Thursday 30 January 2014

THAY LỜI CHÚC TẾT : HIẾN PHÁP & HIẾN PHÁP (Diễn Đàn)




Cập nhật lần cuối 30/01/2014

Lời chúc đầu năm

Hiến pháp và Hiến pháp

Diễn Đàn

Năm 2013 mở ra với một thông tin mà một năm sau nhìn lại, thật khó nói là ảo hay thật, thực hay hư : việc thảo luận về bản "dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992" sẽ "không có vùng cấm". Cụ thể, theo ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đồng thời là Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi HP1992 : "nhân dân có thể cho ý kiến đối với điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo, không có gì cấm kỵ cả" (trong buổi họp báo ngày 29.12.2012, trích theo VietnamNet cùng ngày). Đã đành, những tuyên bố khác của ông, như “Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp”, hay “Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp”, với cả cách hành văn và câu chữ "lưỡi gỗ" quá quen thuộc, hẳn đã làm cho những người quen theo dõi tình hình phải cảnh giác.

Nhưng, tại sao không? Nếu không nhảy xuống nước làm sao biết nước lạnh. Các vị trí thức soạn thảo ra "Kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992", 72 con người quá thừa hiểu cái chế độ trong đó họ sinh sống, lớn lên và đã từng hoặc còn đang làm việc ở nhiều cương vị khác nhau, đã chọn phương án "nhảy xuống nước". Và với việc làm có vẻ như vô vọng ấy (nếu chỉ đơn thuần là để trả lời câu hỏi "có làm thay đổi được tí gì không?" thì của đáng tội, "vô vọng" thật), họ đã khởi xướng lên cả một phong trào phản kháng từ những biểu hiện cụ thể "nhỏ nhặt" hàng ngày tới các cơ sở lý thuyết của một chế độ chính trị và một đội ngũ cầm quyền ngày càng chứng tỏ tính chất phản dân, hại nước của mình. Chỉ kể sơ vài sự việc. Những bài phân tích sâu sắc và không kém phần đanh thép của giáo sư Hoàng Xuân Phú như Hai tử huyệt của chế độ, Đảng và Nhân dân - vị thế bị tráo. "Tuyên bố 258" của mạng lưới blogger Việt Nam - gồm hầu hết là những thành viên mà tuổi đời trẻ hơn nhiều so với các vị trong "Kiến nghị 72" (18 tháng 7.2013). "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị " (22.9) và tiếp nối ngay sau đó là đề xuất Diễn đàn xã hội dân sự, với sự thành lập một trang thông tin độc lập. Hoặc tuyên bố dõng dạc của sinh viên Nguyễn Phương Uyên trước toà án Long An: chống đảng cộng sản không phải là tội, hay phản ứng đầy khí phách của nhà báo trẻ Nguyễn Đắc Kiên khi ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp mũ "suy thoái" cho những người chống lại điều 4 trong Hiến pháp. Hoặc những bài tố cáo chính sách bành trướng của Bắc Kinh, kẻ đỡ đầu cho chế độ, từ các trang mạng "lề trái" đã lan vào một số tờ báo chính thống ngày càng nhiều hơn...  

Đúng. Những bài viết, tuyên bố, hành động phản kháng đó chưa đủ để buộc chính quyền phải lùi bước và lựa chọn dân chủ, từ bỏ việc áp đặt sự "lãnh đạo của ĐCS" vào Hiến Pháp - thực hiện được cải ảo tưởng "lãnh đạo" ấy là một chuyện khác -, lựa chọn dân tộc thay vì sự lệ thuộc vào ngoại bang để bảo vệ quyền lợi phe nhóm của mình. Cũng chưa đủ để họ từ bỏ những đàn áp, bắt bớ đối với những người dân oan, những nhà báo, blogger độc lập...  

