Thursday, 30 January 2014

NGÀY TẾT BÀN CHUYỆN "BỎ TẾT" (Thế Phong - phiatruoc.info)




Thế Phong   -   CTV Phía Trước
Posted on Jan 27, 2014

Từ lúc giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị nên bỏ nghỉ Tết Âm lịch, dư luận cả nước đã bàn nhiều. Dẫu điều này đã vấp phải làn sóng phản đối và chưa thành hiện thực, vậy mà khi nghĩ lại tôi vẫn còn thấy ớn lạnh, sợ hãi và muốn góp thêm chút thiển ý riêng mình.

Trước hết tôi xin khẳng định, giáo sư Võ Tòng Xuân là một trong những nhà trí thức mà tôi cho rằng xứng đáng liệt vào hàng khả kính nhất hiện nay của Việt Nam bởi tài năng, trí tuệ, nhân cách và tác phong làm việc, nghiên cứu tuyệt vời của ông – một Hiền nhân đúng nghĩa trong thời hiện đại này. Đứng trước vận mệnh đất nước, mỗi người có một cách nghĩ và đề xuất khác nhau, và con người, dù tài giỏi và đức hạnh đến đâu cũng không thể làm mọi việc, nghĩ mọi điều toàn bích như ngọc. Tôi xin được “tranh luận” về điều này với thái độ khoa học khách quan và tấm lòng trân quý rất mực đối với ông.

‘Gượng ép và cực đoan’

Để khẳng định sự đúng đắn của việc bỏ kì nghỉ Tết Âm lịch, giáo sư đưa ra năm lí do sau:

1.    Mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài.;
2.    Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm;
3.    Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành;
4.    Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng;
5.    Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ Tết Tây. 

Trong đó theo ông, tất cả mục tiêu của việc “bỏ Tết” này là vì phát triển kinh tế bởi việc nghỉ Tết dài hạn tạo ra sức ì, khiến người Việt ta chậm nắm bắt thời cơ và giảm khả năng cạnh tranh trên thế giới, cản trở sự hoạt động của guồng máy xã hội. Phần lớn trong số những lí lẽ mà giáo sư đưa ra đều có cái hợp lí của nó, song có vài chỗ gượng ép và quá cực đoan.

Thứ nhất, giáo sư chỉ chăm chăm vào mục tiêu phát triển kinh tế mà bỏ qua giá trị của Tết việc là nằm ở ý nghĩa văn hóa, tâm linh. Không thể nào đem điều này ra so sánh với các nước phương Tây hay kể cả Nhật Bản. Tại sao? Không tại sao cả, mỗi nước có sự thích ứng về văn hóa và thói quen sống khác nhau. Chúng ta có thể nào bắt người phương Tây bỏ đưa người già vào viện dưỡng lão mà xây dựng mái ấm gia đình ba thế hệ như người Á Đông được chăng? Ta cho rằng làm vậy là vô tình, rệu rã truyền thống tình thân nhưng họ lại lập luận rằng như vậy là đảm bảo người già được chăm sóc khi con cái đi làm vắng nhà. Ta cho rằng các bà cụ Việt không thể nào từ bỏ bàn thờ ông bà và thói quen khói hương tổ tiên thì người phương Tây bảo rằng vào viện dưỡng lão sẽ tạo điều kiện cho họ có người bầu bạn, chia sẻ, tâm sự, tránh bị trầm cảm, giúp sống thọ. Cứ tranh cãi mãi xem cái nào hợp lí hơn. Bên nào cũng có cái hợp lí và sự bất cập của nó. Nhưng tranh luận và bắt Đông theo Tây, Tây theo đông làm gì. Đơn giản ví đó là sự quy định của gen văn hóa, tạo ra vô thức tập thể có tính lưu truyền. Muốn thay đổi không hề dễ và ngay lập tức. Bởi vậy, đã nói đến văn hóa và tâm thức dân tộc thì đừng nên áp đặt buộc người Việt phải thay đổi theo ai, dù người ta có hay cỡ nào. Nêu áp đặt rập khuôn khác nào kêu người Ý ăn Bizza bằng đũa tre.

