Saturday 4 January 2014

CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, January 04, 2014 4:16:08 PM

Cứ đến đầu năm là nhà báo chúng tôi muốn làm thầy bói.

Tờ tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist chẳng hạn năm nào cũng cho xuất bản nguyên một tập san riêng để tiên đoán năm tới. Và trong những năm gần đây, The Economist còn đưa ra thẩm định cuối năm xem họ sai đúng chỗ nào.

Chẳng hạn như năm 2013 vừa qua, The Economist khoe là họ đã đoán đúng về kinh tế nói chung mặc dầu họ hy vọng hồi phục ở Hoa Kỳ rõ ràng hơn những hầu như không nhúc nhích ở khu vực đồng Euro. Nhưng họ đã bỏ qua ảnh hưởng của Abenomics, chính sách của ông Shinzo Abe đối với Nhật Bản mặc dầu họ tự hào là đoán đúng về nền kinh tế Anh. Trong kinh doanh họ đoán đúng là Microsoft và Nokia sẽ kết hợp vì hai công ty này là kẻ thua trong chuyển đổi của kỹ nghệ cellphones.

Họ có nhắc đến vấn đề quyền cá nhân nhưng chỉ nghĩ đến những công ty như Google hiện đang tích trữ không biết bao nhiêu dữ kiện của tất cả chúng ta. Họ không dè một sự kiện đã đưa vấn đề quyền riêng tư trở thành một vấn đề trọng đại qua sự tiết lộ của một ông Edward Snowden, cựu nhân viên của cơ quan National Security Agency của Hoa Kỳ về chương trình theo dõi tập thể khổng lồ của cơ quan này.

Một số tiên đoán của họ được họ cho là vừa đúng vừa sai. Chẳng hạn như họ nghĩ đúng khi vị Giáo hoàng cao tuổi, Ðức Giáo Hoàng Benedict sẽ gặp phải nhiều khó khăn vì tuổi tác, nhưng đã không tưởng nổi là ngài sẽ từ chức và được thay thế bởi vị Giáo hoàng hiện nay. Họ chắc chắn là bà Angela Merkel sẽ thắng cử và một đảng nhỏ sẽ lớn mạnh, nhưng họ nghĩ đó làng đảng Pirates thay vì là đảng bài Âu Châu Eurosceptic Alternative for Germany. Họ giả định là Hoa Kỳ sẽ tránh được “vực thẳm tài chánh” nhưng đã không thể tưởng tượng nổi chính phủ phải đóng cửa vào mùa Thu. Họ lo ngại về ảnh hưởng của al-Qaeda ở Phi Châu, tiên liệu những cuộc chiến trong bãi sa mạc của khu vực Sahara, mà quả khủng bố đã tấn công vào một xưởng chế biến khí đốt nằm trong sa mạc của Algerie, nhưng họ không dè là khủng bố còn tấn công vào một shopping centre ở Nairobi.

Một số điều xảy ra họ không hề nghĩ đến. Không phải lần đầu tiên họ công nhận là đã đoán sai về tài duy trì vị thế quyền lực của Tổng Thống Bashar al-Assad của Syria. Họ cũng không tiên đoán ra sự thử thách đầy kịch tính của “lằn đỏ” của Tổng Thống Barack Obama về sử dụng vũ khí hóa học. Họ cũng không tiên đoán một cuộc đảo chánh của quân đội ở Ai Cập. Và họ không nhắc đến cả người rồi đã trở thành tổng thống Iran, ông Hassan Rohani.

Nhưng điều mà The Economist nói là họ đã hoàn toàn không thấy là sự phổ biến của các cuộc phản đối lan tràn trên khắp thế giới từ Brazil dân chủ đến Thổ Nhĩ Kỳ độc đoán. Chủ bút của Thế giới năm 2014 còn đùa thêm “Quả đúng là chúng tôi có tiên đoán sự phổ biến của các phong trào phản đối của quần chúng nhưng tiên đoán đó là cho năm 2010. Trong cái nghề làm thầy bói, thời gian là tất cả.”

Năm nay trong thế giới năm 2014, The Economist lại tiên đoán sự phổ biến của bất ổn xã hội. Từ những phong trào chống chính sách khắc khổ đến cuộc nổi dậy của giới trung lưu, từ các quốc gia giàu đến các quốc gia nghèo, bất ổn xã hội sẽ gia tăng trên toàn thế giới. Trong bảng tiên đoán của họ, The Economist cho là rất ít triển vọng có bất ổn nhất, ngoài những quốc gia yên lành của Bắc Âu cùng Thụy Sĩ có thêm Nhật Bản. Triển vọng ít có thể có bạo loạn bao gồm từ Úc đến Hoa Kỳ ở giữa có Hồng Kông. Nguy cơ bạo loạn trung bình mở đầu với Angola và kết thúc với Việt Nam trong đó có Anh Quốc, Pháp và ở giữa có Thái Lan. Nguy cơ cao có bất ổn chính trị mở đầu với Albania và kết thúc là Ukraine trong đó có Trung Quốc, Cambodia, Lào, Philippines và Miến Ðiện.

