế độ
chính trị (mà các bạn dùng cụm từ lật đổ đảng cầm quyền) và quy rằng
những ai có "lối tư duy và hành xử này không thuộc về con người tự do,
mà chỉ thể hiện não trạng nô lệ và thói quen dựa dẫm."
Các bạn có nghĩ là các bạn đã phản bội lại chính
những điều các bạn viết về tinh thần tôn trọng sự khác biệt?
Cuối cùng, xin nói và xin gửi đến các bạn lòng
yêu thương mà các bạn đề cập trong bài viết của các bạn.
Để có yêu thương chúng ta cần có sự đồng cảm với
nhau. Rất đồng cảm với các bạn về những bức xúc mà các bạn ta đã từng trải qua.
Không có gì mệt bằng sau một ngày dài nắng nôi xuống đường cùng anh em biểu
tình bảo vệ lãnh thổ, về viết một bài tường thuật sau đó đọc một số còm của ai
đó ngồi nhà chê bai, dạy dỗ, khuyên bảo. Không có gì bực mình bằng viết một bài
viết nghiêm chỉnh và sau đó cái còm đầu tiên của ai đó là một lời chửi cho
sướng miệng về một vấn đề không liên quan đến nội dung của bài. Không có gì chán
bằng việc một vài cá nhân có sẵn một kho chửi, bài viết nào cũng vào xả một mớ
theo kiểu cắt dán - cut and paste, không cần biết và có thể chẳng cần đọc xem
tác giả viết cái gì. Và đúng là không có gì bất mãn hơn khi có một thợ chửi lúc
nào cũng có mặt trên từng số giờ, trên từng cây số, nhân danh tự do ngôn luận
nhảy vào một trang blog tư nhân và xem đó như là diễn đàn riêng của mình, không
cần biết những người khách trong nhà blog có những người đáng tuổi ông bà mình,
con cháu mình, không cần biết có những bạn trẻ đang từ lối sống mackeno chuyển
sang đi tìm hiểu sự thật và muốn học hỏi, muốn đọc những điều từ những người mà
sự kính trọng đối với người viết là điểm khởi đầu cho sự đón nhận kiến thức.
Từ một số đồng cảm đó, xin gửi đến các bạn lòng yêu
thương dựa vào chính những điều mà các bạn viết:
- Chúng ta sẽ yêu thương nhau nếu "Một người
Việt yêu nước sẽ bảo vệ sự đa dạng về mặt bản sắc của mọi người Việt Nam, thay
vì chỉ biết áp đặt những lí tưởng và phong cách sống của cá nhân mình lên người
khác."
- Chúng ta sẽ yêu thương nhau nếu "mỗi công
dân đều KHÔNG tự cho mình cái tư cách của một nhà lập pháp, một cảnh sát
và một quan tòa."
- Chúng ta sẽ yêu thương nhau nếu "chúng ta
nhìn đất nước và nhìn nhau (giữa những người dân, những nạn nhân Việt Nam
đang sống dưới chế độ độc tài đảng trị) bằng một ánh mắt bao dung, dân chủ
và khoan hòa."
Và nếu bạn yêu nước hãy "đừng yêu theo cách
của một nhà độc tài."
Và sau cùng cũng phải làm 2 việc:
- Rút lại một câu trong đoạn đầu bài viết: các
bạn Hoàng Sa FC không chửi. Các bạn cũng chửi đó chứ. Chửi theo kiểu cách
riêng của các bạn đó thôi.
- Trả lại lời chúc của các bạn "một năm
yêu nước chân thành hơn". Yêu nước là yêu nước. Chân thành là chân
thành. Không nên có ít, có nhiều, so bì với nhau trong lòng yêu nước và mức độ
chân thành của lòng yêu nước giữa chúng ta làm gì. Lời chúc này chỉ nên dành
cho những người yêu nước giả dối.
*
TB. Xin gửi các bạn một bài viết cũ, đọc cho vui để
chúng ta có thể đồng cảm với nhau thêm phần nào về chuyện "chửi". Bài
này, có một vài còm sĩ trong thôn Danlambao cứ trích đoạn đầu để nói "tác
giả" xúi người ta chửi. Thật ra đó chỉ là những ghi nhận thực tế về hiện
tượng chửi, để ở phần sau bày tỏ mong ước của tác giả là khi biết chửi là
một phần rất người của chúng ta, không thể tránh khỏi, thì "nên cải
tiến" nó bằng cách nào cho tốt hơn. Dĩ nhiên, đó vẫn là góc nhìn giới
hạn của cá nhân người viết bài. Bài viết ở đây:
Chào thân ái,
No comments:
Post a Comment