Văn hóa không thể cực đoan chủ nghĩa dân tộc, có những thứ cần học theo người nhưng còn những thứ thuộc về bản lai diện mục, ăn sâu trong tâm thức, thói quen và tâm linh con người thì đừng nên bàn đến chuyện đổi thay. Cố làm ắt sẽ sinh biến.

Nghỉ Tết không phải là một hành động sống mà là một cách sống, một thói quen hành xử có giá trị tâm linh đối với người Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Bảo rằng tại sao Nhật có thể thay đổi, bỏ việc này từ thời Minh Trị nhưng ta thì không vậy phải hỏi cả Hàn Quốc, Trung Quốc, tại sao họ cũng duy trì. Huống hồ Nhật vốn là đất nước có những ngoài lệ phi thường mà không phải một dân tộc nào muốn bứt phá làm theo là được. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, luôn phải hứng chịu tai họa sóng thần, động đất và sự phôi thai máu “phát xít” từ trong căn cốt nguyên thủy đã hun đúc cho dân tộc này khả năng thích ứng với những sự biến động đột biến, dù là nghiệt ngã nhất. Nhưng với Việt Nam thì không.

Chúng ta không nên nhìn hiện tượng ăn nhậu phè phỡn của một bộ phận người dân rồi kết án ngày Tết. Nhưng xét đến cùng trong cái ăn nhậu phè phỡn đó cũng chỉ đặt ra vấn đề hao tốn tiền của. Nhưng người ta nghỉ Tết là để tìm sự cân bằng tâm lí, giải tỏa áp lực cuộc sống sau một năm căng thẳng, điều này là vô giá. Bỏ Tết đi, con người đất Việt sẽ như một cỗ máy hết nhớt, gồng mình trong sự chuyển động tuần hoàn gượng ép vô thời hạn. Hậu quả này chúng ta phải ngẫm suy nhiều. Đừng hỏi tại sao các nước khác không nghỉ như dân ta vẫn bình thường. Tại sao à? Tại vì người Việt Nam không thể dẹp Tết để giàu lên như Pháp.

Các lí do mà giáo sư đưa ra có vẻ thuyết phục nhất cũng là lí do tôi cho rằng nó gượng ép vô cùng. Việc nghỉ Tết làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, đồng ý, nhưng giảm tới mức nào? Và có phải khi không nghỉ Tết nữa thì sức mạnh kinh tế sẽ tăng lên? Phát triển kinh tế là cả một bài toán tích tụ chiến lược, cái quan trọng hơn hết vẫn là nền tảng của khoa học cơ bản, cơ chế lãnh đạo và chiến lược tầm cao. Đi làm trong hai tuần nghỉ Tết đó chẳng lẽ có thể làm cho Việt Nam làm nên kì tích giàu lên như Nhật? Cái lợi thì quá mơ hồ hay không muốn nói là tình hình kinh tế thực ra chẳng cải thiện gì mấy nhưng cái hại thì đã thấy trước mắt.

Giá trị tâm linh

Tôi cho rằng nếu ta bỏ đi việc nghỉ Tết thì 90 triệu con người hiện có của đất nước Việt Nam sẽ bị một cú chấn thương tinh thần không thua kém gì người dân Trung Quốc từng bị cách mạng văn hóa 10 năm (1966–1976) gây ra, thậm chí còn thậm tệ hơn thế. Tết là người ta ăn chơi nhưng Tết không phải chỉ để ăn chơi. Tết là cơ hội để con người giải tỏa tâm lí căng thẳng, xóa bỏ muộn phiền. Cái quan trọng hơn hết là giá trị tâm linh của nó. Tự dưng đến Tết người Việt có ý thức sum vầy, Tết người Việt nhắc nhau hiếu thảo với cha mẹ, tưởng nhớ tổ tiên, Tết người ta sẽ làm hòa với nhau, chúc phúc cho nhau… Đùng một cái bỏ Tết, tâm thức dân tộc sẽ trở nên hụt hẫng và khô khan vô cùng. Lại phải đay nghiến cái kiểu so sánh với phương Tây. Tại sao Tây làm được. Đơn giản họ có những hoạt động văn hóa khác giúp sự sống của họ cân bằng và đời sống tinh thần thêm phong phú. Ta bỏ Tết vậy ta tìm cái gì thay thế nó đem đến cho người dân những giá trị tinh thần vô giá đó.

