Thursday, 30 January 2014

THƯƠNG LẮM NGƯỜI TRẺ VIỆT NAM ! (Đoan Trang)




Thursday, January 30, 2014

Bạn cảm thấy sao khi ta chuẩn bị tinh thần ''nói chuyện thân mật'' với một nhóm 5-7 người là cùng, nhưng mở cửa ra thì trước mặt là một hội trường rộng mênh mông với gần trăm quan chức cao cấp của EU, và bạn ngồi vào vị trí diễn giả? Tất cả đều chăm chú nghe bạn nói, và sau đó ''dội bom'' bạn với ít nhất hai chục câu hỏi về tình hình nhân quyền Việt Nam...

Thật sự là lúc ngồi vào bàn chủ tọa, mình chỉ còn kịp có ý nghĩ: "Trời đất ơi, sao mà giống... phim hài Mỹ thế này? Tui đâu có biết là sẽ phải nói chuyện trước Hội đồng Châu Âu đâu".

Không có thời gian chuẩn bị, thậm chí không còn thời gian để nghĩ nữa. Mình bối rối bắt đầu, may còn kịp cài thêm một câu mở đầu: “Chúng tôi xin được nhấn mạnh, rằng đây là lần đầu tiên (the first time ever) những blogger như chúng tôi có mặt ở đây, sau khi vượt qua rất nhiều trở ngại, với tư cách đại diện cho những tiếng nói của xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam”.

Cử tọa lắng nghe chăm chú, và có lúc – khi được hỏi “foreign funding” (việc nhận tiền tài trợ của nước ngoài) ở Việt Nam có khó không, mình ngớ người, lắp bắp: “It simply doesn't work” (không áp dụng được trong bối cảnh Việt Nam). Mình lúng túng, cố diễn đạt rằng, việc nhận tiền nước ngoài không chỉ là khó, mà còn là nguy hiểm, mọi cá nhân, tổ chức dân sự được nước ngoài tài trợ đều được dán cái nhãn “nhận đô-la của thế lực thù địch”. Nói sao để họ hiểu cái thực tế rất bất thường đó ở Việt Nam?

Nhưng chính vào những lúc như thế này, mình mới càng thấy xót xa cho những người trẻ Việt Nam. Chúng ta – các bạn trẻ bây giờ, và cả thế hệ 7x của mình – đã không một ai có cơ hội được đào tạo tử tế trong môi trường Việt Nam. Chúng ta không hề được dạy về kỹ năng trình bày trước đám đông, về khả năng truyền thông, hùng biện, thậm chí chỉ đơn giản là truyền tải suy nghĩ của mình một cách hiệu quả đến với người nghe. Trách chúng ta sao được, khi chúng ta không hề được khuyến khích phát biểu ý kiến cá nhân trước lớp, trong giờ giảng bài của thầy cô, trong bài kiểm tra, bài thi. Chúng ta bị gieo cấy vào đầu quá nhiều tư tưởng độc hại: rằng việc lớn “đã có Đảng và Nhà nước lo”, rằng chính trị là độc quyền của một thiểu số tinh hoa (hoặc ngược lại, chính trị là bẩn thỉu, đừng dây vào; cứ lo việc mình cho tốt là được rồi). Chúng ta chẳng hiểu gì về thế giới bên ngoài, về xã hội văn minh, về cuộc sống mà lẽ ra chúng ta phải được sống, về nhân quyền.

Than ôi. Nói sao để họ hiểu? Và nói sao để tất cả chúng ta đều hiểu?

Ảnh: Tại Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS, tương đương với một bộ ngoại giao chung của EU), với ông Konstantin von Mentzingen, quan chức quan hệ quốc tế, chuyên về Việt Nam và Đông Nam Á).


Bài liên quan: 

Posted by Đoan Trang at 9:30 AM


No comments:

Post a Comment

View My Stats