Đúng. 11 tháng sau khi bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được đưa ra để "lấy ý kiến nhân dân" (một quãng thời gian dài gấp hơn ba lần thời gian dự kiến là ba tháng, dưới sức ép của dư luận), nó đã được thông qua gần như nguyên văn, sau vài tuyên bố có vẻ như lùi bước, thực ra là phản ánh những đấu đá nội bộ gay gắt nhưng chưa đủ cường độ để vượt qua những tính toán, thoả hiệp vì quyền lợi của các phe nhóm. 

Nhưng, chưa đủ không có nghĩa là hoàn toàn vắng bóng, hoàn toàn vô nghĩa. Những ví dụ trên kia minh chứng cho một thực tế đang hình thành mà, nếu nhìn ra ngoài thế giới, đôi khi ta thấy rõ hơn ý nghĩa của nó.

Hai tháng sau khi phiên bản 2013 hầu như chẳng khác gì Hiến pháp 1992 lạc hậu, phản động ấy được thông qua, một bản Hiến pháp khác cũng được thông qua tại một đất nước khác, xa xôi nhưng không phải không có những điểm tương đồng với đất nước chúng ta. Một lực lượng bảo thủ, mà nhiều người, rất nhiều người cho rằng không thể thay đổi được, lực lượng Hồi giáo Tunisie, đã cùng với những lực lượng tiến bộ khác của nước này, bỏ phiếu thông qua một bản Hiến pháp tiến bộ như chưa từng thấy ở một nước Hồi giáo, A-rập. Một bản Hiến pháp thiết lập một "chế độ cộng hoà, dân chủ, với quyền tham dự của người dân, trong khuôn khổ một Nhà nước dân sự, được quản lý bằng luật pháp trong đó quyền làm chủ được nhân dân thực hiện trên cơ sở sự luân phiên hoà bình thông qua những cuộc bầu cử tự do, và nguyên lý phân quyền một cách cân bằng". Một Hiến pháp thừa nhận đạo Hồi như một quốc giáo nhưng lại không có một điều khoản nào buộc luật pháp của quốc gia phải tuân theo những thánh luật của đạo - như những người cực đoan trong đảng Hồi giáo đòi hỏi. Một thoả hiệp mà những người tiến bộ chấp nhận khi ngược lại họ đã buộc phe đối diện phải thông qua một điều khoản bảo đảm tự do tín ngưỡng và tự do lương tâm (điều 6), trong đó ghi rõ nhiệm vụ của Nhà nước là bảo vệ sự trung lập của các nhà thờ Hồi giáo chống lại mọi toan tính sử dụng các cơ sở tôn giáo này vào mục tiêu chính trị, đồng thời ngăn cấm mọi toan tính buộc tội người phản kháng là "chống đảng" (xin lỗi, "chống tôn giáo chính thống" - tiếng Pháp: apostasie). Một Hiến pháp của một nước Hồi giáo dành nhiều điều khoản để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ trong các hoạt động chính trị, xã hội, nghề nghiệp, và buộc Nhà nước phải có những chính sách cần thiết để xoá bỏ sự bạo hành đối với phụ nữ...
Ba năm sau cuộc "Cách mạng hoa nhài" (tháng 12.2010), đất nước A-rập, Hồi giáo này đang chứng minh cho thế giới thấy rằng một cuộc "diễn biến hoà bình" sang những giá trị phổ quát của nhân loại là hoàn toàn có thể, ngược lại với mọi định kiến. 

Hẳn đó cũng là điều mà những thành viên của một xã hội công dân còn mới manh nha ở nước ta vẫn đang kiên trì hoạt động để đạt được, với một lòng tin mỗi ngày một vững chắc hơn khi nhìn chung quanh ngày càng thấy mình được hỗ trợ nhiều hơn, từ người thân, bè bạn, đồng nghiệp v.v.

Cùng với lòng tin đó, cùng với số đặc biệt Giai phẩm Xuân Giáp Ngọ này (xin bấm vào khung bên cạnh - hoặc vào đây, để mở ra trang mục lục và bấm tiếp vào tên bài bạn muốn đọc), Diễn Đàn xin gửi tới bạn đọc và gia quyến những lời chúc một năm mới tốt lành nhất.




No comments:

Post a Comment

View My Stats