Thursday, 30 January 2014

TỔNG KẾT NĂM 2013 : NĂM KHỞI ĐẦU CUẢ QUYỀN CON NGƯỜI (Nguyễn Công Huân)




Nguyễn Công Huân
Thứ Năm, 30/01/2014

Ngoảnh mặt đi, ngoảnh mặt lại, một năm cũ đã trôi qua, và một năm mới đang đến. Trước thềm năm mới này, nếu được hỏi về diễn biến chính trị đáng chú ý nhất của năm 2013, có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại trả lời: Đó là sự soán ngôi ngoạn mục của phong trào đòi Quyền Con Người tại Việt Nam.

Nhớ lại tháng 12 năm 2007 khi cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc lần đầu tiên bùng nổ ở Hà Nội và Sài Gòn, chúng ta đã rất vui khi thấy sau bao nhiêu năm người dân lại xuống đường thể hiện chính kiến của mình. Tuy nhiên trong sâu thẳm, tôi tin rằng có nhiều người vẫn mong rằng có một ngày nào đó được thấy thanh niên xuống đường vì động lực khác hơn là chủ nghĩa dân tộc. Và đúng sáu năm sau, ước mơ này đã thành hiện thực. Buổi dã ngoại nhân quyền do các blogger tổ chức ngày 5/5/2013, tiếp sau đó là sự kiện phát bóng bay với hàng chữ "Quyền Con Người của chúng ta phải được tôn trọng" và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền tại Nha Trang ngày 21/5/2013 đã đánh dấu những bước trưởng thành quan trọng của phong trào dân chủ Việt Nam. Năm 2013 cũng là năm hàng loạt các hội đoàn đấu tranh cho quyền con người ở Việt Nam ra đời, trong đó phải kể đến Hội Anh Em Dân Chủ (tháng 5), Mạng Lưới Blogger Việt Nam (tháng 12), và Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam (tháng 12). Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự xuất hiện vào tháng 9, những người dân oan ra mắt Ban Vận Động Hiệp Hội Dân Oan Việt Nam vào đúng 31/12 là những hình thức công khai thực thi quyền tự do ngôn luận và quyền lập hội, đáp ứng được nhu cầu bức xúc của người dân và đặt chính quyền vào vị thế khó ăn khó nói vì hoạt động ôn hòa, hợp lý và hợp tình của họ. Quyền con người cũng trở thành một chủ đề quan trọng trong các góp ý cho bản Hiến Pháp sửa đổi 2013 của nhóm nhân sĩ trí thức (Kiến nghị 72), của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam hay của các cá nhân như Cù Huy Hà Vũ, Trịnh Hội v.v... càng cho người dân thấy tầm quan trọng của nhân quyền trong quá trình phát triển đất nước.

Nhớ lại ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm 2012, trên mặt báo Dân Luận chúng ta chỉ thấy một tuyên bố chào mừng từ phong trào Con Đường Việt Nam. Thế mà cùng thời điểm đó của năm 2013, hàng loạt hoạt động kỷ niệm do các tổ chức trong và ngoài nước được ghi nhận: Từ ngày hội Tôi Tự Dotọa Đàm Hiểu và Hành Động vì Quyền Con Người cho đến sự ra mắt của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, kèm theo đó là hoạt động phát bóng bay và tài liệu về quyền con người ở cả hai đầu đất nước. Từ cuộc họp mặt đầu tiên của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam tới cuộc thi sáng tác video Quyền Con Người và Tôi 2013 do Con Đường Việt Nam, Mạng lưới Blogger Việt Nam và Dân Luận phối hợp tổ chức. Đâu đâu cũng thấy mọi người nói về quyền con người, tuy không phải ai cũng thực sự hiểu hết ý nghĩa của những quyền này. Từ những câu chữ tới hiểu biết, từ lý thuyết tới thực hành bao giờ cũng có những khoảng cách nhất định, nhưng trong năm 2013 chúng ta đã có bước khởi động đáng phấn khởi, tạo đà cho những bước tiến dài hơn.

Tháng 6 năm 2012 phong trào Con Đường Việt Nam ra đời trong sự nghi ngờ của rất nhiều người, tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng. Sự ra đời ồn ào này cũng có cái hay của nó, và có lẽ đó là một trong những lý do khiến nhiều người quan tâm đến chủ đề quyền con người hơn trong năm 2013. Cá nhân tôi chọn lựa ủng hộ phong trào này vì nhận thấy chiến lược quyền con người là một chiến lược thông minh để giải thể chế độ độc tài và xây dựng một xã hội dân chủ.

Thứ nhất, quyền con người tạo thế chính danh cho phong trào dân chủ: Từ trước tới nay, khi nói tới các cá nhân, tổ chức đấu tranh cho dân chủ, chính quyền thường chụp cho họ cái mũ phản động và gán cho họ cái mác muốn lật đổ chính quyền, muốn lên nắm quyền. Với những người dân chưa có hiểu biết về chính trị, tranh chấp quyền lực trong chính trị là "bẩn thỉu" và họ sẽ không ủng hộ các tổ chức này dù cũng chẳng ưa gì Đảng CSVN. Chuyển hướng sang đấu tranh cho quyền con người làm cho việc chụp mũ này trở nên vô nghĩa, và các tổ chức đấu tranh dân chủ sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân vì giờ đây họ đấu tranh cho quyền lợi của người dân.

Thứ nhì, quyền con người chính là điểm hội tụ của những lực lượng có lợi ích khác nhau ở Việt Nam, từ nông dân, dân oan, công nhân, trí thức, thanh niên tới tôn giáo v.v... Điểm hội tụ này sẽ đem lại sức mạnh của đoàn kết, và sức mạnh này sẽ đủ sức hạ bệ bất kỳ chế độ độc tài nào. Thứ ba, đấu tranh cho quyền con người tức là xây dựng một văn hóa tự do, công bằng, bình đẳng, nhân ái, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác. Đây là văn hóa cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ thực sự sau khi độc tài sụp đổ. Nó là động lực để người Việt Nam cảm thấy đất nước này thực sự là của mình, để yêu tổ quốc này hơn, để mỗi người sẽ phấn đấu hết mình để xây dựng một đất nước Việt Nam bằng anh bằng chị.

Khó nói điều gì sẽ xảy ra trong năm 2014, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng xu hướng đấu tranh và thực thi các quyền con người là không thể đảo ngược được trong năm tới. Trước giờ khắc giao thừa, xin chúc cho Việt Nam có những thay đổi tích cực trên phương diện tự do, dân chủ và nhân quyền trong năm 2014 này!



No comments:

Post a Comment

View My Stats