Chưa quá vài ngày đầu năm mà Hồng Kông và Việt Nam đã cho thấy họ sai. Ngay ngày đầu năm đã có biểu tình phản đối.

Kinh nghiệm của tờ The Economist cho thấy nghề làm thầy bói khó khăn lắm thay mặc dầu các “thầy bói” ở tờ báo là những nhà báo lão thành, nắm được tim mạch của khu vực mình tường thuật, và những điều họ “bói ra” chẳng qua chỉ là những dự tính dựa trên kiến thức và kinh nghiệm.

Nhưng không vì thế mà nhà báo không dám làm thầy bói. Tờ Financial Times chẳng hạn hùng hồn tuyên bố “Tờ Financial Times không xem bói. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không dám tiên đoán tương lai.” Và họ đã mời các chuyên gia trong tờ báo tiên đoán khu vực của mình từ ai sẽ thắng World Cup năm nay đến kinh tài của thế giới.

Tờ FT cũng công nhận là không phải lúc nào họ cũng đúng. Hai cuộc bầu cử năm 2013 ở Âu Châu họ đã vừa đúng vừa sai. Mặc dầu chọn đúng bà Merkel sẽ thắng nhưng họ không tính ra liên minh sẽ giúp bà thành lập chính phủ. Họ nghĩ đó là Ðảng Xanh ai dè lại là Ðảng Dân Chủ Xã Hội. Về Ý thì họ sai bét khi tiên đoán là ông Mario Monte sẽ trở thành bộ trưởng tài chánh của nước Ý.

Tờ báo tự hào là tiên đoán của họ về nền kinh tế thế giới tương đối đúng nhất là về nước Anh khi kinh tế gia của họ cương quyết khẳng định là nước Anh không bị suy thoái ba lần. Họ cũng tự hào là đã đoán đúng về mức tăng trưởng của Hoa Kỳ.

Nhưng hai lời bói mạnh dạn nhất thì lại sai, tuy là sai có một chút thôi. Phóng viên thể thao của tờ báo khẳng định là cả bốn đội đứng đầu của Premier League của Anh sẽ thay đổi ông bầu. Rút cuộc chỉ có ba vì ông Arsène Wenger vẫn tiếp tục điều khiển đội Arsenal. Trong khi đó nhà bình luận về tình hình quốc tế Gideon Rachman tiên đoán là Tây phương sẽ can thiệp vào Syria. Họ bảo “cũng suýt có can thiệp,” nhưng thực ra ông Rachman đã không thấu hiểu nổi sự chán nản chiến tranh của nước Mỹ và thực tâm không muốn dính vào Trung Ðông của Tổng Thống Barack Obama.

FT cũng đưa ra một số tiên đoán cho năm 2014. Không kể những đề tài khô khan như liệu Ngân hàng Anh Quốc có tăng lãi suất hay không hay là liệu chính sách Abenomics có đem lại được lạm phát tại Nhật lên 2% hay không, tờ báo còn có những tiên đoán lý thú hơn.

Chẳng hạn như ai sẽ thắng World Cup? Phóng viên Simon Kuper của FT giải thích vòng vèo là World Cup khó tiên đoán vì cuộc đua quá ngắn và đội thắng chỉ phải chơi có bảy trận. Trong một giai đoạn ngắn như vậy, cái may đóng một vai trò quan trọng vô cùng, đặc biệt là ở vòng trong, khi hầu hết trò chơi được quyết định bởi nhiều khi chỉ một cú vào cung thành hay qua quả phạt đền. Sự sai biệt giữa kẻ thắng người thua do đó chỉ trong gang tấc. Nhưng nếu có phải chọn kẻ thắng thì hẳn đó là nước chủ nhà Brazil. Brazil có một đội tuyển đáng kính nể với một cầu thủ tiền vệ thần tài là Neymar. Hôm tháng 6 họ đã thắng giải Confederation Cup, vốn thường được coi là giải tiền World Cup. Và một nhà kinh tế gia chuyên về thể thao đã cho thấy cái lợi đất nhà trị giá bằng hai phần ba cú sút vào khung thành cho mỗi một trận đấu túc cầu. Tuy nhiên hiện nay tỉ số 3 ăn 1 mà các tay cá độ đặt ra cho Brazil quá ít so với cái bất định của World Cup. Nếu bạn đi cá độ, nên chọn Ý với 28 ăn 1. Có thể bạn thua nhưng nếu được thì sung sướng biết bao!

Riêng chúng tôi thì không dám tiên đoán gì cho năm 2014, nhưng trong bụng vẫn canh cánh con số năm nay. Tôi còn nhớ hồi còn đi học có được đọc một cuốn sách mang cái tên “The Guns of August - Tiếng súng tháng 8” của sử gia Barbara Tuchman tài ba. Cuốn sách chỉ nói đến tháng đầu của cuộc Thế Chiến Thứ Nhất, nhưng sao thấy phảng phất giống chúng ta ngày nay quá. Hy vọng là mình là thầy bói dở đoán sai.



No comments:

Post a Comment

View My Stats