Các nhà trí thức cấp cao nhìn ra lợi ích kinh tế của việc bỏ Tết và rất có thể những người như giáo sư Võ Tòng Xuân sẽ làm tăng năng suất cống hiến của mình khi làm việc trong những ngày nghỉ Tết nhưng hàng chục triệu người Việt thì không. Lợi ích kinh tế mà giáo sư đưa ra có vẻ quá khó kiểm soát nếu không muốn nói là bất khả thi. Đất nước này đến hôm nay, tuy đã phát triển giáo dục nhiều nhưng dân trí nhìn chung vẫn thấp. Tôi không biết rằng trong 90 triệu người Việt hôm nay, thay vì nghỉ Tết hai tuần, họ sẽ làm gì cho bản thân họ giàu lên (chứ không dám mơ ích nước, lợi nhà)? Nhưng có một sự thất thoát thấy rõ là đời sống tinh thần của người Việt sẽ nghèo đi, thậm chí vô cảm vì họ đánh mất một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của đời người khiến họ sống vui, sống đẹp, sống hài hoài với đất trời, xã hội.

Cả một gã nhà nghèo Tết vẫn cố mua vài kí thịt nấu mâm cơm cúng ông bà và thấy lòng mình vui hơn ngày thường. Giá trị của Tết là làm cho con người sống vui, sống đẹp hơn.  Tôi ví việc dân ta vui Tết Nguyên Đán có giá trị tinh thần như người Kito giáo đi nhà thờ ngày Chúa Nhật. Một tuần họ có bảy ngày để sống, làm việc. Nhưng đến ngày Chúa Nhật họ đến nhà thờ để ca ngợi Chúa và nghe giảng lời Chúa. Để làm gì? Cốt là để họ sống bác ái đẹp lòng Chúa. Không đi nhà thờ mỗi tuần tôi tin người Công giáo ở nhà vẫn sống tốt nhưng tại sao họ phải đi. Vì đó là luật, là tâm linh. Thay vì ngày Chúa Nhật đi làm kiếm thêm tiền thì họ lại đến thánh đường để tâm hồn mình dồi dào ơn Chúa, Lời Chúa để mà sống tốt.

Tại sao người Việt phải nghỉ Tết? Mười ngày ngày nghỉ đó họ có thể đi làm để làm giàu nhưng họ cần có điểm dừng, điểm tựa cho tâm hồn. Người Việt cần có ngày dành cho cả nhà đoàn tụ. Người Việt cần có ngày để thể hiện truyền thống hiếu đạo, mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy. Người Việt cần có không khí Tết để tâm hồn mình rộng mở, trở nên yêu đời và yêu người hơn.

Người Phương Tây vốn rất thực dụng và có óc đam mê lợi nhuận kinh tế hơn người Á Đông nói chung. Nếu không thể yêu cầu họ bỏ việc đi nhà thờ ngày Chúa nhật mỗi tuần để làm kinh tế cho thêm giàu thì cũng đừng buộc người Việt bỏ nghỉ Tết Nguyên Đán hai tuần để tiết kiệm tiền bạc và tăng cơ hội cạnh tranh, làm giàu.

Xưa nay, bài học của lịch sử vẫn còn vẹn nguyên, những kẻ lãnh đạo bất chấp vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua đời sống văn hóa, tâm linh sẽ dẫn đến hậu quả tai hại như 10 năm động loạn của cách mạng Trung Quốc.

Xin cám ơn thành tâm và sự dũng cảm dứt khoát của giáo sư Võ Tòng Xuân, song riêng việc này tôi cho rằng giáo sư cần suy nghĩ lại. Tết Việt mà bỏ đi tôi e rằng sẽ có một cuộc khủng hoảng văn hóa và chấn thương tinh thần không gì bù đắp được. Kinh tế không giàu lên mà cái hại đã trước mắt. Bỏ cái truyền thống thì phải tìm cái mới thay thế giá trị. Nếu không đủ sức thì đừng nên thô bạo bất chấp, với tôi bỏ Tết là hành động xúc phạm đến hồn thiêng sông núi, cả thần và người đều phẫn nộ!

© 2014 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info



No comments:

Post a Comment

View My Stats